Cô bé gật đầu.
“Ngươi là một người à?”
Cô bé đáp. “Đâu đó”.
“Ngươi trả lời đó chăng?”
“Đâu đó”.
“Nếu tiếng đó có nghĩa là ‘phải’ thì hãy gật đầu”.
Cô bé gật đầu.
“Ngươi đang nói bằng một ngoại ngữ chăng?”
“Đâu đó”.
“Ngươi từ đâu đến?”
“Chó”.
Vị bác sĩ tâm thần suy nghĩ giây lát, rồi ông thử cách khác. “Bây giờ khi ta đưa ra một câu hỏi, ngươi hãy trả lời bằng cử động đầu: một cái gật đầu là ‘phải’, một cái lắc đầu là ‘không’. Ngươi hiểu chứ?”
Regan gật đầu.
“Những câu trả lời của ngươi có ý nghĩa chứ?” Ông hỏi cô bé. – Phải.
“Ngươi có phải là một người Regan có quen biết không?” – Không.
“Là người Regan có nghe nói đến không?” – Không.
“Có phải ngươi là người cô bé bịa đặt ra không?” – Không.
“Ngươi có thật?” – Phải.
“Một phần của Regan?” – Không.
“Ngươi đã từng là một phần của Regan chứ?” – Không.
“Ngươi thích cô bé không?” – Không.
“Ngươi ghét cô bé à?” – Phải.
“Ghét vì một điều cô ấy đã làm?” – Phải.
“Ngươi có trách móc cô bé về chuyện bố mẹ cô bé ly dị không?” – Không.
“Điều đó có liên quan gì đến cha mẹ cô bé không?” – Không.
“Đến một người bạn nào đó?” – Không.
“Nhưng ngươi oán ghét cô ấy?” – Phải.
“Có phải ngươi đang trừng phạt Regan không?” – Phải.
“Ngươi muốn hãm hại cô bé?” – Phải.
“Muốn giết cô bé?” – Phải.
“Nếu cô ta chết, há ngươi không chết luôn sao?” – Không.
Câu trả lời đó có vẻ làm ông bất an. Ông cau mày suy nghĩ. Mấy chiếc lò xo giường kêu kin kít lúc ông xoay trở thân mình. Trong sự tĩnh lặng ngột ngạt, tiếng thở của Regan hầng hậc như thụt từ một ống thổi thối tha, rữa nát. Ngay sát đây. Nhưng mà lại xa. Hung hiểm gở ác một cách xa xôi.
Vị bác sĩ tâm thần lại ngước lên nhìn khuôn mặt méo mó, độc ác kia. Đôi mắt ông ngời lên nét suy tư.
“Có điều gì cô bé có thể làm khả dĩ bắt buộc ngươi phải ra khỏi cô bé không?” – Có.
“Ngươi có thể nói đó là điều gì chứ?” – Phải.
“Ngươi nói cho ta nghe chứ?” – Không.
“Nhưng…”
Thình lình, vị bác sĩ tâm thần há hốc mồm vì cơn đau bất chợt làm ông kinh hãi đến mức không thể tin nổi mà nhận ra rằng Regan đang bóp bìu dái của ông bằng bàn tay trước đó đã kẹp lấy ông như một chiếc vuốt sắt. Mắt trợn trừng, ông vun vẩy để thoát thân. Ông không sao thoát ra được. “Sam, Sam ơi! Cứu tôi với!” Ông rên ư ử.
Đau đớn cực cùng. Đúng là một trại điên.
Chris ngước mắt, rồi nhảy vọt lên lần núm bật đèn.
Klein lao đến.
Regan đầu ngửa ra sau, cười khằng khặc như một ác quỷ, rồi tru lên như sói.
Chris vỗ vào núm bật. Đèn sáng. Nàng chứng kiến một cuốn phim giần giật, sần sùi mô tả một cơn ác mộng ở tốc độ chậm: Regan và hai bác sĩ quằn quại trên giường trong một nùi hỗn độn những chân và tay quơ quào, trong một cuộc hỗn chiến của những khuôn mặt nhăn nhó, của những tiếng thở hào hển và những tiếng nguyền rủa, của tiếng tru tréo, tiếng sủa ăng ẳng và tiếng cười gớm ghiếc, với vai nữ Regan kên ủn ỉn như heo, Regan hí như ngựa; thế rồi cuốn phim chạy nhanh hơn và khung giường lắc lư dữ dội, nhồi từ bên này sang bên kia, còn Chris bất lực đứng ngó lúc con gái hai mắt trợn ngược, rít lên một tiếng thét hãi hùng mà nẩy người lên khỏi bệ cột sống một cách tàn bạo.
