Em là gió, chờn vờn trên vai và khiến người ta cảm thấy lạnh.
***
Nguyên rời xa tôi theo cách ấy. Bình thản và nhẹ nhàng như khi em đến. Đơn giản như một cơn gió thổi đến rồi bay đi, nhưng cũng đủ khiến trái tim tôi rung động.
Tôi viết đơn xin nghỉ việc ở công ty, một phần vì sức khỏe đang cần được để ý, cơ thể phải nghỉ ngơi, một phần tôi muốn tránh mặt Ly. Tôi nhận dịch và biên tập sách ở nhà. Buổi chiều hàng ngày, tôi đến trạm thú y phụ giúp bác sĩ chăm sóc những bé chó mèo chữa trị tại đó. Không còn thấy Minh đến làm việc. Có lẽ sau đợt thực tập, cậu ấy đã tìm được một nơi làm việc khác.
Tối, quay trở về nhà. Ban công trống hơ trống hoác, tôi lại lặng đi. Nhớ những trò quậy phá của hai bé mèo, cái cách nũng nịu của Nô Đen, cách mặt tủi thân của Su kinh khủng. Đứng thần người một lúc thì chuông điện thoại lại reo lên báo thức. “19h, ăn tối”. Cái gì vậy Nguyên? Tôi mở mục báo thức ra xem, thấy Nguyên đánh dấu rất nhiều ghi chú vào từng thời điểm khác nhau. Hư thật, không biết em lấy điện thoại tôi làm thế này từ bao giờ. Từ thứ 2 đến thứ 7, đều đặn, “6h30, dậy”. “7h, ăn sáng”. “19h. Ăn tối”. “20h. Đi chăn mấy em kiki. 22h”. Ngủ. Riêng ngày chủ nhật Nguyên bỏ hai mục “dậy” và “ăn sáng” đi để tôi có thể ngủ nướng vào ngày nghỉ.
Bước đến gần tủ lạnh, tôi mở ra xem kĩ hơn. Nguyên đã mua rất nhiều đồ ăn và sắp xếp vào từng hộp cho từng ngày. Ngày lẻ ăn thường, ngày chẵn ăn chay. Có một hộp xương sườn Nguyên còn dán giấy đánh dấu ghi: “nhớ để xương cho chó”. Nếu Nguyên không nhắc, có lẽ tôi cũng quên luôn bốn em chó kiki bị nhốt trong tấm lưới sắt khu xây dựng gần nhà. Tôi chọn một hộp thức ăn và lấy nồi nấu. Trên mặt hộp Nguyên còn dán mảnh giấy gạch đầu dòng mấy cái hướng dẫn cách chế biến. Tôi cứ thế làm theo. Vừa làm vừa nhớ cách nấu để lần sau không phải lúng túng xem hướng dẫn. Đến khi nấu xong xuôi thức ăn, quay ra thì mới nhớ mình chưa cắm cơm. Thật nản hết sức. Lại phải ngồi chờ cơm chín rồi mới có thể ăn và ra ngoài chăn mấy em ki. Nấu được bữa cơm mà mệt như chạy bộ mười cây số, không hiểu sao Nguyên có thể cả ngày đi học, tối về lo bữa tối, sáng dậy sớm nấu ăn rồi lại đi học như thế.
Bất chợt tôi thấy nhớ nụ cười của Nguyên, nhớ cả giọng quát tháo mấy con thú nhỏ. Căn nhà tôi giờ yên tĩnh đến nao lòng. Ngồi lặng thinh có thể nghe thấy tiếng gió nhẹ bên ngoài. Tôi bấm điện thoại, nhấn số Nguyên và gọi. Thuê bao không liên lạc được. Tôi thấy buồn. Chẳng lẽ đi thôi chưa đủ, Nguyên còn cắt đứt hết mọi liên lạc sao? Lủi thủi ra bếp lấy cơm ăn. Nhai cơm mà như bò nhai rơm, không cảm thấy một vị gì đặc biệt. Âm thanh của Tivi cũng không thể nào giúp tôi xua đi khoảng trống đang hiện hữu trong lòng. Tôi di di tay lên mấy mảnh giấy ghi chú, nét chữ mềm mại của Nguyên càng khiến tôi nhớ đến em. Ước gì ngày hôm nay, là ngày hôm kia, hôm kia nữa, khi em vẫn đứng chống tay ở bếp và quát: “Anh Nhật, anh có ăn nhanh cho em rửa bát không? Còn thằng Nô nữa, đừng cắn thùng bìa không chị cho ra ngoài ngủ bây giờ! Con Mướp kêu gì mà lắm thế? Ăn phải sâu róm à? Nusi, đi ra ngoài này ngay, đừng có tha xương cá vào gầm tủ cho thối um lên!”. Mỗi lần Nguyên nổi cáu quát tháo ầm ỹ, tôi đều nhăn nũi bịt tai lại, thế mà giờ đây muốn được nghe thêm một lần nữa, muốn ngày nào cũng được chịu đựng âm thanh chói tai ấy. Tại sao khi cơn gió đã bay đi, ta mới cảm thấy lạnh?
