– Vậy thì chiều em mang đến cho !
Mang đến cái gì ? Mình lục ngay lại tin nhắn đã gửi, thấy bốn tin điện thoại mình gửi lúc sáng sớm. Nội dung nó như thế này :
– Vi dậy chưa ?
5’ sau nàng nhắn lại :
– Dậy chưa anh hỏi làm gì ?
Máy mình nhắn lại ngay lập tức :
– Dậy rồi à ? Thế Vi đã đánh răng chưa ?
Vi nhắn lại :
– Hoàng bị dở à ?
Máy mình lại nhắn :
– Anh thèm ăn chè nhưng mẹ không cho ăn chè thập cẩm vì mẹ bảo có đường hóa học. Anh thì ốm không đi được ý !
Vi trả lời :
– Hoàng thèm chè à ? Chè bưởi bà béo đúng không ?
– Ừ ừ, bây giờ anh có thể ăn được 3 cốc liền.
Cái tin cuối cùng thì mọi người biết rồi đấy. Chiều Vi sang nhà mình á ??? Mình lao ra bóp cổ thằng Học. Thằng mất dậy. Hỏng hết cả hình tượng của mình.
– Ơ cái thằng này mới ngủ dậy đã lên cơn động kinh à ?
– Mày nhắn gì cho Vi thế này ?
– Thằng Lực nhắn !
Thằng Lực giật bắn mình đứng dậy bất ngờ đến đổ cả ghế :
– Ê không phải đâu, tao đã bảo nó đừng làm thế nhưng nó cứ làm.
– Thằng chó, mày làm tao xấu hổ quá. Mất mặt quá.
– Mặt mày còn giá trị đéo gì nữa mà mất ?
– Ô đệch thằng khốn nạn.
– Thôi, bố giúp làm lành còn có chè ăn lại chửi bố.
– Tao không bao giờ xin ăn Vi như thế đâu nhá.
– Xa cách thế, ngại ngùng thế nên mới chia tay. Bố khỉ.
– Dmm tao đéo biết đâu.
Mở mắt ra đã cãi nhau, mình cứ lao vào thằng Học đấm nó thùm thụp. Ai lại đàn ông con trai sáng sớm nhắn tin cho người yêu xin xỏ. Chiều Vi sang, chiều Vi sang. Mình bật dậy lao ra bật nóng lạnh. Phải tắm thật sạch sẽ và thơm tho. Mấy ngày ốm không đi cắt tóc được. Tóc mình dài quá gáy nhiều quá. Vi ghét nhất là tóc dài. Thằng Học bảo nếu thế thì buộc tóc đuôi gà lên ‘=.=. Thằng dở.
Thằng Lực xuống bếp đem cháo lên cho mình ăn. Chắc mẹ đi làm cả ngày, sớm dậy nấu cho mình nồi cháo. Trưa hôm ấy mình vừa ăn vừa phụng phịu. Bữa nay mẹ nấu cháo đặc quá chẳng hút được bằng vòi hút sữa vinamilk, phải ngồi súc từng thìa một từ bát lên mồm. Thằng Học cứ ngồi te tởn nhìn mình. Nó sướng vì sắp được ăn chè! :-|
Mình cứ ngồi ngâm nga bát cháo mãi. Tắm thơm tho rồi, không biết chiều mặc gì tiếp Vi. Có nên xịt nước hoa không? Có lọ nước hoa ông anh cho vẫn chưa sử dụng lần nào. Nhất là bộ tóc thổ dân dài đến vai của mình. Chẳng lẽ lại đi cắt? Đi ra hàng cắt bây giờ thì lâu lắm. Nhỡ em đến lúc không có mình ở nhà, em lại mắng mình đang ốm liệt giường lại còn xí xớn đi chơi. Thằng Học giơ tay tình nguyện dọn tỉa đống rơm trên đầu mình một cách hào hứng:
– Yên tâm, ui giời ở nhà tao cắt cho chúng nó suốt. Không tin mày hỏi thằng Lực xem!
Mình quay sang thằng Lực chờ đợi. Thằng nhỏ gật gật đầu. Thế là mình đã có một quyết định rất ngu si. Đấy là ngồi yên cho thằng Học cắt tóc. Hic. Ba thằng hì hụi bê ghế ra ban công ngồi tỉa tót cho nhau. Mình tìm mảnh vải mưa xanh lè quàng lên người rồi ngồi im trên ghế, kệ cho thằng Học chạy loanh quanh mần cho mình quả đầu. Chán chẳng có chuyện gì kể, mà nghe chuyện của thằng Học thì cười nghiêng ngả không cắt được, mình bèn hỏi thằng Lực:
– Mày kể chuyện của mày đi Lực.
– Hả tao có chuyện gì đâu mà kể.
– Mày cứ kể đi rồi bọn tao nghe
– Nhưng mày thích kể chuyện gì mới được?
