n sình, lúc đầu còn thận trọng bước sợ dính bùn, nhưng khi đã dính bùn rồi thì họ đi càn, mặc kệ sình bùn bao nhiêu lớp cũng không thèm đếm xỉa nữa. Một tối nọ, sau khi nằm trò chuyện với cô Ba Cẩm Tú trên chiếc divan bằng gỗ giáng hương, cô Tư Cẩm Lệ thiếp ngủ. Bỗng cô thấy cô Tư Thục từ ngoài bước vào, điểm mặt cô, mắng: – Đứa con ranh của mầy mới chết, nó đợi mầy dan díu với bất cứ thằng đàn ông nào là nó chui vô bụng mầy thành bào thai, đúng chín lần rồi mới đoạt mạng mầy, nghe chưa con sát nhơn! Cô Tư Cẩm Lệ giận quá hóa khùng, trả treo lại: – Chị đừng có nói đỏng! Tui sẽ tìm thầy bùa, thầy pháp cao tay ấn để nhốt đứa con ranh con lộn đó trong tĩn rồi đem chôn trong hầm chứa máu chó và phân heo, nói cho chị biết! Cô Tư Thục vả vào mặt cô Tư Cẩm Lệ: – Đừng có nói điên! Chừng mười năm nữa rồi mầy sẽ rõ! Rồi cô xô cô Tư Cẩm Lệ té nhủi. Cô Tư la lên một tiếng, giựt mình tỉnh dậy. Cô Ba sau khi nghe em thuật lại giấc chiêm bao, trầm ngâm: – Còn nước còn tát! Thế gian này thiếu gì thầy pháp, thầy bùa giỏi. Từ khi cặp xách với ngoại kiều, hai cô có tiền nhiều nhưng vì nghe lời anh nên hai cô không dọn ra riêng. Họ xuất tiền sửa sang vườn tược, kho lẫm. Từ khi có hai cô cháu gái về coi sóc việc nhà, bà Năm Đặng không dám ăn xén ăn bớt lộ liễu nữa. Bà nịnh bợ hai cô cháu, chỉ họ cách nịch ái những gã đàn ông đi lại với hai cô: – Muốn cho đàn ông say sưa mê đắm mình, hai cháu nên để dì đi mua cá bông, ca lóc nuôi trong vịm đựng nước pha máu kinh nguyệt của hai cháu. Rồi hai cháu dùng thứ cá đó làm món ăn cho tụi nó thì tụi nó sẽ càng mê hai cháu hơn nữa. Lụi hụi mà đã tới đám cưới của cô Hai Túy Ngọc. Đám cưới của cô Út Ngọc An và của cô Ba Túy Nguyệt cũng diễn tiến tốt đẹp. Cô Hai và cô Út cùng theo chồng về Tiểu Cần, trong khi đó Bác vật Cảnh vì còn nghỉ dững sức cho nên cô Ba Túy Nguyệt không buồn vì phải xa nhà. Việc ly dị của bác sĩ Lê Thạnh Mậu và cô Ba Cẩm Tú kết thúc tốt đẹp. Cô được tòa bắt chồng cô cấp dưỡng mỗi tháng bốn chục đồng, trong khi số tiền lương của một thầy giáo lớp nhứt chỉ được sáu chục đồng. Đám cưới của cô Thiệt Nguyện tổ chức long trọng nhứt. Gia đình cô vốn giàu có lớn ở An Hương. Hai người chị của cô lấy chồng giàu, bốn người anh của cô cũng nên danh phận, cậu em kế cô thì đang học dược bên Pháp. Cũng như cô Út Ngọc An, lấy chồng rồi cô vẫn ăn chay, nhưng khác với cô Út ưa ăn mặc lòe loẹt, Cô Thiệt Nguyện luôn ăn mặc nhã đạm, không son phấn, không tỉa chơn mày hay chải đầu phùng theo kiểu chín lượn mười mồng của thời trung thập niên 30. Dù sao hai cô Cẩm cũng còn chút an ủi là tuy mất danh giá nhưng họ kiếm được nhiều tiền. Tiền do tình nhân cung cấp, tiền do họ chạy áp phe. Họ quyết lòng nịch ái hai tên ngoại kiều mà họ đang dan díu. Món cá lóc do bà Năm Đặng nuôi được họ chiên vàng rồi phết bơ Bretel vẫn là món lạ miệng được tên Chánh tham biện Henri và tên Biện lý Jean chiếu cố tận tình. Nhưng mà, cô Ba Cẩm Tú mỗi khi soi kiếng để tô son dồi phấn chợt thấy mặt mũi mình càng lúc càng chao vao. Coi kìa, lững quyền cô nhô cao, ánh mắt cô lộ vẻ mệt mỏi, nụ cười cô không sao giấu được vẻ chua chát. Cũng vậy, cô Tư Cẩm Lệ nhận thấy vóc mình cô lệch lạc, khô khan; dung nhan cô mờ ố, thần sắc cô lu câm. Ái tình của hai kẻ Pháp kiều đối với họ cũng chẳng nồng đượm gì hơn. Trước sau, tụi nó chỉ coi họ là món đồ chơi chứ không hề đặt họ lên vị trí người tình, nói gì là hạng già nhơn nghĩa non vợ chồng! Trong khi đó, tại tỉnh thấp thoÿng mấy cô chơi bời mới đầy đủ màu xinh vẻ lịch cùng các món