vết thẹo gớm ghiếc. Tụi nó chập chờn ẩn hiện. Khi thấy tui bước vô thì biến mất. Lúc đó cậu Bửu nằm mê man. Tui bắt mạch thì thấy trong sáu bộ mạch của cẩu, không mạch nào phát hiện. Tui biết cẩu bị ma dựa nên đọc kinh trừ tà. Chừng giáp bã trầu, mạch bắt đầu máy động ở quan bộ nhưng không hiện rõ phù, trầm, trì, sác. Tui bèn đọc tiếp 105 biến Tiêu tai cát tường và 105 biến Phật mẫu chuẩn đề thần chú. Đó rồi mạch lao sái hiện ra, nhưng đó là mạch của kẻ sắp chết. Vậy mà từ khi về chùa, mạch cẩu lại thay đổi. Thuốc thang do tui hốt đâu có hể hiệu nghiệm mau như vậy được! Vậy xin thầy gắng chờ năm mười bữa hoặc nửa tháng coi bịnh cẩu sẽ xoay chiều đổi hướng tốt đẹp hơn chăng! Pháp sư Chơn Huệ nói: – Những điều ông thấy, tui không lấy làm lạ đâu! Những bóng quỉ mặt xanh nang bạc cùng mụ quỉ mẫu mặt thẹo kia chỉ là những vong hồn bao kiếp trước về báo oán cháu tui. Giớ đây, cháu tui đực vong linh má nó phù trợ, lũ ma quỉ kia khuấy phá lần chót cho sạch oan nghiệp để sau nầy nó hưởng phước quả tròn trận. Tui tin rằng khi nó theo tui lên tu trên núi Cô Tô thì nó sẽ dứt bịnh. Bà Năm Tảo ngó về phía bếp nói vọng xuống: – Tụi bây mau đem bánh trái ra đây. Tụi bây làm gì lúc thúc ở trỏng mà không ra chào hầy? Hai cô Túy từ bếp bưng mâm mận, xoài, đu đủ lẫn khóm xét miếng, một dĩa bánh phục linh, ba chén sương sa hột lựu. Hai cô chấp tay cúi chào pháp sư rồi xuống bếp nấu thêm nước châm trà. Bà Năm Tảo lấy ba lượng bột huỳnh tinh, một lượng đường phèn, trao cho sư, ân cần bảo: – Gọi là chút phẩm vật cho cậu Bửu. Thầy dặn chú Như Pháp khuấy bột trong hoặc bột trứng cá cho cẩu ăn. Khuấy bọt trứng cá thì đẹp mắt nhưng ăn lâu tiêu hơn khuấy trong. Bột huỳnh tinh Mỹ Khê xứ Quảng phải khuấy đường cát trắng, đừng khuấy với đường thẻ hoặc đường cát mỡ gà mà kém màu gương vẻ ngọc. Ông Năm Tảo trách vợ: – Má hai con Túy lôi thôi quá! Sao không tặng thầy một ít quế Trà Bồng xứ Quảng để thầy mài ra uống lỡ khi đau bụng. Bà Năm Tảo liền vào trong mở thùng kẽm lấy quế ở ngăn trên. Thùng kẽm có hai ngăn, ngăn nầy cách ngăn dưới bằng một phên tre, bên dưới đổ đầy mật ong. Chỉ có hương mật ong mới có thể xua tan ẩm mốc và giữ quế lâu dài. Trước khi từ giã ra về, pháp sư Chơn Huệ tặng ông bà Năm Tảo bốn đạo bùa trừ tà chép Lăng Nghiệm thần chú bằng chữ Bắc Phạn trên giấy mỏng. Giấy chép được xếp thành một miếng hình vuông, bề dài một tấc, bề ngang ba phân, bề dày một phân. Cô Hai Túy Ngọc đã may sẵn bốn đãy gấm để đựng bùa, mỗi người trong nhà giữ một đãy. Ông Năm Tảo dặn: – Tuy là mỗi người giữ một đạo thần chú, nhưng mẹ nó và các con không nên cất giữ trong chốn buồng the là chỗ uế trược. Nên đặt bốn túi gấm ở chỗ bàn Phật thì hơn. Nhìn bóng nắng rút khỏi nửa giàn mướp trên vạt đất giáp sân trước, bà Năm giục hai con: – Mau nấu cơm đi. Ba bây ăn cơm sớm để còn đi Cái Sơn Lớn cho kịp con nước. Cô Hai xách nồi đồng đi đong gạo. Nhà nầy phải nấu ba lon một nhúm, cơm ăn không hết thì sẽ rang váo lúc sáng mai cho ông Năm Tảo ăn chắc bụng. Cô Ba xách rổ ra vườn hái một trái mướp hương, một mớ rau bồ ngót, rau giên gai, đọt mồng tơi để nấu canh tép bạc giã nhuyễn. Cô cũng đã ướp sẵn mớ cá chạch với tiêu, tỏi, nước mắm trong cái tộ sành thô nặng. Ông Năm rất ưa món cá chạch kho nghệ, mà phải do tay cô Ba kho ông mới bằng bụng. Kho loại cá nầy là phải giữ nguyên mùi sông rạch thấm vào sớ cá. Đó là mùi bùn, mùi cỏ năng, cỏ lác, cỏ song chằng. Mà ai nói cá chạch ăn độc? Xôi ơi, cá chạch ăn bọt nước để sống thì độc sao được! Mà thịt