Lý Sách đã mấy lần đến mời nàng cùng dự tiệc nhưng Sở Kiều không thích ồn ào nên đều nhẹ giọng từ chối, chỉ dặn dò cung nữ hạ nhân trong Mật Hà cư quét dọn, chuẩn bị ít thức ăn và vật dụng chờ đón giao thừa.
Ngày 28 tháng chạp, từng cỗ xe ngựa bọc vải gấm xanh lũ lượt tiến vào cửa chính cung Kim Ngô, sau khi trình giấy thông báo thì một đường chạy thẳng đến trước cổng Mật Hà cư. Đoàn xe ngựa dừng lại, từng rương đồ được khiêng xuống oanh động cả hậu cung, tất cả cung nữ hạ nhân đều không khỏi tranh nhau chạy đến Mật Hà cư tìm hiểu xem đến cùng là chuyện gì, thậm chí còn có vài vị phu nhân thiếu kiên nhẫn cũng cất công chạy đến.
Hai mươi cỗ xe, gần hai trăm rương hòm lớn nhỏ, sau khi nắp rương được mở ra, ánh mắt mọi người đều trở nên sáng lấp lánh. Ngọc bích, hóa thạch, hồng ngọc, mắt mèo, bạch ngọc, đông châu, tơ lụa, vật dụng bằng da, đồ cổ, tranh chữ vân vân và vân vân, phàm là đồ quý giá con người có thể tưởng tượng ra như đều được bày ở trước mắt. Không chỉ thế, còn có cả mấy thứ nữ nhân thích như trâm cài, chuỗi ngọc, y phục, giày thêu, trang sức đeo tay, cái gì cần có đều có. Vật trang hoàng thì có hoa san hô cao gần ba trượng, lan thảo quý hiếm, bình phong được khảm bằng dạ minh châu có thể tự phát sáng trong đêm, còn có mấy đồ vật kỳ lạ từ hải ngoại như quẹt diêm, ống nhòm, mặt gương, đồng hồ, y phục của phụ nữ người phiên, đặc sản đất Hồ, dược liệu quý ngang vàng, vân vân.
Khiến người ta không biết nên khóc hay cười hơn hết là mấy loại thổ sản xù xì, thoạt nhìn tương tự khoai loang. Sở Kiều cầm lên xem xét một lúc mới vỡ lẽ, thì ra là giống dưa đất mà Gia Cát Nguyệt từng miêu tả trong thư gửi cho mình, thử đưa lên mũi thì ngửi thấy mùi thơm dìu dịu. Trong lòng nàng chợt như có dòng nước mật chảy qua, cảm thấy tất cả châu ngọc cộng lại cũng không bằng mấy quả dưa đất xấu xí này.
Có lẽ dân bản xứ biết Thanh Hải vương cần vật này liền vô cùng dụng tâm, chẳng những vừa to vừa mọng, mà trên mỗi trái dưa còn được quấn chỉ đỏ tỉ mỉ, thoạt nhìn quả thực hơi tức cười.
Thư gửi cho nàng được đặt trong hòm đựng dưa, Sở Kiều cầm thư lên mở ra, nhìn thấy nét chữ thanh mảnh viết kín cả trang giấy.
Chàng luôn như vậy, cho dù viết thư cũng bằng giọng không được tự nhiên, viết từ thời tiết, sang chính trị rồi đến kinh tế địa phương, đọc cứ như thư trao tay giữa hai vị nguyên thủ quốc gia vậy. Chỉ có ở cuối thư sẽ luôn có một câu nhắc nhở: Chú ý cửa nẻo, đi ngủ phải cẩn thận đóng chặt cửa sổ, canh phòng tiểu nhân.
Có một lần Lý Sách đọc được thư liền tức suýt chết, to tiếng mắng Gia Cát Nguyệt lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử, dám nói xấu sau lưng người khác. Nhưng nhìn Lý Sách vẫn len lén đọc tiếp thì Sở Kiều lại cảm thấy hai người này quả thực đúng như trẻ con vậy, khẩu thị tâm phi.
Thư lần này cũng viết rất dài, sau mở đầu ngắn ngủi là lại bắt đầu văn chương lai láng, có thể tưởng tượng người nọ là im lặng suy nghĩ một lúc lâu mới chấp bút viết một hơi. Đến gần cuối, dường như đầu bút đã khô phải chấm mực viết tiếp nên nét mực của câu cuối rất đậm, “Bận việc nên không thể cùng đón năm mới, ngày hoa nở sang năm nhất định sẽ thực hiện lời hứa, chờ ta.”
Xung quanh là tiếng cảm thán ồn ào nhưng Sở Kiều lại cảm thấy bốn phía thật yên bình, gió thổi không tiếng động, tiếng chim hót ríu rít cùng tiếng lá cây xào xạc. Ngày đông hàn se lạnh nhưng trong lòng lại ấm áp như xuân về.
