Miura Tetsuzo, sau khi thôi làm giáo sư tại trường đại học Y., đã mất ở tuổi bảy mươi hai cách đây hai năm. Chuyên môn là vật lý lý thuyết nhưng ông ta đặc biệt am hiểu về vật lý chất đặc và cơ học thống kê. Tuy nhiên, toà nhà này không phải được dựng lên để tôn vinh những thành tựu trong lĩnh vực chuyên ngành của ông ta là vật lý, cho dù nó khá nhỏ. Mà là cho sự giải mã những hiện tượng phi thường một cách khoa học. Trong tiểu sử có viết: lý thuyết của ông đã gây nên sự chú ý của thế giới, nhưng tất nhiên, chắc đó chỉ là một phần rất nhỏ. Bằng chứng là từ trước đến nay, Asakawa chưa một lần nghe thấy danh tiếng của ông ta. Vậy thì cái lý thuyết mà ông ta phát hiện là gì? Asakawa đi tìm câu trả lời trên những bức tường và các hòm kính. “… ý nghĩ hàm chứa năng lượng và nguồn năng lượng ấy…” Gã đọc tới đó thì từ bên trong vọng ra tiếng bước chân chạy xuống cầu thang. Một người đàn ông ngoại tứ tuần với hàng ria mép mở cánh cửa trượt ra và xuất hiện. Làm theo Ryuji đang cầm danh thiếp và tiến lại gần người đàn ông, Asakawa cũng rút danh thiếp của mình từ túi áo ngực. – Chào anh, tôi là Takayama, hiện đang giảng dạy tại đại học K. Giọng điệu của Ryuji khác hẳn với khi nói chuyện với Asakawa. Gã thấy cái lối giả lả của Ryuji thật ngộ. Asakawa cũng đưa danh thiếp ra. Hết nhìn chiếc này tới chiếc kia, một của giảng viên đại học và một của phóng viên tạp chí, khuôn mặt người đàn ông lộ vẻ hơi khó chịu. Anh ta nhíu mày vì tấm danh thiếp của Asakawa. – Nếu không phiền, chúng tôi có thể thỉnh giáo anh một vài việc được không ạ. – Số là hồi giáo sư Miura còn sống, tôi có vinh hạnh được gặp giáo sư một lần. Không hiểu sao câu nói đó lại khiến nét mặt người đàn ông giãn ra, anh ta đem tới ba chiếc ghế gấp rồi xếp chúng quay mặt vào nhau. – Vậy à? Các anh ngồi đi. – Cách đây chừng ba năm, tính ra là đúng một năm trước khi giáo sư qua đời, tôi quyết định đến thỉnh chuyện giáo sư nhân một lần nhà trường đánh tiếng hỏi xem tôi có muốn dạy môn phương pháp luận khoa học hay không… – Ở ngôi nhà này? – Vâng, qua sự giới thiệu của giáo sư Takatsuka… Cuối cùng thì người đàn ông cũng nở một nụ cười khi nghe nhắc đến tên giáo sư Takatsuka, vì điểm chung giữa họ đã rõ ràng. Hẳn là anh ta đang nghĩ: hai người này cùng phe với mình, chắc không phải những kẻ đến để công kích…- Tôi tên là Miura Tetsuaki, xin thứ lỗi cho sự khiếm nhã vừa rồi. Cũng xin lỗi vì danh thiếp của tôi vừa mới hết… – Nói vậy thì anh là… – Vâng, tôi chính là đứa con kém cỏi của ông. – Vậy sao, ồ, tôi không hề nghĩ là giáo sư lại có một đứa con giỏi giang như thế… Asakawa phải cố nén để khỏi phì cười vì cái cách Ryuji gọi một người hơn họ đến mười tuổi là “một đứa con giỏi giang”. Miura Tetsuaki giới thiệu sơ qua về kỷ niệm đường của cha mình, rằng các học trò của ông đã góp sức biến ngôi nhà mà ông để lại thành một kỷ niệm đường và phân loại các tài liệu thu thập được. Còn về phần mình, anh ta nói