Bữa đó, tôi ôm chồng tập của Việt An về nhà như ôm “chiến lợi phẩm”, mặt mày hí ha hí hửng.
Hải gầy hay tin, liền chạy tới nhà tôi “tham quan”. Sau khi săm soi mấy cuốn tập của Việt An, nó gật gù nhận định:
– Nếu không có một tình cảm đặc biệt, Việt An sẽ không cho mày chép bài giùm đâu! Tụi con gái thường rất kỹ trong việc chọn mặt gởi… tập!
Khi phản đối chuyện tình cảm của tôi, Hải gầy phản đối tàn mạt. Còn khi đã tán vô, nó không ngại ngần đưa tôi lên tuốt mây xanh. Nhưng mặc dù biết vậy, khi nghe nó tán hươu tán vượn, tôi vẫn cảm thấy nở từng khúc ruột và trong tâm trạng cực kỳ phấn khởi đó, tôi đã tuyên bố cho luôn nó bộ cờ bằng ngà hiện nó đang mượn của tôi.
Kể từ giây phút đó, như một con ong thợ chăm chỉ, tôi lao vào chép bài đến rả cả tay. Việt An mới nghỉ có hai hôm mà tôi phải chép cả buổi trời. Nếu nó nghỉ thêm một tuần nữa, chắc tôi phải ngồi chép đến cụp xương sống mất!
Nghĩ đến vin ảnh đó, tôi đâm ngán nên sáng hôm sau đến lớp thay vì chép bài vô tập của tôi thì tôi chép bài thẳng vô tập của Việt An. Như vậy về nhà tôi khỏi phải mất công chép lại. Còn trong tập của tôi thỉnh thoảng thiếu một, hai bài là… chuyện thường tình! Những bài quan trọng thì sắp đến kỳ thi kiểm tra, tôi sẽ học chung với Hải gầy, không chạy đi đâu mà sợ!
Tính toán đâu đó kỹ lưỡng, tôi ung dung đi học “giùm” Việt An. Tập vở của tôi thì tôi nhét kỹ trong cặp, từ đầu giờ đến cuối giờ chẳng thèm lôi ra lấy một lần.
Không dè có một hôm, cô Hường nổi hứng kêu tôi lên bảng trả bài.
Sự “ưu ái” đầy bất ngờ này khiến tôi toát mồ hôi lạnh. Nấn ná một hồi chẳng biết làm sao, tôi đành xách tập lên bảng, trong bụng lo ngay ngáy.
Đúng như tôi nghĩ, vừa lật tập của tôi ra, cô Hường trố mắt:
– Bài học hôm trước đâu?
Tôi cắn môi không đáp.
Cô Hường lật thêm một vài tờ và lại kêu lên:
– Bài hôm trước nữa cũng không có!
Cô quay nhìn tôi:
– Sao em đi học mà không chép bài?
Tôi đáp lí nhí:
– Tại cây viết của em hết mực nửa chừng!
Cô Hường lắc đầu tỏ vẻ không tin. Cô lặng lẽ kiểm tra tiếp cuốn tập bê bối của tôi. Đột nhiên, cô nhíu mày:
– Bài học thì không chép, lại chép bậy bạ gì đây?
Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì cô Hường đã đọc to lên:
– Lòng em như chiếc lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu!
Cô Hường đọc chưa dứt, cả lớp đã cười rần rần.
Có đứa nói:
– Bạn Thư đang thất tình, cô ơi!
Một đứa khác oang oang:
– Đổ trà đá mới ra ngoài chứ đổ xi-rô kem thử coi! Tụi con gái nó “đá bạo” liền!
– Đổ vàng cũng không thèm! – Tiếng một đứa con gái phản ứng.
Trong khi tụi bạn trong lớp hào hứng tranh nhau nói thì tôi đứng chôn chân tại chỗ, mặt đỏ rần đến mang tai.
Ngượng đến chín người, tai ù đặc, cô Hường nói với tôi câu gì đó tôi cũng không nghe rõ. Cầm lấy cuốn tập, tôi vội vã trở về chỗ ngồi, hai chân như muốn rời ra khỏi người.
Từ lúc đó cho đến khi tiếng trống hết giờ vang lên, tôi ngồi học mà không dám nhìn ai, kể cả Hải gầy.
Thế là lần đầu tiên trong đời tôi lãnh zero. Có phải vì Việt An?
tháng hè trôi qua trong chớp mắt.
Năm đó, tôi xin vào trường Sao Mai, học chung lớp với Tiểu Li.
Ngày khai giảng, mẹ tôi dẫn tôi đến trường. Đi bên cạnh tôi là Tiểu Li. Dọc đường, nó cứ liếc trộm tôi và cười khúc khích.
Tôi cau mày:
– Cười gì cười hoài vậy?
Nó rụt cổ, đáp:
– Anh giống như em bé.
