4
Tôi lắc đầu không hiểu, việc này nghĩ tới nghĩ lui vẫn không thông, còn tấm bia trước cổng làng nữa chứ, sao lại gọi là bia Tầm Na mà lại không gọi thẳng luôn là bia Na đi?
Điền Mộ Thanh giải thích: “Bia đá thường dùng để ghi lại các sự việc, nghe anh Điếu bát nhà anh nói, tầm Na là nói tới phong tục đuổi ma trừ tà, là một nghi thức từ cổ xưa. Có thể trên bia đá ghi chép lại nghi thức đó của người dân trong làng.”
Tôi nghĩ cũng phải, hình ảnh tấm bia Tầm Na trong bức tranh là một tấm bia đá rất to được đặt trên mai bí hí, trong dân gian gọi đó là “Rùa cõng bia đá”. Bí hí là con cháu của rồng, có thể cõng được những vật rất nặng, thời cổ làm bia đá bí hí thường có hai đặc điểm nhận dạng, một là rất cao to, hai là nội dung viết trên bia hết sức quan trọng. Vì vậy, chắc chắn là tấm bia đá kia ghi chép lại những sự việc quan trọng đã xảy ra trong ngôi làng Thiên Cổ Dị Đế. Nếu tôi không muốn bị cơn ác mộng trong ngôi mộ cổ nhà Liêu dày vò cho đến chết thì buộc phải biết trên tấm bia đá đó viết những gì. Nhưng ngặt nỗi Điếu bát sống chết chưa biết thế nào, sớm rời khỏi nơi này thì anh ta còn có thêm tia hi vọng sống. Trong thời điểm quan trọng này, tôi không thể chỉ nghĩ tới mạng sống của mình, hơn nữa tôi cũng chẳng gan đâu mà dám bước chân vào ngôi mộ đó một lần nữa. Chuyện đã tới nước này đành phải nghe theo sự sắp đặt của ông trời vậy, phải thoát ra khỏi đây trước đã.
Lúc này, Mặt dày đi tới nói với chúng tôi: “Bên ngoài tạnh mưa rồi, sương mù lại dày đặc hơn, bọn mình phải nghĩ cách gì đi chứ, tiếp tục nán lại đây hay là tìm đường thoát ra ngoài?”
Tôi nói: “Nếu bên ngoài đã tạnh mưa rồi thì chúng ta tiếp tục đi về hướng bắc, xuyên qua khu rừng này là tới động Ngư Khốc, tới đó có thể theo đường cũ quay về. Hai người đi thu dọn đồ đạc, bó thêm vài bó đuốc dự phòng, tôi ở đây xem mấy bức bích họa này một lát nữa.”
Mặt dày tìm mấy cành cây to bó lại, lấy mấy bộ quần áo rách xé nhỏ thành sợi đưa cho Điền Mộ Thanh buộc vào bó củi, chấm dầu trên vách tường làm đuốc.
Tôi tắt đèn pin để sau cần còn dùng, cầm ngọn nến Điền Mộ Thanh vừa đưa cho, một mình đi sâu vào bên trong Na miếu, phủi đám mạng nhện và bụi bặm giăng trước mặt, tôi dò xét khắp nơi.
Cứ nghĩ tới khuôn mặt cô bé phía sau cánh cửa thì nổi bất an lại tràn về, không biết do tôi nhìn nhầm hay gặp ma thật, cho dù là ma hay người thì cũng chỉ là một con nhóc tì, sợ gì cơ chứ.
Tôi tự trấn an mình rồi tiến tới chỗ bức bích họa sau hậu đường. Miếu đường quay mặt sang hướng nam, bích họa được vẽ ở hai bức tường phía đông và tây. Phía đông vẽ hình ngôi bảo điện nguy nga tráng lệ, bên cạnh có một con cá rất to. Tôi vừa nhìn thấy bức tranh đã nghĩ tới lần lão Nghĩa mù gặp nạn. Năm đó khi Đả thần tiên Dương Phương và Đồ Hắc Hổ cùng mắc kẹt trên nóc điện dưới lòng sông Hoàng Hà, cũng có nét tương đồng với họa tiết trong bức họa này. Với bản lĩnh của Thôi lão đạo và Dương Phương cũng không thể xác định được ngôi bảo điện bị chìm trong hố cát dưới sông Hoàng Hà thuộc thời đại nào, chỉ đoán khoảng thời Tùy hoặc Đường, không ngờ lại có liên quan tới thôn Thiên Cổ Dị Đế này, không lẽ ngôi làng này cũng bị chìm xuống hồ vào khoảng thời Tùy, Đường?
