Chúng tôi bước lên bàn mổ, trông Điền Mộ Thanh như người mất hồn, cánh tay cầm đuốc không chút động đậy, cô đang nhìn xuống dưới, tôi lôi vội lấy cô, Điền Mộ Thanh rùng mình quay lại nhìn chúng tôi.
Tôi hỏi Điền Mộ Thanh: “Những chuyện xảy ra trong thôn cô đều nhớ lại cả rồi à?”
Điền Mộ Thanh lúc này đã trở lại bình thường, cô không gật đầu cũng không lắc đầu, hình như đã mặc định lời tôi hỏi. Vẻ mặt cũng đã bớt phần kỳ quái.
Tôi lại hỏi cô: “Cô định chết cho xong chuyện chắc?”
Mặt dày nhắc tôi: “Cậu đừng có tiến lại gần quá, cẩn thận cô ta hiện nguyên hình ăn thịt người đấy!”
Điền Mộ Thanh hỏi: “Hiện nguyên hình? Các anh… thế là ý gì?”
Tôi nói: “Nếu cô không phải là thần quái trong Na miếu thì sao có thể nhớ lại chuyện hàng nghìn năm trước?”
Điền Mộ Thanh nói: “Na giáo từ xưa đã thờ thần, là những vị thần có da có thịt đàng hoàng.”
2
Việc này tôi và Mặt dày đã nghĩ tới, nhưng khi nghe Điền Mộ Thanh đích thân nói ra, chúng tôi vẫn không khỏi sởn gai ốc.
Điền Mộ Thanh chọn lọc những nội dung quan trọng trong những ký ức mà mình nhớ lại để kể cho chúng tôi nghe. Tổ tiên người dân tộc Na một lần vào trong núi sâu đã nhặt được bốn chiếc mặt nạ quỷ bằng đồng, dựa vào những hoa văn khắc trên chiếc mặt nạ đồng đó để chiêu thần khiển quỷ, khai lập ra Na giáo sơ khai. Sau đó, trong một lần tế lễ đã làm hỏng mặt nạ đồng, từ đó Na giáo dùng mặt nạ bằng vỏ cây để thay thế rồi lưu truyền lại cho đời sau. Ngoài thôn Thiên Cổ Dị Đế ra thì mặt nạ của thầy cúng Na thường làm bằng gỗ cây long não.
Từ thời Hán, thôn làng dưới chân núi Thảo Hài Lĩnh vẫn duy trì được huyết mạch chính thống của Na thần, Na vương đứng đầu Na giáo, nhưng trên Na vương còn có Na thần, mỗi đời Na thần đều là những cô gái trẻ trung xinh đẹp. Trong thôn có tứ đại gia tộc đều thuộc một tông hệ, bốn vị tộc trưởng của bốn gia tộc đều là trưởng lão của Na giáo, mỗi đời Na thần đều được chọn từ bốn gia tộc này. Cứ cách mười mấy hai chục năm, trong thôn lại tổ chức nghi lễ tế động, tương truyền, Đất quỷ là một vương quốc cổ, bốn chiếc mặt nạ đồng là vật dụng tế lễ của họ, vì ngôn ngữ, văn tự, lễ tiết của Đất quỷ khác với hậu thế nên chỉ dựa vào hoa văn trên mặt nạ hình mặt quỷ để gọi đó là Đất quỷ, cũng giống những quốc gia cổ thời Hạ, Thương như Hổ Phương, Xà Phương v.v… đều căn cứ vào thần vật của họ để đặt tên nước. Tương truyền hơn nghìn năm trước, vương quốc Đất quỷ xảy ra đại loạn, mười người chết đến bảy tám người, những người may mắn sống sót trốn chạy tới vùng sa mạc phía Bắc, từ đó không còn trở lại trung nguyên. Sau đó, Chu thiên tử xuất binh đi chinh phục, Đất quỷ chính thức bị diệt vong.
Nghe nói, trên chiếc gương đồng có hồn phách của thầy phù thủy của Đất quỷ, còn hố tế lễ dưới thôn theo truyền thuyết Na giáo lại có thể thông với Đất quỷ, vì lúc đó người dân tin rằng Đất quỷ đã biến mất từ lâu. Thực tình, tổ tiên Na giáo chỉ biết những điều đó qua chiếc mặt nạ có được từ Đất quỷ, vì vậy mới có nơi tế lễ như thế này. Mỗi năm khi thiên cẩu ăn mặt trăng, trong thôn lại tiến hành nghi lễ tế máu, đem những ác quỷ không thể độ hóa được nữa tống khứ tới Đất quỷ.
