Mặc dù lão Nghĩa mù đã mất, nhưng danh thì vẫn còn, tự hiệu của lão vẫn còn, mọi người nể mặt lão Nghĩa mù, cho rằng tôi hẳn là cao đồ của lão, cứ dăm ba bữa lại có người mang đồ đến nhờ tôi giám định, không làm sao mà thoái thác được, cũng may thường ngày tôi được nghe lão Nghĩa mù nói chuyện, hàng thật cũng được tận mắt thấy nhiều, lúc nào không tránh được đành vừa lừa vừa dọa ứng phó cho qua chuyện, cũng chưa đến nỗi làm tổn hại thanh danh của lão Nghĩa mù, có lúc cao hứng tôi cũng mang vài “bao diêm” ra ngồi một mình ngoài chợ âm phủ thử vận may xem có thu được thứ gì đáng giá không.
Những năm trước, lão Nghĩa mù chủ yếu buôn bán mấy vụ đá lát đường hầm mộ quanh khu vực Độc Thạch Khẩu, Xích Thành, Hà Bắc. Riêng cái tên đã nói lên tất cả, vùng này có một khối đá niên đại đã lâu đời, một khối đá to lớn lừng lững như mọc từ dưới đất lên, cao hơn hai trượng, đi một vòng quanh tảng đá chắc cũng đến trăm bước chân, quanh năm dầm mưa dãi nắng mà vẫn đứng sừng sững, trên tảng đá mọc bốn cây cổ thụ, cành lá sum suê che lấp được cả con trâu. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của tảng đá đó, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Nơi này nổi tiếng vì làm nghề điêu khắc đá, có cả đá hầm mộ, cột đá, đá ông trọng v.v… tất cả đều có ở Độc Thạch Khẩu, có đồ thật cũng có đồ giả cổ.
Buôn bán ở lĩnh vực này quả là độc, yêu cầu cũng cầu kỳ, đặc biệt là những hòn đá có hoa văn động vật, mỗi kiểu hoa văn lại có hàm ý riêng, ví dụ: hoa văn đầu thuồng luồng có nghĩa là nhìn xa trông rộng; hoa văn cá mình chim ưng nhả ra mây có thể dùng để trấn hỏa; hoa văn sử tử có ý nghĩa duy trì hương hỏa; hoa văn con giải trãi[1'> có thể phân biệt trung thần hay gian thần, thiện hay ác… Tin vào những phong tục này phần đa là những tay giàu có và quan lại địa phương.
[1'> Con giải trãi: là con thú có ngoại hình giống như dê nhưng chỉ có một sừng.
Đầu những năm 90, phong tục này lại rộ lên ở những vùng nông thôn, họ không tiếc tiền của để tu sửa mộ phần cho tổ tiên, bởi họ thấy sử dụng những hòn đá hàng trăm tuổi trong nghĩa trang gia tộc là một việc rất đáng hãnh diện. Đá hầm mộ có rất nhiều loại, ví dụ như những viên đá có hoa văn khắc lồi hoặc lõm, trụ đá trong hầm mộ, đá ông trọng dùng để trấn mộ tránh tà, tượng người tượng ngựa bằng đá, tất cả những thứ đó đều gọi là “mộ đạo thạch”, mỗi khách một nhu cầu, người nhiều tiền thì dùng đồ thật, tiền ít thì dùng đổ giả cổ. Thợ đá chủ yếu tới từ Xích Thành ở Hà Bắc. Lão Nghĩa mù từ bảy tám năm trước đã chuyên buôn bán món này, lão mất đi còn nợ hàng rất nhiều khách. Những người này cũng đến tìm tôi, tôi đành phải cấu chỗ nọ đập chỗ kia, hàng ngày chăm sóc mấy vị khách hàng này, lại còn phải về vùng nông thôn lấy hàng. Bận tối tăm mặt mũi, cứ nghĩ đến việc đây là vốn buôn bán mà lão Nghĩa mù để lại cho mình thì dù có khó khăn mấy cũng không thể bỏ được. Đối phó được ngày nào hay ngày đó, tôi đành phải gửi thư cho Sách Ni Nhi nói với cô ấy tạm thời tôi chưa quay về trên đó được, chờ mùa xuân năm sau xem tình hình thế nào tôi sẽ lên Đông Bắc tìm mỏ vàng sau.
