– Diệu Anh, cuối tuần này gia đình chúng ta đi chơi. Là vào Đà Nẵng.
– Đà Nẵng ạ?
Hai mắt Diệu Anh sáng lên, ở cả cái đất nước này nơi Diệu Anh thích nhất là Đà Nẵng. Nơi đó đối với cô đặc biệt không lí do.
– Nhưng ba mẹ rảnh chứ ạ? Nếu không thì…
– Ba mẹ rảnh mà. À, Quỳnh Giao đi cùng luôn cho vui nhé.
Mẹ Diệu Anh biết cô định nói gì liền ngắt lời, mỉm cười. Về phần Quỳnh Giao, dù sao cô cũng ở cùng Diệu Anh, không thể để Quỳnh Giao ở nhà một mình được. Như vậy không nên lắm!
– Chuyến đi lần này gia đình chúng ta đi chung với gia đình của Hải Đăng, bạn tụi con đấy.
Lần này đến lượt Quỳnh Giao hai mắt sáng lên, vậy là cô được đi chơi với Hải Đăng rồi. Chỉ có điều, Quỳnh Giao len lén liếc mắt sang Diệu Anh, thấy cô không có biểu hiện gì là vui mừng mới thở phào nhẹ nhõm. Không sao, có Quỳnh Giao ở đó nhất định Hải Đăng sẽ không được ở riêng với Diệu Anh.
– Sao lại có gia đình của Hải Đăng nữa ạ?
Diệu Anh không quan tâm có đi với Hải Đăng hay không, cô chỉ thắc mắc tại sao ba mẹ cô lại biết nhiều về Hải Đăng đến vậy.
– Ba mẹ có quen với ba mẹ của Hải Đăng từ rất lâu, là mẹ của thằng bé gọi cho mẹ đề nghị như vậy.
– Vâng.
Ra là vậy, ba mẹ Diệu Anh và ba mẹ Hải Đăng có quen biết với nhau từ lâu, vậy Diệu Anh và Hải Đăng? Hai người có quen nhau từ trước hay không?
Chắc không đâu. Diệu Anh không hề cảm thấy quen thuộc khi đứng trước mặt Hải Đăng.
Trong lúc Diệu Anh đang suy nghĩ mẹ Diệu Anh rất ẩn ý nhìn cô, trong mắt suy tính điều gì đó.
Sau khi nói xong chuyện đó vợ chồng Vũ Minh Nhật trở về phòng nghỉ ngơi, không khí trong phòng khách dần đóng băng trở lại, không ai nói với ai một câu. Diệu Anh chợt nhớ ra chuyện gì đó, cầm điện thoại lên phòng. Tín hiệu vừa truyền đến đầu dây bên kia đã có người nghe máy, là tiếng nói dịu dàng xen chút vui vẻ của Hải Đăng.
– Gì thế Anh?
– Cậu biết chuyện cuối tuần nhà tôi và nhà cậu đi chơi chung chưa?
– Mới biết.
Hải Đăng cố nén tiếng cười phát ra, làm sao cậu có thể không biết được trong khi chính Hải Đăng là người nói mẹ điện sang bác gái đề nghị như vậy mà.
– Vậy buổi hẹn cuối tuần…
– Không sao, hủy cũng được. Để lần sau, lần sau.
Hải Đăng không biết Diệu Anh gọi điện cho cậu là vì lý do này, có lẽ đây là vấn đề cô băn khoăn. Trên tay Hải Đăng mân mê hộp quà nhỏ xinh, môi không giấu được nụ cười.
– Đến Đà Nẵng cũng là ý kiến của mẹ cậu hay sao?
– Đúng vậy. Gia đình tôi có một căn nhà ở Đà Nẵng đủ cho hai gia đình ở luôn, rất tiện. Hơn nữa lâu rồi tôi không vào Đà Nẵng lại, thật sự rất nhớ.
Trong suốt những năm sống xa Diệu Anh, Hải Đăng chính là sống ở Đà Nẵng. Cậu muốn Diệu Anh đến đó một lần để cô hiểu thêm về cuộc sống buồn tẻ trước đây của Hải Đăng. Khi còn ở Đà Nẵng, Hải Đăng chưa từng có một người bạn thực sự, tất cả mối quen hệ bạn bè xung quanh chỉ dừng ở mức xã giao.
– Tôi cũng từng đến đó rồi. Thật sự rất thích nơi đó!
Diệu Anh hào hứng kể lại hết chuyến đi năm đó, mà đầu dây bên kia Hải Đăng cũng rất kiên nhẫn lắng nghe, thỉnh thoảng trêu chọc vài câu. Diệu Anh kể tất cả cho Hải Đăng nghe, chỉ trừ giấc mơ đó, bởi cô nghĩ đó vẫn là bí mật của cô, không thể để người khác biết.
