Việc làm gia sư và đi làm thêm tôi cũng không nói cho cha mẹ biết. Tôi không cho cha mẹ biết vì sợ cha mẹ đau lòng.
Tôi đã bế tắc, tôi không muốn “đứt gánh giữa đường” không muốn làm một kẻ làm việc gì cũng không thành, không bỏ công sức một cách vô ích. Cho nên tôi quyết định đi tìm việc gia sư cùng Diệp Ly. Bất luận thế nào, nhất định phải tìm cho kỳ được, nhất định phải kiếm được đồng tiền đầu tiên của chính mình.
Lại là một buổi chiều thứ Sáu. Chúng tôi đến trước cửa hàng sách Tân Hoa Tư Môn Khẩu.
Ở đó đã có rất nhiều sinh viên rồi, một đám hai ba người, cũng có người đứng đó một mình, có người đang tán gẫu với bạn đi cùng, có người đang cầm một cuốn sách dày cộp để đọc. Trước mặt họ đều đặt một tờ giấy rộng nửa mét vuông, bên trên viết hai chữ rất to bằng bút lông “Gia sư”, bên dưới chú thích Văn, Toán, Anh hoặc Lí, Hoá các loại. Nếu là Đại học Vũ Hán hay Đại học Công nghiệp và Thương mại Hoa Nam còn có thể viết tên trường khá to trên tờ giấy.
Tôi và Diệp Ly cũng rút từ cặp sách ra tờ giấy trắng viết hai chữ “Gia sư” đã được chúng tôi chuẩn bị trước rồi đứng đó.
Chúng tôi đã trở thành một loại hàng hoá như thế đấy, một loại hàng hoá rẻ tiền bên đường, để mặc cho người ta lựa chọn, họ mua hay không mua chúng tôi đều không thể oán trách được lời nào. Lại còn phải chịu đựng sự kì thị của những “nhãn hiệu hàng hoá” khác nữa.
Tôi tự nói với mình rằng nhất định không thể lúc nào cũng mẫn cảm như thế. Tôi không ngừng nói với bản thân rằng đây không phải là việc gì đáng xấu hổ, chẳng qua là tôi muốn tự mình làm tự mình hưởng mà thôi, tôi không muốn tăng thêm gánh nặng cho cha mẹ nữa, họ chu cấp cho tôi học đại học đã không dễ dàng gì. Tôi không ngừng nói với mình rằng không được tự ti, hãy nhìn xem, còn có biết bao sinh viên giống như mình, ch ẳng phải bọn họ đều vẫn rất tốt sao? Có người còn cười nói rất vui vẻ nữa cơ. Tôi tự nói với mình rằng, dùng những kiến thức mình đã được học để kiếm tiền nuôi thân là việc vẻ vang, cha mẹ có biết nhất định cũng sẽ rất vui.
Nhưng mặt tôi vẫn đỏ bừng lên. Tôi có cảm giác nhiệt độ của đôi tai mình đã vượt quá 100 độ. Tôi không dám ngẩng đầu nhìn ai. Tôi sợ gặp người quen. Tôi lớn lên ở thành phố này, tôi đã biến mình thành thứ hàng hoá để bày bán ở chốn phồn hoa của thành phố, tôi căng thẳng gấp trăm vạn lần Diệp Ly. Qua lại trên những con phố này, lúc nào tôi cũng có thể đụng phải người quen. Họ có thể là bạn học tiểu học, bạn học trung học, bạn học đại học, họ hàng, người thân, đồng nghiệp của cha mẹ tôi. Chưa có ngày nào như ngày hôm đó, chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống của mình lại liên can đến nhiều người như thế, lại phải hạn chế mối “nhân duyên” với nhiều người đến thế. Nếu họ trông thấy tôi ở đây, chỉ cần một ánh mắt khinh thường của họ cũng đủ để giết chết lòng tự tôn của tôi, hay cái ánh mắt trịnh thượng của họ cũng có thể khiến tâm hồn nhạy cảm của tôi tan nát. Cho dù tôi có tự khuyên nhủ mình rằng đây không phải là việc gì đáng xấu hổ, nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy bao năm qua chưa bao giờ mình bị mất mặt như vậy. Bạn có thể phê bình nhân sinh quan của tôi không đúng, bạn có thể cười nhạo tính hư vinh nực cười của tôi, bao nhiêu năm sống trong trường học, sự thông minh và xinh đẹp đã khiến tôi lúc nào cũng “rạng ngời”. Nhưng ngày hôm đó tôi không thể không vứt bỏ tất cả sự tôn nghiêm và hư vinh, tôi đã biến mình thành một thứ hàng hoá vô nghĩa, lặng lẽ trưng bày ra đó để mặc người ta lựa chọn mua bán, tôi đã phải dẹp bỏ tất cả sự tự tôn… Tôi mang máng nhớ lại những cảm giác của mình lúc đó: hơi thở nhọc nhằn, toàn thân khô héo, khó chịu như là bị sốt cao vậy, cảm giác như có thể ngất đi ngay lập tức. Tâm hồn mỏng manh của tôi đã bị chọc thủng, chỉ còn sót lại một lớp vỏ bọc tinh thần. Trong những lúc như thế tôi muốn mình là một kẻ không có linh hồn, nếu có, chắc nó nhảy ra khỏi thân xác tôi rồi ôm hận mà tự sát mất.