Sau đó, tôi cũng mấy lần đi Độc Thạch Khẩu, Ký Bắc, dần cũng tìm ra được bí quyết, chỉ cần làm quen được với dân bản địa ở đó thì việc gì cũng dễ giải quyết. Từ xưa đến nay, người dân vùng Ký Bắc vốn hiếu khách, ở vùng đó, khách đến nhà sẽ được chủ nhà dùng bát to mời nước mời cơm, nếu muốn chủ nhà quý mến thì khách phải hiểu phong tục ở đó, uống trà không được uống hết sạch nước trong bát, ăn cơm không được dừng lại nửa chừng, nếu không sẽ bị coi là khinh thường chủ nhà, sau khi đã ăn no thì gác đũa lên bát cơm của mình. Nghe nói khi vào mùa lạnh, khách còn phải nằm ngủ cùng với gia đình nhà chủ mà không được chê bai, khi tạm biệt sẽ được chủ nhà tặng những sản vật địa phương mang về, thích mang bao nhiêu cũng được. Toàn bộ người dân trong thôn đều là thợ khắc đá, đặc biệt là mô phỏng đồ cổ bằng đá y như thật, cũng có cả những phiến đá trộm được từ những ngôi mộ trên núi. Cứ như vậy, tôi bận rộn liên hồi đến mức không có thời gian để suy nghĩ nhiều. Thời gian đó, tôi lăn lộn hết ngày này sang ngày khác, nhưng hễ đêm đến tôi lại gặp ác mộng, cứ nhắm mắt là hình ảnh người đàn ông đầu tóc rũ rượi kéo theo khúc ruột dài loằng ngoằng bò ra từ quan tài lại hiện ra. Tôi cho rằng chắc tại mình tưởng tượng quá nhiều, nhưng cũng không tránh khỏi sợ hãi, cho đến khi tôi tới vùng núi sâu ở Dự Tây gặp một kỳ nhân, người vốn nằm trong quan tài từ rất lâu rồi.
2
Các cụ nói cấm có sai – Gặp quý nhân thì phát tài mà móc phải lưỡi câu thì xui xẻo. Và tôi đã gặp phải một cái “lưỡi câu” như vậy nên mới có chuyến hành trình đi Dự Tây. Trong số những người thường xuyên tới hẻm Giang Phòng tìm tôi, có một người anh họ xa, biệt danh là Điếu bát, tính theo thứ bậc thì tôi phải gọi anh ta là chú họ, thực tế thì anh ta chẳng hơn tôi bao nhiêu, tôi cũng không biết thứ bậc này tính ra sao, nói chung họ hàng xa, xa tới mức bắn tám tầm đại bác cũng không đến, tôi thấy rất thiệt thòi nên chỉ gọi anh ta bằng biệt danh Điếu bát. Vì nghiện thuốc nặng, cả ngày không thể rời thuốc nên bà con lối xóm đều gọi anh ta bằng biệt danh ấy. Anh chàng này nghèo nhưng hay kiểu cách, tim to gan nhỏ, hay gây chuyện nhưng không dám gánh trách nhiệm, cũng chẳng rõ ngọn cỏ nào trên mộ phần tổ tiên nhà anh ta bị mọc lệch nên vận khí toàn xui xẻo. Năm anh ta mười tuổi, tự nhiên lại muốn tìm hiểu bí mật của phụ nữ, thế là trong một lần không kìm được sự tò mò, đã trèo tường nhà xí nữ để nhìn trộm, chưa kịp nhìn thấy gì đã bị cán bộ thôn đi ngang qua bắt gặp, bị hai bà cô trong thôn áp giải lên đồn công an, chưa đợi người ta tra hỏi tự mình đã khóc lóc khai ra hết tất cả những việc xấu từng làm từ nhỏ đến giờ, cả việc hai năm trước bố anh ta trót đi chơi gái cũng khai tuột ra luôn, thời đó đấy là một tội nặng. Bố anh ta bị phán đi cải tạo lao động ở Tây Bắc, Điếu bát bị nhốt ở đồn công an, sau đó thì cũng nghỉ học. Anh ta bắt đầu ra ngoài xã hội từ đó, giờ thì ‘cao không tới thấp không thông’, vẫn lởn vởn khắp nơi, không có nghề ngỗng gì đàng hoàng, dựa vào cái miệng khéo ăn khéo nói, cũng lượm được vài món hàng ở chợ âm phủ, thấy người khác kiếm tiền thì mắt sáng lên, cũng về quê thu mua đồ cổ, tìm được món nào thì lại lo kiếm khách hàng để bán. Anh ta thường nói với tôi, giá mà vận may tốt, thu được món đồ có giá trị, ví như đi tr