Nhưng trong khoảnh khắc đó, nàng chợt không muốn tiếp tục an phận, không muốn tiếp tục cuộc sống như thế nữa.
Nàng nắm chặt tay chàng, run rẩy nói: “Vương gia, lão vương gia đã qua đời rồi, vương gia hãy bỏ thiếp đi. Thiếp biết vương gia không thích thiếp, trong lòng vương gia có người khác. Thiếp bây giờ không cần gì khác, thiếp chỉ cần vương gia sống, chỉ cần vương gia sống, vương gia có bỏ thiếp cũng không sao.”
Khoảnh khắc đó, mưa gió bên ngoài như chợt ngừng hẳn, vị tướng quân kinh qua vô số sa trường sững người trước ánh mắt vô cùng kiên định của cô gái luôn lặng lẽ ít nói trước mặt. Đáy lòng dâng lên cảm giác chua xót, sự cố chấp nhiều năm chợt hóa thành bụi bay theo gió. Năm tháng tựa dòng nước chảy xiết, đủ cuốn phăng mọi chấp niệm cứng đầu nhất.
Ngay ở thời điểm cuối cùng của cuộc sống, tất cả áy náy đều dồn nén thành một tiếng thở dài. Thành thân đã nhiều năm, nhưng lần đầu tiên chàng ôm lấy nàng, nhỏ giọng xin lỗi: “Ngọc Thụ, là ta đã phụ nàng.”
Nằm trong lòng chàng, cảm giác ấm áp xa lạ khiến nàng thoáng ngây người.
Nhiều năm sống lặng lẽ, nhiều năm tự kiềm nén, nhiều năm tự an ủi, nhiều năm tự lừa mình dối người, nàng vẫn cho rằng mình đã đủ hiền thục, vẫn cho rằng mình là một người vợ tuân thủ phép tắc, vẫn cho rằng thật ra nàng cũng không thương tâm cho lắm.
Nhưng cuối cùng tất cả ý niệm đó đều hoàn toàn sụp đổ chỉ bởi một câu nói đơn giản này, chỉ bởi một cái ôm đơn giản như vậy.
Thì ra không phải nàng không cảm thấy uất ức, thì ra không phải nàng không thất vọng, thì ra không phải nàng không có ước vọng cùng ảo tưởng.
Nàng chỉ che giấu và đè nén chúng quá kỹ mà thôi.
Trong vòng tay của chàng, nàng đã bật khóc nức nở, khóc đến khàn giọng.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nàng vùi mặt vào lòng phu quân khóc ròng.
Sau khi nói ra câu kia, chàng qua đời, vô cùng nhẹ nhàng, vẻ mặt bình thản như một bức tranh thủy mặc.
Sang ngày thứ hai, được tin Huyền vương gia qua đời, Yến hoàng vốn đã chuẩn bị rời đi lập tức đổi hướng, chạy thẳng đến Huyền vương phủ. Vị đế vương trẻ tuổi lạnh lùng mặc hoàng bào đen tuyền, đứng sững ra như tượng đá một lúc lâu trước linh cữu của chàng. Tất cả mọi người quanh bàn lễ tế đều bị dọa đến không dám phát ra tiếng động nào.
Sau khi chàng mất, chiếu chỉ sắc phong và ban thưởng liên tiếp tràn vào phủ. Nhưng những thứ đó đã không còn quan hệ gì đến nàng, tim nàng đã chết, cho dù toàn bộ hoa hồng trên thế gian nở rộ thì trong mắt nàng cũng chỉ là một khoảng đất trống hoang vu mà thôi.
……………………………
Tiếng lòng của Nâu: trời ơi, thương bạn Ngọc Thụ này quá.
Ý kiến của người dịch: tác giả đúng là mẹ kế của nhân vật phụ, ngoại truyện rồi mà vẫn hành hạ con người ta cho được. Chị rất thích dịch mấy phiên ngoại này, câu chữ rất nên thơ, cảm nhận được nỗi đau của nhân vật. Chuẩn bị nhé, 2 phiên ngoại kế vẫn sẽ ưu thương hết sức.
Phiên ngoại 5: Lễ tế
Cỗ xe ngựa chậm rãi lăn bánh trên con phố phồn hoa, xuyên qua đám đông náo nhiệt, ra khỏi cổng thành Chân Hoàng, tiến về phía đông nam. Tiếng phố xá ồn ào dần xa, chỉ còn lại khung cảnh trời rộng núi cao, cỏ xanh lay động, thỉnh thoảng có đàn nhạn bay ngang phát ra tiếng kêu não lòng.
Vĩnh Nhi tựa người trong lòng Ngọc Thụ ngủ gà gật, nhờ có rèm cửa bằng bông dày nên trong xe rất ấm. Ngọc Thụ ôm con trai, nhè nhẹ vỗ vỗ lưng cậu bé, miệng khẽ ngâm nga mấy câu đồng dao. Thời gian trôi qua rất chậm, khiến con đường dường như dài hẳn ra.
