Không cần phải thông minh lắm mới học giỏi môn sinh. Chỉ cần siêng năng, chăm chỉ. Mà gì chứ khoản siêng năng, chăm chỉ thì không ai trong tổ 1 bằng được Hiền Hòa. Xưa nay nó luôn trả bài làu làu và được điểm cao ở các môn sinh, địa và sử.
Vậy mà sáng nay, thầy Chiến gọi nó lên trả bài, lại hỏi một câu dễ ơi là dễ:
– Khi ta đưa tay sờ vào ngọn lửa thì tay ta giật lại, dùng đèn pin chiếu vào mắt thì mắt nhắm, nghe tiếng còi xe ở đằng sau thì quay đầu lại, những phản ứng trên gọi là gì hở em ?
Nó lại đứng trơ ra như cột nhà.
Thầy Chiến có vẻ ngạc nhiên lắm. Từ đầu năm đến nay, thầy mới kêu nhỏ Hiền Hòa lên trả bài chừng một, hai lần nhưng thầy biết nó rất chăm môn sinh của thầy.
Nhưng hôm nay nó làm thầy bất ngờ quá đỗi. Câu hỏi của thầy dễ đến mức mấy đứa lười học ngồi dưới phải buột miệng xuýt xoa, thế mà nó lại không trả lời được.
Thầy nhìn Hiền Hòa, khẽ nhắc:
– Thế phản ứng của cơ thể trước sự kích thích của môi trường gọi là gì ?
Theo bài học thì phản xạ là một phản ứng của cơ thể trả lời kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh. Bất cứ đứa học trò nào chỉ cần nghe tới cụm từ “phải ứng của cơ thể” là đã có thể nhớ ngay ra hai chữ “phản xạ”. Thầy Chiến nhắc như vậy rõ là có ý nâng đỡ đứa học trò cưng. Sự nâng đỡ của thầy lộ liễu đến mức các dãy bàn bên dưới lập tức vang lên những tiếng xì xào tỏ ý bất bình.
Nhưng lạ làm sao, dù được thầy Chiến gợi ý quá xá cụ thể như vậy, Hiền Hòa dường như vẫn không nhớ thêm được điều gì.
Mãi một lúc nó mới ấp a ấp úng đáp cầu may:
– Dạ thưa thầy, những phản ứng trên gọi là phản ứng tự vệ để… giữ gìn tính mạng ạ…
Hiền Hòa chưa nói hết câu, cả lớp đã cười ầm.
Còn thầy Chiến thì trán nhăn tít. Thầy nhìn Hiền Hòa bằng ánh mắt ngỡ ngàng:
– Hôm qua em không học bài hả ?
– Dạ.
Hiền Hòa lí nhí đáp, tụi bạn nhìn thấy mặt nó đỏ lên.
– Lần sau, em nhớ ôn tập kỹ lưỡng nghe chưa ? – Khi trả tập lại cho nó, thầy Chiến hắng giọng dặn – Thầy sẽ còn kêu em nữa đấy!
Thằng Tần nhìn Hiền Hòa lủi thủi đi về chỗ ngồi, bụng hoang mang vô kể.
Nó nhích người cho Hiền Hòa bước vô, tặc lưỡi hỏi:
– Hôm qua bạn làm gì mà không học bài ?
Trả bài không được, Hiền Hòa đang xấu hổ không biết để đâu cho hết, nghe thằng Tần hỏi giọng trách cứ, nó đâm quạu:
– Hiền Hòa làm gì kệ Hiền Hòa, Tần hỏi làm chi ?
Hiền Hòa quạu làm thằng Tần quạu theo.
– Sao lại hỏi làm gì! – Tần gầm gừ – Bạn học hành như thế, điểm học tập tháng nay của tổ mình sẽ tụt xuống hạng bét cho mà xem!
Thấy tổ trưởng đem quyền lợi của tập thể ra đe, Hiền Hòa “tắt đài” ngay tút xuỵt. Nó không biết đáp làm sao, chỉ ngồi cắm mặt xuống bàn, nước mắt ứa ra tức tưởi.
Bị Hiền Hòa “phang” một câu như búa bổ, Tần vẫn chưa nguôi giận. Nó quay sang Hiền Hòa, tính nói nặng một câu nữa, chợt thấy mắt Hiền Hòa ngân ngấn nước, nó liền giật mình im thít.
Khi trống ra chơi vang lên, Tần định làm hòa bằng cách rủ Hiền Hòa ra căng-tin ăn chè nhưng liếc mắt trông sang thấy Hiền Hòa mặt lạnh như tiền, nó bất giác cảm thấy ơn ớn.
Nó nháy mắt với Dưỡng và hai đứa rón rén bước ra khỏi bàn, vội vàng chuồn thẳng.
