Quả như lời ông Miêu Tôn đã nói, Trương Tú là một thanh niên có tương lai.
Chàng đẹp trai, tươi trẻ mà điềm đạm. Chàng học giỏi và nhất là chàng sẽ là người duy nhất được thừa hưởng gia tài sự nghiệp to lớn của cha, nếu như sau này ông Trương Hồng không còn hoạt động hoặc qua đời.
Nhưng trên hết tất cả danh vọng, tiền tài mà cuộc đời đã dành sẵn cho tương lai Trương Tú, Quán Anh nhận thấy, chàng cũng là một thanh niên đáng mến. Trương Tú có một bản lãnh riêng và trong những câu chuyện trao đổi, Quán Anh nhận thấy chàng là một con người có nhiều khoan dung độ lượng, hiểu biết và nhân từ.
Đó là một thanh niên lý tưởng, để cho những thiếu nữ chưa chồng vào tuổi Quán Anh phải mơ ước.
Ông Trương Hồng và Miêu Tôn, nhất là bà Miêu Tôn nhận thấy tình cảm giữa Trương Tú và Quán Anh nẩy nở tương đồng rất hài lòng. Và, cho dù chưa có một buổi lễ chính thức, bà Miêu Tôn đã coi Trương Tú như con rể trong gia đình.
Cả Trương Tú và Quán Anh đã biết lời giao kết của cha mẹ khi xưa. Đều biết được những sắp đặt dự trù, mong ước của cha mẹ, thế nên, họ trao đổi tâm tình, tìm hiểu lẫn nhau trong niềm tương kính. Cả hai như đã cùng nhìn thấy tương lai của nhau, thấy con đường mà họ sẽ đi. Cả hai cùng như cảm thấy hài lòng.
Một buổi tối ông Trương Hồng đề nghị:
– Tôi thấy hai cháu nó có vẻ tương đắc với nhau, tôi muốn tiến hành một lễ hỏi chính thức trước. Chờ ba năm nữa, cháu Trương Tú đỗ xong đại học, ra trường rồi sẽ làm đám cưới, anh chị nghĩ sao?
Ông Miêu Tôn cười:
– Anh tính thế nào cũng được. Tôi thấy tụi nó không phản đối là tôi mừng rồi. Cái mộng mười bảy năm trước, mong được làm ông sui của tôi với anh đã thành.
Ông Trương Hồng cũng cười đắc chí:
– Anh mừng nhưng chắc không mừng bằng tôi đâu. Tất cả hy vọng cuộc đời của tôi sau này đều kỳ vọng vào cháu Trương Tú. Tôi không may phải sống cảnh gà trống nuôi con, chỉ có mình nó để nối dõi tổ tiên, sự nghiệp sau này. Nó không bị anh chị và cháu Quán Anh chê bỏ là tôi thấy toại nguyện rồi.
Bà Miêu Tôn góp lời.
– Bác Trương cứ nói quá lời. Chứ, cháu Quán Anh nó được cậu Trương Tú để ý tới và bác không nỡ chê là may mắn cho phần nó rồi.
Ông Trương Hồng cười vang.
– Những lời chị nói khiến tôi cảm động. Nhưng thôi, bao giờ thì anh chị cho phép tôi đem đồ sính lễ lại đây?
– Tùy anh…
Bà Miêu Tôn ngắt lời chồng.
– Mình nên coi ngày đàng hoàng.
– Vâng, mình phải coi ngày cẩn thận. ở nhà có sẵn tấm lịch nào không hở chị?
Thế rồi, ngày đám hỏi được chọn lựa kỹ lưỡng. Những cánh thiệp hồng được gửi đi, đẹp như những cánh bướm, chính thức liên kết sợi giây cầm sắc giữa hai dòng họ Trương-Miêu.
Vì có một giọng ca thiên phú, nên Đỗ Vương Long được bạn bè yêu mến, được các giáo sư khuyến khích và giúp đỡ. Họ nói rằng nếu như chàng thích và cố gắng trau luyện tài nghệ, sau này chàng có thể trở thành một danh ca.
Trở thành một danh ca? Đối với Vương Long đó không phải là niềm mơ ước tối cao của chàng. Chàng thích trở thành một văn sĩ hoặc một thi sĩ hơn. Nhưng dù sao, sự việc được tự do ra vào phòng âm nhạc, được phép xử dụng hết cả mọi nhạc khí của nhà trường, từ cây dương cầm cổ quý giá đến những cây vĩ cầm, tây ban cầm đã làm cho chàng thích thú và cũng lưu tâm tới việc trau dồi âm nhạc.