“Vương phi, phía trước có một quán trà, có cần xuống nghỉ chân một hồi không?” Khương Ngô mặc y phục da chồn nâu dẫn dắt nhóm hộ vệ đi theo cạnh xe ngựa, vừa xoa xoa hai bàn tay với nhau, vừa đi đến hỏi.
Rèm cửa sổ hơi lay động khiến gió lạnh ùa vào mặt, Ngọc Thụ hơi nhíu mày, ngước lên nhìn trời rồi nói: “Vẫn tiếp tục lên đường thì hơn, ta thấy trời dường như sắp đổ tuyết rồi, tránh để bị tuyết làm lỡ lộ trình.”
Khương Ngô ‘dạ’ một tiếng rồi lại nói ngay: “Nơi này đúng là lạnh thật, nếu là ở Hoài Tống thì bây giờ hoa sen vẫn còn chưa tàn hết nữa là.”
“Mẫu phi?” Vĩnh Nhi dụi dụi mắt, mặt hồng hồng vì ngái ngủ, gió lạnh khiến cậu bé tỉnh táo đôi chút, khịt mũi hỏi nhỏ: “Đã đến chưa ạ?”
Ngọc Thủ thoáng nhìn ra bên ngoài rồi gật đầu nói với cậu bé: “Cũng sắp rồi, con trai.”
Cả đời này của Ngọc Thụ cũng chẳng đi được mấy nơi, chuyến đi đầu tiên chính là từ Hoài Tống băng qua quãng đường vạn dặm đến thẳng thành Chân Hoàng, rời khỏi quê hương đi đến nơi lạnh lẽo xa lạ như này.
Tình cảnh khi ấy, nói dễ nghe thì là Hoài Tống theo thiên mệnh quy thuận Đại Yến, trở thành chư hầu. Nhưng ai cũng biết, hoàng tộc Hoài Tống ngoại trừ Trưởng công chúa Nạp Lan Hồng Diệp thì cũng chỉ còn lại vài phi tần của tiên hoàng và một tiểu hoàng đế sống dở chết dở, hương khói dòng họ vốn đã không thể tiếp tục kéo dài. Chức vị chư hầu này cũng chỉ là ngoài mặt mà thôi. Sau khi Trưởng công chúa trăm tuổi, chủ nhân Hoài Tống sẽ không tránh khỏi đổi thành họ ‘Yến’.
Nhưng có được kết quả thế này cũng đã rất tốt rồi.
Năm đó, trong ba cường quốc trên đại lục, Hoài Tống là nước có diện tích nhỏ nhất, thậm chí còn không bằng một phần mười Đại Hạ. Tuy có lợi thế gần biển và giao thương phát triển, nhưng Hoài Tống lại không có mỏ sắt, thiếu thốn ngựa chiến và trang bị vũ khí, so về thực lực quân sự thì thua kém hai nước còn lại. Nhờ Biện Đường và Đại Hạ luôn cầm chân lẫn nhau nên Hoài Tống mới có thể đứng vững không đổ suốt cả trăm năm qua như vậy. Nhưng một khi cán cân giữa Đại Hạ và Biện Đường xuất hiện chênh lệch, bên chiến thắng chắc chắn sẽ khai đao với Hoài Tống trước tiên.
Năm ấy, Hoài Tống xảy ra lục đục nội bộ, lãnh thổ Biện Đường phân hai, Đại Hạ cũng chia năm xẻ bảy, ba cường quốc không ngừng xảy ra nội chiến. Thiết kỵ Bắc Yến đã nhân cơ hội ra khỏi biên giới, càn quét khắp đại lục. Đứng trước tình hình đó, một là hoàn toàn không có khả năng duy trì thế chân vạc, hai là không có binh lực đánh thắng quân đội của nước khác, ba là không thể ổn định chính quyền nội bộ, ngoại trừ dựa vào Bắc Yến, Hoài Tống thật sự không có lựa chọn thứ hai.
Thực tế cũng đã chứng minh sách lược của Trưởng công chúa là đúng đắn. Tuy nói là trở thành thuộc quốc, nhưng người dân và quan viên Hoài Tống không hề bị liên lụy bởi chiến tranh, hoàng thất cũng không bị sát hại, trọng thần của Hoài Tống lại được tân triều trọng dụng, không hề bị đối xử giống tầng lớp di dân thấp kém như thời Đại Hạ.
Dân chúng lại càng chẳng kể ai làm hoàng đế, chỉ cần có cơm ăn áo mặc, có đất trồng trọt thì sẽ không ai rỗi hơi để bụng chuyện thiên tử của mình họ Yến hay họ Nạp L