o hơn hai mươi loại a-xit a-min, mỗi loại vài trăm đơn vị vào một cái âu, vừa khoắng tít vừa rắc lên đó mấy vốc năng lượng điện, ấy thế là chúng ta đã có ngay được chất đạm, cái gốc của sự sống”. Bọn chúng nói vậy đấy. Cậu tin được không? Xằng bậy. Thà nói đại rằng chúng ta là những tạo vật của Thượng Đế cho dễ hiểu. Còn tớ thì tin rằng, có một dạng thức năng lượng hoàn toàn khác, mà chính xác hơn là một loại ý chí nào đó đã hoạt động đúng vào cái thời khắc mà chúng ta ra đời. Hơi ghé mặt về phía Asakawa, Ryuji đột ngột chuyển chủ đề. – Này, lúc ở kỷ niệm đường, xem chừng cậu có vẻ say sưa với các trước tác của ông giáo sư ấy nhỉ. Có phát hiện ra điều gì lý thú không? Gã chợt nhớ ra là gã đang đọc dở dang. Học thuyết của tiến sỹ nói rằng… ý nghĩ hàm chứa năng lượng và năng lượng ấy… – Hình như ông ta viết rằng ý nghĩ là năng lượng hay cái gì đại loại thế. – Đoạn tiếp theo là gì?- Mình không có thời gian đọc hết. – Hề hề, thật đáng tiếc, phần hấp dẫn nhất lại nằm ở phía sau. Cái cách bố già ấy trình bày thản nhiên và rất có lý về những người mà người bình thường nào cũng sẽ sốc khi nghe tới sẽ làm cậu khoái ra trò. Nhưng tóm lại, bố già ấy muốn nói rằng ý thức là một thực thể sống có năng lượng. – Cái gì? Nghĩa là những suy nghĩ trong đầu chúng ta sẽ biến thành một thực thể sống? – Đúng là như thế. – Thế thì cực đoan quá. – Chính xác là cực đoan, nhưng có một chủ thuyết tương tự đã được bàn đến suốt từ trước công lịch cho tới nay. Cũng không loại trừ đây là một biến thái của thuyết sức sống (Vitalism).Nói đến đó, Ryuji bỗng không còn hào hứng với câu chuyện và lại quay về với tấm bản đồ Oshima. Không phải gã không hiểu Ryuji định nói gì. Nhưng gã vẫn chưa hết thắc mắc. Họ không thể lý giải bằng khoa học cái thực tế mà họ đang phải đối mặt lúc này. Song vì nó là hiện thực, nên họ chỉ còn cách hành xử theo hiện tượng bên ngoài cho dù không biết được mối quan hệ nhân quả. Việc họ cần làm trước tiên là giải mã câu thần chú và thoát ra khỏi vòng vây của thần chết chứ không phải đi tìm lời giải cho sự bí ẩn của những năng lực siêu nhiên. Gã đồng ý là như thế. Nhưng gã cần ở Ryuji một câu trả lời minh xác hơn. Càng ra xa con thuyền càng lắc mạnh. Asakawa bắt đầu lo mình bị say sóng. Gã thấy rất rõ cảm giác nôn nao trong người. Đang lơ mơ ngủ, bất thần Ryuji ngẩng mặt nhìn ra bên ngoài. Biển một màu xanh xám đậm dậy sóng, phía trước, bóng dáng hòn đảo hiện ra mờ tỏ. – Asakawa này, tớ vẫn thấy khúc mắc một chuyện. – Chuyện gì? – Tại sao bốn đứa nhóc không thực hiện câu thần chú? … Tưởng gì, hoá ra chuyện đó. – Nó rành rành ra đấy còn gì? Vì bọn chúng không tin vào nội dung của cuốn băng. – Tất nhiên, tớ cũng đã từng cho là như vậy. Và chính vì thế mà bọn chúng mới chơi cái trò nghịch dại là xoá đi câu thần chú. Nhưng mà đột nhiên tớ lại nhớ ra một chuyện. Hồi ở trung học, vào một đêm ngủ chung trong chuyến dã ngoại của nhóm điền kinh, thằng Saito đã lao như tên bắn vào trong phòng. Cậu còn nhớ chứ, cái thằng Saito cớm nắng ấy? Cả nhóm có mười hai đứa, đều ngủ trong một phòng. Lúc lao vào phòng, hắn la lớn lên là có ma trong khi răng vẫn đánh vào nhau cầm cập. Hắn bảo, lúc vừa mở cửa toilet ra thì bỗng nhiên hắn nhìn thấy khuôn mặt đang khóc của một đứa bé gái ở chỗ cái bóng của chiếc thùng rác bên cạnh la-va-bô. Trừ tớ ra, cậu biết mười đứa còn lại phản ứng như thế nào không? – Chắc là năm thằng tin còn năm thằng thì cười nhạo chứ gì? Ryuji lắc