Regan ngã gục xuống và bất tỉnh. Sau đó thong thả và thận trọng, các bác sĩ gỡ người ra, đứng lên. Họ nhìn Regan chăm chăm. Một lúc sau, bác sĩ Klein, mặt vẫn phớt tỉnh, bắt mạch cho Regan. Ra vẻ hài lòng, ông chậm rãi kéo chăn đắp cho cô bé rồi gật đầu ra dấu cho mấy người kia. Họ rời phòng, đi xuống văn phòng.
Suốt một lúc, không ai nói năng gì. Chris tọa trên trường kỷ. Klein và vị bác sĩ tâm thần ngồi trên hai ghế đối diện nàng. Vị bác sĩ tâm thần rất tư lự, cứ véo môi lúc nhìn bàn cà phê, rồi ông thở dài và ngước lên nhìn Chris. Nàng xoay tia nhìn héo hắt về phía ông. “Điều quái quỷ gì đang diễn ra ở đây?” Nàng hỏi bằng một giọng thì thào, hốc hác, nhuốm màu tang tóc.
“Bà có nhận ra thứ ngôn ngữ cô bé vừa nói lúc nãy không?” Ông hỏi nàng.
Chris lắc đầu.
“Bà có theo tôn giáo nào không?”
“Không?”
“Con gái bà?”
“Cũng không”.
Bác sĩ tâm thần lúc đó mới hỏi nàng một loạt các câu hỏi lên quan đến tiểu sử tâm lý của Regan. Rốt cuộc. khi đã kết thúc, ông có dáng băn khoăn.
“Sao?” Chris hỏi ông, mấy ngón tay có các khớp trắng hếu cứ xoắn lại rồi lại buông chiếc khăn tay, vò nó thành một nùi tròn. “Con bé mắc chứng gì vậy?”
“Chà, điều đó cũng khá mơ hồ”, vị bác sĩ tâm thần tránh né. “Thành thật mà nói về phần mình, sẽ hết sức là vô trách nhiệm nếu tôi lại đưa ra một lời chẩn đoán sau có một lần khám quá sức vắn tắt như vậy”.
“Nhưng mà, chắc bác sĩ cũng phải có ý kiến nào đó chứ”, nàng khăng khăng.
Vị bác sĩ tâm thần thở dài, sờ lên mày. “Vâng, tôi hiểu là bà hết sức ưu tư, nên tôi xin nêu ra một vài cảm nghĩ có tính cách gợi ý thôi”.
Chris nghiêng người ra trước, gật đầu, vẻ căng thẳng. Mấy ngón tay đặt trên lòng nàng bắt đầu sờ soạng chiếc khăn tay, lượn lờ trên các đường chỉ ở viền khăn cứ như chúng là một chuỗi hạt để cầu nguyện với những hạt bằng vải nhăn nhíu.
“Để bắt đầu”, ông bảo nàng, “tôi xin thưa rằng, rất khó có thể cho rằng cô bé giả vờ được”.
Klein gật đầu đồng ý.
“Chúng tôi suy nghĩ như thế vì một số các lý do”, nhà tâm thần học tiếp tục. “Chẳng hạn như, những co giật đau đớn và dị thường, và điều gây ấn tượng sâu sắc nhất, theo tôi, chính là ở sự thay đổi trên nét mặt của cô bé lúc chúng ta nói chuyện với cái gọi là nhân vật mà cô bé cho là ở bên trong cô. Bà thấy đó, một tác dụng tâm thần như thế khó có thể xảy ra trừ phi cô bé đã tin ở nhân vật đó. Bà theo kịp chứ?”
“Tôi nghĩ là mình hiểu”, Chris trả lời, mắt nàng lác xệch trong nổi bối rối. “Duy có một điều tôi không hiểu, đó là nhân vật này đến từ đâu. Tôi muốn nói là người ta cứ nghe nói hoài về chứng bản ngã phân liệt, nhưng thực tế tôi lại chưa bao giờ được biết đến một lời giải thích nào”.
“Vâng, mà cũng chưa có ai khác được biết đến cả, thưa bà MacNeil. Chúng ta sử dụng những ý niệm như là ‘ý thức’ – ‘tâm trí’ – ‘bản ngã’, nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa biết được chúng là gì”. Ông lắc đầu. “Thực sự là không. Hoàn toàn không. Cho nên khi tôi bắt đầu nói về một điều giống như thể bản ngã phân liệt hay bản ngã đa trùng, thì tất cả những gì chúng ta có chỉ là dăm ba lý thuyết mang tính chất gây thêm nhiều thắc mắc hơn là đưa ra những giải đáp. Freud quan niệm rằng một số các ý tưởng và tình cảm nào đó, bằng cách này hay cách khác, bị ý thức kềm chế, dồn nén lại, nhưng vẫn tồn tại sống động trong tiềm thức của một con người; thực vậy, chúng tồn tại thật mạnh mẽ và tiếp tục tìm cách thể hiện