– Nàng là ai? Tên nàng là gì? Vương Long nào có biết!
– Nàng là người hay là tiên nữ giáng trần? Chàng tưởng như không thể biết chắc được?
– Nàng đến từ đâu và sau buổi dự khán văn nghệ đó, nàng đi đâu? Ôi nếu như mà chàng biết được chỗ ở của nàng! Nếu như mà chàng được gặp lại nàng, nếu như chàng được quen nàng!
Một tuần lễ trôi qua, tâm hồn chàng mỗi ngày mỗi thêm nặng trĩu vì những suy tư về nàng. Nỗi nhớ thương, vọng tưởng và tuyệt vọng dằn vặt tâm tư, tưởng như càng lúc càng chồng chất, chới với không thể nào khuây khỏa được, thì một đêm hồn thơ trở giấc, chàng ngồi vào bàn, nhìn cành hoa tím nhỏ héo tàn mà tưởng như còn ngợp ngát hương. Chàng sáng tác ra một bài thơ, với tựa đề “Lan Tím Tình Sầu”. Suốt đêm, chàng rạo rực say mê với bài thơ không ngủ. Sáng hôm sau, Vương Long chép lại bài thơ gởi cho một tuần báo văn nghệ với hy vọng được chọn đăng.
Sau khi gởi bài thơ đi rồi, tâm hồn Vương Long mới bớt đi một phần nào suy tư dằn vặt, nhưng không phải vì thế mà chàng đã bớt vương vấn ngất ngây.
Thế là, một tháng rưỡi hè đã trôi qua. Đối với trời đất, một tháng rưỡi hay bốn mươi ngày thật chẳng có ý nghĩa gì. Đối với một đời, một tháng rưỡi cũng có thể như là một chấm nhỏ trên một trang giấy lớn không đáng kể vào đâu. Nhưng đôi khi, cái thời gian quá ngắn ngủi một ngày, một tháng không đáng kể đó, lại có thể là một đoạn đời quan trọng nhất của một người.
Sự quan trọng ít nhất cũng đã xảy ra cho hai người đó là Trương Tú và Miêu Quán Anh.
Lễ hỏi đã chính thức được cử hành. Trước khi hết hè, đi Đài Bắc để theo học đại học, hầu như ngày nào Trương Tú và Miêu Quán Anh cũng gặp nhau. Tình cảm của họ đối xử với nhau thật khắng khít, tinh khiết chân thành, tương thân tương kính.
Buổi sáng hôm đó nắng trong và đẹp, chiếu sáng lấp lánh trên tàn những cây bạch dương. Như thường lệ Trương Tú đến nhà Quán Anh, rủ nàng đi dạọ Trương Tú gặp Quán Anh nơi hoa viên. Nàng ngồi trên một băng ghế đá, vẻ mặt rạng rỡ. Quanh nàng là những khóm lan tím ngát hương. Miêu Quán Anh đang đọc một tờ tuần báo văn nghệ, thấy Trương Tú, Quán Anh mỉm cười. Nụ cười của nàng đẹp hơn cả những đóa hoa chung quanh, rạng rỡ hơn cả nắng trong buổi sớm.
– Quán Anh!
– Anh Trương Tú!
– Anh đến mời em đi dạo. Em có rảnh không?
– Anh dư biết rằng bây giờ là tháng hè, cả anh và em đều có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Em đang coi một tờ báo văn nghệ.
Trương Tú coi tờ báo, nói với Quán Anh.
– Tờ Văn Nghệ Mới mỗi ngày một giá trị. Anh nghe nhiều người nhận định nó là một tờ báo tiêu biểu cho phong trào văn học trẻ ngày nay.
Miêu Quán Anh gật đầu:
– Em cũng nghĩ thế, em mới đọc qua và thấy có nhiều bài hay lắm. Em là một trong những độc giả trung thành của tờ báo.
Trương Tú mỉm cười.
– Đó là dấu hiệu đáng mừng, một niềm khích lệ thật sự dành cho những người hoạt động văn nghệ thật sự trong xứ.
Vừa nói chuyện với Quán Anh, Trương Tú vừa dở dở từng trang báo nhìn qua những tựa đề chính. Chàng ngừng lại một bài thơ và khẽ reo lên.
– À, có một bài thơ của bạn anh, bài thơ “Lan Tím Tình Sầu”.
Miêu Quán Anh nhìn Trương Tú.
– Tác giả bài thơ này là bạn anh, anh Trương Tú?
Trương Tú gật đầu.
