Hạ hoàng bệnh kéo dài, đã một năm không vào triều, Ngụy Quang cũng cáo ốm không quản chính sự, chẳng ai biết con cáo già này đang dự tính điều gì. Thế cục ở Đại Hạ bây giờ như một hồ nước sôi lăn tăn, chỉ cần bỏ thêm một cục than thì sẽ ùng ục sôi trào. Hiện tại, không bên nào được phép có bất kỳ hành động khinh suất thiếu suy nghĩ nào.
Nàng hiểu được điểm này thì sao chàng lại có thể không rõ?
Mai Hương không nhịn được hỏi: “Tiểu Thư, bây giờ chúng ta rốt cuộc đang làm gì vậy?”
Sở Kiều từ tốn nhìn sang, thần sắc như có sương lạnh bao phủ, trầm giọng nói chỉ một từ: “Chờ.”
Qua ngày thứ hai, đại điển đăng cơ của tân đế được cử hành.
Trên long ỷ vàng rực trong đại điện Quốc Tử là một đứa bé nhỏ tuổi ngồi ngay ngắn, phía sau buông rèm chấp chính là hai nữ tử y phục hoa lệ, theo thứ tự là mẫu phi của hoàng trưởng tử, Viên thái hậu, và thái phi Chiêm thị.
Trong đại điện rộng lớn còn có thái phó Chiêm Tử Du vừa được nâng lên làm nhiếp chính vương im lặng ngồi một bên, triều phục đen tuyền theo bàn long sáu ngón, mão quan cao ngất, khóe môi ẩn chứa ý cười lạnh nhạt như nước, không chút dao động.
Hậu vị đã bỏ trống nhiều năm, bản thân Lý Sách cũng không có tỷ muội hay huynh đệ nào khác, hôm nay đột ngột băng hà, thái hậu cũng không còn, chúng đại thần chỉ có thể tuân theo di chiếu của hắn mà nâng hoàng trưởng tử Lý Tu Nghi lên ngôi. Nhưng mẫu phi Viên thị của hoàng trưởng tử vốn xuất thân cung nữ ở hoán y cục*, không đủ tư cách chấp chính, nên người hiện tại có phân vị cao nhất trong hậu cung là Minh thái phi liền thuận lý thành chương** trở thành dưỡng mẫu của tân đế, cùng phụ chính với Viên thái hậu.
*Hoán y cục = nơi giặt giũ quần áo
** Thuận lý thành chương = chuyện hiển nhiên
Hoàng đế chỉ mới sáu tuổi, thái hậu và thái phi buông rèm chấp chính, hoàng quyền dĩ nhiên trở thành hư danh. Viên thị từ nhỏ vì gia tộc thất thế mà bị đưa vào cung làm tỳ nữ, thân tộc gia quyến không còn ai khác, nên quyền lực triều chính nhất thời đều rơi vào trong tay đôi huynh muội Chiêm gia vốn từng bị Biện Đường trục xuất trước đó.
Thế cục thay đổi đột ngột, tựa như thủy lưu dưới mặt băng, bề ngoài nhìn không thấy gì nhưng thực chất lại cuồn cuộn mãnh liệt, có thể không chút tiếng động dìm chết bất kỳ ai bị cuốn vào.
Nhóm sủng thần của tiền triều do Tôn Đệ dẫn đầu đều không tránh khỏi bị chèn ép, lần lượt bị gán tội là vây cánh của Lạc vương rồi bị đưa vào Thượng Lý viện thẩm tra. Toàn bộ cung nhân ở bên cạnh Lý Sách hôm hắn ra đi đều bị chém đầu, tất cả tần phi phu nhân vũ cơ cấp vị thấp đều bị đưa đến xuất gia ở An Hóa tự trên Phật Sơn.
Đợt cải chính mạnh mẽ tựa như một cơn gió thu cuốn sạch lá vàng quét ngang triều đình Biện Đường, bất kỳ lời dị nghị đối kháng nào cũng bị lưỡi kiếm sắc bén chặt đứt không chút khoan nhượng.
Dưới sự đàn áp dữ dội như thế, đám lão thần còn do dự ban đầu chỉ trong thời gian ngắn liền lập tức hối hả quay ngoắt một trăm tám mươi độ, sau mỗi ngày lâm triều đều thi nhau chạy đến gõ cửa phủ của nhiếp chính vương Chiêm Tử Du, hết lời nịnh nọt chân chó.
Có điều, ngoài dự liệu của Sở Kiều, trong tình huống như vậy, người đầu tiên đứng ra phản đối lại chính là Liễu các lão từng nhiều lần đối nghịch với Lý Sách.