đầu. – Thế giới phim kinh dị hoặc truyền hình thì như thế. Đó là cái mô típ kiểu như ban đầu sẽ chẳng ai tin, thế rồi con quái vật sẽ tấn công từng người từng người một… Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Mười thằng đó, chẳng chừa đứa nào, đều tin lời hắn cả. Đừng nghĩ chúng quá nhát gan. Các cuộc thử nghiệm với những nhóm khác cũng cho cùng kết quả. Nỗi sợ hãi mang tính căn nguyên đã được tạo lập sẵn trong bản năng con người rồi. – Ý cậu cho rằng bốn đứa trẻ không tin vào đoạn băng là không bình thường? Nghe Ryuji nói, Asakawa chợt nhớ lại nét mặt khóc thét của con gái khi nhìn thấy chiếc mặt nạ, và cả mối băn khoăn vào lúc ấy rằng, tại sao con bé lại biết sợ mặt nạ quỷ? – Tớ không nói vậy, thực ra đoạn phim đó không có cốt truyện cũng chẳng đáng sợ cho lắm. Nên khả năng bọn chúng không tin là không thể phủ nhận. Nhưng chẳng lẽ bọn chúng không thấy bận tâm chút nào? Là cậu thì cậu sẽ tính sao? Nếu thực hiện câu thần chú mà thoát được cái chết, liệu cậu có thử làm không, mặc dù có thể không tin? Có gì lạ đâu nếu một trong số bọn chúng chơi trò ăn mảnh. Đành rằng lúc đó nó phải cố tỏ ra can đảm trước mặt ba đứa khác, nhưng về Tokyo nó vẫn có thể kín đáo thực hiện cơ mà. Cái linh cảm xấu trong gã lại tăng lên. Thực ra, bản thân Asakawa cũng đã từng nghĩ tới điều này. … Nếu thần chú là một thứ không thể thực hiện được thì sao? – Có thể rằng đó là một mệnh lệnh bất khả thi nên chúng đã tự thuyết phục mình theo chiều hướng không tin vào nó? Lúc ấy, trong óc gã bỗng nảy ra một tình huống như thế này. Có thể, đứa bé gái đã bị một kẻ nào đó sát hại và nó muốn gửi đi thông điệp ấy hòng mượn tay người khác rửa hận ình… – Tớ biết cậu đang nghĩ gì. Và nếu quả là như vậy thì cậu sẽ hành động ra sao? Nếu câu thần chú là một mệnh lệnh kiểu như hãy giết chết một ai đó thì liệu rằng gã có thể cướp đi sự sống của một con người không hề quen biết để cứu lấy sinh mệnh của mình không? Asakawa tự vấn. Nhưng còn một vấn đề bức thiết hơn, ấy là ai sẽ thực hiện câu thần chú khi mà sự thật là như thế? Asakawa lắc mạnh đầu. Gã không nên nghĩ tới những chuyện ngu ngốc như vậy. Gã chỉ còn biết cầu mong để những yêu cầu của cái kẻ tên Yamamura Sadako là thứ mà ai cũng có thể thực hiện được. Những đường nét của hòn đảo đã rõ ràng, con thuyền chầm chậm xoay hướng để cập vào cầu cảng Motomachi. – Này Ryuji, mình muốn nhờ cậu một chuyện. – Giọng Asakawa rành rọt. – Gì thế? – Nếu mình không còn đủ thời gian, nghĩa là… – Asakawa không muốn nhắc đến chữ chết. – Nếu cậu tìm ra chân tướng của câu thần chú vào ngày hôm sau, thì cậu hãy… Ryuji không để gã nói hết. – Tất nhiên. Để đó cho tớ. Tớ sẽ có trách nhiệm cứu vợ và cún con nhà cậu. Asakawa chìa ra tấm danh thiếp mà gã đi ghi ở mặt sau một số điện thoại. – Mình định gửi vợ con về nhà ngoại ở Ashikaga cho tới khi giải quyết xong vụ này, đây là số điện thoại nhà vợ mình. Mình đưa luôn cho cậu kẻo quên. Ryuji nhét tấm danh thiếp vào trong túi mà không thèm nhìn. Nhà tàu thông báo thuyền đã cập cảng Motomachi. Asakawa gọi điện cho vợ từ trên cầu cảng hòng thuyết phục cô về nhà bố mẹ đẻ ít lâu. Gã không biết khi nào mình mới có thể trở lại Tokyo. Chưa biết chừng gã sẽ phải đón cái kết cục của mình ở trên đảo Oshima này. Gã không sao chịu được khi tưởng tượng ra cảnh vợ con đang sống trong sợ hãi nơi căn hộ chung cư chật hẹp. Ryuji cất tiếng hỏi trong khi bước xuống cầu tàu. – Này Asakawa, cậu thương vợ con đến thế