phải thức khá khuya. Và cũng như những đêm trước, ngồi làm việc thỉnh thoảng anh lại nhìn qua cửa sổ để chờ đợi… Cái mà anh chờ là một đóa hoa tươi, chẳng biết từ đâu mà luôn rơi đúng trước mặt An khi anh ngồi trên bàn. Chẳng cần nghĩ ngợi xa xôi, An cứ cho tác giả của hành động đó là… Trúc Quỳnh. An thường hướng ra mộ mỗi khi nhận được hoa và luôn khấn: - Em hãy yên nghỉ. Anh luôn chờ em! Những lúc như vậy, An luôn có cảm giác như một bên má của mình được ai đó hôn phớt qua. Tối nay, An đợi khá lâu mà chưa thấy bông hoa bay qua cửa sổ, rơi lên trang vở. Anh thầm nghĩ chắc là nàng giận… Và có lẽ quá mệt, nên trong lúc chấm bài An đã gục xuống ngủ ngon lành. Đến khi choàng tỉnh, anh càu nhàu: - Lại gục rồi.. Chợt An nhìn thấy đóa hoa tươi nằm đó. Và ngoài ra, anh còn phát hiện trên trang vở còn có một dấu chân rất lạ. Không phải dấu chân người, mà giống như Chân một con vật. Điều này lần đầu An nhận ra, anh giật mình tự hỏi: - Con vật gì lại vào đây? Dấu chân lớn hơn chân mèo, cũng lớn hơn chân của những con chó thông thường… Mà ở vùng này ngoài những con vật đó ra đâu còn loài nào nữa. Chồn cáo thì chân cũng cỡ chân chó. Chỉ có cọp, beo? Nhưng từ ngày về đây ở đến nay đã mấy tháng rồi, An có nghe ai nói chốn này có những loài mãnh thú đó. Mà ví dụ có thì lúc anh ngủ, một khi chúng đã vào đây rồi thì mạng sống của anh làm sao còn giữ được! Dấu chân còn khá mới, lại hơi ươn ướt, chứng tỏ bên ngoài sương đêm đã khá nhiều… Hơi rờn rợn người nên An xếp sách, đóng cửa sổ và đi nghỉ. Anh cứ thắc mắc mãi chuyện lạ đó cho đến khi ngủ say trở lại. Sáng dậy, việc đầu tiên của An là đi ngay ra mộ người yêu làm cái việc mà gần ba tháng nay sáng nào anh cũng làm là đốt nén nhang cắm trước đầu mộ, nhìn nhang cháy đến gần phân nửa mới vào sửa soạn đi dạy. Hôm nay vừa ra tới nơi, anh đã ngạc nhiên khi nhìn thấy ngay ở đầu mộ có một mảnh giấy nhỏ, trông quen quen. Anh chụp vội đưa lên xem thì lại càng ngạc nhiên hơn, bởi đó chính là mảnh giấy mà các nữ sinh viết chọc phá anh! - Mình bỏ nó trong túi mà… Vừa lẩm bẩm, An vừa cho tay vào túi quần thì không còn gặp. Anh lại ngẩn ngơ hồi lâu. Chẳng lẽ Trúc Quỳnh lấy đưa ra đây. Thay vì chỉ chờ nhang cháy nửa cây là An đi dạy như thường khi. Bữa nay anh mắc lo suy nghĩ chuyện khó hiểu kia, nên đến khi nhang tàn anh mới chợt nhớ, hốt hoảng chạy vào sửa soạn vội rồi đi thật nhanh cho kịp giờ. Vào lớp trễ gần mười phút, Cũng may, An không bị Ban giám hiệu phát hiện và đám học sinh cũng ngoan ngoãn ngồi yên trong lớp đợi thầy. Điều làm An ngạc nhiên hơn là thấy một nữ sinh đang đứng cạnh bàn, trong tư thế khoanh tay. Mặt cô bé đỏ bừng, nước mắt ràn rụa. - Ủa, em bị sao vậy? Cô bé nói trong sợ sệt: - Em xin lỗi thầy. Chính em… Cô ta ngập ngừng mãi khiến An phải nhìn xuống lớp hỏi: - Thanh Thủy có chuyện gì vậy mấy em? Có một bạn nữ đứng lên thưa? - Dạ thưa thầy, lúc nãy Thủy cùng đi với em tới trường, bỗng dọc đường nó lảo đảo như bị ai đó xô. Sau đó, nó ôm lấy mặt kêu oai oái! Em chẳng biết chuyện gì, nhưng khi nhìn lại thì thấy hai bên má nó đã sưng vù! - Bị ai đánh? An hỏi và nhìn Thủy. Cô bé lắc đầu: - Dạ, em