bốn đứa con, đứa nào cũng chưa đầy ba tuổi là vong mạng. Mỗi khi cấn thai, cô đi xin bùa phép trừ tà ếm quỉ để đứa con trong bụng cô không phải là con ranh, nhưng làm sao cô cải được cái ác nghiệp hiện hành! Khi đứa con thứ hai chết đi, trước khi chôn, cô thử lấy mực đỏ vẽ một vết nhỏ cỡ hột đậu ở háng nó. Đứa con thứ ba vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã có vết son đó. Rồi khi đứa con thứ ba từ trần, cô vẽ thêm một chữ thập nhỏ bằng mực đen trên mông nó. Thế là đứa con thứ tư chẳng những mang vết son ở háng mà còn mang chữ thập đen trên mông. Rõ ràng đây là đứa con ranh đầu thai qua năm kiếp. Đau đớn vì trải qua năm lần chửa đẻ con ranh con lộn nên lần có chửa thứ sáu, cô Tư Cẩm Lệ đi phá thai trong căn nhà một mụ xẩm già có nhà đâu đít với trường học Huê kiều, giáp với miễu Quốc công. Mụ dùng chiếc đũa sắt bọc dây thun ở đầu, bôi lên đầu một chút dầu cho trơn rồi thọc sâu vào tử cung cô. Dây thun quấn vào bào thai vừa tượng hình trong bụng mẹ, bị rút ra khỏi cơ thể của mẹ nó. Cuộc phá thai không quá đau đớn như cô tưởng. Cô thầm mong rằng từ đây về sau, bởi trận phá thai kia cô sẽ bặt luôn đường chửa đẻ. Nhưng hai ngày sau, trong cơn chiêm bao cô thấy Cô Tư Thục hiện về, mắng: – Đồ khốn nạn! Mầy tưởng đâu phá thai là hết chuyện sao! Thai nhi dù có chết đi thì cũng kể như mầy đã sanh lần thứ sáu rồi vậy. Còn thêm ba lần sanh nữa là đủ chín lần, đứa con ranh con lộn kia sẽ vật mầy chết tươi. Khi nó vừa ra đời là mầy sẽ bị băng huyết sối xả, đố ai cứu được!! Cô Tư Cẩm Lệ sầu não lắm, thường cùng chị thì thầm than thở rồi khóc sụt sùi. Cậu Hai Luyện khuyên dứt cô em út: – Nấu mầy sợ sanh đẻ thì cữ kiêng việc chung chạ với chồng. Mầy đã gây ác nghiệp thì chi bằng lo tụng kinh sám hối, dứt chuyện tham dục, bình tĩnh mà trả quả. Có lý đâu mầy cứ huê kia nguyệt nọ hà rầm, lo chạy áp phe chơn không bén đất. Mầy cũng đã trải qua hai tên bạn chăn gối, thôi thì dứt hết nợ phong tình nguyệt trái đi cho khỏe thân… Và cậu quay qua trách cô Ba Cẩm Tú: – Còn em, em đã dùng đủ mưu đen chước đỏ đẻ kiếm được người chồng thuộc hạng thượng lưu trong xã hội, vậy mà em không chịu giữ vững hạnh phúc, để rồi giờ trở thành thứ vợ ngày vợ bữa cho bọn ngoại kiều! Em cứ coi cặp chơn cụt của anh đây mà hành xử sao cho khỏi vướng vào vòng tai kia họa nọ. Cô Ba khóc lóc: – Ai cũng muốn đẹp mặt nở mày chớ ai có muốn làm bia iệng đời chê cười sỉ nhục đâu! Bởi em dại dột, nên giờ có muốn kiếm một ông chồng tử tế cũng như mò kim đáy biển mà thôi! Cô Tư Cẩm Lệ tuy đồng ý với anh mình, nhưng cô đang độ trẻ trung sung sức, lẽ nào cô chịu cảnh cám treo để heo nhịn đói cho được! Bởi đó phá thai chưa trót năm mà cô đã có chửa lần thứ bảy. Cô sợ quá, thỉnh kinh Từ Bi Thũy Sám và Lưng Hoàng Sám Pháp về tụng ra rả. Một sáng kia, cô Ba Cẩm Tú và cô Tư Cẩm Lệ, kẻ từ nhà ông Cò mi, người từ nhà ông Biện lý, không hẹn mà cùng về Câu Đào để thăm anh. Bà Năm Đặng dọn lên bàn bữa đểm tâm ê hề, nào bánh canh giò heo, nào bánh đúc tôm khô, nào cà phê sữa, nào khoai luộc, bắp luộc. Giũa lúc đó, một tăng sĩ mặt mũi thanh tú, dáng dấp oai nghi, từ ngoài cửa thung dung bước vào. Ba anh em chưng hửng, ngờ ngợ là ai rồi. Tăng sĩ chiếu cặp mắt sáng như sao nhìn họ, sang sảng bảo: – Chắc anh chị không nhận ra em. Bửu đây mà. Bây giờ em là Đại đức Thiệt Tánh rồi. Cậu Hai Luyện cảm động: – Mừng thầy về thăm nhà sau tám năm tầm sư học đạo. Cô Ba Cẩm Tú cảm xúc quá, vừa khóc vừa bệu bạo: – Thầy ôi, gia đình mình tai nạn cứ tới dập dồn. Thầy về đây thăm