Hai cánh cửa phía sau xe, chỗ bậc lên xuống, là thứ cửa gió, thấp lè tè, chẳng làm sao che được người ngồi trên băng. Trong tình huống nghìn cân treo sợi tóc đó, tôi không còn cách nào khác hơn là nằm bẹp xuống sàn xe, giấu mình sau cánh cửa gió trước khi Việt An kịp nhìn thấy.
Lúc đó, chẳng còn đầu óc đâu mà suy nghĩ đến chuyện lá thư, tôi chỉ lo làm sao dán mình xuống sàn xe thật sát, thật mỏng, mỏng như tờ giấy pơ-luya càng tốt, mặc kệ quần áo lấm lem và đủ thứ mùi hôi hám xộc vào mũi.
Tôi nằm “bất tỉnh nhân sự” như vậy lâu thật lâu. Ngay cả khi biết chắc mối nguy cơ đã trôi qua, tôi vẫn không dám nhỏm người dậy. Tôi sợ người tài xế phát hiện ra, sẽ vặn vẹo lôi thôi. Nằm im thin thít, tôi định bụng chờ lúc xe ngừng, sẽ len lén trèo xuống. Nhưng tôi đợi hoài, đợi hoài mà xe vẫn cứ chạy. Đến khi không còn đủ kiên nhẫn nữa, tôi đành thở dài chỏi tay ngồi dậy.
Đập vào mắt tôi là một khung cảnh lạ hoắc. Những cánh đồng đã thay cho những dãy nhà san sát và những đàn bò đủng đỉnh nhai cỏ đã thế chỗ cho những chiếc honđa.
Tôi bàng hoàng hiểu ra mình đã đi khỏi thành phố khá xa. “Ngã ba tình ái” chắc đang cách tôi… hàng vạn dặm. Tôi đập tay “ầm, ầm” vào thành xe, miệng kêu:
– Ngừng lại! Ngừng lại!
Người tài xế giật nảy người, suýt chút nữa lao xe xuống ruộng. Anh ta quay lại nhìn tôi, ánh mắt không giấu vẻ kinh dị:
– Trời ơi! Cậu ở đâu ra thế này!
Vừa hỏi, anh ta vừa thắng xe lại.
Tôi ấp úng:
– Khi nãy lúc anh sửa xe, tôi leo lên ngồi chơi rồi… ngủ quên!
Khi biết tôi là người chứ không phải là… ma, người tài xế chuyển từ kinh hoàng sang giận dữ:
– Bộ hết chỗ ngủ sao leo lên xe tôi ngủ, ông nội!
Nói xong, người tài xế tống cổ “ông nội” xuống khỏi xe và cằn nhằn rồ máy vọt thẳng, bỏ tôi đứng một mình giữa đồng không mông quạnh, dở cười dở khóc.
Tôi moi hết túi áo túi quần, chỉ tìm được mấy chục bạc lẻ, chẳng đủ đi xe. Trong ba mươi sáu cách tôi chỉ còn cách… đi bộ về nhà.
Tôi lê bước thất tha thất thểu giữa trời nắng chang chang, áo quần thốc thếch như một tên du thủ du thực. Nếu Việt An bắt gặp tôi trong tình cảnh này, chắc nó sẽ xúc động rưng rưng nước mắt và chạy lại ôm tôi hôn lấy hôn để. Nghĩ vậy, lòng tôi nguôi nguôi được đôi chút.
Tôi đi một hồi, chân cẳng mỏi nhừ. Mấy lần tôi định ngồi xuống bên đường nghỉ chân nhưng cứ nghĩ đến chuyện gặp lại Hải gầy, nghe nó hào hứng kể lại chuyện Việt An sung sướng như thế nào khi nhận thư tôi, tôi nghiến răng rảo bước. Rồi Hải gầy sẽ kể Việt An e ấp ra sao khi rút từ trong cặp ra bức thư hồi âm viết sẵn gửi cho tôi. Và biết đâu Việt An còn gửi “kèm” tới tôi những lời hẹn hò không mơ thấy nổi!
Vừa đi vừa vẽ vời, đến trưa trờ trưa trật tôi mới mò về tới nhà.
Hải gầy đã ngồi đợi sẵn trong phòng học của tôi.
Thấy tôi bước vào, mặt mày nhem nhuốc, quần áo nát nhầu, Hải gầy giương mắt ếch:
– Từ sáng đến giờ mày đi đâu? Sao không đến lớp?
Tôi cười, miệng méo xệch:
– Tao đi công chuyện!
Hải gầy không tin:
– Xạo đi mày! Công chuyện gì mà mặt mũi bơ phờ vậy?
Vừa nói nó vừa đảo mắt nhìn tôi từ đầu đến chân như quan sát một quái vật thời tiền sử.
