TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI!
Tôi ưỡn ngực đánh vần từng chữ một, tụi nhóc ở dưới ê, a đánh vần theo.
- Con thưa Thầy, Mận Gai là gì ạ?
- À, ờ…?
- Là quả mận có gai phải không ạ?
Mấy thằng nhóc quay sang cười cô bé ân nhân lúc nãy của tôi, làm cô bé mặt đỏ lựng lên. Tôi đành phải ra tay trả ân nghĩa:
- Là một loại cây chỉ có ở nước khác, thấp, nhỏ cỡ chừng này – Tôi đưa tay xuống ngang hông, tự hào vì cái tài bốc phét của mình, chứ thực ra thì tôi cũng chẳng biết nó là giống cây gì nữa.
- Nước nào ạ?
- À, ở Châu Âu – Tôi lỡ miệng.
- Châu Âu là nước nào ạ?
- À, tức là không phải Việt Nam ra! – Tôi đành bấm bụng trả lời theo kiểu con nít, mong sao cho mấy đứa nhóc khỏi phải hỏi những câu mà tôi không biết giải thích ra sao cho chúng hiểu.
- Tiếp tục nhé!
- Con thích con số cơ! – Một thằng nhóc khác lễ phép đứng dậy.
- Số?
- Dạ, số một nè, số hai nè?
- Thế các con có biết làm phép tính không.
Nhìn cái kiểu gật đầu nửa có nửa không, tôi đành bấm bụng ghi lên bảng cái phép tính:
1+1=?
Mấy đứa học sinh ở dưới đồng thanh:
- Dễ ẹc, bằng hai ạ!
- Thế hai cộng hai…!
- Bốn ạ! – Có sự chán nản xuất hiện.
Tôi căm lắm, ghi luôn phép tính: 2+3 – 1. Mấy đứa học sinh ngồi dưới ngơ ngác phản ứng:
- Con không biết!
Tôi gãi đầu, rõ ràng ước lượng về trình độ mấy đứa nhóc tầm này tuổi với tôi là một cơn ác mộng. Tôi đành lấy giẻ lau bảng xoá phép tính thì mấy đứa học trò nhất mực phản đối, bắt buộc phải giải. Cũng may, chị phụ trách mái ấm lên thông báo giờ cơm trưa, mấy đứa nhóc mới ào ào túa ra khỏi lớp, tôi thoát nạn.
Buổi trưa, tôi trệu trạo nhai cơm, kiếm chỗ đặt lưng ngủ lấy sức. Tin tôi đi, không gì mệt bằng chơi với chục đứa nhóc đâu, cực kì mệt.
Buổi chiều, đúng hai giờ, tôi lại vác bộ mặt thất thểu lên lớp, khẽ chào mấy đứa học trò:
- Tiếp tục làm toán nhé!
- Kể chuyện đi Thầy ơi?
- Kể chuyện? – Tôi gãi đầu chết trân.
- Vâng! – Gần hai chục đứa nhóc hào hứng.
Tôi cố nặn óc nhớ ra một câu chuyện cổ tích nào đó, nhưng ở tầm tuổi tôi, thì chuyện nhớ khúc đầu, chuyện nhớ khúc cuối, chuyện nọ xọ chuyện kia. Cuối cùng tôi đành phải bịa một câu chuyện đầy đủ những tình tiết: Công chúa, hoàng tử, quái vật, phù thuỷ…nói chung tất cả những gì tôi nhớ về cái gọi là cổ tích.
- Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa rất là đẹp, mái tóc đen dài, mắt trong veo, nụ cười rất dễ thương! – Tôi lấy một phần của Ngữ Yên ra mà lồng ghép.
Mấy đứa nhóc chăm chú lắng nghe, tạo cho tôi hứng thú tiếp tục mà bốc phét.
- Với sắc đẹp đó, nàng công chúa bị con rồng ở một nơi rất xa bắt cóc. Vua cha đau đớn ra lệnh cho thiên hạ, ai cứu được nàng sẽ cho làm phò mã.
- Rồng có phun lửa không Thầy?
- Có chứ, một lỗ mũi phun lửa, một lỗ mũi phun nước! – Tôi giả bộ làm bộ dạng con rồng, mấy đứa nhóc lại chăm chú lắng nghe.
Và rồi chàng hoàng tử nước láng giềng nghe tin, cưỡi bạch mã băng đèo lội suối, vượt qua thác cao ơi là cao, tôi nhún chân đưa tay lên cao, đường gập ghềnh, tôi khẽ đưa tay uốn éo minh hoạ. Trên đường chàng gặp một bà phù thuỷ tốt bụng.
- Phù thuỷ xấu chứ Thầy? – Mấy đứa nhóc đạp chân xuống nền phản ứng.
- À, xấu, chàng Hoàng tử vung gươm thu phục phù thuỷ, thu được một bảo bối! – Tôi ngậm ngùi đẩy phù thuỷ về phe phản diện.
- Báu vật gì ạ? – Mấy đứa nhóc tò mò.