nhà và ở chơi được bao lâu? Sư Thiệt Tánh nén xúc động: – Em ở chơi được hai tháng. Anh ký giả Paul Carlson hiện đang ở bên Tịnh Liên am với ông Đạo Chuối. Tuần tới ổng sẽ cùng em lên Sài gòn để lo giấy tờ và mua vé tàu qua Hồng Kông, từ đó mới đáp tàu đi Luân Đôn. Cô Tư Cẩm Lệ cũng giọt vắn giọt dài nhưng cô nén được ngọn trào lòng sớm hơn anh và chị mình. Cô xuống bếp đốc thúc con Lài, con Lý dọn mâm chay cho Bửu. Ông bà Năm Đặng và tôi tớ trong nhà cùng kéo ra chào sư Thiệt Tánh, mừng mừng tủi tủi dạt dào. Sư Thiệt Tánh nói: – Em sẽ lập đàn cầu siêu cho ba, má lớn, má ruột của em cùng là những kẻ quen biết có bài vị đặt tại Tịnh Liên am. Đêm đó, quanh bàn tròn, bốn anh em kể lể đủ mọi chuyện tai biên trong gia đình. Cô tư Cẩm Lệ than thở: – Thầy ôi, cứ theo cái vèo nầy, tui đẻ thêm ba đứa nữa thì còn gi tánh mạng tui? Xin thầy nghĩ tình chị em, cứu vớt tui với! Sư Thiệt Tánh nhìn anh chị mình thong thả và êm ái bảo: – Em về đây biết được anh chị có ý định cải ác tùng thiện thì điều đó còn quí hơn là cảnh nhà con đàn cháu đống, tiền của dư muôn. Em sẻ giúp anh và hai chị thoát khỏi tai họa rình rập để an lòng qui y Tam Bảo. Vậy anh Hai cần cầu siêu thêm những ai, xin biên tên cho em. Người sống nào cần ban bùa tặng niệc, xin cũng cho em biết luôn. Khi tiễn sư Thiệt Hạnh ra ngủ ở nhà thủy tạ và cắt đặt thằng Đực túc trực để lo cho sự xong, cậu Hai Luyện về buồn riêng, chong đèn ngồi nhìn bóng mình in trên vách. Ngoài song cửa sổ đêm mùa hè oi bức và đen như nhuộm mực. Trên nền trời, sao sáng hiện như rải gạo rắc tấm. Đêm ngoại ô chưa tới giữa canh hai mà bắt đầu yên lặng. Bên hàng xóm có tiếng xay lúa rào rào. Ngoài xa nữa là tiếng giã gạo cắc cum. Ngoài ra không có tiếng nào khác, họa chăng là tiếng dế rỉ rả khóc sương. Rồi vầng trăng hạ huyền méo xẹo như miệng con cá lưỡi trâu hiện lên phía trên mấy ngọn cau hòn dừa lửa, in trên nền trời chàm đậm. Ngọn đèn lạnh ở trong này, bóng tà nguyệt ngoài kia làm cho tâm trí cậu Hai Luyện bát ngát bao cảm khái về cuộc đồi dâu bể, về thế sự mị thường. Khi Sáu Tốt gở các lá bùa trấn ếm xong, thần Hắc Giao đại vương vào buổi chiều hôm sau, nổi cơn lốc lớn, xoáy một vực không khí lớn cỡ cái gò đất kéo từ vàm rạch tạt qua nhà ông Hương sư Chiêm, cuốn hết nóc nhà, rui kèo. Con lốc kéo dài 3 phút, cũng đủ cho lối xóm thấy trên thinh không, chỗ con lốc đương lộng hành, một con sấu đen bay lượn, miệng há tác hoác, đuôi vùng vẫy đùng đùng như sấm nổ. Khi con lốc ngưng thì ngôi nhà hương hỏa một căn hai chái của ông Hương sư Chiêm sụp đỗ tan hoang, còn ông bị cây đè nằm chết nhăn răng. Riêng thầy Mười Khói, một đêm nọ thầy nằm chiêm bao thấy một con quỉ cụt đầu, một tay bưng thủ cấp, một tay chỉ vào mặt thầy hét lớn: – Mầy dùng bùa trấn ếm tao. Để rồi mầy coi, con cháu tao sẽ báo thù thay cho tao! Tỉnh dậy thầy kinh sợ lắm, lền cùng đứa con chèo ghe lườn từ sông Long Hồ ra sông Cổ Chiên để đi Mỹ An. Thầy tính phen nầy sẽ dùng thứ bùa mạnh hơn để trấn ếm thần sấu đen kia. Khi ghe gần đến An Hương thì thầy thấy có khúc cây vỏ xủ xì xám mốc nổi lập lờ bên hông ghe. Thầy liền ngưng chèo, thò tay toan vớt. Ai dè đó là con sấu. Nó lẹ như chớp, quãy đuôi há miệng táp cụt hai bàn tay thầy. Máu ra quá nhiều nên giữa đường, thầy trút linh hồn. Chú Bảy Bảnh từ khi thiên cư về Mỹ An thì được sự chiều chuộng ngọt bùi. Năm sau chú bị bịnh bạo, được vợ săn sóc châu đáo cho tới ngày từ trần. Thím Bảy có lên Cầu Đào thăm cậu Hai Luyện, yêu cầu cậu nối lại duyên xưa nhưng cậu dùng lời trong kinh kệ