Địa vị của Na thần tại thôn Thiên Cổ Dị Đế tuy cao hơn Na vương, nhưng thực chất chỉ là vật phẩm cúng tế mà thôi. Một đời Na thần chết đi thì trong tứ đại gia tộc sẽ xuất hiện một vị thần khác, chỉ cần được lựa chọn, ngay lập tức đón vào ở trong Na miếu, không được tiếp xúc với người dân, khi Na thần chết đi thân xác chỉ là cái vỏ, sau lễ tế thì Na thần tiếp tục chuyển thế, tứ đại gia tộc chọn ra một vỏ thân xác chuẩn bị cho lần tế lễ sau, cứ luân hồi như vậy.
Ai được Na thần chọn làm thân xác để trú ngụ thì trên trán sẽ xuất hiện vết chàm màu đỏ hình mặt trăng. Nghe nói, năm xưa khi xuất hiện đại dịch, Na giáo đã dùng mặt nạ đồng để trừ tà đuổi bệnh dịch, kết quả bốn chiếc mặt nạ đồng đều bị hỏng, Na thần vĩnh viễn ở lại trên thân xác của bốn người đó, không thoát được ra nữa, và họ chính là tổ tiên của tứ đại gia tộc thần sống trong thôn.
Tôi thấy trên trán Điền Mộ Thanh cũng có một vết chàm màu đỏ rất mờ rất nhỏ, không để ý sẽ không thấy, nhưng không phải ai cũng có. Chắc chắn là thi thể nữ trong chiếc quan tài bằng gỗ trầm hương cũng là thần sống của thôn, bọn Hoàng phật gia đều biết mặt Điền Mộ Thanh, khi chúng mở nắp quan tài thì nét mặt cả bọn đều toát lên vẻ kinh ngạc chắc là vì nhìn thấy vết chàm trên trán thi thể cũng giống như của Điền Mộ Thanh. Khi tôi và Điếu bát gặp thi thể trong đường hầm thì đã bắt đầu phân hủy, mặt đã khô đét nên không còn nhìn thấy vết chàm nữa.
Điền Mộ Thanh nói với chúng tôi, đại Đường Thiên Bảo năm thứ nhất, Na bà xúi giục người dân nổi loạn, những người muốn tôn thờ rồng đất làm thần, họ âm mưu cản trở việc đưa rồng đất về Đất quỷ nên đã trốn vào Na miếu dùng vải da bịt chết Na thần, tuy sau đó chúng đều bị bắt và giết, nhưng khi cánh cửa thông với Đất quỷ đã được mở ra, trong thôn không dâng được Na thần lên, Na vương đành dùng phương thức vẫn dùng trước đó, đặt thi thể của Na thần vào trong quan tài, phía đầu quan tài để một cánh cửa nhỏ cho linh hồn có thể ra vào, đó cũng là chuẩn bị sẵn cho Na thần, chờ khi đã chọn được vị Na thần kế tiếp sẽ đưa quan tài vào an táng tại địa cung. Na vương sắp xếp cho tứ đại gia tộc thoát ra bên ngoài để đảm bảo huyết mạch thần tộc cổ xưa để lại, những người dân khác trong làng đều đeo mặt nạ vỏ cây tiếp tục cầu khấn tiến hành nghi lễ động Na, toàn bộ ngôi làng rơi vào cảnh hỗn độn, cuối cùng Na vương quyết định dùng chính ngôi làng này để lấp cánh cửa thông với Đất quỷ.
Tứ đại gia tộc sau khi trốn thoát ra ngoài đã không ngừng tìm cách đưa Na thần về làng, mong sẽ kết thúc được buổi tế lễ đẫm máu đó và khiến cánh cửa thông với Đất quỷ có thể đóng lại hoàn toàn và biến mất. Nào ngờ, Na bà và những oan hồn chết thảm đã biến thành một khối thịt lảng vảng trong thôn, không quên nhiệm vụ bảo vệ thi thể của rồng đất, những người đi vào trong thôn theo hướng thần đạo đều bị con quái vật này ăn thịt.
Vì niên đại quá lâu, qua nhiều lần luân chuyển, người thuộc tứ đại gia tộc ngày càng ít đi, chuyện xảy ra trong thôn cũng không còn nhớ nữa. Điền Mộ Thanh trước đó hoàn toàn không biết gì, cho tới khi đến đây mới dần nhớ lại, cô là thần sống đời thứ năm mươi ba của thôn. Những người trước đều không hoàn thành được nghi lễ. Kể cũng may mắn, lúc ở điện Na vương, Điền Mộ Thanh đã vô tình chặt được đầu của Na bà, nếu không chúng tôi đã chết tại điện Na vương mà không biết vì sao mình chết. Nếu cô ấy hoàn thành nghi thức tế lễ thì cả thôn này sẽ rơi hẳn vào trong Đất quỷ. Nói tới đây, thần sắc cô ta trở nên kỳ lạ.
3
Nét mặt Điền Mộ Thanh cổ quái đ