Thuở trước, người Bắc vào Nam định cư thường thuộc thành phần nhân viên bưu điện hay các phu cạo mủ cao su. Ở Vĩnh Long có ông Giám Đốc sở Bưu điện người Bắc, nhà xéo xéo sở Trường tiền. Dân tỉnh lẻ hễ thấy ai đứng tuồi, mặc Âu phục cũng gọi là ông Phán. Bởi gặp nhiều ông Phán như vậy nên họ gọi ông là ông Phán giây thép hay ông Phán Bắc. Ông Bang biện hỏi tới: – Mà mầy với con Bắc kỳ đó… tằng tịu với nhau rồi, phải không? Cậu Hai lắc đầu: – Nếu cổ và con đã hưởng thú gió trăng thì đời nào con tính chuyện đá vàng với cổ! Con nhà lành đó đa! Ba má cổ giữ cổ khít rim còn hơn ba má giữ ruộng đất, hột xoàn. Nếu ba má không chịu ra ngoài Bắc coi dâu thì con sẽ nhở cậu Huyện. Bấy lâu nay cẩu ao ước đi thăm Huế, Hà Nội mà chưa có dịp. Bà Bang biện Hưỡn thừa biết con trai mình không thể bị gái dỗ dễ dàng bởi cậu có tới ba lớp vảy bảy lớp da. Nhưng ra tới Hà Nội để thỉnh mộ cô gái “dị tốc” mang dị tục về làm dâu thì cũng ngặt cho bà. Chi bằng bà giục hưỡn cầu mưu. Cậu Hai vốn kẻ mai huế xế quảng, phóng đãng đổi đời, lòng dơi dạ chuột, lúc mắm ruốc khi mắm nêm. Biết đâu về làm việc tỉnh nhà, cậu gặp được một ý trung nhơn khác mà quên cô Bắc kỳ nói tiếng ráo rẻ nghe lạ hoắc lỗ tai kia đi. Bà Bang biện nói: – Việc lý hôn của con chưa ngã ngũ ra sao. Để rồi ba má và thằng chồng con Tư thầy kiện tính gấp cho xong. Chừng đó má sẽ nhờ cậu Huyện con đứng ra làm mai, tính việc trăm năm cho con được vuông tròn. Ông Bang biện Hưỡn chùng hửng: – Vậy là bà đành bụng cái đám ở Hà Nội đó hay sao? Bà Bang biện rút cục thuốc lóng, chà qua chà lại hàm răng trên, nói giọng rời rạc: – Con cái thời nay cứng đầu cứng cổ. Vợ chồng mình đã chọn cho nó hai đám rồi, rốt cuộc keo rã hồ tan hết trọi. Bây giờ nó đành đám nào thì tui cũng ưng đám đó, để nó khỏi đổ thừa… Ông Bang biện nói xuôi: – Ờ, bà tính sao cho gọn thì tính! Thiệt tình, ông không lý gì đến chuyện dâu rể. Con trai con gái ông đều biết quyền biến. Về vụ chọn vợ cho cậu Hai, vợ chồng ông tính già tính non nên ông không muốn can dự vô nữa. Điều ông đang bận tâm là ông phải làm tròng làm tréo cách nào để mua rẻ sở ruộng tám mẫu của ông Hương bộ Lạc ở vùng Phước Hậu. Điều bận tâm thứ hai của ông là làm thế nào ăn nằm với vợ Cai tuần Hạp, tá điền của ông. Chị đang có chửa bốn tháng. Ông chỉ cần ăn mằm với chị vài lần rồi sẽ trả chị ta về với chồng, để ông kiếm một mụ đờn bà có chửa khác. Bà Bang biện quay qua cô Tư Cẩm Lệ: – Thôi, con nên sửa soạn đi ngủ. Mai mẹ con mình dậy sớm để còn coi sóc bầy trẻ nấu nướng. Cô Tư: – Bọn con Lài, con Lý đã lo xong nồi thịt cá kho chung, nồi khổ qua dồn thịt bằm, nồi vịt tìm hột sen và bạch quả. Nhân dịp đám giỗ, ông bà Bang biện Hưỡn mổ con heo để ăn mùng đại đăng khoa cậu trưởng tử. Xong xuôi họ mới dắt cậu về nhà hương hỏa mổ bò ăn khao với họ hàng bên nội của ông Bang biện Hưỡng. Cậu Hai Luyện bảo cha mẹ: – Ăn khao xong, con bắt tay làm việc liền. Nhà nước muốn đào con kinh từ sông Cổ Chiên băng qua làn Mỹ An và con được phái đi đo đất. Ông Bang biện: – Ở làng Mỹ An cũng gần, đi ghe buồm gặp nước xuôi gió thuận chừng hơn tiếng đồng hồ là tới. Vùng An Hương, Hòa Mỹ, Mỹ An thuộc về quê bà nội của con đó. Cậu Hai lơ đãng: – Vậy thì tốt lắm! Rồi cậu lấy tay che miệng ngáp dã dượi, ủ ê bỏ vào buồng. Bà Bang biện quay qua cô con út: – À quên, để má dặng thằng Bửu sáng mai bẻ cau á và chặt quầy dừa xiêm chồng con và anh rể con uống. Con đi tìm nó, lôi cổ nó lên đây á dạy việc. Bửu là con rơi của ông