mặt cô gái lạ, nhưng dáng dấp cô thiệt mảnh mai yểu điệu, chiếc áo màu xanh cẩm thạch của cô sự nức mùi hương dạ lý. Cô ta đi vào vùng tối lờ mờ của khu vườn rồi biến mất. Khi cả hai vào nhà, cô Hai Túy Ngọc hỏi tía má mình: – Mới hừng sáng mả đã có người tới coi mạch hốt thuốc rồi sao, tía? Ông Nam Tảo chừng hửng: – Ủa, ai đâu? Hồi canh năm má bây thức dậy lo nấu xôi, còn tía thì ngủ nướng mãi tới khi bây về chớ có ai tới đâu? Cô ba thuật lại vận sự hai chị em vừa chứng kiến. Bà Năm không biết giải thích cánh nào, liền chạy lại bờ rào ngóng về phía nhà bà Chín Thẹo, gọi: – Chị Chín! Chị qua tui ăn lót lòng. Tui có chuyện muốn thưa với chị. Bà Chín Thẹo tại mân điểm tâm ờ nhà ông Năm Tảo sáng hôm đó, giải thích sự xuất hiện của cô gái bên bụi dạ lý như sau: – Có phải con nhỏ đó xõa tóc không? Đờn bà con gái xứ mình hễ bận áo dài là bới tóc đàng hoàng chớ đâu để tóc ngang lưng như vậy! Cô gái đó không phải là” người ta” đâu! Cổ là con tinh của cây dạ lý, cũng áo màu cẩm thạch, cũng tóc xõa ngang lưng như vậy. Hàng rào nhà tao cũng có mấy khóm dạ lý già như hàng rào bên đây vậy. Hai cô con gái tái mặt. Bà Chín trấn an: – Tinh cây dạ lý hiền lắm. Tụi nó sợ loài người, không dám hãm hại phá phách gì đâu! Tinh loài ngải diệp thì ưa giả gái đẹp để chài bợm háo sắc. Còn loại cây lớn như cây da, cây mù u, cây sao, cây dầu, cây dương… sống từ 50 năm sắp lên đều hành tinh cả. Tụi tinh đó không chọc ghẹo phá phách ai, nhưng loài người cũng đừng chọc tụi nó, đừng đẽo thân hoặc tước vỏ, chặt nhánh, tỉa ngọn; đừng phóng uế dưới gốc nó mà mang họa. Cuộc đất miền đồng bằng sông Cửu khẩn hoang chưa đến 500 năm. Mật độ dân chúng ở miệt vườn còn thấp. Hễ người sống thưa thớt thì nhưng kẻ cõi âm sẽ tác nghiệt lộng hành. Trời Phật ở xa, ma quỉ ở gần. Cố giữ cho khỏi đụng chạm tới chúng cũng đã mệt cầm canh rồi, có mấy ai đủ phép thần thông mà tróc quỉ, trừ ma, tấn công tà thần, áp đảo yêu quái? Cô Hai Túy Ngọc có một nội lực vững vàng. Cô là một Phật tử thuần thành, nắm vững hai vấn đề từ bi và trí tuệ. Đới với cô, bọn tà thần, ma quỉ, yêu quái dầu có thần thông thế mấy cũng vẫn là những chúng sinh không tìm được hạnh phúc nên phải tắc oai, lộng hành cho hả cơn tức của mình. Hễ người sống biết giữ tâm chí, giữ lòng thanh tịnh thì không có âm binh, ma quỉ nào dám dựa, nhập, ốp vô mình được! Vẫn biết chúng tàn ác và rắn mắt, nhưng người sống phải mở lòng từ bi để đọc thần chú vãng sinh cho chúng, phải tụng kinh Phương đẳng Đại thừa chú nguyện cho chúng sớm giác ngộ, sớm siêu sanh. Với ý nguyện ấy, mỗi đêm cô thắp nhang tụng đọc bảy biến Đại bi thần chú trước khi ngủ. Nhưng từ bốn hôm rồi vì có kinh nguyệt nên cô không dám thắp nhang, cúng nước và tụng chú. Hôm nay mình mẩy sạch sẽ, nhưng cô cảm thấy còn bải hoải ngầy ngật nên tạm gác đọc thần chú qua một bên. Ngài mai nhất định cô sẽ tụng kinh Địa Tạng, hồi hướng cho những kẻ còn kẹt ở địa ngục và cầu cho dì Út Thoại Huê của cô mở lượng từ bi, tha thứ tên sở khanh Hai Luyện kia. Cô muốn nhắc nhở với vong linh người dì u mê kia rằng, chắc kiếp trước dì đã gây oan trái cho cậu Hai Luyện nên kiếp nầy cậu đòi nợ. Thôi thì dì nên chấm dứt vòng vay trả ở kiếp nầy để kiếp sao khỏi sa vào vòng oan oan tương báo. Bỗng một cụm mây lớn vắt ngang qua mặt trăng làm cảnh vật tối sầm. Con trốt nổi lên. Cơn váng vất ùa tới làm cô Hai phải trở vào giường. Trống đã điểm canh ba. Khắp nơi lặng ngắt. Thỉnh thoảng có tiếng ếch nhái, tiếng nhóc nhen, tiếng vạt sành nổi