với một vẻ pha chút tự trào rằng, anh ta đã không đi theo con đường nghiên cứu mà người bố mong đợi, mà lại bỏ tiền ra xây dựng và kinh doanh một khách sạn nhỏ trên cùng miếng đất với ngôi kỷ niệm đường. – Tóm lại là tôi đang lợi dụng danh tiếng và mảnh đất ông cụ để lại, vì thế tôi buộc phải tự gọi mình là một đứa con kém cỏi. Tetsuaki nói vậy rồi cười thẹn thùng. Khách sạn của anh ta thường phục vụ cho những chuyến đi xa của đám học sinh cấp ba. Khách trọ hầu hết là thành viên các câu lạc bộ khoa học như câu lạc bộ vật lý, sinh vật, trong số đó còn có cả những cái tên như Hội Nghiên cứu Siêu tâm lý học. Mà chỗ nghỉ trọ của bọn học trò thì cần một chút danh nghĩa. Vì thế, Kỷ niệm Đường Miura Tetsuzo chính là miếng mồi câu bóng bẩy thu hút những đoàn học sinh cấp ba tới nghỉ. – Chuyện là thế này anh ạ. – Ryuji sửa lại tư thế ngồi và tìm cách đưa câu chuyện trở về quỹ đạo. – Ấy chết, tôi xin lỗi vì cứ huyên thuyên những chuyện không đâu… Vậy tôi có thể giúp gì được các anh? Như thế đủ thấy Tetsuaki chẳng có chút tài năng nào của một nhà khoa học. Nhìn nghiêng, nét mặt lộ đầy vẻ khinh bỉ của Ryuji tuồng như muốn nói: cái thái độ vuốt đuôi kiểu con buôn hợp với thằng cha này lắm. – Chẳng là chúng tôi đang đi tìm một nhân vật. – Là ai vậy? – Chúng tôi chưa biết, chính vì thế nên chúng tôi mới tới đây. – Ái chà, như vậy nghĩa là…, à, anh cứ nói tiếp đi… Tetsuaki nhíu mày bối rối như thể giục khéo Ryuji trình bày câu chuyện một cách dễ hiểu hơn. – Tôi không dám chắc chắn nhân vật này còn sống hay đã chết. Chỉ biết rõ một điều rằng, kẻ đó sở hữu một sức mạnh mà người thường không thể nào có được. Nói đến đây Ryuji ngừng một hơi và nhìn xoáy vào Tetsuaki. Dường như ngay lập tức Tetsuaki hiểu ra rằng, “sức mạnh mà người thường không thể nào có được” nghĩa là gì. – Giáo sư Miura là nhà sưu tập hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực này. Trước đây, tôi có nghe giáo sư nói rằng, bằng mạng lưới riêng của mình, giáo sư đã lập danh sách những người có khả năng thần bí trên toàn nước Nhật và vẫn còn cất giữ những tài liệu đó. Mặt Tetsuaki sầm lại. Anh ta nghĩ bụng: không phải bọn người này đến để nhờ mình tìm cho họ một nhân vật trong đống tài liệu ấy đấy chứ? – Vâng, tất nhiên là các tập hồ sơ vẫn còn được lưu giữ. Nhưng, phần lớn bọn họ là những kẻ lừa đảo, vả lại khối lượng hồ sơ không phải là nhỏ. Tetsuaki chợt rùng mình khi hình dung tới việc phải lật giở đám hồ sơ ấy một lần nữa. Mười mấy học trò của ông đã phải mất vài tháng mới phân loại xong. Cũng bởi theo di nguyện của người quá cố, họ đã giữ lại cả những tài liệu không đủ căn cứ thành thử mới lên tới con số khổng lồ như vậy. – Ồ, chúng tôi đâu dám phiền anh như thế. Nếu anh cho phép, hai chúng tôi sẽ tự mình tìm lấy. – Chúng nằm trong kho trên tầng hai, trước tiên mời các anh lên xem. Tetsuaki đứng dậy. Bọn họ chưa biết chúng nhiều thế nào nên dám nói vậy, chứ chỉ cần thấy cái g