phong lưu. Phần cậu Hai Luyện, từ khi về Cầu Đào, cậu thường đến tiệm cô Bảy Cẩm Thạch để tái diễn cuộc dán díu với cô. Chẳng hiểu do duyên nợ gì ràng buộc mà cô Bảy vẫn còn say mê cậu. Cô Tám Cẩm Vân thường lựa lời khuyên chị: – Như chị em mình đây sa lầy trong nghiệp dâm đã là cái tội rồi, còn thằng cha Luyện bủn xỉn nổi tiếng bạc tình kia vốn xuất thân từ một gia đình ác đức, gây nghiệp xấu từ ba bốn đời nay, chị mà cứ cặp xách với hắn hoài, đố khỏi ngày cháy vạ lây. Cô Bảy mắng em: – Con đĩ mãng xà nầy ngày tối cứ rình dịp để cắn mổ anh Kinh lý Luyện hoài! Chắc kiếp trước ảnh có gây việc oan trái đảo điên chi đó với mầy nên kiếp nầy mầy mới thù ghét ảnh thái thậm như vậy! Cô Bảy cứ xách đít đến tổ quỉ của cậu Hai Luyện đều đều. Cô dùng đủ ngón nghề để chiều chuộng cậu, cốt làm cho cậu say tình, cảm nghĩa mà cưới cô. Nhưng nghiệt thay, cậu Hai Luyện là mẫu người chỉ tìm được hứng khởi khi tốn công tốn sức để được ăn nằm với cô nào đó. Giao hoan với hạng gái dễ dãi như cô Bảy Cẩm Thạch làm sao cậu hào hứng cho được! Cậu lại nghĩ tới thím Bảy Bảnh. Ái ân với đàn bà có chồng bất hạnh kia, điêu đó làm cậu như được dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy thú vị. Do đó mà thằng Yêm cứ phải làm môi giới đưa thím Bảy Bảnh lên tổ quỉ của cậu ở cầu Kinh Cụt. Nhưng nếu cậu Hai tạm hài lòng vui thú với vợ người ở tổ quỉ thì tai họa đâu tới nỗi giáng xuống đầu cậu như một cú sét. Một hôm cậu ngỏ ý với thím Bảy Bảnh: – Tui ăn nằm với mình ở đây tuy có sướng thiệt, nhưng tui vẫn ao ước ân ái với mình tại nhà mình kìa! Thím Bảy Bảnh ngạc nhiên: – Sao lạ vậy? Đường bằng phẳng mà mình không chịu đi, lại chọn đường đầy dẫy chông gai hầm hố làm chi không biết! Cậu Hai Luyện cười trơ trẽn: – Tánh tui kỳ lạ lắm! Hễ gặp chuyện dễ ột tui không nhớ dai. Phải giặp chuyện khó khăn, đòi hỏi lao tâm tổn trí, phải đem mưu mẹo ra đối phó thì tui mới nhớ đời đời. Mình có thiệt bụng yêu thương tui thì nên dàn xếp các nào để tui được hú hí với mình trên cái giường của mình thì tui mới có hứng. Nói xong, cậu giúi vào tay tình nhơn một xáp lụa cẩm phụng trắng. Thìm Bảy Bính nhìn cậu thở dài. Thím chỉ nghĩ cậu hơi khật khùng chứ làm sao rõ được tâm trạng bất lương phức tạp của cậu! Thế rồi thím Bảy Bảnh và thằng Yêm cố công dàn xếp để đưa cậu Hai Luyện về nhà vợ chồng thím ở Cái Sơn. Ở đời, ai mà lấy thúng úp voi được! Cây kim giấu trong bọc cũng có ngày lòi ra! Dân chúng ở xóm Đình Khao, dài theo ngọn rạch Cái Sơn Bé bắt đầu xì xào bàn tán, nói tỏi nói hành mụ đờn bà lẳng lơ trắc nết kia.. Chú Bảy Bảnh vốn ngu độn và chập chạp, lại cả tin vợ nhà, cho nên ai nói bóng gió về thím Bảy chú cũng không hiểu được. Anh ruột chú là chú Sáu Tốt hét vô mặt chú, vạch bày cho chú biết việc làm tác tệ của vợ chú, nhưng chú vẫn không tin. Tuy nhiên, một đêm nọ trong lúc đầu gối tay ấp với vợ, chú nhẹ nhàng bảo: – Người ta nói với tui rằng mình đang tò tí với cậu Hai Luyện! Thím Bảy liền ré lên chửi: – Mồ tổ cha quân đặt điều! Tiên nhơn tổ đường thứ ăn môn ngứa miệng! Mình phải chỉ cho tui biết đứa nào dám bêu xấu tui để tui tròng quần máu hòe lên đầu nó! Còn mình, sao mình để người ta nói xấu vợ mình mà mình im re, không dám bửa đầu họ? Thiệt tình bởi tui nghiệp dày đức mỏng cho nên mới lấy nhằm thằng chồng ngu si đần độn như vầy! Rồi thím bù lu bù loa, làm trận làm thượng đủ trò, khóc lóc quằng quại thảm thê, báo hại chú Bảy Bảnh phải gãy lưỡi tốn nước miếng năn nỉ thím, thím mới chịu bỏ qua. Riêng cô Bảy Cẩm Thạch vì ở ngoài chợ tỉnh nên