Ðặt chân vào căng-tin, Tần ngồi phịch xuống ghế, thở một hôi dài:
– Chán quá!
– Chuyện Hiền Hòa ấy hở ?
– Thì nó chứ ai! – Tần hừ giọng – Nó trả bài không được, làm ảnh hưởng đến cả tổ, thế mà tao hỏi nó, nó lại sửng cồ lên với tao!
Dưỡng vò đầu:
– Ừ, dạo này con nhỏ đó lạ ghê!
Tần bực bội vung tay:
– Tụi con gái là vậy! Tính tình nó mưa nắng thất thường lắm!
Dưỡng cắn môi:
– Tao nghi nó đang gặp phải chuyện gì.
– Chắc ở nhà làm quấy bị ba mẹ cho ăn đòn quắn đít chứ gì!
Dưỡng cười hì hì:
– Nó chứ đâu phải mày.
Tần cầm lên ly chè người phục vụ vừa mang ra:
– Tao nói thật đó. Nếu nó cứ như thế này tao chả buồn nói đến nó nữa.
Dưỡng huơ chiếc muỗng:
– Thì mày từng khuyên tao đừng để mắt đến tụi con gái kia mà.
– Ừ, tao có nói như vậy thật! – Tần thở dài – Nhưng đây là chuyện học tập, tao không thể không để mắt.
– Nhưng từ giờ trở đi mày nhất quyết không “để mắt” nữa ?
– Ừ. Tao chả thèm biết đến nữa. Ðứa nào muốn làm gì thì làm. Tao chán giữ cái chức tổ trưởng này lắm rồi.
Thái độ quyết liệc của Tần làm Dưỡng chột dạ:
– Làm gì mày thối chí như vậy. Có gì thì “ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh” rồi từ từ…
– Mày đừng có bắt chước thằng Tiểu Long! – Tần nhún vai cắt ngang – Tao không có “uống nước ăn bánh” gì hết. Nếu nhỏ Hiền Hòa tiếp tụ chả coi tao ra ký lô nào thì tao cứ bỏ mặc.
Dưỡng nghe tổ trưởng Tần ham he thì lo lắm. Nhưng nó cũng chẳng biết khuyên can như thế nào. Nó nghĩ nếu nó ở bào địa vị của Tần, ắt nó cũng điên tiết lên như thế thôi.
Dưỡng vẩn vơ nghĩ, tay lơ đãng múc chè cho vào miệng, thấy miệng sao mà nhạt thếch.
Từ bữa đó, vô lớp Dưỡng đã thôi hát hò. Dưỡng thôi “tra tấn”, tụi Tú Anh, Vành Khuyên cũng tho6i bỏ chạy như vịt. Nhờ Hiền Hòa, lớp 94A “trời yên gió lặng” được một thời gian dài.
Suốt một tuần, “ca sĩ” Dưỡng không hát, chỉ lẩn quẩn quanh Hiền Hòa, dò hỏi:
– Hiền Hòa có chuyện buồn phải không ?
– Hiền Hòa đang ốm hở ?
– Hiền Hòa bị ba mẹ ra6`y hở ?
Dưỡng hỏi chục câu, Hiền Hòa trả lời bằng chục cái lắc đầu. Nó lắc đầu và nó tiếp tục lãnh điểm 2 ở môn vật lý và môn lịch sử.
Thầy Hữu dạy vật lý thở dài, không nói gì, chỉ cặm cụi ghi con 2 vào sổ. Riêng cô Nga dạy sử thì nhăn mặt trách:
– Sao em không học bài hở Hiền Hòa ?
Cùng với thày Ðoàn dạy thể dục, cô Nga là giáo viên năm ngoái còn lại. Vì vậy cô biết rõ Hiền Hòa. Trước nay, mỗi lần cô kêu lên bảng, Hiền Hòa đều trả bài không vấp lấy một chữ. Nhưng bữa nay nó làm cô thất vọng quá.
Nghe cô Nga hỏi, nhỏ Hiền Hòa cúi gằm đầu. Nó không trả lời thẳng, mà lắp bắp:
– Em xin lỗi cô ạ.
Cô Nga gấp cuốn sổ điểm lại và ngước nhìn cả lớp, nghiêm giọng:
– Cô nhắc lại lần nữa, năm nay là năm cuối cấp, các em phải cố gắng ngay từ đầu, nhớ chưa ?
Cả lớp đồng thanh:
– Dạ nhớ.
Cô trả cuốn tập lại cho Hiền Hòa:
– Em về chỗ đi! Lần sau phải học bài đàng hoàng nghe không ?
Nhỏ Hiền Hòa “dạ” một