Nói xong, nó lại nhe răng sún ra cười. Chắc nó chê tôi không dám rời mẹ lấy nửa bước! Tôi đoán thầm như vậy và lặng lẽ rút tay khỏi tay mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi kéo tôi lại:
– Để mẹ dẫn đi! Xe cộ nườm nượp con không thấy sao!
Nhưng tôi vẫn kiên quyết vùng tay ra:
– Con đi một mình được mà! Tiểu Li nó cũng đi một mình kìa!
Vừa nói tôi vừ vọt lên trước khiến mẹ tôi phải hối hả đuổi theo.
Đến trường, sau khi trao đổi với cô giáo, mẹ tôi quay lại dặn dò tôi đủ thứ. Tôi nghe câu được câu mất, đầu cứ gật lia.
Trước khi ra về, mẹ tôi còn kêu Tiểu Li lại nói:
– Cháu học ở đây lâu rồi, có gì cháu giúp đỡ bạn Thư với nghen!
Tiểu Li dạ lí nhí trong miệng nhưng trông vẻ mặt tươi hơn hớn của nó, tôi biết nó khoái cái nhiệm vụ “kềm cặp” tôi lắm.
Đợi cho mẹ tôi về rồi, tôi bảo nó:
– Mày ngon quá hén!
– Ngon gì đâu?
– Vậy mà không ngon! Mẹ tao bảo mày canh chừng tao!
Nó chớp mắt:
– Canh chừng đâu mà canh chừng! Mẹ anh chỉ bảo em giúp đỡ anh thôi!
Tôi liếm môi:
– Giúp đỡ là sao?
Tiểu Li ngẩn người ra:
– Em cũng chẳng biết.
Tôi nghĩ ngợi một lát rồi gật gù:
– Tao biết rồi.
– Biết sao? – Tiểu Li trố mắt.
Tôi hắng giọng:
– Ý của mẹ tao là hôm nào tao làm biếng chép bài mày phải chép giùm tao. Giúp đỡ là vậy đó!
Tiểu Li “xí” một tiếng:
– Ý của mẹ anh đâu phải như vậy!
Tôi khăng khăng:
– Vậy đó! Mẹ tao chứ đâu phải mẹ mày mà mày biết!
Tiểu Li không chịu thua. Nó tuyên bố một câu “xanh dờn” khiến tôi rụng rời tay chân:
– Để chiều nay em về hỏi lại mẹ anh coi thử phải ý mẹ anh là như vậy không.
– Thôi, thôi, đừng hỏi! – Tôi hốt hoảng ngăn chặn.
– Sao đừng hỏi?
– Tao nói đừng hỏi là đừng hỏi! Mày mà hỏi là tao nghỉ chơi mày ra liền!
Mỗi lần tôi tung ra đòn “nghỉ chơi”, Tiểu Li đều nhanh chóng đầu hàng. Lần này cũng vậy, nghe tôi dọa, suốt buổi học hôm đó Tiểu Li không dám nhắc đến chuyện “hỏi đi hỏi lại” thêm một lần nào nữa.
Ở trong lớp, tôi ngồi ở đầu bàn thứ hai, sát trong tường. Tiểu Li ngồi kế tôi, phía bên phải. Cạnh nó còn thêm ba đứa nữa.
Đi học đến ngày thứ ba, tôi đánh rơi mất lọ mực. Không dám nói mẹ, sợ bị mắng, tôi đành phải chấm chung lọ mực của Tiểu Li.
Có dịp được “giúp đỡ” tôi, Tiểu Li mừng lắm. Nó hào phóng đẩy lọ mực về phía tôi, dặn:
– Anh chấm nhẹ nhẹ thôi! Chấm mạnh, rè ngòi viết hết!
Hai đứa chấm chung một thời gian, lọ mực cạn queo.
Tôi bảo Tiểu Li:
– Mày về đổ thêm nước vô đi!
Tôi bảo sao, Tiểu Li làm vậy. Hôm sau, nó đưa lọ mực khoe tôi:
– Nước đầy tràn trong này!
Tôi cầm lọ mực đưa lên tai, lắc thử. Nghe tiếng óc ách, tôi nhăn mặt, nói:
– Mày ngu quá! Đổ nước in ít thôi! Nước nhiều như thế này, mực nhạt thếch, làm sao viết ra chữ!
Tôi nói quả không sai. Tới giờ học, cả tôi lẫn Tiểu Li không đứa nào viết được lấy một chữ. Chấm mực y như chấm nước lã, thiệt chán!
Tôi bực mình thò ngòi viết sát đáy lọ mực, khuấy mạnh. Khi rút cây viết lên, tôi thấy một cục mực dính toòng teng ở ngòi viết. Cục mực đen thùi lùi nom giống hệt con ruồi.
Đang rầu rĩ, tôi nóng tiết bặm môi rảy mạnh m