Người trẻ tuổi hơn cảm thấy bực bội không phải vì sự bất tiện của phòng đợi mà vì sự kém thân thiện giữa họ. Thái độ của anh đối với người chung quanh vừa mới trải qua một sự thay đổi từ chủ quan sang khách quan.
Có một cái gì rất thu hút nơi con người ngồi trước mặt anh. Mặc dầu thấp hơn chiều cao trung bình nhưng người lạ lại có cái vẻ thon gọn giúp cho ông ta như cao thêm vài phân nữa. Ông ta mặc một cái áo khoác ngoài dài màu đen, rất nhàu nát, giày thì bết đầy bùn. Da mặt ông ta không có vẻ nhợt nhạt nhưng là một màu vàng sậm ngả sang màu xám. Cái mũi nhọn và cái cằm hẹp, những vết nhăn sâu chạy dài từ hai gò má cao xuống cằm tạo cho ông ta một cái vẻ như cười mặc dầu cặp mắt sâu màu mật của ông ta không có vẻ gì là cười cả. Điều đáng chú ý nhất trên mặt ông ta là sự không cân đối của nó. Người lạ đội một cái mũ nồi có vành rất hẹp phía sau đầu mà nếu dùng chữ lệch thông thường thì không thể diễn tả đúng độ nghiêng của nó. Nó được đội chụp vào phía sau sọ như theo một thói quen thiêng liêng vậy, và cái mặt thỏn chường ra một cách dữ tợn dưới bộ dạng hờ hững.
Nhìn toàn diện ông ta có vẻ kỳ dị hơn là xa cách. Việc ông ta đội nón một cách kỳ cục cũng là một cách giải thích gián tiếp rồi, giống như một con vật đang trình diễn một trò hề vậy. Như thể ông ta là một con vật xa xưa nào đó mà ngay cả khỉ đột đội mũ nồi cũng chỉ là con vật tầm thường. Ông ta ngồi hai vai rút lại và hai bàn tay đút vào hai túi áo khoác. Cái tư thế không thoải mái đó của ông ta không hẳn là do chiếc ghế quá cứng mà do đó là một chiếc ghế thì đúng hơn.
Anh thanh niên nhận thấy ông ta không thích nói chuyện lắm. Anh gợi chuyện liên tục, uyển chuyển về mọi vấn đề nhưng vẫn không làm ông ta bộc lộ điều gì cả. Những câu trả lời dè dặt, vừa đủ cũng đã cho thấy một sự phản đối có hiệu quả hơn cả sự cau có. Chỉ trừ lúc phải trả lời anh, còn thì ông ta không nhìn anh, và khi ông ta nhìn thì mắt ông ta đầy một vẻ lý thú khó hiểu. Thỉnh thoảng ông ta có mỉm cười nhưng lại không do một nguyên nhân nào cả.
Nhìn lại giờ vừa qua anh nhận thấy mọi cố gắng gợi chuyện của mình đều vô hiệu, giống như một toán quân tấn công và bị đánh bật ra. Nhưng tánh cương quyết, óc tò mò và sự cần thiết để giết thì giờ đã không cho anh chấp nhận sự thất bại của mình.
Nếu ông ta không nói, anh nghĩ, thì mình sẽ nói, âm thanh tiếng nói của mình dầu sao cũng dể chịu hơn là sự im lặng. Mình sẽ kể ông ta nghe chuyện vừa mới xảy ra cho mình…Thật là một chuyện khác thường! Mình sẽ ráng kể thật hay và mình sẽ rất ngạc nhiên nếu câu chuyện không làm cho ông ta kinh ngạc đến nổi phải bộc lộ con người thật của ông ta ra. Ông ta là một người khó hiểu và ông ta đã làm cho mình tò mò quá đổi.
Và anh nói lớn, giọng thu hút, hoạt bát.
-Hình như ông có nói ông là một thợ săn?