Bang biện Hưỡn. Mẹ ruột chết sớm nên được bà Bang biện mang về nuôi từ thuở cậu lên tám. Người đích mẫu lòng dạ khô khan. khắc bạc kia dạy dỗ đứa trẻ bất hạnh bằng roi vọt, bạt tai, ngắt véo, chửi rủa. Bửu rất thông minh, được cha cho học tới lớp ba, thi đậu bằng sơ học, rồi phải ở nhà giúp việc trong ngoài. Cậu đã chép tuổi ấu thơ và thời mới lớn bằng nước mắt, bằng mồ hôi. Chùng giập bã trầu, cô Tư Cẩm Lệ cùng một cậu trai khoảng 15 tuổi, từ ngăn chái dưới nhà bếp đi lên. Cậu ta ốm yếu, mắt trõm lơ, da mặt đỏ bừng vì cơn sốt, quần áo may bằng vải hột giền đen, vai áo vá một miếng lớn. Bà Bang biện cất giọng rít róng: – Từ hồi chiều tới giờ mầy chui lỗ nẻ nào mà biệt tăm biệt tích vậy? Hễ ăn xong ba hột cơm là mầy đánh lừa đánh đáo đi dạo xóm. Bửu nhỏ nhẹ: – Thưa má lớn, xế nầy con phụ với chú lực điền giở chà bắt tôm. Bởi đó con lên con nóng lạnh. Từ chiều tới giớ con nằm li bì ở vạt tre chớ đâu có đi dạo xóm. Bà Bang biện nguýt dài: – Mầy đùng có lẽo lự! Hễ dầm nước đang nắng thì chỉ miệt sật sừ vậy thôi. Sáng mai mầy phải dậy sớm bẻ cho tao một buồng cau xiêm, một quày dừa xiêm. Bửu chỉ “dạ”, sắc mặt mệt mỏi, ngầy ngật. Ông Bang biện liếc qua đứa con bật hạnh, can gián vợ: – Nhìn qua mặt nó, tui cũng biết nó đang làm cữ. Thôi, bà nên châm chước cho nó nhờ. Nhà mình tôi trai tớ gái thiếu gì. Nó đang đau yếu, bà mà bắt nó leo cau leo dừa, rủi nó run tay té xuống đất thì sao! Bà Bang biện liếc xéo chồng rồi hét: – Đi đâu thì đi cho khuất mắt! Mà nhớ biểu thằng Đực hoặc thằng Xiêm hái cau, hái dừa thế ầy nghe chưa? Thừ đồ biếng nhác gì đâu á, mới đỏ đèn đã lo đi ngủ, y chang như gà vịt vậy. Ông Bang biện Hưỡn bước tới bàn có nhiều ngăn hộc, mở một ngăn, lấy năm gói cảm mạo phát tán đưa cho Bửu, bảo: – Kiếm nước trà uống liền một gói đi. Ngày mai, ngày một, mỗi ngày mầy nhớ uống hai gói. Uống trước bữa ăn thì thuốc mới công hiệu. Bửu đỡ lấy gói thuốc, lí nhí cảm ơn người cha ruột rồi lủi thủi quay về buồng của mình gần kho chứa nông cụ. Căn buồng của Bửu gồm một cái vạt tre trải chiếu đậu, một cái mùng màu cháo lòng vá vài miếng lụn vụn, một cái mềm xám cũ mèm và một cái gối ống bằng cây đẽo. Đêm đó Bửu bị hai cữ sốt rét làm cậu mệt nhoài. Lúc nóng, cậu muốn cởi phăng hết quần áo ra mong mát mẻ được chút nào chăng. Lúc lạnh, cậu run cầm cập, hai hàm răng đánh bò cạp. Chiếc mền nỉ dày như vậy mà cậu vẫn cảm thấy như mình ăn mặc phong phanh đứng giữa buổi lập đông. Chỉ có lúc bịnh hoạn như hôm nay, Bửu mới thấm thía hoàn cảnh mồ côi mẹ của mình. Lúc mạnh giỏi, sẵn tánh lạc quan, cậu không nhìn vào hoàn cảnh hiện tại. Cậu nghê người chú của cậu, đã xuất gia đầu Phật hiện trù trì tại chùa Long Đức, cách cầu Đào một trăm thước. thường nói rằng: “Sông có khúc, người có lúc, lại nữa sông còn có lúc đục lúc trong, nước có lúc ròng lúc lớn”. Câu nói đó tuy cũ kỷ của cổ nhơn, nhưng do một chiêu cảm đặc biệt, Bửu cảm thấy nó dội sâu vào tâm khảm và niềm tin của cậu. Nhờ đó sống với người cha hờ hững, với bà mẹ ghẻ tàn nhẫn và lũ anh chị em don dòng đích hay hoạnh họe eo sèo mà cậu không buồn, không tủi thân. Cậu tin rằng kiếp trước cậu đã gây nhiều việc oan trái cho họ nên kiếp nầy những lằn roi vọt của họ quất lên mình cậu chỉ là để trả quả. Còn những lới mắng nhiếc rủa sả của họ cũng chỉ là tiếng vọng của nghiệp chướng. Bây giờ có lẽ vào giữa canh ba. Bửu choàng tỉnh giấc sau cơn mê ngắn. Ánh trăng từ miệng kiếng gắn trên mái nhà chiếu vào căn buồng. Ngoài hè, tiếng dơi ă