Tiếng cười của Diệu Anh vọng ra bên ngoài khiến người ngoài cửa nghe không sót một chút. Quỳnh Giao nắm chặt hai bàn tay lại, môi dưới đã bị cắn đến bật máu. Diệu Anh, Diệu Anh, cô càng ngày càng ghét cái tên này. Diệu Anh thì có gì hay chứ, cô có gì thú vị, có tính cách gì tốt mà Quỳnh Giao không có?
Có điều Quỳnh Giao không hề biết, bởi vì cô chỉ mãi để ý đến Hải Đăng, mặc dù Diệu Anh nói chuyện có vẻ rất nhập tâm nhưng cô luôn ngơ ngẩn, không tập trung. Thi thoảng Diệu Anh có liếc mắt về phía Quỳnh Giao, vẻ buồn man mác luôn thể hiện trên mặt trong mỗi lần như vậy.
~~~~~
Vừa ra khỏi sân bay Diệu Anh đã thích thú ngẩng mặt lên ngắm trời xanh mây trắng, cười tươi rói. Đã lâu rồi, lâu lắm rồi cô mới được đến Đà Nẵng, Diệu Anh thật sự rất nhớ nơi đây. Hải Đăng hai tay xách va li của hai người bất giác phì cười trước bộ dạng phấn khích của Diệu Anh, trông cô cứ như lần đầu được đi chơi xa vậy.
– Có cần phải thế không? Người ta nhìn quá trời kìa…
– Có gì phải xấu hổ chứ!
Diệu Anh ” hứ ” một cái thật dài rồi quay người bỏ đi luôn, không thèm quan tâm kẻ đằng sau í ới gọi tên nữa. Quỳnh Giao nhân cơ hội này tiến lên đi cùng Hải Đăng, mà cậu cũng không có phản ứng gì tránh xa cô, chỉ có điều ánh mắt chưa bao giờ dừng lại trên người Quỳnh Giao một tí.
Bốn người lớn ở phía sau mỉm cười rất hài lòng, xem ra tương lai ” con dâu ” , ” con rể ” tương lai đã được định sẵn rồi.
Diệu Anh vừa về đến khách sạn đã muốn ra ngoài chơi ngay, khổ nỗi ba mẹ bắt cô ăn trưa xong mới được đi. Hoàng Thanh Liên dường như rất thích Diệu Anh, trong bữa cơm liên tục gắp thức ăn cho cô, đến khi Diệu Anh ăn không nổi nữa Hải Đăng mới lên tiếng thay nói mẹ cậu dừng lại. Mẹ Diệu Anh rất tinh mắt nhìn ra tâm trạng Quỳnh Giao không tốt, liền gắp thức ăn vào chén của cô, dịu dàng nói Quỳnh Giao ăn nhiều một chút.
Buổi chiều Hải Đăng đưa Diệu Anh đi ngắm biển, cô nói biển ở Đà Nẵng rất đẹp, thứ để lại ấn tượng nhất trong lòng Diệu Anh về Đà Nẵng chính là biển. Thời tiết mùa hè ở Đà Nẵng rất nóng nên những người đến tắm biển khá đông, mục đích của Diệu Anh đến đây không phải để tắm nên cô không hề xuống biển, chỉ ngồi trên cát nhìn mọi người xung quanh rồi lại quay ra ngắm biển.
Ở xa xa có một đám người đánh bóng chuyền với nhau, họ đánh không tốt lắm nhưng không khí rất vui, nụ cười luôn hiện trên môi. Nhìn cảnh đó tự nhiên Diệu Anh cảm thấy vui lây, hóa ra niềm vui cũng đơn giản như vậy. Đi chung với Diệu Anh còn có Hải Đăng và Quỳnh Giao nhưng cô không thấy họ đâu kể từ lúc đến đây. Thế cũng tốt, bởi vì Quỳnh Giao rất thích Hải Đăng nên chắc cô rất mong được ở riêng với Hải Đăng.
Được một lúc có bé gái chạy đến bên cạnh Diệu Anh, miệng nhỏ xinh tíu tít.
– Chị xinh đẹp ơi, chị mua giúp em một bong bóng được không ạ? Bong bóng màu vàng này, bong bóng màu hồng, bong bóng màu xanh, bong bóng màu đỏ nữa. Chị mua một cái cũng được ạ!
Diệu Anh phì cười nhìn cô bé trước mặt, tuy quần áo cô bé không được sạch sẽ lắm nhưng cô bé có khuôn mặt rất sáng sủa, đáng yêu. Vô thức Diệu Anh vuốt tóc cô bé, mỉm cười hỏi.
– Em tên gì?
– Lam ạ, Hiền Lam.
Hiền Lam? Tên rất hay.
– Vậy em mấy tuổi rồi?
Hình như về khoản tính toán cô bé không giỏi lắm, phải mất một lúc lẩm bẩm mới trả lời được.
– Em bảy tuổi rồi ạ.
– Ngoan lắm, ba mẹ em đâu?
– Mẹ em mất, ba mẹ uống rượu ở nhà hàng xóm rồi ạ.
Câu trả lời thơ n