cá dẫu có độc, cô chỉ dằn vào tộ cá một chút đọt gừng xát chỉ là bao nhiêu độc khí cũng bay ráo trọi, bao nhiêu độc chất cũng bị hóa giải tuốt luốt! Đang lúc hai chị em làm bếp thì bên cửa hông vườn có tiếng gọi giựt ngược: – Con Hai, con Ba đâu mở cổng ráo cho chị Út bây qua ngoạn cảnh một chút coi nào! Cô Hai Túy Ngọc nhìn qua cô Ba Túy Nguyệt cười chúm chím. Rồi! Tại họa đùng đùng tới rồi! Đúng như bà Năm Tảo hay phàn nàn: Nhắc vàng nhắc bạc thì khó thấy, chớ nhắc cô gái già Út Ngan kia là có ngay! Út Ngan chê cái tên Ngan không êm tai, không văn huê đài các nên tự xưng là Út Ngọc An. Út Ngọc An không xấu. Cái hại của cô ta là tưởng mình đẹp nên õng ẹo quá trớn, làm dáng làm điệu thả giàn. Cô ta lại có cái lưỡi đôi chiều thiệt nguy hiểm. Hễ gặp hai đàng thù nghịch nhau, cô đâm bị thóc chọc bị gạo, khen đàng nầy chê đàng kia, dùng lời khích bác ối thù hai bên càng thêm sâu đậm. Tuy nhiên, bà Năm Tảo lẫn hai chị em cô Túy đều thích cách nói chuyện pha lửng của cô ta dù họ công kích cái miệng độc địa và cái lưỡi đêu xảo của cô. Thực tâm, cô Út Ngọc An không hiểm độc, cô ta nói xấu chỉ vỉ nhu cầu mua vui một cách bịnh hoạn mà thôi. Cô Hai cời đống than đỏ rực trong chiếc cà ràng đỏ để có cơm cháy dưới đáy nồi. Xong xả, cô qua hông vườn, mở cửa cho cô Út Ngọc An bước vào. Cô thấy cặp mắt cô Hai ướt sũng nước mắt vì khói bếp, liền cất giọng eo éo: Hai tay nưng vạt áo dài, Chặm lên con mắt, chặm hoài không khô. Cô Hai Túy Ngọc hỏi: – Chị nấu cơm xong chưa mà coi bộ rảnh rang quá vậy? Cô Út liếc xéo cô bạn hàng xóm: – Ông già tao với anh Ba đi ăn giỗ ở Lộc Hòa. Vợ chồng anh Hai thi xuống Cá Mau làm mắm từ hai tháng nay. Nhà chỉ còn hai má con. Hôm qua tao mua được mớ cá mục chở từ biển Ba Động về kho chan bún. Nấu cơm làm chi ắc công! Hôm nay Út Ngọc An mặc quần cẩm quất trắng, áo bà ba bằng hàng bombay màu cà phê sữa. Về nữ trang, cô đeo chiếc cẩm thạch huyết ở tay mặt, cẩm thạch xanh hoa lý ở tay trái. Tai cô đeo bông chạm tỉ mỉ, ngón tay đeo chiếc cà rá nhận cẩm thạch hột vuông. Út Ngọc An nói: – Cha chả, hôm nay trời nổi gió, nắng thì trong mà gió thì lồng lộng. Thời tiết kỳ cục! Tụi mình vô bếp đi. Hễ thời tiết tráo trở thì gió máy độc địa lắm, bịnh như chơi! Cô Hai thừa biết cô Út muốn vô bếp để dòm hành coi chiều nay cả nhà ăn cơm với những món gì. Tuy ghét cái tật tò mò tọc mạch của cô Út nhưng cô vẫn đưa cô Út vào bếp. Cô gái già đảo mắt qua những nồi, những soong thức ăn đang nấu trên mẻ than đỏ rực, phê bình: – Cá chạch xứ nầy tuy mập nhưng không ngon bằng cá chạch ở sông Vàm Cỏ. Năm ngoái tao đi thăm dì Tám tao ở kinh Bà Bèo ăn cá chạch đã đời. Kinh Bà Bèo chảy qua quận Cai Lậy cũng là nhánh của sông Vàm Cỏ Tây đó đa! À, sao tụi bây kho cá đối mà không chiên? Con nầy quê quá. Nhà tao thích ăn cá nục, cá thu kho hơn. Cô Hai nhìn em. Cô Ba Túy Nguyệt có vẻ bực mình, sắc mặt lợt lạt, nguýt cô Út một cái bén ngót. Cô Hai êm ái giải thích: – Cá thu, cá nục lâu lâu nới có bán ở chợ cá tỉnh mình. Bởi vì xứ nầy xa biển, phương tiện giao thông từ biển Ba Động tới tỉnh mình chưa được dồi dào, cho nên muốn có cá biển kho nấu thiệt là khó. Mấy ai được như nhà chị! Cô Út Ngọc An hãnh diện: – Vậy mà nhà tao có cá biển ăn hoài hoài. Đời nào tao thèm ăn chả cá thác lác chiên. Tao làm chả bằng cá thu. Cô Ba cự nự: – Sao chị dại quá vậy? Thịt cá thác lác dẻo hơn, ngọt béo thần sầu. Cá thu mà đem làm chả thì thua cá thác lác một trăm cây số. Đành rằng cá thác lác nhiều xương, nhưng nếu mình khéo lóc thịt đ