phải cực kì bình tĩnh, không được phép lơ là dù chỉ một chút, nhất là khi họ cầm dao. Chỉ khác là, bác sỹ nếu phân tâm sẽ hại đến tính mạng người bệnh, còn đao phủ nếu kỹ năng không giỏi, không chặt đứt đầu người. Trong các phim truyền hình, đao phủ luôn cao to, lực lưỡng, râu tóc xồm xoàm, đao hễ vung lên sẽ nhẹ nhàng lấy đi đầu người khác. Đừng bao giờ cho rằng đây là lẽ đương nhiên. Bởi vì thực tế, để có một phát chém không đứt đầu, đao phủ phải khổ luyện rất nhiều. Phần lớn đao phủ khi hành hình đều bắt phạm nhân quỳ xuống, cố vươn dài về phía trước và khom lưng, đao phủ dày dặn kinh nghiệm nhanh chóng chọn chính xác vị trí hành hình. Khoảng cách giữa hai đốt sống cổ chính là sự lựa chọn đầu tiên, một nhát dao dứt khoát đủ để kết thúc buổi hành hình. Nhưng nếu đao phủ “Lỡ tay” chặt vào xương cổ mà không chặt đứt khí quản, phạm nhân không chết nhưng đau đớn muôn phần, quan trọng nhất là toàn bộ pháp trường bỗng trở thành sân khấu hài, không có tác dụng răn đe, cảnh cáo dân chúng. Vì thế, đây là một công việc có độ khó, kỹ thuật tổng hợp tương đối cao, không kém gì bác sỹ làm phẫu thuật. Đao phủ thường là nghề gia truyền. Đúng vậy, hai chữ “Gia truyền” đủ để toát lên nét đặc biệt trong nghề này. Bất cứ điều gì, chỉ cần trải qua thời gian dài đều sẽ trở thành lịch sử và văn hóa, từ đôi đũa nhỏ dùng trong bữa ăn hàng ngày đến cột trụ to trong hoàng cung tôn nghiêm, tất cả đều có nguồn gốc lịch sử, nghề đao phủ gia truyền cũng vậy. Công việc này lương cao nhưng dù sao đi nữa cũng là giết người, vì thế người ngoài chắc chắn không ai muốn học nghề này, chỉ có con cháu của đao phủ kế nghiệp, cho đến khi súng, ghế điện và ống tiêm ra đời, đao phủ mới rời khỏi “Sân khấu”. Đương nhiên, dùng súng cũng có rất nhiều quy định. Ví dụ như gia quyến của phạm nhân yêu cầu cố gắng không hủy hoại diện mạo của họ, nên đạn thường được bắn từ phía sau. Một viên đạn nhỏ khi vào chỉ để lại lỗ hỏng nhỏ nhưng sẽ để lại một lỗ hỏng to như miệng bát khi chui ra, nên nếu không có “Nghề”, khuôn mặt sẽ bị bắn nát tươm. Tay súng có kinh nghiệm và điêu luyện sẽ yêu cầu phạm nhân há to miệng, sau đó bắn từ phía sau lưng một cách chuẩn xác, viên đạn sẽ chui ra từ miệng phạm nhân, không để lại vết tích từ phía trước. Đương nhiên, phần đông các tay súng vẫn chọn bắn vào đầu, nhưng chẳng may bắn thiếu chính xác, một phát súng không đủ kết liễu đời người, buộc phải bắn bổ sung phát thứ hai. Việc làm này chỉ khiến phạm nhân thêm đau đớn mà thôi. Kim Hyeon Cheoi là giảng viên của một trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, còn Song Jeong Nam là bác sỹ ngoại khoa hàng đầu của một bệnh viện, cuộc gặp gỡ của hai con người này diễn ra vô cùng ngắn ngủi. Để chăm sóc người cha vừa trải qua cuộc phẫu thuật động mạch vành, thầy giáo Kim ngày đêm có mặt trong bệnh viện. Cha của thầy giáo Kim là quân nhân về hưu, từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam, ông trở về Hàn Quốc lập gia đình sau giải ngũ. Ông rất hiền, đôi mắt nhỏ, đôi môi hơi mỏng luôn khép kín, khi vui thường thích xoa hai tay vào nhau. Nhìn vẻ ngoài, ông không giống một quân nhân! Nếu không phải vì bạn chiến đấu của ông thỉnh thoảng đến nhà ôn lại kỷ niệm, người ngoài không bao giờ tin một người như ông đã từng tham gia vào chiến trường nổi tiếng ác liệt một thời của thế giới. Nhưng mỗi khi Kim Hyeon Cheoi muốn cha kể chi tiết về trận chiến đó, ông luôn bực mình quay người bỏ đi, lâu dần Kim Hyeon Cheoi đành từ bỏ ý định. Mẹ của Kim Hyeon Cheoi đã được giải thoát khỏi cuộc đời này cách đây chục năm, nói vậy vì anh luôn cảm thấy