lên ở bàu nước cuối vườn. Cô Hai Túy Ngọc chìm sâu vào cơn mê. Cô thấy hai người đờn ông, một mặc loại vải dệt bông nổi như da sấu. Người mặc áo láng lẩy ẵm cô Út Ngọc An trên tay. Cô nằm mê man nhưn chết. Còn người mặc áo vải dệt bông nổi cầm sợi tóc trên tay ngắm nghía rồi nhìn cô Hai nheo mắt cười duyên. Người mặc áo láng lẩy nói: – Thôi mầy, tụi mình nên về thủy phủ thì hơn. Người mặc áo bông nổi chỉ cô Hai Túy Ngọc, bảo: – Tao muốn bắt con nhỏ đó, nó xinh tốt như tiên nga. Lại nữa, tao giữ sợi tóc nó trong tay tức là tao đã cầm chắc cái bổn mạng nó rồi. Tao mà không bắt nó về làm vợ thì uổng lắm! Người mặc áo láng lẩy can gián: – Không được đâu! Con nầy có căn lành, có phước đức nên bổn mạng vững vàng. Lại nữa, tía má nó gây nhiều nhơn tốt, mầy không rớ tới nó được đâu! Người mặc áo bông nổi xốc tới tính ôm cô Hai. Nhưng tay hắn vừa chạm tới mình cô là hắn la hoảng lên như chạm phải gai nhọn lửa nóng: – Con nầy có đeo đạo bùa ghi thàn chú kinh Lăng Nghiêm! – Tao đã nói mà mầy không nghe. Dẫu nó không đeo đạo bùa thiêng đi nữa, mầy cũng không rờ tới nó được đâu! Thôi, về thủy phủ với tao cho rồi. Cả hai bỏ đi. Cô Hai Túy Ngọc chạy theo la lớn: – Mấy người bồng chị Út Ngọc An đi đâu? Sao mấy người làm ngang bắt con gái người ta đi vậy? Cô xông tới, giành cô Út Ngọc An lại. Cả hai trì kéo nhau. Tên mặc quần áo dệt bông nổi nhào vào xô cô té một cái đụi để tên kia bồng cô Út chạy mất. Tới đây cô Hai Túy Ngọc tỉnh dậy. Nhà ngoài có tiếng xôn xao. Cô Ba Túy Nguyệt từ ngoài chạy vào, gọi chị: – Nguy rồi chị ơi! Chị Út con bác Chín bỗng dưng kếu đau bụng rồi năm mê man. Chị em mình mau theo má qua nhà bác Chín coi sao. liệu có giúp được gì chăng! Cô Hai Túy Ngọc liền chổi dậy rửa mặt xúc miệng, xức dầu cù là ở màng tang, mặc thêm chiếc áo bà ba ngoài áo túi rồi cùng mẹ và em đóng kín cửa nẻo bước qua nhà bà Chín Thẹo. Ở đây đèm đuốc sáng rực, chòm xóm tụ họp nhộn nhịp. Ba mẹ con bà Năm Tảo tức tốc vô buồng cô Út. Cô nằm trùm mềm tới cổ, sắc mặt lợt lạt, mắt nhắm nghiền. Thỉnh thoảng cô cong người ngồi dậy, mắt mở trao tráo nhưng không nhìn ai. Cô rên: – Chu choa ơi! Đau bụng quá trời quá đất! Ai cứu tui với! Sao mấy người giữ tui ở đây, không để tui theo chồng tui! Bà Chín Thẹo mếu máo kể với bà Năm Tảo: – Con Út tui đang ngủ bỗng hét lên tỉnh dậy kêu đau bụng. Ông nhà tui cắt xương rồng, mài với nước mưa cho nó uống mà vẫn không bớt, cứ nằm thiêm thiếp lúc tỉnh lúc mê. Bà Năm Tảo chắc lưỡi: – Hại quá! Ông nhà tui đi Cái Sơn Lớm chữa bịnh, tui biết liệu sao đây! Nè Ba, con lẹ chơn chạy về nhà lấy khúc quế Trà Bồng để má mài với nước mưa cho chị Út con uống. Đang lúc cấp bách như vầy, để tui trổ tài châm cứu cho cháu, biết đâu phước chủ may thầy mà cháu khỏi bịnh chăng! Cô Ba Túy Nguyệt trở về nhà lấy quế. Bà Năm Tảo hối gia chủ xắt cho bà hai miếng gừng và đốt một cây nhang để bà đặt gừng lên huyệt và châm nhang vào huyệt. Khi cô Ba đem quế qua thì cô Hai mài quế để đổ vào miệng bệnh nhơn. Mặt cô Út trở nên hồng hào, mồ hôi lạnh hết ra nhưng cô không tỉnh táo. Cô đảo mắt nhìn mọi người, cười ỏn ẻn rồi hát: Con chim trả, ai vay ai trả? Bụi cây sưng, ai vả mà sưng? Đây người dưng, đó cũng người dưng. Cớ sao giọt thảm rưng rưng ướt tròng? Bà Chín Thẹo lay vai con gái, khóc tức tưởi: – Út, má đây con, tỉnh lại đi con. Cô Út nguýt mẹ: – Ai là con của bà? Tui đây là con của bà Chúa khúc sông Bà Lại. Chồng tui ở phủ dưới đáy Cô Chiên, gần miệt vàm. Nhà chồng tui tường lót bằng kiếng soi m