– Anh Đỗ Vương Long là bạn thân nhất của anh. Cùng học với anh một lớp. Anh ta là một người có tài làm thơ và hát hay nhất trường.
Ánh mắt của Miêu Quán Anh rực sáng trong khi đưa mắt xem vội bài thơ.
– Bài thơ hay lắm, Quán Anh, em đã đọc chưa?
Miêu Quán Anh gật đầu.
– Em đã đọc và còn đọc kỹ hơn nữa là khác, anh Trương Tú ạ. Đúng như lời anh vừa nhận định, “Lan Tím Tình Sầu” là một bài thơ hay. Thấy anh tiết lộ là bạn thân với tác giả, em vừa chợt có ý nghĩ là một hôm nào đó, anh mời anh ta lại đây chơi. Chẳng biết có gì bất tiện không? Và anh ta có chịu nhận lời mời không anh Trương Tú nhỉ?
Trương Tú phấn khởi.
– Anh tin là anh Vương Long sẽ nhận lời mời đến đây. Anh cũng đang mừng mà chợt nhận thấy anh Vương Long đang đạt dần tới ước nguyện thành công của anh ta. Bằng chứng là thơ của anh Vương Long đã được tờ Văn Nghệ Mới chọn đăng và được một nữ độc giả khả ái như em khen ngợi.
Miêu Quán Anh mỉm cười.
– Nếu như anh Đỗ Vương Long nhận lời mời, thì anh ta là một thi sĩ đầu tiên đến nhà này…
– Anh bảo đảm là anh Vương Long sẽ lại, với anh, Vương Long ít khi từ chối một điều gì.
Quán Anh tỏ ra chú ý về tình bạn giữa Vương Long và Trương Tú.
– Anh và anh Đỗ Vương Long quen biết nhau lâu chưa?
– Từ ngày cùng học chương trình Cao Trung. Nhưng tình bạn giữa anh và Vương Long chỉ thân thiết từ hơn năm nay thôi. Anh ta nghèo nhưng là một người có tài và có chí. Quen biết anh Vương Long dễ chịu lắm. Anh ta tế nhị và có lòng.
Miêu Quán Anh cười.
– Anh Trương Tú ạ, cứ nghe anh nói thì Vương Long là một người rất đáng để ta quen biết. Là một người có đầy đủ mọi đức tính để anh cảm mến phải không?
Trương Tú gật đầu.
– Em nói không sai đâu Quán Anh ạ! Sau này quen biết với Vương Long rồi em sẽ thấy lời anh nói là đúng.
Miêu Quán Anh đưa tay vuốt nhẹ một bông lan tím, đôi mắt nàng mơ mộng.
– Chắc loại hoa lan tím mà anh Vương Long tả trong bài thơ là loại lan này.
Rồi nàng khẽ ngâm.
Nhìn hoa như thể nhìn người
Sắc lan tím đỏ như ngời máu tim
Quán Anh ngước mặt nhìn Trương Tú, nàng tiếp lời:
– Màu hoa lan này đỏ tím, anh Đỗ Vương Long tưởng như màu máu của tim. Chắc anh Vương Long có một kỷ niệm gì buồn về loại hoa lan này.
Trương Tú thở dài.
– Anh Vương Long ít khi dấu anh một chuyện gì. Nhưng chuyện này thì chưa thấy anh ta nói tới. Cũng có thể là Vương Long muốn giữ riêng tư nên không nói cho anh nghe. Nhưng trong thâm tâm thì anh tin rằng đây chỉ là chuyện tưởng tượng của Vương Long. Anh ta còn có nhiều chuyện phải lo nghĩ hơn là một chuyện thất tình.
Miêu Quán Anh lắc đầu.
– Em lại nghĩ khác anh, bài thơ rất tha thiết chân thành, không thể là chuyện tưởng tượng đâu.
Bất chợt, Quán Anh đứng dậy.
– Mình vào nhà đi anh. Nắng đã lên cao rồi…
– Mừng cho anh đã thành công anh Vương Long.
Theo với câu nói là cái xiết tay thật mạnh của Trương Tú, Vương Long ngỡ ngàng nhìn bạn.
– Anh Trương Tú, anh nói chuyện gì thế? Tôi có gì đáng mừng đâu?
Trương Tú mỉm cười.
– Để tôi nói lý do cho anh nghe. Này nhé, thơ anh được chọn đăng trong tờ Văn Nghệ Mới là thành công nhất. Bây giờ, có người đọc thơ của anh, thích được gặp mặt làm quen với anh, đó là thành công thứ hai. Cả hai sự kiện xảy ra đều đáng khích lệ cho sự nghiệp văn chương c