Hơn trăm năm nay, mỗi độ xuân về, đám dã thú đều bỗng dưng thay đổi tính nết, đi đến đâu nó cũng thấy từng đôi từng cặp dã thú quấn quýt lấy nhau, vào lúc đó, dù là đồng bọn thân thiết nhất cũng nhe răng gầm gừ cảnh cáo nó tránh xa, rời bỏ nó chẳng chút do dự. Nó từng thắc mắc, nghi hoặc, lủi thủi chạy tới chạy lui, tra xét khắp nơi, nhưng càng thấy càng hồ đồ, nó chẳng hiểu sao chú chim nhỏ xinh xẻo kia lại đứng trước chiếc tổ mà mình dày công dựng nên, xòe đuôi lộng lẫy rù rỉ rù rì hót mời một cô chim khác vào ở, cũng không hiểu sao con cáo nâu bủn xỉn gian manh lại đem con gà liều mạng trộm được trong thôn dâng cho một ả cáo khác, vừa kêu vừa nhảy đầy nịnh nọt đẩy con gà tới trước mặt, nài nỉ ả ăn cho, càng không hiểu sao lão hổ trắng vốn độc lai độc vãng lại dám quyết đấu cùng mấy con hổ lớn để bảo vệ một con hổ cái, dù mình đầy thương tích cũng không chùn bước.
Trong cô đơn và mê muội, nó luôn cảm thấy có thứ gì ở đâu đó phía trước, chỉ cần nắm bắt được thứ ấy, nó sẽ hiểu vì sao bọn chim thú kia vui sướng nhường ấy, hiểu bản thân nó là ai, hiểu ý nghĩa của mùa xuân, hiểu tại sao nó lại lẻ loi một mình, nhưng bất luận nó giương vuốt vỗ bắt ra sao cũng không tài nào bắt nổi.
Giờ đây, giữa mùa xuân tràn trề nhựa sống, vạn vật sinh sôi nảy nở này, cũng như vô số dã thú trong rừng khi trông thấy con thú cái, nó đã đột nhiên hiểu ra.
Nàng thiếu nữ trong khe núi đã đánh thức điều gì đó đang say ngủ trong tâm khảm nó.
Nó những muốn bế xốc nàng đem về tổ của mình trên cây, về hang của mình trong núi, học theo chú chim đó thủ thỉ với nàng rằng tổ nó dựng khiến cô an toàn xiết bao, có thể ngăn được diều hâu, bảo vệ được những quả trứng mà nàng sinh ra; nó muốn đi bắt con thú ngon nhất về dâng trước mặt nàng, xé phần bụng mỡ màng nhất ra cầu khẩn nàng ăn như con cáo nâu kia; nó muốn đái khắp xung quanh khe núi để mỗi gốc cây hòn đá đều lưu lại mùi của mình, tuyên cáo với tất cả dã thú và thợ săn rằng đây là lãnh địa của nó, để nàng có thể tự do săn mồi ở đây, không cho bất cứ ai làm tổn thương nàng, nếu kẻ nào to gan dám xông vào lãnh địa của nó mà uy hiếp nàng, nó thề sẽ quyết đấu với chúng đến chết, như lão hổ kia vậy.
Suy nghĩ sục sôi đó chẳng khác nào ánh chớp rạch ngang nền trời đen kịp, khiến cõi lòng mờ mịt hoang vu của nó chợt sáng bừng lên.
Mùa xuân, hóa ra đây chính là mùa xuân!
Nó ngửa cổ tru lên dưới ánh trăng, tiếng hú ngân dài lảnh lót phá vỡ sự tĩnh lặng yêu bình bên khe núi khiến hết thảy dã thú trong rừng đều sợ sệt nằm rạp xuống, núi rừng phút chốc lặng phắc như chết. Nàng thiếu nữ dưới suối cũng ngước lên nhìn, nhưng từ xa chỉ thấy bóng một con dã thú vừa giống hổ vừa giống sói đang đứng trên vách đá, sau lưng là vầng trăng khổng lồ tròn vành vạnh, dã thú ngửa đầu tru lên thê thiết như đang đắm mình giữa vũng trăng, từng sợi lông đều toát lên vẻ uy phong lẫm liệt.
Cõ lẽ vì ở tít dưới khe suối nên nàng thiếu nữ chẳng hề thấy sợ, trái lại còn cười lên lảnh lót, dang hai tay đập nước làm bắn tung những hạt nước lấp lánh đủ màu cùng những cánh hoa đào rực rỡ, nàng tung tăng nô giỡn giữa muôn ngàn bọt nước và cánh hoa, khi đứng khi nằm, khi xoay tròn khi đáp xuống hòa cùng tiếng tru của con dã thú, hệt như đang múa một điệu hoa đào dưới trăng trong vì nó vậy.
