Na Lan vẫn băn khoăn mấy điều, ai đã gửi vào di động của cô đoạn video Hàn Tây và Sở Hoài Sơn bị giam? Ai đã lần lượt nhắn tin buộc cô phải đi đến cửa sau của khu hầm phòng không, và ai đã đánh cô chết ngất? Vấn đề then chốt là ai biết cô vội vã chạy suốt đêm đến địa điểm cũ của Công ty Lữ hành Thông Giang. Ngoài cảnh sát biết, và biết cách gửi video cho cô thì chỉ còn Sở Hoài Sơn. Lúc này anh ta không bị giam cầm ở cái hố này, vì anh ta vốn đang tự do chăng? Cô còn nhớ Chu Trường Lộ từng nói mình rất dốt máy tính và mạng Internet, hoạt động của hội Tiếng Lòng trên trang web và weibo đều do Đổng Bội Luân phụ trách. Nếu lão nói đúng, thì rất ít khả năng là do lão trực tiếp gửi, mặc dù việc quay phim và gửi đi chẳng phải kỹ thuật gì cao siêu. Nhất là, lão đồng thời lại phải bắt cóc Trần Ngọc Đống. Khả năng duy nhất chỉ có thể là Sở Hoài Sơn. Anh ta đã dụ cô đi sang đầu bên kia của khu đất hoang rộng 2 hecta, tiếp đó đánh cô chết ngất rồi vận chuyển cô và Hàn Tây đến đây. Như thế, Chu Trường Lộ có thể ung dung ra tay với Trần Ngọc Đống. Kế hoạch hợp tác hoàn hảo, kết quả hoàn hảo. Na Lan băn khoăn, “Chỉ hiềm, tôi không hiểu tại sao anh ta lại làm thế?” Trần Ngọc Đống đang “gần đất xa trời” vì đã bị chôn nửa người, bỗng lên tiếng, “Tại tôi.” Chu Trường Lộ cười nhạt, “Ngươi đánh giá mình quá cao!” Một xẻng đất hắt xuống, rồi dừng lại, hình như lão đang do dự. Trần Ngọc Đống nói, “Có khả năng Sở Hoài Sơn là con trai của La Cường.” Na Lan kinh ngạc. Còn Chu Trường Lộ đứng trên kia vẫn do dự, không tỏ ra ngạc nhiên cũng không lộ vẻ khinh thường phỏng đoán nghe chừng hoang tưởng này. “Tôi vốn rất tò mò về cộng tác viên tài ba này, tôi mắc tật xấu của dân hình sự là hay nghe ngóng. Về hưu rồi, rồi là triệu phú thời gian. May sao, trường trung học trực thuộc Học viện Âm nhạc không lớn, những người già trong khu tập thể của trường đều biết về nhà họ Sở, ông ngoại của Sở Hoài Sơn là Sở Tu Viễn, từng là hiệu trưởng trường trung học này, là chuyên gia về lý luận âm nhạc và giáo dục âm nhạc nổi tiếng toàn quốc. Nổi tiếng hơn nữa là ông có bốn cô con gái, được gọi là ‘tứ tiên nữ’. Hai cô lớn là chị em sinh đôi, một cô lấy tư lệnh quân khu Tứ Xuyên, một cô về Bắc Kinh làm dâu một gia đình quan chức ở Bộ Ngoại giao. Còn hai cô con gái nữa, tuy hồi nhỏ không chịu khổ sở gì, nhưng trong thời cách mạng văn hóa vợ chồng Sở Tu Viễn bị đưa đi ‘tẩy não’, nên hai cô này không được học hành tử tế, chỉ ra ngoài lêu lổng. Nhất là cô Ba tên Sở Dung, rất thiếu nghị lực, quen sống buông thả, cho nên sau khi cách mạng văn hóa chấm dứt cô ta vẫn không có nghề nghiệp nghiêm chỉnh, chỉ nhờ nhan sắc xinh đẹp mà được nhiều tạp chí và hãng thời trang mời chụp ảnh quảng cáo, cô ta trở thành một trong những người mẫu thế hệ đầu tiên. Tìm hiểu đến đây tôi mới bắt đầu liên hệ với La Cường.” La Cường mở một hiệu ảnh, hắn còn là một gã lưu manh có sở thích chụp ảnh người đẹp, mà là chụp trộm. Trần Ngọc Đống nói tiếp, “Những ai biết về nhà họ Sở đều không trực tiếp nhắc đến La Cường. Họ chỉ biết vào giữa thập kỷ 1980, tức là sau khi kẻ đầu tiên liên can đến vụ ‘ngón tay khăn máu’ bị xử tử, mấy năm liền Sở Dung bặt tăm, hàng xóm thậm chí cho rằng ông hiệu trưởng họ Sở không chịu nổi đứa con gái quái dị bướng bỉnh bèn đưa con ra nước ngoài, hoặc nhờ một người chị nào đó dạy bảo giúp. Mãi về sau người ta mới nghe thấy trong ngôi nhà gác nho nhỏ ấy có tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe. Thời buổi ấy chưa chồng mà mang bầu là một chuyện tày đình, lại rơi ngay vào nhà thầy hiệu trưởng, cho nên thiên hạ không ngớt xì xào bàn tán. Người ngoài nhìn vào thì thấy dạo trước các bạn trai ở Sở Dung chạy qua chạy lại như đèn kéo quân, cho nên không thể xác định ai là cha đứa trẻ. Sở Dung sinh con rồi, vẫn trang điểm và hay đi chụp ảnh, nhưng cô như đã biến thành người khác, suốt ngày buồn bã âm thầm, không còn những nụ cười lả lơi, cũng không còn đám bạn trai mặc quần ống loe, đi giày mũi nhọn, tóc uốn xoăn tít bâu xâu xung quanh nữa. Chưa đầy hai năm sau, Sở Dung ốm rồi qua đời, hình như mắc bệnh ung thư máu. Vợ chồng hiệu trưởng Sở Tu Viễn bị sốc nặng, cũng lần lượt qua đời chưa đầy hai năm sau đó. Việc chăm sóc cậu con trai của Sở Dung do cô con gái thứ tư nhà hiệu trưởng đảm nhận. Thời kỳ đầu điều tra về La Cường, chúng tôi không hề nghe nhắc đến Sở Dung, chứng tỏ, nếu tôi đoán không nhầm, thì họ giữ rất kín mối quan hệ này. Khi nghe hàng xóm bàn tán về thời gian chửa đẻ của Sở Dung, về vụ tử hình La Cường, tôi có ngờ ngợ nhưng không xâu chuỗi được hai sự việc với nhau. Nay nghĩ lại, thấy rằng, nếu trở về Phòng Hồ sơ của Sở xem các