- Nó trốn về nhà rồi!
Mặc dù lão biết trong căn phòng đó không làm cách nào nàng ta trốn đi đâu được, bởi không có cửa sổ cũng không có bất cứ lối đi nào khác, ngoài cửa phòng ra vào duy nhất. Lão nhất quyết chạy trở qua nhà cha mẹ Tiểu Quyên để tìm.
Nhưng vừa bước ra tới sân thì lão thấy một thanh niên lạ bước vào. Anh ta hất hàm hỏi trịch thượng:
- Tiểu Quyên đâu?
Đang căng thẳng vì lo, lão bực dọc quát:
- Mày là ai?
Chàng trai vẫn bình tĩnh bước thẳng vào nhà mà không đếm xỉa tới lão.
- Nè, thằng kia…
Lão vừa nói thì bỗng cảm giác như bị ai đó tát mạnh vào má mình hai cái liền! Lão ngơ ngác:
- Ai… ai vậy?
Quay một vòng không thấy ai, lúc đó thì chàng trai đã bước hẳn vào phòng khác. Lão phải chạy theo vừa lặp lại câu hỏi:
- Mày kiếm ai?
Anh chàng đáp cộc lốc:
- Tiểu Quyên.
- Mày là ai mà… mà…
Câu nói vừa phát ra thì cũng là lúc anh ta xông thẳng vào căn phòng đang mở toang cửa. Nhìn chẳng thấy ai, anh ta quắc mắt hỏi lớn khiến lão Tung phải giật mình:
- Cô ấy đâu? Tiểu Quyên đâu?
Lão Tung chưa kịp đáp thì đúng lúc ấy ngoài cổng có nhiều tiếng chân ngựa chạy rầm rập vào, cùng với tiếng hỏi lớn:
- Có nhà không ông bá hộ?
Người chạy vào đầu tiên là Mười Lực. Không để ý gì khác, ông hỏi dồn:
- Con gái tôi đâu?
Lão bá hộ quay sang chàng trai lúc nãy định chỉ anh ta thì vô cùng ngạc nhiên, bởi anh chàng đã… biến đi đâu từ lúc nào rồi!
Thấy lão có vẻ lúng túng, Mười Lực nghi hoặc:
- Ông đã làm gì con Tiểu Quyên nhà tôi rồi?
Không còn còn cách nào hơn, lão ta đành phải nói thật:
- Cô ấy ở trong phòng suốt hai hôm nay, rồi lúc nãy tôi mở cửa phòng ra thì chẳng thấy đâu mà thay vào đó là con gái tôi!
Mười Lực có linh tính điều chẳng lành nên run lên:
- Chết con tôi rồi!
Rồi ông ôm đầu rên rỉ:
- Phải biết như vậy thì tôi đâu có ép gả con mình! Tiểu Quyên ơi, vì ba mà còn bây giờ chẳng biết ra sao, còn thằng Quân thì đã chết sau khi con lên xe hoa. Trời ơi!
Đang rối trí mà nghe Mười Lực nói. Lão bá hộ phải hỏi lại:
- Quân nào? Ông nói Quân nào?
Mười Lực không giấu giếm:
- Quân là người yêu của con gái tôi. Đáng lẽ tụi nó sẽ cưới nhau vào Tết này, nhưng do tôi ép Tiểu Quyên, nên chúng nó phải chia lìa nhau. Vừa rồi khi hay tin con Quyên đi lấy chồng, thằng ấy đã đập đầu vào vách nhà máy xay lúa mà chết rồi!
Lão bá hộ không tin vào tai mình:
- Quân! Nó… nó mới vừa ờ đây!
Mười Lực như bị điện giật:
- Cái gì? Ông nói sao? Thằng Quân…
- Nó mới vừa ở đây. Nó cũng nói là đi tìm Tiểu Quyên. Ông bước vào nó mới… biến mất!
Mười Lực nói như người bị tâm thần:
- Lạy trời… lạy trời xin đừng làm gì con gái tôi. Lạy trời…
Rồi ông lạng choạng bước ra cửa, vừa đi vừa cất tiếng gọi:
- Quyên ơi! Quyên!
Tiếng của ông chìm vào không gian đang lặng gió…
Bá hộ Tung gục xuống ôm đầu rên rỉ:
- Tôi đã làm gì thế này? Tôi gây ra chuyện gì đây?
Ông chợt nhớ tới con gái mình và bàng hoàng bật dậy lao đi:
- Liên ơi! Con ơi…
° ° °
Những gì hiện ra trước mắt đã khiến cho bá hộ Tung càng bàng hoàng hơn. Xác của Quân vẫn còn nằm đó với cái đầu đầy máu. Điều này có nghĩa là…
Giọng của bà mẹ Quân như xé nát con tim lão bá hộ:
- Nó thương con Tiểu Quyên, nó muốn sống đời với con nhỏ, mà con nhỏ cũng thương nó, bất kể giàu nghèo. Vậy mà người ta đành đoạn chia lìa tụi nó ra, để bây giờ xảy ra thảm cảnh này. Trời ơi, Quân ơi!