Người đàn ông nhướng cặp mắt màu mật lanh lẹ lên. Cặp mắt chiếu những tia thú vị không hiểu nổi. Không trả lời, ông ta lại hạ mắt xuống nhìn ngắm những hột ánh sáng nhỏ nhắn hắt qua tấm vỉ sắt của lò sưởi rơi trên vạt áo khoác của ông ta.Rồi ông ta đáp bằng một giọng khàn khàn,
-Tôi đến đây để đi săn.
-Nếu vậy, anh nói, chắc ông có nghe nói đến đàn chó săn của Bá tước Fleer? Chuồng của chúng ở cách đây không xa.
-Tôi biết chúng. Ông ta đáp.
-Tôi vừa mới ở đó. Anh nói, -Bá tước Fleer là chú tôi.
Ông ta nhìn lên, mỉm cười và gật đầu, vẻ trỏng lơ của một người ngoại quốc không hiểu người ta nói gì với mình.
Anh cố nhẫn nại nói tiếp bằng giọng khá cương quyết hơn khi nãy.
-Ông có vui lòng nghe một câu chuyện mới và đáng chú ý về chú tôi không? Chuyện mới xảy ra hai ngày nay và ngắn lắm?
Như từ một trò vui dấu kín nào đó, cặp mắt lanh lẹ kia có vẻ mỉa mai sự cần thiết phải có một câu trả lời rõ rệt. Một lúc lâu sau ông ta đáp.
-Vâng, tôi sẳn lòng.
Giọng nói vô hồn có vẻ như là một sự giả vờ, một sự miễn cưỡng để lộ mối quan tâm nhưng đôi mắt của ông ta lại cho thấy mối quan tâm đó nằm ở một nơi nào khác.
-Tốt lắm. Anh thanh niên nói. Rồi kéo ghế đến gần lò sưởi hơn một chút, anh bắt đầu kể.
-Chắc ông cũng biết, chú tôi, Bá tước Fleer, sống một cuộc đời về hưu nhưng rất hoạt động. Nếu là ở thế kỷ 18, lúc người Anh đầu tiên biết đến sự cô độc thì trường hợp của chú sẽ được coi là kém xã giao. Nếu là ở thế kỷ 19 thì những người không biết rõ chú sẽ nghĩ rằng chú lãng mạn. Ngày nay thì thái độ của chú đối với sự ồn ào của cuộc sống tân tiến lại quá tiêu cực không gây được một lời bình phẩm nào, họ chỉ coi chú như là một con người kỳ lạ. Dầu vậy bây giờ nếu chú có dính líu vào một biến cố tai hại hoặc tai tiếng nào thì báo chí sẽ bêu rếu chú là “một nhà ẩn dật có chức tước”.
Sự thật là chú tôi đã khám phá ra cái triết lý tự mình là đủ. Là một người có những ý thích rất đơn giản, không có quá nhiều tưởng tượng, chú thấy không có lý do gì phải gạt bỏ những phong tục đã có tự lâu đời. Chú sống ở lâu đài của mình ( có thể nói là rộng rãi, thênh thang hơn là tiện nghi), điều hành những công việc về đất đai với số lợi tức nhỏ, cưỡi ngựa thật nhiều và đi săn mỗi khi có thể. Chú không bao giờ gặp gỡ các người láng giềng trừ phi là tình cờ, vì vậy khiến cho họ nghĩ chú chắc có hơi điên. Nếu chú ấy có điên thì ít nhất chú cũng có thể tự hào rằng mình đã tự tạo một nhà giam riêng cho mình rồi.
Chú tôi không có vợ. Là con một của người anh duy nhất của chú, tôi lớn lên với niềm tin mình sẽ là người thừa hưởng gia tài của chú. Tuy nhiên, khi chiến tranh xảy đến thì một việc không ngờ đã xảy ra.
Trong biến cố quốc gia đó, chú tôi dĩ nhiên là quá già không phục vụ trong quân đội được. Chú lại tỏ ra kém tinh thần công dân đến nổi mất thiện cảm của người địa phương rất nhiều. Thoạt đầu chú không nhận ra là có chiến tranh hoặc giả có nhận ra thì chú cũng không để lộ dấu hiệu nào cho thấy là chú có nhận ra cả. Chú tiếp tục sống một cuộc đời đầy sinh động nhưng