– Mày kể về tuổi thơ của mày đi. Rồi tao sẽ kể về tuổi thơ tao cho mày nghe.
Lực ngẫm một lúc cũng xuôi, nó ôm quyển sách đang đọc, ngồi thu lu ở góc ban công. Và nó kể. Những câu chuyện từ thời bé dại, lấp lánh nước mắt trong nắng.
– Mẹ đặt tên tao là Lực, vì tao sinh non hai tháng, người gầy nhom, bé bằng cái bóng đèn, mẹ cầm tao trên tay mà xót từng khúc ruột. Mẹ muốn tao chóng lớn, có sức khỏe, lực lưỡng, đủ sức gánh đỡ gia đình cho mẹ. Nhưng mày thấy đấy, nhìn tao khác gì thằng nghiện chờ chết đâu. Tao còm từ bé đến lớn, mặc sức mẹ chăm bẵm từng ngày. Lớn lên một chút, người làng gọi tao là Cút! Ừ, cút trong “côi cút” hay là trong từ “cút đi” tao cũng không biết. Có lẽ cả hai. Tao côi cút, bởi tao không có bố. Cũng chỉ vì con mồ côi, nhà nghèo, quần áo chả có mà mặc, lúc nào cũng bẩn thỉu nhếch nhác, nên đi đâu người ta cũng xua: “thằng kia, cút đi, đi về cái máng lợn nhà mày”. Tao biết tủi từ bé. Tao biết phận mình chẳng được như con nhà người ta, mỗi khi mẹ rửa mặt sạch sẽ bảo tao đi chơi, tao hào hứng bao nhiêu thì khi quay trở về tao chán nản bấy nhiêu. Mẹ hỏi sao, tao bảo “người ta gọi nhà mình là máng lợn”. Thế rồi hai mẹ con lại ôm nhau rủ rỉ những câu chuyện cổ tích mẹ đọc trong những cuốn sách giáo khoa. Mẹ bảo tao rằng, “tuy người ta coi nhà mình là máng lợn, nhưng đối với mẹ con mình, đó là cái máng lợn kim cương. Mẹ sinh con ở cái máng lợn này, chăm con, yêu thương con cũng ở cái máng lợn này. Sau này con lớn, con trưởng thành, thành đạt, con bay đi đâu, chỉ mong con đừng quên mẹ đã sinh con ra ở máng lợn.”
Mình cảm nhận những đường kéo của thằng Học cũng chậm lại bởi câu chuyện của Lực. Mình ngồi im, không dám hỏi thêm gì. Tự nhiên thấy hối hận vì đã bắt bạn mình kể về mảng quá khứ buồn của nó. Thế nhưng thằng Lực không thấy có gì xấu hổ, nó vẫn kể:
– Mẹ chẳng có tiền cho tao đi học mẫu giáo, sớm sớm mẹ ra đồng làm việc, mẹ nắm cho tao nắm cơm, rắc muối vừng ở giữa, cuộn tròn lại. Tao quanh quẩn trông nhà, đói thì thò tay vào cửa bếp lấy cơm nắm ăn. Lâu dần thấy bạn bè được đi học. Tao cũng thèm. Thế là tao cứ ra sân kho, ngồi nép ở ô cửa sổ đằng sau học ké. Vậy mà những chữ cái đầu tiên tao học được đều ra do những buổi chiều đứng mỏi chân ở đầu lớp nghe trộm cô dạy cho các bạn.
– Sao mày không lao vào lớp mà học? Đi học người ta thu tiền ăn thôi chứ học ké cái chữ thì ai nó cấm?
– Không được đâu. Tao không muốn bị chúng nó bảo “thằng Cút đã không có tiền còn đòi đi học”. Sớm sớm mẹ đi đồng, tao lại chạy ra sân kho hóng, đứng nghe cô giáo đọc truyện, nghe các bạn gái hát, đứng tưởng tượng mình được ngồi trong lớp mỗi khi cô giáo cho chơi trò chơi. Ba năm mẫu giáo, tao đứng nhiều đến mức gót chân tao bầm tím và đau ê ẩm mỗi khi đêm về.
– …
– Thế mà chúng mày biết không? Chưa đi học cấp 1 mà tao đã biết đọc đấy. Suốt mùa hè trước khi vào lớp một, tao chạy theo anh Đại đi chăn trâu, nài nỉ anh dạy ghép chữ và đánh vần, van xin anh dạy cách làm tính. Mỗi ngày như vậy, tao chia cho anh ấy nửa nắm cơm chấm muối vừng.
– Ô dm lão Đại khốn nạn, mẹ cho một rổ cơm đi chăn trâu mà vẫn ăn của mày là sao? – Thằng Học nhảy lên, chọc cả kéo vào tai mình.
– Thôi tao tự nguyện mà, tao không muốn nhờ người ta không công.
– Mày bị dở. Tao với mày anh em thân thiết công với nông gì?
– Hì, kệ đi.
– Mày