Yến Thế Thành tuy xuất thân vương tộc nhưng vì bị đế quốc gán tội danh phản tặc nên không được an táng trong tông miếu. Nơi này trên danh nghĩa là miếu an thần, trên thực tế thì chính là một cái nghĩa trang, không chỉ có quan tài của Yến Thế Thành và gia quyến, còn có cả quan tài của thường dân ở gần đây. Lúc đầu triều đình còn phái binh sĩ nghiêm cẩn canh phòng ở đây, nhưng sau khi Yến Tuân trở lại Bắc Yến thì không còn thấy tử sĩ Đại Đồng Hành đến cướp lại thi thể nữa. Vì vậy nơi này càng lúc càng vắng vẻ, triều đình cũng không nguyện ý hao tốn binh lực vì một đống xương trắng nữa.
Đoàn người đi vào sảnh chính, bọn hộ vệ đốt nến cùng đuốc tìm được, nhanh chóng rọi sáng gian phòng. Trong đại sảnh bày chi chít linh vị và hơn hai mươi cỗ quan tài, ánh nến tù mù tô thêm vẻ âm u của nơi này.
Thanh Thanh sợ đến mặt trắng bệch, trốn sau lưng Đa Cát, níu chặt tay áo cậu, không còn hoạt bát như ngày thường.
Mai Hương cười trêu cô nàng: “Không ngờ tiểu thư Thanh Thanh của chúng ta cũng biết sợ hãi, ta cứ tưởng muội là hỗn thế ma vương, không sợ trời không sợ đất đấy.”
Mọi người nghe nói đều đồng loạt cười to, khiến không khí nhất thời dễ chịu hơn nhiều.
Vinh Nhi đã sắp tròn một tuổi, cả ngày bi bô tập nói, chập chững đi tới đi lui như một chú vịt con vừa nở. Hôm nay bé mặc một chiếc áo bông đỏ chót có thêu chữ ‘phúc’, huơ huơ cánh tay mũm mĩm, ngáp một cái thật to rồi rúc vào trong lòng Sở Kiều tìm tư thế thoải mái nhắm mắt ngủ.
Sở Kiều đứng dậy giao Vinh Nhi cho Mai Hương, khẽ nói: “Ta ra ngoài một chuyến.”
“Tiểu thư, bên ngoài rất lạnh, người muốn đi đâu vậy?”
Sở Kiều bảo Mai Hương đưa đến một hộp thức ăn, cầm lấy đèn lồng rồi nói: “Ta sang bên cạnh nhìn một chút thôi, không cần đi theo ta.” Dứt lời thì đi ra ngoài.
Bên ngoài gió lớn kinh người, Sở Kiều sống trên đại lục Tây Mông gần mười lăm năm nhưng cũng chưa từng nhìn thấy gió mạnh như vậy. Đèn lồng trong tay tắt phụt, áo lông trên người cũng bị gió tốc cao, tuyết lạnh tạt vào mặt đau rát. Sở Kiều giữ chặt cổ áo, khó khăn đi từng bước một, đi hồi lâu thì đến trước một gian phòng tan hoang, chậm rãi đẩy cánh cửa ra.
Gió thổi vào trong khiến lớp bụi dày trên sàn bị thổi tung, Sở Kiều ho khan mấy tiếng, nhanh chóng đóng cửa phòng lại, cũng tiện tay kéo một chiếc ghế đến chắn cửa.
Căn phòng chìm trong vẻ tĩnh lặng chết chóc, dường như bên trong còn lạnh lẽo hơn cả bên ngoài, mái ngói trên trần bị thủng lỗ chỗ, gió thổi vào kêu *vù vù*. Bốn phía tối đen như mực nhưng Sở Kiều dường như rất quen thuộc với nơi này. Nàng móc từ trong góc ra một cái đánh lửa, chậm rãi thắp sáng toàn bộ nến ở đây.
Trong phòng có bốn cỗ quan tài, không có linh vị, không có nhan đèn, không có cả bài vị. Xung quanh đầy cỏ dại và rác rưởi, vài cái bánh bao lạnh cứng, có thể thấy được nơi này đã bị biến thành chỗ dừng chân của ăn mày.
Sở Kiều đặt hộp thức ăn xuống một bên rồi xắn tay áo bắt đầu quét dọn. Động tác của nàng rất nhanh nhẹn, không có dụng cụ nên nàng nhặt ít rơm rạ bó lại thành chổi, nhanh chóng quét hết rác bẩn ra ngoài, quét cả mạng nhện, khiến gian phòng nhìn sạch sẽ hơn rất nhiều. Nàng chậm rãi lấy từng đĩa đồ ăn trong hộp ra bày trên mặt đất, sau đó quỳ xuống vái lạy vài cái.
