Từ ngày có Hà Lan đến học chung, tôi như trở thành một con người khác. Tôi ăn mặc tươm tất hơn, tắm rửa một ngày nhiều lần hơn, tóc tai gọn ghẽ hơn và chuẩn bị bài vở chu đáo hơn. Trước những câu hỏi của Hà Lan, tôi không muốn bị lúng túng một chút nào. Trước mắt Hà Lan, tôi muốn tỏ ra là một học sinh xuất sắc và nhờ trời, và nhờ Hà Lan, tôi đã làm được điều đó.
Ngay ngày đầu tiên, Hà Lan đã nhìn thấy cây đàn tôi treo trên vách. Lúc giải lao, nó hỏi:
- Ngạn biết chơi đàn hả?
Tôi gật đầu.
Hà Lan đề nghị:
- Ngạn đàn cho Hà Lan nghe đi!
Tôi lấy đan` xuống, gảy từng tứng tưng.
Hà Lan nhăn mặt:
- Hát nữa!
Tôi cười. Và hát. Bài “Mộng dưới hoa”.
Khi hát đến câu tủ:
Mắt em là bóng dừa hoang dại
Âu yếu nhìn tôi không nói năng
Tôi liếc Hà Lan xem nó có âu yếm nhìn tôi không nhưng tôi chẳng thấy gì. Mắt nó tỉnh khô. Tôi chán quá, không thèm hát nữa. Hà Lan ngó tôi:
- Sao vậy?
- Sao cái gì?
- Sao Ngạn không hát nữa?
Tôi nói dối:
- Tự nhiên tôi quên mất lời ca.
- Thì Ngạn hát bản khác.
Tôi thở dài:
- Hát bản gì bây giờ?
- Bản nào mà Ngạn thích ấy!
Câu nói của Hà Lan tiếp sức mạnh cho tôi. Trong thoáng mắt, tôi trở nên can đảm. Và tôi liều mạng hát bài “Có một ngày đã đến”, bản nhạc đầu tiên tôi viết cho Hà Lan.
Tôi hát:
Có những lúc
Tôi ngỡ ngàng tự hỏi
Tại vì sao
Tôi lại yêu em
…………….
…………….
Từ ngày vẽ lên nốt nhạc đầu tiên trong đời mình, tôi đã ước mơ đến ngày hôm nay. Những gì tôi không thể nói, âm nhạc sẽ nói giùm tôi. Tôi hát say sưa, đầy tình cảm:
Ngậm trên môi
Một nhành cỏ dại
Chợt hiểu rằng
Tôi đã khác tôi xưa
………………….
Khi tôi buông đàn xuống, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo. Nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi. Lòng tôi nhẹ nhõm và hân hoan.
Còn Hà Lan thì ngồi lặng, không nói gì. Lát sau, nó cất giọng hỏi:
- Bản nhạc tên gì vậy?
- “Có một ngày đã đến”.
- Của ai vậy?
Tôi không dám nói nhạc của tôi. Tôi ấp úng:
- Tôi không nhớ. Hình như của… Cung Tiến.
Ông Cung Tiến ở tận đẩu tận đâu, tôi không ngán. Tôi cứ lấy tên ông ra nói đại. Hà Lan tin ngay. Nó nói:
- Bản nhạc hay quá, Ngạn chép cho Hà Lan đi!
Tôi xé giấy trong tập, chép cho nó, lòng buồn vui lẫn lộn. Vui vì bản nhạc được khen, buồn vì không dám nhận mình là tác giả.
Những bản sau này cũng vậy, tôi đều đổ hết cho người khác. Rốt cuộc, hết Cung Tiến đến Phạm Đình Chương, hết Phạm Duy đến Từ Cung Phụng, mọi người đều xúm nhau tỏ tình với Hà Lan. Còn tôi thì câm miệng hến, chỉ toàn chép giùm tâm sự của người ta, lòng buồn thỉu buồn thiu.
Trong một đêm sầu muộn, tôi chong đèn ngồi viết bản “Thà như ngày thơ ấu”:
Những điều lòng muốn nói
Sao chẳng nói được gì
Những điều không muốn nói
Lại nói mãi em nghe
Nhớ ngày xưa tuổi nhỏ
Ta suốt ngày bên nhau
Kể bao điều thầm kín
Lòng có ngại gì đâu
Bây giờ sao quá khó
Lòng anh và tình em
Chút hương thầm trong gió
Biết ngày nào bay lên
Nếu biết tình như thế
Chẳng lớn lên làm gì
Thà như ngày thơ ấu
Hai đứa cầm tay đi
Dưới ánh trăng, tôi ôm đàn ngồi hát, lòng tự hỏi giờ này Hà Lan đã đi ngủ hay chưa và nó có nghe thấy tiếng thì thầm của trái tim tôi đang vọng tới không. Nếu Hà Lan chẳng nghe thấy gì, nếu nó dửng dưng thì nỗi mong mỏi của tôi càng tỏ ra đúng đắn. Thà như ngày thơ ấu. Thà như khi xưa ta bé ta chơi… béng beng…
***
Tôi chán tình yêu đơn phương. Tôi chán cảnh ngồi câm nín. Tôi ghét cay ghét đắng việc ngồi gò mình chép nhạc “Cung Tiến” cho Hà Lan. Tôi giở tập “Thơ thơ”, thấy Xuân Diệu xúi:
Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ
Phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần
Tôi đắc ý lắm. Tôi muốn làm theo lời mách nước của ông xiết bao nhưng tôi không dám. Dù tôi chỉ cần nói yêu một lần thôi. Một lần là mãi mãi.
