Chương 26: Bát Tiên Thần Toán
Bất luận là thời gian mười năm, một trăm năm hay một ngàn năm, tóm lại muốn làm được Quỷ sai, nhất định phải có lòng kiên định. Khi còn sống tôi chưa từng cảm thấy như vậy, chỉ nghĩ rằng công việc là để sống tạm qua ngày. Nhưng nếu chẳng có việc gì để làm? Thế sẽ buồn chán đến mức nào? Tôi làm Quỷ sai, dù sao cũng rất yên tâm, thoải mái, một ngày tốn không quá mấy canh giờ, trong lòng cũng có ý gắn bó. Còn Tô Dục lại hoàn toàn trút bỏ y thuật của mình, không chữa bệnh từ thiện nữa, Hồi Xuân đường với chàng cũng đã hết duyên phận, chàng giờ đây chỉ còn biết rong chơi, nhàm chán qua ngày. “Ai nói ta không có việc gì để làm.” Chàng nghe thấy tôi vì chàng mà cảm khái, lại mỉm cười gian xảo phản bác. “Còn có việc gì chứ?” Tôi cau mày nhìn khuôn mặt đầy tà ý của chàng. Mỗi lần chàng cười như thế, thiên hạ dù không đại loạn thì cũng xảy ra tiểu loạn. Chàng chỉ cười không đáp, loáng một cái kéo tôi di chuyển đến góc đường. “Đây là huyện thành nào?” Tôi hỏi chàng. “Điều đó không quan trọng.” Chàng không biết từ đâu biến ra một chiếc bàn trúc, ghế trúc, kéo lên một lá cờ, trên cờ có viết “Bát tiên thần toán”, tôi bất giác không nhịn được cười. Chàng bày bút, giấy trắng lên bàn, lại thêm món đồ chặn giấy bằng ngọc thạch rất nặng, “Bát tiên thần toán” ra mắt, khai trương kinh doanh. Tôi ngồi trong trà quán phía đường đối diện, tìm một vị trí đẹp để xem trò vui. Sao mà giống như vậy, khoảng mười năm trước cũng có thời gian tôi từng ngồi từ xa chăm chú theo dõi, hào hứng nhìn chàng. Tính cách của Tô Dục luôn trái ngược với tôi, chàng từ trong sóng to gió lớn có thể tìm ra đường sống, giữa trời yên biển lặng cũng có thể đột nhiên làm cho nổi sóng, không bao giờ cam chịu số phận. Mặc dù là chờ đợi, cũng đợi một cách cam tâm tình nguyện; nếu đã khoan dung tha thứ, sẽ chẳng bao giờ nhắc đến chuyện cũ, hoàn toàn xóa bỏ. Tâm tư chàng so với nỗi buồn khó chịu của tôi thực sự hoàn toàn trái ngược. Một thư sinh nghèo khổ sắc mặt nhợt nhạt, quần áo rách rưới, ủ dột đi đến trước mặt chàng, bị chàng gọi lại: “Tại hạ là Tô Bát, dường như công tử có nỗi sầu khổ trong lòng, Tô Bát có thể giúp công tử thoát khỏi cơn mê loạn”. Thư sinh kia do dự giây lát, cuối cùng vẫn ngồi xuống, bắt đầu câu chuyện: “Tiểu sinh muốn xem trước rồi sẽ nói, nếu xem không được, tiểu sinh dù một đồng cũng không trả”. “Đương nhiên rồi.” Tô Dục đưa bút cho thư sinh kia, “Hãy tùy ý viết”. Hắn ta loáng cái đã viết xong, bộ dạng vô cùng đắc ý. “Thắng?” Khóe miệng chàng nhướng cao, vẻ châm biếm hiện rõ, lại nói: “Thiên Mưu lược trong Binh pháp Tôn Tử có viết, ‘Thế nên bách chiến bách thắng cũng chưa phải cách sáng suốt nhất trong sự sáng suốt’. Công tử đang sầu khổ lại viết ra chữ này, rõ ràng có ý nhắc tới những bậc tiền nhân trăm trận trăm thắng. Tin rằng, lần tới công tử nhất định sẽ qua cơn bĩ cực đến tuần thái lai, hy vọng rạng ngời”. Giải thích như thế sao? Nghe như đang bảo tên thư sinh ngốc này cần phải đi thử trăm lần mới hy vọng thành công vậy? Tên thư sinh không phản bác lại, mới nghe được nửa câu đã cười rạng rỡ, đứng dậy bỏ đi. “Công tử!” Tô Dục gọi hắn lại, “Vừa rồi công tử nói nếu xem chuẩn, sẽ trả tiền”. Thư sinh kia quay đầu lại, ánh mắt thô bỉ, “Ông nói xằng nói bậy một hồi, còn vọng tưởng muốn lừa ta hai lượng bạc? Đúng là ngu ngốc!”, nói rồi rảo bước rời đi, bộ dạng cực kỳ hăm hở. Tô Dục cũng chẳng tức giận, sau khi khoan thai liếc nhìn tôi một cái, tiếp tục túm lấy một người trên đường, lần này là một vị tiểu thư ra ngoài cùng nhũ mẫu. Chàng cũng biết thân biết phận, đã sớm biến đổi dung mạo của mình, trở thành một ông lão râu tóc bạc phơ, giả trang bán tiên, tinh thần minh mẫn, nếu không chẳng thể bói toán nhân duyên cho người khác được, lập tức sẽ bị kéo về làm phu quân người ta mất. “Bát tiên thần toán, ông xem hôn sự của tiểu thư nhà ta thế nào?” Chàng làm bộ làm tịch bấm đốt ngón tay hồi lâu, mới nói: “Đó là duyên trời tác hợp, tất có thể bách niên giai lão”. “Những lời đó là thật?” Vị tiểu thư kia ôm cây đàn tỳ bà làm bộ che mặt xấu hổ, nhũ mẫu lại càng sốt ruột. “Đương nhiên, tiểu thư chỉ cần nghe tại hạ nói một câu.” “Xin cứ nói.” “Phàm chuyện gì cũng phải suy đi nghĩ lại ba lần mới làm, lui một bước sẽ thấy biển rộng trời cao.” “Đa tạ thần toán.” Nhũ mẫu trả hai lượng bạc, đỡ tiểu thư rời đi. Tô Dục đùa nghịch với số tiền vừa kiếm được, làm ăn bắt đầu vào cầu rồi, lại một vị lão nhân gia ngồi xuống. “Bát tiên thần toán, lão hủ năm nay có hạn, cơ thể xương cốt đều mỏi nhức không yên, lão chỉ có một căn nhà nhỏ, ông xem giúp xem, nên trao cho con cả, hay đứa thứ hai?” “Được.” Tô Dục đặt hai đồng bạc lên bàn, “Tại hạ tính ra, trao cho con thứ thì tốt”. “Vậy sao?” Lão nhân gia có vẻ không tin, cũng không nhắc đến chuyện ngân lượng, đứng dậy bỏ đi. Tiếp theo là cảnh ế ẩm buồn tẻ, tôi đi đến bên cạnh chàng, “Vừa rồi là chàng quăng đồng xu quyết định phải không?”. Làm vậy để lựa chọn trao sản nghiệp tổ tông nhà người ta cho con cả hay con thứ? Chàn