Tôi quan sát một lúc lâu không thu được kết quả gì, cũng không rõ là chúng có mối quan hệ như thế nào với nhau. Nhìn sang bức bích họa đối diện là mấy chục vị Na tướng quân đeo mặt nạ, họ đang khống chế một người và mổ bụng người đó, người bị mổ bụng nằm sóng soài dưới đất, tóc tai rũ rượi, phèo ruột lổn nhổn trên mặt đất, người đó vẫn chưa chết, đang cố gắng vùng vẫy thoát thân, quang cảnh máu me khủng khiếp, giống hệt như những gì Điếu bát miêu tả về lễ bắt ma hoàng.
Tôi nghĩ: “Với cỗ quan tài và số đồ tùy táng quý giá trong địa cung thì người đó chính là Na vương. Nếu là Na vương, tại sao lại bị Na tướng quân giết chết và hậu táng tại địa cung, rồi để cho âm hồn bất tán trở thành quái vật? Làng này đã từng xảy ra sự việc phản loạn? Việc này liên quan gì tới con cá khổng lồ dưới sông Hoàng Hà không? Cô gái Khiết Đan trong bộ Liêu chết vào thời Đường, Tống, tại sao trong mộ cô ta lại có bức tranh về ngôi làng Thiên Cổ Dị Đế này? Không lẽ đó chính là cơn ác mộng của cô gái kia khi còn sống? Tại sao trải qua nhiều năm như vậy, tôi lại có cùng giấc mơ với cô gái Khiết Đan? Thôn Thiên Cổ Dị Đế không lẽ đã bị vướng vào một lời nguyền đáng sợ nào đó?”
Tôi đứng thất thần trước bức bích họa, các ý nghĩ đan xen vào nhau, đột nhiên sống lưng ớn lạnh, ánh nến chập chờn, cảm giác ớn lạnh từng cơn lại trỗi dậy, tôi quay đầu lại nhìn, chính là cô bé đó đang đứng trong góc tường, cô bé thấy tôi tiến lại gần liền quỳ sụp xuống khóc thút thít, miệng lẩm bẩm như đang nói gì đó.
Tôi nghe đứt đoạn không được rõ, dường như cô bé đang nói: “Nhiều năm… không dễ dàng gì… hôm nay gặp nạn… xin cứu giúp… xin đừng động vào…”
Tôi thất kinh, hỏi lại: “Cháu nói gì? Đừng động vào đâu?”
Đúng lúc đó, Mặt dày vỗ mạnh vào vai tôi, mồm oang oang: “Cậu gặp ma à? Tự dưng đứng một mình nói chuyện với bức tường? Đang tán tỉnh với em ma nào thế?”
Tôi giật bắn người, thiếu nước nhảy dựng lên, Mặt dày đã chuẩn bị xong đuốc, tới để giục tôi lên đường. Tôi bị anh ta làm cho hết hồn, vừa hoàn hồn nhìn lại thì trong góc tường đã trống trơn không có gì nữa.
5
Vừa nãy chỉ trong khoảnh khắc, ánh nến lại mờ ảo nên không nhìn rõ được đứa bé gái, chỉ thấy mờ mờ hình bóng một người, chớp mắt đã không thấy đâu, góc tường không để lại chút dấu vết, trừ phi chỉ là cái bóng thì mới làm được như vậy.
Tôi chỉ thấy cô bé đó dường như là oan hồn trong ngôi miếu này, nhưng cô bé nói quá nhỏ, tôi nghe không được rõ cho lắm, tại sao tự nhiên lại quỳ xuống lạy tôi, lời cô bé nói có ý gì? Cô bé đang cần cầu cứu tôi giúp đỡ chăng? Cô bé đó đã chết như thế nào?
Mặt dày lại vỗ vào vai tôi: “Vẫn còn đứng đực mặt ra đó à? Cậu trúng tà thật hả?”
Tôi hỏi Mặt dày: “Ông đừng có giật đùng đùng lên sau lưng tôi thế, định dọa chết người à?”
Mặt dày ngạc nhiên ngắm nghía bức tường một lúc, hỏi tôi: “Cậu nhìn thấy gì thế?”
Tôi nói: “Chẳng có gì cả, mau rời khỏi đây thôi.”
Mặt dày còn chưa tin: “Điêu! Vừa nãy tôi thấy mắt cậu gian lắm, chắc chắn là chưa nói thật, chỗ này có món hời gì à?”
Tôi hạ thấp giọng: “Trong Na miếu này có ma, tin hay không tùy ông, không tin thì ông ở đây chờ mà xem, tôi đi trước đây.”
Mặt dày nói: “Sợ ma mà còn dám đi đào trộm mộ?”, anh ta không tin, đốt đuốc lên xoa tay phủi lớp bụi trên tường, phát hiện ra mấy viên gạch chỉ chạm nhẹ vào đã lung lay, hắn hiếu kỳ cạy viên gạch đó ra th