Điều đáng ngán nhất trong tình yêu là khi mình yêu ai, mình không biết họ có biết điều đó hay không. Điều đáng chán thứ nhì là khi mình biết họ biết điều đó rồi thì mình lại không biết họ có yêu lại mình hay không. Cả hai điều nhất nhì đó, tôi đều gom đủ. Vì vậy, tôi càng chán tợn. Tôi chẳng biết làm sao thoát ra khỏi nỗi buồn. Tôi đành phải tìm đến âm nhạc để giải khuây.
Tôi viết bài “Nói yêu nhau nào có dễ”, thở vắn than dài:
Mỗi lần định nói yêu em
Trái tim có đập bình thường nữa đâu
Mới vừa ấp úng vài câu
Tự nhiên co duỗi mười đầu ngón tay…
Và tôi không ngớt than thân trách phận:
Đôi khi nghĩ cũng giận lòng
Nói thẳng thì ngán, nói vòng thì lâu…
Rốt cuộc, tôi ngại nói thẳng, cũng chẳng dám nói vòng. Hà Lan vẫn cứ sống nhơn nhơn… ngoài vòng pháp luật. Tôi giận lòng ghê gớm. Giận đết Tết.
Quả thật, Tết năm đó tôi hết giận… tôi. Tết năm đó, lần đầu tiên tôi đi chơi với Hà Lan. Cùng với bạn bè cùng trang lứa, hai đứa tôi đạp xe vào rừng Sim. Lúc này, tôi đã có một chiếc xe đạp, đó là phần thưởng ba tôi tặng tôi do kết quả học tập cuối năm lớp tám.
Hai đứa tôi đạp xe đi song song bên nhau trên con đường làng vương vãi xác pháo. Hà Lan mặc áo dài xanh, xõa tóc ngang lưng, đẹp như tiên. Thỉnh thoảng tôi cố tình đi tụt lại phía sau để ngắm nó. Hà Lan chẳng biết ý đồ của tôi, nó cứ ngoái đầu lại giục:
- Lẹ lên chứ! Ngạn là con trai sao đạp chậm rì vậy?
Tôi chỉ biết nhe răng cười.
Bao giờ đi chơi Tết, con gái làng tôi cũng đều mặc áo dài. Điều đó gần như một tục lệ. Những chiếc áo dài đủ màu sắc nằm ngủ suốt năm dưới đáy rương hay trong góc tủ bỗng bừng tỉnh dậy một sớm mùa xuân và thi nhau phô sắc trên khắp nẻo đường làng và trên đồng xa nội cỏ. Nhờ những tà áo sặc sỡ thướt tha bay lượn như những cánh bướm, làng trở nên tưng bừng và tràn đầy không khí lễ hội. Tôi đạp xe bên cạnh Hà Lan, đường dài bốn cây số mà lòng sao nhẹ nhõm. Tôi tưởng như mình đang trôi lững lờ giữa làng quê yêu dấu. Tôi như cảm nhận được cùng một lúc tiếng vọng của đất đai, lời thì thầm của kỷ niệm và nỗi xôn xao của tình yêu thời mới lớn. Và trái tim tôi run lên trong một cảm xúc hân hoan không thể giãi bày.
Thấy tôi cười luôn miệng, Hà Lan hỏi:
- Làm gì Ngạn cười hoài vậy?
- Vui.
- Hà Lan cũng vui mà Hà Lan đâu có cười.
Nó bắt bẻ kiểu đó, tôi bí rị. Cắm cúi đạp xe một hồi, không nghĩ ra câu trả lời, tôi liếc sang nó, thấy nó đang cười. Nó xạo ghê!
***
Rừng Sim mùa xuân phủ đầy lộc non. Ngó chung quanh, toàn một màu tơ biếc.
Tôi và Hà Lan vứt xe ngoài bìa rừng, bên cạnh những chiếc khác, rồi thong thả len qua những bụi sim lá nõn, lốm đốm hoa tím. Tôi tháo cây đàn quàng trên vai xuống, cầm trên tay, chân dọ dẫm trên lối mòn đầy sỏi. Tôi đi trước mở đường, Hà Lan thơ thẩn bước theo sau, tay không quên hái những chiếc lá non ngậm trên miệng.
Ngoảnh lại, thấy chiếc lá đậu hững hờ trên môi Hà Lan, tôi cười:
- Hà Lan có nhớ năm nào Hà Lan ăn trâm tím cả miệng không?
- Nhớ.
Tôi chọc:
- Lát nữa, tôi lại trèo lên cây hái trâm cho Hà Lan nghen!
- Thôi đi!
Hà Lan tỏ vẻ giận dỗi. Tôi biết nó giả vờ nhưng tôi không nói gì, lại rảo bước.
Cùng dạo chơi trong rừng với tôi và Hà Lan hôm nay, còn biết bao nhi