Tối hôm đó, Sở Kiều, Mai Hương, Thanh Thanh, Đa Cát, Bình An, cộng thêm Thu Tuệ và nhóm cung nữ trong Mật Hà cư cùng đón giao thừa. Sở Kiều tự mình xuống bếp, kỹ thuật nấu nướng bình thường nhưng nàng lại dùng phương thức chế biến theo kiểu ở hiện đại khiến tất cả sửng sốt kinh ngạc. Lúc mới bắt đầu mọi người còn hơi e dè, dần dần cũng thoải mái hơn. Ở Mật Hà cư ít nam nhân, Đa Cát tuấn tú hiền hòa, Bình An lanh lợi liến thoắng, chọc đám tiểu nha hoàn không ngừng cười rộ lên.
Đến nửa đêm, bên ngoài vang lên tiếng pháo *đì đùng*. Sở Kiều và đám cung nhân chạy ra ngoài, đứng dưới gốc hoa quế ngước đầu nhìn loạt pháo hoa rực rỡ đầy trời, ánh sáng ngũ sắc rọi xuống mặt họ, thần thái ai cũng hết sức vui vẻ phấn khởi.
Mấy người Bình An và Thanh Thanh dẫn bọn tiểu nha hoàn cùng đốt pháo trúc. Tiếng *lạch tạch* vui tai ầm ĩ trong Mật Hà cư, đứng giữa đám người, Sở Kiều đưa tay bịt hai tai, mặt hồng hồng vì lạnh, cả người chìm trong chiếc áo choàng lông xù, nhìn nhỏ nhắn như một đứa trẻ còn chưa lớn.
Đến thế giới này đã bao nhiêu năm rồi, tuy người trong lòng không ở bên cạnh, nhưng đây là đêm giao thừa vui vẻ nhất của nàng, rất yên bình và nhẹ nhàng.
Ngoài sân vẫn ồn ào tiếng cười đùa, Sở Kiều ngồi xuống thư án, cầm bút vẽ hai nhân vật hoạt hình chibi, người thật nhỏ mà đầu thật to, một thanh tú linh hoạt, một nghiêm túc cứng nhắc, cả hai đang đứng sánh vai trên một sườn núi cao cao, ngơ ngẩn nhìn ra xa xa, vẻ mặt ngốc ngốc hết sức đáng yêu. Trước mặt bọn họ là một thảo nguyên rộng lớn, dê bò tụ thành đàn, xa hơn một chút là biển xanh lấp lánh.
Cuối cùng nàng còn cẩn thận viết thêm hai chữ ở bên dưới: Sẽ chờ chàng.
Không dặn dò cũng không hỏi thăm thêm nữa. Sở Kiều cảm thấy mình nên tỏ ra ích kỷ một lần, cũng nên thành thực với bản thân một lần, hơn hết nữa là nên thử tin tưởng vào tương lai.
Đặt bút xuống, Sở Kiều bỏ thư vào phong bì niêm lại rồi đi ra ngoài tìm bọn Mai Hương. Ai ngờ vừa bước ra ngoài thì một cơn mưa cánh hoa đã rơi lả tả xuống trên người, trên đầu nàng. Mọi người đồng loạt cười to, tiếng cười như xuyên qua ánh pháo hoa đầy trời lan ra khắp cung Kim Ngô.
Mùa đông ở Biện Đường luôn rất ngắn, nháy mắt đã là tháng ba.
Mấy ngày trước có tin tức từ Hoài Tống, Tấn Giang vương lấy cớ thân thể Tống hoàng khác thường, dẫn đám quan viên ủng hộ mình yêu cầu thái y viện công bố tình hình thân thể của hoàng đế, bị Nạp Lan Hồng Diệp trực tiếp cự tuyệt liền dẫn đến một trận náo loạn.
Lý Sách khi biết tin thì thoáng nhíu mày, nói: “Nếu thực sự không có chuyện gì thì sao không thể để thái y công bố để lấp miệng đám người đó?”
Sở Kiều cũng không đáp lời, nếu cả nàng cũng mơ hồ đoán được gì đó thì e hiện tại đang có vô số ánh mắt chăm chăm hướng đến Hoài Tống. Không biết cô gái một mình chống đỡ Nạp Lan thị nhiều năm kia sẽ ứng phó thế nào với đủ loại ám tiễn đang chĩa về phía mình đây.
Nàng bất giác nhớ lại hàng chữ thanh mảnh nhưng ngả nghiêng vô tình nhìn được trên bức thư ở Bắc Yến rất nhiều năm trước: ‘Sơn hữu mộc hề, mộc hữu chi, tâm duyệt quân hề, quân bất tri.’
Ngay cả bề ngoài nhìn kiên định bền bỉ như sắt cuối cùng cũng có lúc buồn bã khổ sở, ai mới có thể vĩnh viễn cứng rắn như ban đầu chứ?
Ngày 9 tháng 3, con trai thứ hai của Lý Sách là Lý Kiều An mới ba tuổi qua đời vì bệnh thương hàn. Lúc biết chuyện, Lý Sách đang trên đường đi thị sát tiến độ xây đê điều, được tin liền vội vã trở về nhưng cũng chỉ kịp nhìn thấy thi thể của cậu bé.
Lý Sách hiện tại có hai trai một gái, con trai lớn nhất sáu tuổi, con gái bố