Đúng vậy, bốn cỗ quan tài này thuộc về phụ thân, hai vị huynh trưởng và một vị tỷ tỷ của Yến Tuân. Những năm đó, mỗi lần đến ngày giỗ của Yến vương, nàng và Yến Tuân luôn trốn đến đây tế bái, khi đó nơi này vẫn còn có quan binh canh chừng chặt chẽ, bọn họ muốn lẻn vào phải tốn rất nhiều công sức. Vậy mà bây giờ nó lại trở nên hoang tàn đến vậy.
Kể từ khi trở lại thành Chân Hoàng, nàng chưa từng có ý định đến đây bái tế, không ngờ hôm nay trời lại run rủi, đây có lẽ cũng là một loại duyên phận.
Không có nhang đèn thì dùng huân hương thay thế, không có giấy tiền vàng thì dùng lụa đốt thay, không có rượu ngon thì dùng một bình sữa dê và hai bình trà.
Yến vương điện hạ, ta lại đến thăm ngài đây.
Nàng đứng dậy, hai đầu gối bám đầy bụi đất. Bông tuyết qua lỗ thủng trên nóc rơi vào phòng, phủ lên nắp quan tài. Nàng lẳng lặng nhìn bốn cỗ quan tài, cố gắng hồi tưởng lại những cái đầu đầy máu nhìn thấy khi xưa, lòng thoáng thấy thê lương.
Trước khi bão tuyết tàn phá xuống Lũng Tây thì đã càn quét qua Bắc Yến. Nhà cửa của dân chúng bị gió thổi sập, Lạc thành bị ảnh hưởng còn nặng hơn, hàng vạn dê bò ở Thượng Thận đều bị chết rét, người dân đói ăn, Bắc Yến tràn ngập nguy cơ.
Vậy mà trong lúc quan viên ở Đại Hạ vỗ tay ăn mừng thì Bắc Yến lại âm thầm triệu tập mười vạn binh tướng ở Long Ngâm Quan, băng qua cao nguyên Lan Hà, vượt qua dãy Mộ Lang cao hơn sáu ngàn thước so với mặt nước biển, vòng qua Đường Hộ Quan, tiến thẳng vào cảnh nội Biện Đường, đột ngột tập kích cửa khẩu, cướp đoạt hơn hai mươi vạn đấu lương thực rồi trở về Bắc Yến bằng khí thế sét đánh không kịp bưng tai, cả chiến dịch không tốn hơn bốn ngày. Đến khi chiến báo ở biên giới đến được Đường Kinh thì số binh tướng kia đã trở về đến Long Ngâm Quan, còn đánh xong hai trận với quân Hạ muốn nhân lúc Bắc Yến cháy nhà vào hôi của.
Sự kiện này giống như một giọt dầu nhỏ vào chảo nước đang sôi, nổi lên sóng gió kịch liệt.
Đại Hạ và Biện Đường cùng giận dữ nhưng lại chẳng làm gì được Yến Tuân, đám Ngự sử của Đại Hạ múa bút thành văn, mắng Bắc Yến quả nhiên xuất thân thổ phỉ, trời sinh quen thói đốt giết cướp bóc, không phải là người. Chúng học sĩ ở Biện Đường cũng lửa hận hừng hực, xối máu chó lên đầu tám đời tổ tông của Yến Tuân mà mắng, kích động đến mức suýt sùi bọt mép.
Có điều bọn họ cũng chỉ có thể làm thế mà thôi. Long Ngâm Quan phòng thủ kiên cố, binh tướng lại hung hãn như hổ sói, dưới tình hình hiện giờ, bọn họ không bị tiến đánh đã làmừng lắm rồi, ai dám tới tận cửa khiêu khích Bắc Yến chứ?
Lúc nghe được tin này, Sở Kiều không khỏi cười lạnh, có lẽ câu nói mềm sợ cứng, cứng sợ liều, chính là có ý này.
Gia Cát Nguyệt thì vẫn giữ bộ dạng thờ ơ như cũ, không thèm để ý đến mấy lời hô hào đòi đánh của đám quan lại trên triều. Người nào chả biết Đại Hạ bây giờ còn chưa lo xong thân mình, tranh giành giữa các vị hoàng tử đã đến giai đoạn cao trào, ai có thời gian đi đánh đánh chém chém với bên ngoài chứ? Nói thì rất mạnh miệng, nhưng nếu hắn thật sự điều động binh mã kéo ra Nhạn Minh Quan, e mấy lão già kia mới giống như trong tấu chương của bọn họ, lấy cái chết để can gián.
Lúc biết tin hắn cũng chỉ hơi kinh ngạc, nói không ngờ Yến Tuân lại có thể làm như vậy.
Thật ra thì đâu chỉ có Gia Cát Nguyệt, e toàn bộ đại lục cũng chẳng ai ngờ được.
Dù sao thì trước đó Yến Tuân cũng từng đem cả Bắc Yến làm vật cược, lấy trăm vạn quân dân là mồi nhử dẫn dụ quân Hạ vào lãnh thổ của mình rồi xua binh đánh phía đông. Không lâu sau đó còn thẳng tay đàn áp mọi thế lực chống đối, hoàn toàn tiêu diệt Đạ