Đầu tháng 9, trước cổng cung Kim Ngô, Liễu các lão chặn đường xa giá của huynh muội Chiêm gia, lớn tiếng mắng mỏ bọn họ là loạn thần tặc tử đảo loạn triều cường, còn nêu rõ nghi ngờ của mình về chuyện tiên hoàng bị hành thích ở điện Nhu Phúc ngày đó đều do một tay bọn họ sắp đặt, vu tội Chiêm Tử Du và Chiêm Tử Minh rắp tâm mưu sát tiên đế, đáng bị chém đầu. Nói xong, ông liền lao mình vào mũi đao của một hộ vệ, trước khi chết còn hô to vương hiệu của Lý Sách, máu tươi bắn đầy một khoảng sân.
Lúc ấy Chiêm Tử Du vẫn một mực an vị trong xe, từ đầu đến cuối không hề lộ diện, đến khi thi thể của Liễu các lão bị khiêng đi, hắn mới thản nhiên bước xuống, còn ném ra xấp ngân phiếu trị giá ba trăm lượng vàng cho con cháu Liễu gia đến nhặt xác, bảo bọn họ mau an táng lão phụ nhà mình.
Sở Kiều nghe được tin này lúc đang dùng bữa, là Đa Cát đến thông báo, cánh tay hơi khựng lại khiến canh sen trong chén hơi sánh ra ngoài. Nàng nghe được cũng chỉ im lặng trầm tư, hồi lâu cũng không nói gì.
Buổi tối hôm đó, cửa sổ phòng Sở Kiều đã sáng đèn suốt đêm. Đa Cát ngồi bên bàn đá trong sân, hông đeo túi rượu bằng da dê, cả đêm không về phòng ngủ.
Chuyện của Liễu các lão được truyền ra ngoài đã dấy lên một trận hỗn loạn không nhỏ, thư sinh các nơi đều tụ tập đến Đường Kinh, liên tục viết văn tự dài mấy vạn chữ, thông qua người có địa vị gửi vào triều, yêu cầu Thượng Lý viện, Tam Ti phủ và Hình bộ nghiêm trị hung thủ giết người, trả lại trong sạch cho triều chính Biện Đường.
Nhưng chỉ hai ngày sau, Chiêm Tử Du phái Trung ương quân ra bắt nhốt toàn bộ nhóm thư sinh đệ đơn kiến nghị, nhất thời khiến thiên lao của Thượng Lý viện chật ních, đủ loại âm thanh phẫn nộ truyền ra. Chúng viện phán của Thượng Lý viện sầu khổ đến xin chỉ thị của Chiêm Tử Du thì chỉ nghe được vị nhiếp chính vương trẻ tuổi kia lạnh nhạt buông ra một câu: “Chẳng phải sườn núi Hoàng Tuyền ở ngoại thành vẫn còn chỗ sao?”
Mặt viên viện phán tóc bạc phơ nhất thời trắng bệch, sườn núi Hoàng Tuyền ở ngoại thành chính là bãi tha ma, nhiếp chính vương nói thế, ngụ ý là gì không giải thích thêm cũng hiểu được.
Xế chiều hôm đó, thiên lao của Thượng Lý viện bất ngờ bị cháy khiến hơn phân nửa phạm nhân bị chết cháy, vô số thi thể trẻ tuổi bị vứt ra sườn núi Hoàng Tuyền, ngay cả cỗ quan tài cũng không có, cứ như vậy phơi mình giữa trời, trở thành bữa ăn khuya cho đám hổ sói gần đó. Còn Thượng Lý viện chỉ giao ra hai gã lính canh ngục vì uống rượu mà chểnh mảng trách nhiệm là xong chuyện.
Ngày 27 tháng 9, gió trở lớn, thu thêm nồng.
Buổi lâm triều hôm nay không giống như thường lệ, hoàn toàn do nhiếp chính vương Chiêm Tử Du toàn quyền, buông rèm chấp chính cũng chỉ có mình Chiêm Tử Minh. Ngự y thông báo tiểu hoàng đế bị cảm, hôm nay không thể vào triều, thái hậu phải ở cạnh chăm sóc nên buổi lâm triều hôm nay sẽ do thái phi chủ trì.
Quần thần còn chưa kịp có phản ứng thì nội thị đã mang một bảo tọa rực rỡ lên đặt kế vương tọa*. Bảo tọa có chạm trổ hình mãng long chín đuôi tinh xảo, nhìn thoáng qua không khác gì hình bàn long trên vương tọa.
*Vương tọa = tương tự long ỷ, là ghế dành cho vua ngồi
Nội thị truyền chỉ còn ca tụng công đức của Chiêm Tử Du một phen mới lấy thánh chỉ ra đọc to, nói cái gì bảo tọa này là hoàng đế tự mình sai người thiết kế vì thương tiếc nhiếp chính vương Chiêm Tử Du thân có bệnh, sau này vào triều có thể ngồi ở chỗ này, hơn nữa còn ban tặng điện Lăng Tiêu trong cung Kim Ngô, để hắn khỏi phải mỗi ngày bôn ba vào triều nữa.
Chiêm Tử Du một lò