Ở cửa hàng sách Tân Hoa Tư Môn Khẩu có rất nhiều bậc phụ huynh đưa con đi mua sách tham khảo dịp cuối tuần, ai ai cũng mong con cái thành đạt. Thật đáng thương cho nỗi lòng cha mẹ trong thiên hạ.
Có phụ huynh vừa dắt đứa con đi qua vừa cúi thấp đàu nhìn từng chữ một viết trên những tờ giấy ở dưới đất. Khi bắt gặp sinh viên của Đại học Vũ Hán hay Đại học Công nghiệp và Thương mại Hoa Nam thì sẽ dừng lại bắt chuyện.
Tôi nhìn vào tờ giấy của mình, trên đó viết hai chữ “Gia sư” sít vào nhau trông thật tội nghiệp. Tôi cảm thấy mình thật vô liêm sỉ. Một trường học chẳng ra sao như thế thì liệu có người đến mời chúng tôi làm gia sư không?
Cuối cùng cũng có một người đàn ông khoảng 40 tuổi dắt theo một đứa trẻ 10 tuổi đi qua đi lại rồi dừng trước mặt chúng tôi. Ngay lập tức tôi lấy lại tinh thần, gượng đôi chân đang mệt mỏi rã rời đứng thẳng dậy.
Ông ấy nhìn một lát rồi hỏi: “Các cháu có thể dạy Toán, Lí, Hoá không?” Tôi và Diệp Ly nhìn nhau trong chốc lát, tôi không có kinh nghiệm, thế là Diệp Ly nói: “Chú ạ, cháu phải nói với chú thế này, chúng cháu là sinh viên ngành khoa học xã hội, phải xem con chú học lớp mấy, nếu là học sinh trung học thì chúng cháu dạy Toán, Lí, Hoá cho cậu ấy e rằng sẽ có vấn đề”.
Người đàn ông đó nhìn chúng tôi lắc đầu không đáp rồi đi mất.
Tờ giấy trắng chữ đen im lìm nằm trước mặt chúng tôi dường như cũng đang nhìn chúng tôi một cách châm biếm.
Buổi chiều hôm đó tôi và Diệp Ly đã đứng đúng năm tiếng đồng hồ, chỉ có hai người đến hỏi chúng tôi nhưng vừa nghe chúng tôi là sinh viên ngành khoa học xã hội liền lắc đầu rồi đi mất. Tôi và Diệp Ly mỗi người đều suy nghĩ chuyện của riêng mình nên rất ít nói chuyện với nhau. Đứng mệt rồi tôi liền ngồi ngẩn ra trên bậc thang của cửa hàng sách, ngắm nghía đôi chân mọi người đi qua đi lại, người đi giày da, người đi dép, người đi giày cao gót, người xỏ giày lười, nam có, nữ có, người lớn có, trẻ em có, bao nhiêu những đôi chân như vậy, không ai giống ai, cứ đi đi lại lại như dòng nước chảy mãi không ngừng, nhìn rồi lại ngắm, trong lòng bỗng dần thấy thanh thản lại. Trên con phố đầy người qua lại, những người đi bộ bước đi vội vàng đã cho tôi thấy rõ sự nhỏ bé của bản thân mình. Có ai thèm để ý đến tôi cơ chứ? Mọi người chẳng qua chỉ là khách qua đường mà thôi. Tôi là khách qua đường của bạn, bạn là khách qua đường của tôi, chúng ta đều là khách qua đường của số mệnh. Số mệnh giống như trần ai, là khách qua đường của thời gian và không gian, hàng ngàn hàng vạn năm như dòng nước chảy