- Một bộ chiến giáp bằng vàng óng ánh!
- Oà, báu vật, vàng nhé! – Mấy đứa kháo nhau.
Rồi sau một trận ác chiến, chàng hoàng tử đâm xuyên tim rồng, cứu công chúa về và hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Tôi đưa tay giả bộ vung thước làm kiếm, kết thúc mô típ quen thuộc của chuyện cổ tích.
Mấy đứa nhóc vỗ tay khen ngợi, bỗng nhiên tôi cảm thấy có chút gì đó có ích, ít nhất cũng làm cho tụi nhỏ nợ nụ cười.
- Rồi, giờ Thầy sẽ nghe các con kể về ước mơ nhé!
- Con, con ạ! – Mấy đứa tranh nhau.
Tôi ưu tiên cô bé ân nhân, hiển nhiên:
- Con mơ làm hoạ sĩ ạ!
- Con mơ là bác sĩ ạ!
- Con mơ làm siêu nhân, diệt ác trừ gian ạ!
Đến cuối cùng, ở một góc lớp, một cậu bé có vẻ lầm lì đứng dậy:
- Con mơ có cha mẹ ạ!
Mấy đứa nhóc khác vẫn ngồi kháo nhau về giấc mơ, chắc chúng cũng sẽ chẳng bao giờ thấy nước mắt tôi khẽ rơi xuống. Ước mơ đó có vẻ với những người có Cha có Mẹ như chúng tôi đã quên lãng, thì với mấy đứa trẻ ở đây, nó quá cao sang. Nụ cười trẻ thơ ấy, quá xót xa thay lại thiếu bàn tay chăm sóc của Cha Mẹ. Và sau này, chúng ắt hẳn sẽ muốn như vậy, muốn có Cha có Mẹ, biết đến tình yêu của gia đình.
Nước mắt tôi cứ ở trên khoé mắt, vương buồn cho đến tận lúc ra về. Mấy đứa nhóc bám chân, đứa bám vai, đứa bắt bế không muốn cho chúng tôi về. Tôi đứng ở một góc xa, không muốn tham gia, bởi tôi sợ sẽ chẳng bao giờ kìm được những giọt nước mắt chực lăn.
Bỗng, có ai đó đang lay lay chân tôi:
- Con tặng Thầy nè! – Cô bé ân nhân đứng cạnh tôi từ bao giờ.
Tôi cúi xuống, đón bức tranh và bế cô bé vào lòng, trong bức tranh ngộ nghĩnh ấy, một đám nhóc đang ngồi nghe giảng, trên bục giảng là một thầy giáo tóc tai lỏm chỏm vài cọng, đang cầm thước múa múa. Bên cạnh là một hình tròn, có hai cái cánh chổng lên trời, là con rồng. Một giọt nước mắt rơi xuống, trúng ngay bộ tóc lởm chởm của thầy giáo.
- Sao Thầy khóc ạ?
- Không, bụi thôi con!
- Dạ, mà Thầy ơi cái phép tính lúc sáng bằng bao nhiêu ạ? – Cô bé ấy tròn xoe mắt .
- Bằng bốn con ạ!
- Sao lại bằng bốn ạ? – Cô bé ấy sờ vành tai tôi.
- Sau này lớn con sẽ biết! – Tôi xoa đầu, lấy cái nón của mình, thu nhỏ kích cỡ, đội lên đầu cô học trò nhỏ. Cái nón vẫn quá cỡ với cô bé, sụp xuống che đôi mắt thiên thần.
Cô học trò nhỏ thích lắm, cứ đội nó mãi, kể cả khi chia tay, cô bé ấy một tay đỡ cái nón ra khỏi đầu, vẫy tay tạm biệt tôi. Đôi mắt đầy vẻ tiếc nuối.
Sau này con sẽ lớn, sẽ biết nhiều điều, sẽ biết vì sao hai cộng ba trừ một bằng bốn, sẽ biết vì sao con không Cha không Mẹ, cũng có thể, sẽ có lúc con than trách và ghen tị với những bạn được Cha Mẹ dẫn đi chơi đâu đó đi ngang qua. Con sẽ buồn, buồn lắm, Thầy biết, nhưng con sẽ cứng cáp, sẽ trưởng thành nhanh thôi.
Đôi vai tôi run run suốt một quãng đường dài, lần đầu tiên tôi vừa chạy xe vừa khóc, mà chẳng sợ ai nghi kị.
CHAP 24: NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG!
Quả thực, sau cái ngày đầu tiên tôi tham gia cùng câu lạc bộ tình nguyện của Trường, nó khơi dậy cho tôi một cảm xúc thật mãnh liệt. Có quá nhiều người còn khốn khó hơn mình rất nhiều, có những người ở nơi nào đó chỉ mơ ước được những thứ bình thường trong cuộc sống như chúng tôi. Ừ, thì chúng tôi coi đó là bình thường, là hiển nhiên là tất yếu, thì với họ là những thứ thật cao sang và đặc biệt. Từ đấy tôi tự hứa với lòng mình, sẽ í