Hơn 8h tối, tôi lấy hộp cơm thừa bỏ vào túi rồi đi ra ngoài. Sang tháng Mười, Hà Nội bắt đầu chớm đông, gió mát và khô hơn. Tôi đi bộ lững thững trên con đường mà tôi và Nguyên đã cùng đi bên nhau trong suốt những ngày tháng vừa qua. Bờ cỏ bên đường đã được xén cho đỡ rậm rạp. Những tòa nhà ở đây đang trong công đoạn hoàn thành. Bỗng nhiên tôi thấy lo, nếu giải tỏa khu ở của công nhân, thì số mệnh bốn em kiki sẽ ra sao? Sẽ theo chủ sống tiếp những ngày lang bạt hay sẽ lên bàn nhậu?
Mấy con chó sủa nhẹ lên khi nhìn thấy bóng tôi. Hôm nay lạ thật, chúng nó không bị xích như mọi ngày mà được thả cho chạy tự do trong không gian sau tấm lưới. Tôi mở hộp rồi lấy một thanh tre bẹt gần đó xúc cơm vào cho chúng ăn. Dù đói nhưng các em ăn rất từ tốn, không tranh giành, không sủa nhặng lên. Vì đứng gần nên lúc này tôi mới có thể ngắm kĩ từng con một. Ve chó bám dày đặc từ tai xuống đuôi, có chỗ ve nhiều quá nên da bị lộ hẳn một mảng thịt đỏ hỏn. Nếu cứ thế này thì chúng nó sẽ chết vì nhiễm khuẩn trong môi trường sống tệ hại thế này.
- Chú đang chăn các bạn ấy à?
Tiếng hỏi nhỏ và yếu thôi nhưng đủ làm tôi giật bắn mình. Một đứa bé trai khoảng 6 tuổi. Mắt to và tròn nhìn tôi chờ đợi.
- Ừ. Chú đang cho chó ăn
- Chú cho các bạn ăn gì thế?
- Cơm và xương…
- Hay quá, hôm nay cháu không có thịt, cháu chỉ có rau và bánh Bông Lan
Cậu bé xòe tay ra cho tôi xem. Hai mẩu bánh bé xíu và một túi cơm trắng nhỏ ở tay bên kia. Như thế này nếu là bình thường sẽ không đủ cho bốn con chó. Cậu bé ngồi bệt xuống cỏ, loay hoay mở nút túi cơm ra. Tôi cúi xuống mở giúp, thế là cậu bé đưa cho tôi luôn rồi quay vào phía tấm lưới sắt.
- Hôm qua Hi và Sa ăn rồi, hôm nay tớ cho Mi với Su ăn thôi.
- Gì cơ?
- À không không ạ, cháu đang nói với các bạn ấy!
- Hi Sa Mi Su?
- Cháu đặt đó, chú thấy có hay không?
- Ừ hay! Smile
Nói xong cậu bé chìa hai miếng bánh về phía hai con chó lông đậm màu hơn. Tôi thì thấy con nào cũng như con nào, không thể phân biệt được đâu là Hi, đâu là Sa, đâu là Mi, đâu là Su. Vậy là cậu bé này mỗi ngày chỉ để dành được hai miếng bánh và chỉ cho được hai con chó ăn.
- Cháu để dành bánh cho chúng nó, thế cháu không ăn à?
- Có chứ ạ, hôm nào thèm quá cháu sẽ cắn của các bạn ý một miếng, nhỏ từng này! – Cậu bé giơ ngón tay cái cho tôi nhìn. Tôi cười.
…
- Chú ơi, thế cái cô tóc dài đeo kính đâu hả chú?
- Cô nào?
- Cô ấy vẫn hay ra đây cho các bạn ấy ăn mà
- À, chú …không biết! – Tim tôi hơi thắt lại khi cậu bé nhắc đến Nguyên
- Thế sao chú biết chỗ này ạ?
- Chú biết lâu rồi bé ạ!
- Thế sao cháu không thấy chú bao giờ?
- Dạo này chú ốm nên không ra đây nhiều được
- Thế chú khỏi ốm rồi đúng không?
- Chú khỏi rồi
- Thế thì có nghĩa là chú và cháu sẽ gặp nhau nữa nhỉ
- Hì, ừ!
- Chết, cháu cho các bạn ấy ăn hết bánh rồi, không còn cho chú rồi.
- Ơ chú không ăn bánh đâu.
- Nhưng kết bạn thì phải cho bạn bánh để tò lòng hào hiệp
- Ha ha, ai dạy cháu thế?
- Mẹ cháu!
- Thế thì chú có kẹo này. Cho cháu – Tôi lôi cái kẹo trong túi quần ra. Phương Anh cho tôi hôm qua, chắc vẫn ăn được. Cậu bé con đưa hai tay đón kẹo và cười tít mắt.
- Mai cháu sẽ phần bánh Bông Lan cho chú. Hôm nay cháu sẽ đưa chú về để tỏ tấm lòng.
- Ơ… Đồng ý! – Tôi buột miệng trả lời dù không biết cậu bé sẽ đưa t