mẹ mình sinh thời đã phải gánh chịu quá nhiều nỗi đau. Dù rằng có phần bất kính, nhưng đứng từ lập trường của Kim Hyeon Cheoi, anh cho rằng, mẹ mắc bệnh nan y, cứ phải đấu tranh giữa sự sống và cái chết, cho dù gia đình đã cố gắng hết sức, không ngại khuynh gia bại sản chỉ với mong muốn kéo dài sự sống của bà, nhưng thực ra chỉ kéo dài thời gian đau khổ của bà mà thôi. Anh hiểu, bà muốn sống để được tận mắt chứng kiến ngày anh thành thân, đây là lý do duy nhất khiến bà chưa thể nhắm mắt xuôi tay. Vì thế Kim Hyeon Cheoi đã kết hôn rất sớm, khi vừa rời khỏi giảng đường đại học. Anh muốn mẹ ra đi thanh thản. Sau khi mẹ qua đời, Kim Hyeon Cheoi càng hiếu thuận với cha bội phần, nhưng cha anh tính tình ngày càng khó chịu, ông thà ngồi cả ngày với nhóm bạn chiến đấu chứ không muốn để ý tới anh. May mà Kim Hyeon Cheoi từ nhỏ đã là một người dễ tính, không, nói chính xác là có phần nhu nhược, hơn nữa từ nhỏ anh đã được người cha quân nhân dạy dỗ nghiêm khắc, nên dù trong lòng không thỏa mãn, anh vẫn ngoan ngoãn, hiếu thuận, nghe lời cha. Mùa đông năm nay, thực hiện lời hẹn từ lâu, cha anh cùng các bạn chiến đấu đã quay lại thăm chiến trường Việt Nam năm xưa. Nhưng từ khi trở về sau chuyến đi, ông càng ít nói, thường trầm tư suy nghĩ, thỉnh thoảng còn cảm thấy khó thở, đau tức vùng ngực, rồi đột ngột bất tỉnh hồi tuần trước. Bệnh viện chẩn đoán ông bị tắc động mạch vành, cũng có nghĩa là nhồi máu cơ tim, buộc phải phẫu thuật cấy ghép giá đỡ động mạch vành. Sự việc đến hoàn toàn bất ngờ khiến Kim Hyeon Cheoi vô cùng lo lắng, mất bao công sức tìm rồi nhờ bạn chiến đấu của cha thuyết phục, cuối cùng cha anh cũng đồng ý thực hiện phẫu thuật. “Phẫu thuật cấy ghép giá đỡ động mạch vành tức là dùng một loại ống thông nhân tạo vừa nhỏ vừa dài luồn vào động mạch cho đến chỗ động mạch bị tắc, sau đó luồn thiết bị như quả bóng để thông cho động mạch rộng ra hoặc đặt ống stent như một khung giá đỡ để động mạch vành bị tắc được thông suốt, khiến động mạch vốn không thông máu mở rộng trở lại, từ đó tim được cung cấp đủ máu sẽ hoạt động bình thường. Thông thường, phần lớn các ca phẫu thuật chọn luồn ống thông qua đường động mạch đùi hoặc qua đường động mạch “Quay”, vì gần tim hơn, nhưng thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau phẫu thuật cũng khá dài.” Lần đầu tiên Kim Hyeon Cheoi đối thoại với bác sỹ Song Jeong Nam là nghe anh giảng giải về nguyên lý của ca phẫu thuật. “Vậy xin hỏi bác sỹ, ca phẫu thuật này phải chăng dối diện với nguy hiểm rất lớn hoặc gây ra gánh nặng quá sức chịu đựng cho cơ thể? Bố tôi tuổi đã cao, sức khỏe lâu nay lại không tốt lắm.” Thầy giáo Kim Hyeon Cheoi là một người con có hiếu, anh quan tâm đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất của ca phẫu thuật. “Anh đừng quá lo lắng, đây chỉ là một ca vi phẫu mà thôi, mặc dù mới nghe thì thuộc loại phẫu thuật tim, nhưng thực tế không đáng sợ đến vậy. Hơn nữa, kỹ thuật phẫu thuật động mạch ra đời và áp dụng đã mấy chục năm nay, gần như đạt đến độ thành thục và tiên tiến nhất, người bệnh được ghép giá đỡ động mạch cũng không cần quá lo lắng, nên tôi vẫn khuyên bệnh nhân thực hiện phẫu thuật.” Bác sỹ Song Jeong Nam mỉm cười hiền hậu, để lộ hàm răng đã hơi xỉn, xem ra bác sỹ này nghiện thuốc lá không nhẹ, có lẽ công việc căng thẳng thời gian dài kiểu này cần sự hỗ trợ của ni-cô-tin. Kim Hyeon Cheoi đồng ý phẫu thuật. Tối ngày phẫu thuật thành công, anh một mực xin bác sỹ để mình được ở lại qua đêm trong bệnh viện với cha, bác sỹ Song Jeong Nam có phần khó xử. Nhưng thật may, đêm đó bác sỹ Song Jeong Nam trực