cũng không biết. Bạn kia nói thêm: - Lúc ấy chỉ có hai chúng em, không có ai khác cả! An hỏi lại: - Vậy em xin lỗi thầy mà lỗi gì? Thủy ngập ngừng một lúc nữa rồi mới nói được: - Dạ… hôm qua em đã… thất lễ với thầy, em viết… - Viết mà viết cái gì? Ở dưới lớp, nhiều học sinh la to: - Dạ, bạn ấy viết rồi gắn phía sau túi quần của thầy. Chợt nhớ ra mảnh giấy, An trố mắt: - Em là tác giả? Thanh Thủy sợ điếng hồn, bởi nghĩ thầy nổi giận: - Dạ. Em biết lỗi. Em xin thầy tha cho. An kịp bình tĩnh, anh nhẹ giọng bảo: - Thôi không sao, em về chỗ ngồi đi. Anh hướng về lớp: - Các em im lặng và chúng ta bắt đầu tiết học. Thầy cũng xin lỗi vì đi trễ gần mười phút. Buổi đứng lớp hôm đó chính An cũng có cảm giác bất an. Cũng chẳng biết là điều gì. Đứng trên bục giảng mà thỉnh thoảng anh như nhột nhạt sau gáy. Lúc bất chợt nhìn lại thì lần nào An cũng thấy ánh mắt cô nữ sinh Thanh Thủy nhìn mình. Cô bé vội cúi gằm mặt tránh đi. Trong giờ ra chơi buổi học chiều, thầy giám thị tới phòng giáo viên báo cho An biết có một học sinh bị choáng vừa được đưa đi cấp cứu. Khi hỏi ra thì đó chính là Thanh Thủy. Hỏi các bạn thân của cô bé thì An được họ cung cấp thêm thông tin: - Thầy không biết chớ Thanh Thủy lớn hơn bọn em đến hai tuổi. Bạn ấy là con nhà giàu, đáng lý ra đã nghỉ học hồi năm rồi để lấy chồng theo ý của cha mẹ, nhưng Thủy từ chối, quyết phải học cho hết năm Tú tài rồi mới thôi. Bạn ấy hiền và dễ thương nên trong lớp ai cũng mến. Hồi sáng khi chuyện xảy ra chính Thủy cũng không ngờ. Giờ ra chơi sáng, Thủy mới nói riêng với em là chẳng hiểu sao từ lúc đó trở đi, bên tai Thủy lúc nào cũng như có tiếng nói của ai đó khiến cho Thủy bất an và sinh bệnh. An tính hết giờ sẽ đi thăm cô học trò, nhưng khi tan học thì bạn bè Thủy báo tin rằng cô bé đã được người nhà đón về. An dặn các học trò: - Sáng mai nếu Thủy vẫn chưa đi học thì em nào biết nhà dẫn thầy đi thăm Thủy nhé. Anh ra về với lòng nặng trĩu về cô học trò. Chuyện Thủy bị những hiện tượng lạ khiến An ngờ ngợ điều gì đó. Mà chính xác là điều gì thì An cũng không rõ… Vừa về đến nhà, việc đầu tiên là An đi thẳng ra mộ của Trúc Quỳnh. - Thanh Thủy! An sững lại, kinh ngạc khi thấy người đang phủ phục trước mộ là… Thanh Thủy. Cô gái chừng như không nhìn thấy An, vẫn quỳ và chắp tay, mắt nhắm nghiền. An lại gọi: - Thanh Thủy! Sao em… Chợt một cơn gió rất mạnh thổi tung bụi mịt mù, khiến An phải bịt mắt mũi lại. Đến khi nghe hết gió, mở mắt ra anh vô cùng ngạc nhiên khi không còn thấy cô gái đâu nữa. - Thanh Thủy! An gọi to và quay bốn hướng tìm kiếm. Chẳng thấy bóng dáng cô ta đâu. Vừa định bước đi xa hơn để tìm, thì một chân của An vướng vào một cục đá, ngã nhoài về phía trước. Vô tình mặt An gần như chạm vào chỗ để đồ cúng trước ngôi mộ. Và… anh lại thấy một mảnh giấy khác, nức mùi hương quen thuộc. Hương của Trúc Quỳnh! Cầm mảnh giấy lên, An giật mình đọc: “Có còn thương em không? Nếu hết thì đi theo hướng Tây, ắt sẽ gặp được người con gái khác và đó là lương duyên của anh. Còn bằng không thì trở vào nhà ngủ một giấc cho đến sáng mai, khi thức dậy ắt sẽ biết phải làm gì. Đừng thắc mắc uổng công.