Súc sinh bi thương chiêm ngưỡng nàng trong phút chốc rồi kiên quyết quay mình tuột xuống vách đá, kéo lê cái chân gẫy khấp khiểng rời khỏi khe núi. Dọc đường, nó chẳng những không lo che giấu hành tung mà thỉnh thoảng còn dừng bước nghiêng tai nghe ngóng, xác nhận bọn Chúc Dung đã đi xa khỏi khe núi, đang bám theo dấu vết của mình.
Giữa tiết xuân muôn hoa rực rỡ, bướm lượn oanh bay này, nỗi cô đơn nghi hoặc suốt mấy trăm năm đã tiêu tan, nhưng khi vừa kịp hiểu ra mình nên làm gì trong ngày xuân đẹp đẽ thì nó đã chẳng thể sống thêm một mùa xuân nào nữa. Điều duy nhất nó có thể làm, chỉ là giữ gìn cho nàng ấy không bị tổn hại mà thôi.
Q.1 – Chương 2: Lỡ Vướng Phải Lưới Trần Giăng Mắc
Mặc gió thổi tung mái tóc, nàng đưa mắt nhìn khắp bốn bể, chợt trông thấy hắn, nàng liền nhoẻn miệng cười, thời khắc ấy, hoàng hôn lung linh, ráng chiều sóng sánh, con đường ngập trong cát bụi như có ngàn vạn gốc đào theo nhau nở rộ, muôn sắc rạng ngời, hoa bay phấp phới.
Hai trăm năm sau, trên Thần Nông sơn.
Thần Nông sơn là trung tâm của vương quốc Thần Nông, tổng cộng có bốn sông chín núi hai mươi tám đỉnh, ngọn Tử Kim cao nhất chính là nơi ở và nghị sự của Viêm Đế.
Những năm gần đây Viêm Đế say mê y dược, mấy chuyện công văn giấy tờ đều do vương tử Du Võng thay mặt xử lý, Du Võng là con trai độc nhất của Viêm Đế nhưng thần lực kém cỏi, còn chẳng lọt nổi vào số một trăm người lợi hại nhất tộc Thần Nông, có điều y lòng dạ nhân từ, hành sự độ lượng nên bề tôi trong triều cùng chư hầu các nước rất ủng hộ.
Hôm nay sau khi tan triều, Du Võng không xuống núi mà tách khỏi đám tùy tùng, cưỡi tọa kỵ đến cấm địa Thảo Ao lĩnh.
Hai trăm năm trước, Thảo Ao lĩnh đã bị Viêm Đế liệt vào hàng cấm địa, vậy mà Du Võng có vẻ vô cùng thông thuộc đường lối vào đây. Y đáp tọa kỵ xuống một gò đất khuất nẻo rồi vạch lùm cây bụi cỏ, níu lấy mấu đá trèo lên vách núi.
Trên vách đá cheo leo có một căn nhà tranh dựa lưng vào núi, bên trong vắng ngắt, xung quanh chỉ có sương mù bảng lảng phủ mờ tầm mắt, cách đấy chưa tới một trượng là vách đá dựng đứng xanh rì những cây tùng cây bách mọc nghiêng so le nhau, mấy con khỉ tai trắng đang rau ráu ăn quả dại, hai cánh diều hâu một trước một sau bay tới đậu lên cành cây kêu quang quác.
Du Võng đứng bên vách núi ngắm bể mây bát ngát, lặng lẽ đợi, hồi lâu mới nói với đám khỉ và diều hâu: “E rằng lúc ta đang ở lưng chừng trời các ngươi đã mật báo cho Xi Vưu rồi, sao còn chưa thấy hắn?”
Khỉ mải mê gặm quả nhí nhách, diều hâu thì bận rỉa lông kêu quang quác, rõ ràng không hiểu tiếng người, cũng chẳng thể trả lời Du Võng, nhưng dưới vách núi đã nghe có giọng nói vọng lên: “Ta chưa ngửi thấy mùi rượu, đương nhiên chẳng đi nhanh được rồi.”
Một cơn gió chợt ào đến mang theo hơi ấm khiến biển mây cuộn sóng như lớp màn the che phủ khắp nơi, tùng bách dập dờn, vách núi ẩn hiện, bỗng chốc cả đất trời vụt trở nên mịt mờ. Đột nhiên một vệt bóng đỏ rực như máu rẽ biển mây ló ra tựa vầng thái dương sáng chói, phấp phới bay về phía Du Võng, nhìn có vẻ ung dung, kỳ thực lại đang tới cực nhanh.
Đợi khi bóng người kia đáp xuống, mây mù tan hết mới thấy đó là một nam tử vóc dáng cao lớn, dáng đứng uể oải, áo quần nhếch nhác, đầu tóc bù xù, dáng vẻ thờ ơ nhưng cặp mắt lại sắc sảo lạ thường, để tỏ ý tôn trọng, hắn hơi cúi đầu với Du Võng, né tránh ánh mắt y.
Nam tử áo đỏ chính là Xi Vưu mà Du Võng đang đợi, thấy y tới tay không, hắ