Bà không biết mặt bá hộ Tung, nên đứng bên lão ta mà vẫn nói như lời kết tội của một quan toà:
- Họ ỷ mình giàu nên làm những chuyện thường luân bại lý mà cũng làm được! Một thằng già đáng tuổi ông nội ông ngoại mà ép duyên một đứa con gái mới lớn, mà sao trời không có mắt, cứ để cho nó xảy ra, hả trời…
Một người đứng cạnh đó, lên tiếng:
- Thằng cha ruột của con Quyên còn đáng trách hơn. Lão Mười Lực này mắc nợ quá rồi hoá điên, không còn lý trí gì hết nỡ đem con mình đưa vào chỗ chết! Giờ đây chẳng biết đã sáng mắt chưa.
Trong khi đó, người ta phát hiện có một xác chết treo lơ lửng ở gốc cây đa ngoài đầu làng. Một người chạy về báo cho Mười Lực:
- Con Tiểu Quyên tự tử chết ngoài kia kìa.
Không có Mười Lực ở đó, lão bá hộ nghe vậy vội vã chạy đi, vừa hớt hải kêu lên.
Tiểu Quyên. Tiểu Quyên ơi…
Nhưng lão ta đúng là không có duyên trùng phùng với Tiểu Quyên, nên khi lão vừa chạy tới thì hai người hàng xóm khiêng xác Quyên về tới. Cô gái đáng thương đã chết thật rồi, thi thể lạnh ngắt.
Đặt hai thi thể nằm sóng đôi nhau giữa nhà, khiến mọi người chứng kiến đều bất nhẫn, không cầm lòng được phải bật khóc. Nhất là bà mẹ của Quân, bà gào lên từng hồi:
- Con ơi, thương nhau mà khi sống người ta đã chia lìa tụi bay, phải đến khi chết mới được bên nhau như vậy, thê thảm quá trời ơi!
Có một người vừa ở bên nhà bá hộ Tung chạy về, họ báo tin:
- Con gái út của lão bá hộ cũng bị trời hại chết rồi!
Bá hộ Tung lúc ấy vừa trở lại, đang đứng ở ngoài, nghe tin đó đã rụng rời, phải cố lắm mới lê bước vào nhà được. <!–nextpage–> Út Liên không còn nằm ở đó nữa, lão bá hộ thẫn thờ một lúc rồi lại rời khỏi nhà, lão đã đoán nơi con mình được đưa đến.
Khi lão qua tới nhà của cô em giá thì quả thấy mọi người đang xôn xao trong nhà. Vừa trông thấy lão cô Sáu Nết đã kêu lên:
- Con gái anh nó ra nông nỗi này mà anh còn không biết sao?
Lão Tung nhào tới ôm xác con, gào lên:
- Con ơi!
Bất ngờ Út Liên mở mắt ra nhìn lên ngơ ngác. Cô Sáu đứng bên vừa mừng vừa sợ, la lên:
- Con Liên sống lại rồi!
Ngồi bật dậy như người sau một giấc ngủ say. Liên nhìn cha mình và bỗng sợ hãi lùi lại, hai tay ôm lấy ngực như một người thủ thế, sợ bị tấn công! Lão Tung phải lên tiếng trấn an:
- Ba đây con! Ba xin lỗi con, ba biết mình sai rồi, ba xin hứa…
Thái độ của ông có tác dụng phần nào giúp cho Liên lấy lại bình tĩnh, cô quay sang cô mình rồi ôm chầm lấy.
Cô Sáu lên tiếng:
- Có cô đây con, Ba con cũng biết lỗi rồi. Vả lại giờ đây thì con nhỏ đó cũng đã chết rồi. Mình không trách nó, chỉ tội nghiệp thôi. Để rồi cô sẽ qua tận nhà nó lo tang lễ cho đàng hoàng, như chuộc lỗi với người ta.
Lão bá hộ cũng nói:
- Tiền tôi bỏ ra trả nợ cho cha cô ấy coi như là món quà để chuộc tội. Tôi sẽ xin cô ấy…
Ông nghẹn lời không nói tiếp được. Liên chừng như hài lòng với cử chỉ đó, cô siết chặt tay cô Sáu và rồi quay sang nhẹ giọng với cha:
- Con hiểu, con không giận ba.
Thế là từ bi kịch đã chuyển thành niềm vui lớn của nhà bá hộ. Trong niềm vui tột cùng đó, không ai để ý thấy cái nhìn của Liên về phía cha mình có cái gì đó khang khác.
Lão Tung đề nghị:
- Bây giờ không còn gì để con và mấy chị con giận ba nữa, thôi ta về nhà chớ!