Vương Long trở thành một ca sĩ hát hay nhất của trường. Và, trong mọi sinh hoạt văn nghệ, chàng đều góp mặt, bảo đảm tài năng và sự xuất sắc.
Tổ tiên Vương Long vốn là những danh gia giầu có. Nhưng tới đời cha của Vương Long thì sự may mắn không còn. Sau một biến cố thời cuộc, sự nghiệp tan tành. Cha Vương Long lại không phải là một người có tài sáng nghiệp. Thế nên, bất cứ một chuyện làm ăn nào mà ông tính toán, nhúng tay vào đều thất bại. Chán nản và phẫn chí, ông quay ra say sưa tối ngày rồi bỏ đi mất biệt.
Vương Long được mẹ sinh ra trong tình cảnh không biết người cha phiêu bạt phương nào, còn sống hay đã chết. Và, sau này lớn lên, chắc chắn là chàng không thể biết được mặt mũi của cha.
Năm lên sáu thì bà mẹ qua đời trong một cơn bạo bệnh. Vương Long được một người chú không con, có một xưởng mộc đem về nuôi. Người chú hy vọng là sau này Vương Long sẽ thay ông nối nghiệp, sẽ là người nhang đèn thờ phụng ông sau khi vợ chồng ông đã qua đời.
Sống trong tình thương của chú thím, tuy được đối xử tử tế như con, được cắp sách đến trường đi học như những đứa trẻ khác, Vương Long vẫn mang một nỗi buồn, một mặc cảm của đứa trẻ mồ côi.
Ngoài những giờ học, những khi tập nhạc và giúp đỡ cho chú trông coi xưởng mộc một chút, Vương Long thường tìm an ủi trong những đoạn văn, vần thơ mà tự chàng sáng tác ra. Chàng mơ tới một khung trời mà ở đó, chàng sẽ trở thành một con người nổi danh, một thi sĩ được quí chuộng.
Những bài thơ Vương Long sáng tác, chàng thường gửi đăng vào những số báo đặc biệt của nhà trường. Nhiều bài thơ được bạn bè thích, các vị giáo sư cũng hài lòng và khuyến khích. Họ cùng nhận ra khả năng sáng tác thi văn của Vương Long, cũng đáng khuyến khích như giọng ca của chàng.
Có thể một tương lai tươi sáng đang chờ đợi Vương Long. Cho chàng thoát được hoàn cảnh tầm thường, thoát ra khỏi cái xưởng mộc của ông chú.
Vương Long hăng say làm việc theo với những dự tính của chàng. Nhưng Vương Long cũng sống thật cô đơn. Chàng có nhiều người quý mến, yêu thích giọng hát của chàng nhưng không hiểu được tâm tư, cuộc sống của chàng. Vương Long chỉ có một người bạn thân, một người bạn hết mình với chàng. Một người bạn mà theo Vương Long, là một con người hòa nhã, quảng đại với bạn bè, có tấm lòng vị tha và đôi mắt nhiệt tình. Người ấy không ai xa lạ chính là Trương Tú.
Trương Tú và Vương Long cùng học chung một lớp. Trong niên học cuối cùng vừa qua, cả hai đều đỗ Cao Trung, sửa soạn thi vào đại học. Là bạn thiết với nhau, Trương Tú thấy Vương Long nhà nghèo lại có khiếu về văn chương nên có lòng giúp đỡ. Chàng bỏ tiền ra mua những sách hay, những tác phẩm giá trị của các danh nhân thi sĩ về cho Vương Long mượn đọc. Tuy tiếng là cho mượn, nhưng thật ra Trương Tú mua những sách đó là chỉ vì Vương Long.
Cũng vì thế, Trương Tú vừa là bạn, vừa là người gợi khởi mà cũng là nguồn cung cấp kiến thức cho Vương Long.
Trong sự giao tiếp chung của xã hội, người ta thường lựa chọn, phân chia giữa kẻ giầu với người nghèo, giữa giai cấp nọ với giai cấp kia. Nhưng trong tình bạn Vương Long và Trương Tú, họ đã gạt bỏ được những thứ tầm thường đó ra ngoài.
Thời gian còn học năm cuối cùng của chương trình Cao Trung, ngoài những lúc bận việc riêng tư, hai người thường gặp nhau, cùng nhau đi dạo, vui đùa.
Tương lai của Trương Tú thì đã rõ ràng và được bảo đảm vì nhà chàng giầu, có thừa phương tiện để sửa soạn cho tương lai. Còn Vương Long trái lại, sự học của chàng không biết có thể kéo dài được tới đâu? Bước đường còn quá dà