Điệu bộ của nó khiến tôi phát cáu. Tôi gắt:
– Làm gì mày ngắm nghía kỹ vậy! Chuyện hồi sáng tới đâu rồi?
Không nói không rằng, Hải gầy rút lá thư trong tập ra đưa tôi.
Tôi cầm lá thư mà mắt sáng rỡ, bao nhiêu mệt nhọc bay biến đâu hết:
– Nó hồi âm ngay tại chỗ hả?
Hải gầy thở dài:
– Hồi âm cái khỉ mốc! Lá thư của mày đó! Nó không nhận!
Khoảng mười ngày sau trận đánh nhau với Lợi sứt, tôi đem cho Tiểu Li một chiếc lá thuộc bài.
Tôi đưa chiếc lá cho nó:
– Cho mày nè!
– Lá gì vậy?
– Lá thuộc bài.
– Lá thuộc bài là lá gì?
– Mày ngu quá! Lá thuộc bài là lá thuộc bài chứ lá gì! Ép nó trong tập, mày học qua một lần là thuộc liền!
Tiểu Li thích lắm. Nó nâng niu chiếc lá trên tay như một báu vật.
Chừng mấy ngày sau, nó chạy qua khoe tôi:
– Chiếc lá thuộc bài hay ghê anh hén?
– Ừ. Mày ép nó vào tập chưa?
Tiểu Li gật đầu, mặt tươi rói:
– Ép rồi! Từ khi có nó, em học bài mau thuộc ghê!
Tôi nhún vai, vẻ tự hào:
– Tao đã bảo mà lại!
Tiểu Li nhìn tôi:
– Anh có ép nó trong tập không?
– Có.
Nó lại hỏi:
– Anh học có mau thuộc không?
– Tao hả? Tao… – Tôi ngập ngừng – Tao… cũng như mày thôi!
Tôi không dám nói với Tiểu Li là từ khi có chiếc lá thuộc bài, tôi cũng chẳng sáng dạ ra được chút nào.
Bao giờ tôi cũng học trước quên sau, học sau quên trước.
Để Tiểu Li khỏi dò hỏi lôi thôi, tôi nói lảng sang chuyện khác:
– Ngày mai tao sẽ làm một chiếc vợt.
Tiểu Li trố mắt:
– Chi vậy?
– Để bắt bướm.
Tiểu Li reo lên:
– Hay quá hén! Em thích những con bướm lắm! Cánh nó đủ màu, đẹp ghê!
Tôi lên giọng hào hiệp:
– Tao sẽ bắt bướm cho mày ép vào tập.
Tiểu Li mừng lắm:
– Ừ, anh bắt cho em đi!
Đang nói, bỗng dưng nó rụt cổ:
– Eo ơi, không được! Ép vào tập những con bướm sẽ chết mất!
Tôi bật cười:
– Thì chết chứ sao! Bị đè bẹp dí làm sao sống được!
Tiểu Li chớp mắt:
– Vậy em không ép nó đâu! Chỉ bắt chơi thôi. Chơi xong thả ra.
Tôi bĩu môi:
– Thả ra thì bắt làm gì?
– Thì chơi.
– Hừ, chơi! Chơi là phải ép vào tập! Như vậy những con bướm luôn luôn là của mình.
Tiểu Li cắn môi:
– Nhưng như vậy thì ác lắm! Những con bướm sẽ chết!
– Bướm thì ăn thua gì! Mày làm như người ta không bằng!
Nói xong, tôi giận dỗi quay mặt đi. Hừ, mình có lòng tốt muốn bắt bướm cho nó chơi, nó lại bảo mình ác! Đúng là đồ… con gái!
Tiểu Li đứng lặng lẽ bên cạnh tôi, chân dí dí xuống đất. Chắc nó đang nghĩ cách làm hòa với tôi.
Quả nhiên, một lát sau nó chạm khẽ vào tay tôi, hớn hở nói:
– Em nghĩ ra rồi!
Tôi hỏi, đầu không quay lại:
– Ra cái gì?
– Anh muốn ép vào tập phải không?
Tôi “hừ” một tiếng:
– Biết rồi mà mày còn hỏi!
– Em cũng thích ép vào tập.
Tôi quay phắt lại:
– Thật không?
Tiểu Li lộ vẻ lúng túng:
– Thật! Nhưng không ép bướm mà ép hoa!
Tôi thở dài chán nản:
– Tao nói ép bướm, mày lại nói ép hoa. Lãng xẹt!
Nhưng tôi cũng hỏi:
– Hoa gì?
Mắt Tiểu Li sáng lên:
– Hoa cúc.
– Hoa cúc trước sân nhà mày đó hả?
– Ừ.
Tôi tặc lưỡi:
– Hoa đó mà ép làm gì? Xấu hoắc!
Thấy