Thục ngẩn người ra:
- Tao cũng chẳng biết nữa. Tao đang định hỏi ý kiến tụi mày.
Cúc Hương liền liếc Xuyến:
- Sao mày?
Xuyến tỉnh bơ:
- Thì hồi âm chứ sao! Hắn chả ỉ ôi “bạn viết cho mình vài chữ” là gì!
Cúc Hương trợn mắt:
- Hồi âm cho tên nhãi nhép đó? Tụi buổi sáng tức là tụi 11A3, lớp đàn em mình! Chẳng lẽ…
Cúc Hương chưa nói hết câu, Xuyến đã hừ giọng cắt ngang:
- Chính vì tụi nó cả gan trêu vào các chị, các chị cần phải hồi âm! Tụi mình phải dạy cho “bọn trẻ” một bài học!
Vẻ mặt nghiêm nghị của Xuyến khiến Cúc Hương phì cười. Nó khoái chí hỏi:
- Nhưng mà ai “dạy”?
- Tất nhiên là con Thục! Thư gửi cho nó mà!
Nghe nhắc tới mình, Thục giãy nãy:
- Thôi, thôi, tụi mày muốn làm gì thì làm! Tao không biết “dạy dỗ” gì hết! Đừng có ép tao!
- Thôi được! – Xuyến thở một hơi dài thường thượt, ra vẻ bất đắc dĩ – Nếu mày không nỡ ra tay thì để tao. Tao sẽ đại diện cho mày viết thư “dạy dỗ” thằng nhóc đó!
Xuyến vừa nói dứt câu, Cúc Hương đã nhanh tay xé “rẹt” một tờ giấy trong tập, hí hửng chìa ra:
- Giấy nè!
Xuyến cầm lấy tờ giấy. Nhưng nó chưa viết ngay mà lại lui cui mở cặp.
- Gì nữa vậy? – Cúc Hương ngạc nhiên hỏi.
- Chờ tao một chút! Tao đang tìm… đồ dùng dạy học!
- Đồ dùng dạy học?
- Ừ, muốn “dạy dỗ” có hiệu quả, cần phải có “đồ dùng dạy học”.
Xuyến vừa thò tay vào cặp vừa trả lời ỡm ờ. Cúc Hương và Thục cứ thắc mắc không hiểu Xuyến định tìm vật gì trong đó. Hai đứa ngồi ngây người hồi hộp theo dõi từng cử động của nhỏ bạn tinh quái.
Lục lọi một hồi, Xuyến từ từ lấy ra… một cây kẹo.
Trong khi Thục thở phào thì Cúc Hương bĩu môi thất vọng:
- Tưởng gì! Đồ dùng dạy học của mày đó hả?
Xuyến nheo mắt:
- Sao? Không được hả?
Cúc Hương lộ vẻ bất bình:
- Như vậy là mày “thưởng” chứ đâu có “phạt” hắn!
- Mày không biết gì hết! – Giọng Xuyến ranh mãnh – Đối với những đứa tham ăn như mày và con Thục thì đây là cây kẹo, còn đối với tên tiểu tử đó, đây lại là… viên thuốc chuột bọc đường!
Nói xong, Xuyến lẹ làng rút cuốn tập trong cặp ra, kê tờ giấy lên và bắt đầu viết thư phúc đáp. Cúc Hương và Thục ngồi chầu rìa hai bên, chụm đầu dòm.
Nhưng Xuyến vừa hí hoáy bốn chữ “Phong Khê hiền đệ”, Cúc Hương đã bĩu môi:
- Văn chương kiếm hiệp ba xu! Sặc mùi phim Hồng Kông!
Xuyến tự ái:
- Chứ theo mày, phải gọi hắn như thế nào?
- Cứ viết là “Gửi bé Phong Khê”!
- Hay lắm! – Xuyến gật gù khen – Không ngờ thỉnh thoảng mày cũng nói được một câu thông minh!
Nói xong, Xuyến lấy một tờ giấy khác, nắn nót viết:
“Gửi bé Phong Khê,
Chị ngạc nhiên vô cùng khi nhận được thư bé. Có lẽ bé quáng gà hay sao, chứ lớp chị đâu có tổ chức “Câu lạc bộ làm quen” hay “Tìm bạn bốn phương” mà bé biên thư đòi “kết bạn tâm tình”! Hơn nữa, bé trẻ người non dạ tuổi còn nhỏ nên chú tâm học hành, chớ đua đòi vớ vẩn, kẻo trèo cao té nặng. Nghĩ tình chị em, chị tặng bé một cây kẹo ăn cho mau lớn và nhớ đừng có dại dột trêu vào chị nữa! Good- bye bé nhé!”.
Xuyến viết tới đâu, Cúc Hương ôm bụng cười tới đó. Nó la lên:
- Trời đất ơi! Mày muốn “giết” chết tươi “thằng bé” sao Xuyến?
- Cho hắn chết! – Xuyến trợn mắt – Ai bảo hắn dám trêu vào con Thục nhà bà!
Thục cũng không nhịn được cười. Nhưng mặt nó thoáng lộ vẻ áy náy. Nó nhìn Xuyến, ngập ngừng:
- Mày viết “ác” quá!
- Ác gì mà ác! – Xuyến hừ mũi – Đã “dạy dỗ” thì phải nghiêm khắc chứ!
Thục chép miệng:
- Tao sợ anh chàng Phong Khê xấu hổ đến bỏ học mất.
- Hắn không bỏ học đâu! Nhưng chắc hắn sẽ bỏ cái trò dấm dúi thư tình vào ngăn bàn của mày!
- Thư tình! – Thục “hứ” một tiếng – Mày sao giống y như con Cúc Hương! Lúc nào cũng nói bậy!
- Ừ thôi, không phải thư tình. Thư làm quen vậy.
Vừa cười hì hì, Xuyến vừa đặt lá thư hồi âm vừa viết vào ngăn bàn của Thục. Xong, nó chặn cây kẹo lên trên. Nó làm việc đó với một bộ dạng hí hửng hệt như Phật Tổ lúc đè Tôn Ngô Không dưới năm ngọn núi Ngũ Hành vậy.
***
Đúng như Xuyến dự đoán, ngày hôm sau chẳng có gì lạ xảy ra. Vừa ngồi vào chỗ, Thục hồi hộp thò tay vào ngăn bàn nhưng chẳng có tờ giấy nào trong đó.
Cúc Hương chắp hai tay:
- Mô Phật! Thế là trời yên bể lặng! Con Xuyến tài thật!
Xuyến ngó Thục:
- Cục kẹo còn không?
- Không.
Xuyến gật gù:
- Thằng bé này ngoan thật! Cho gì lấy đó!
Thục liếc Xuyến, không hiểu bạn mình khen thật hay khen xỏ. Tự nhiên Thục thấy tội nghiệp anh chàng Phong Khê nọ. Khi đọc lá thư độc địa của Xuyến, chắc anh ta ngượng lắm. Và chắc có cho kẹo, anh ta cũng chẳng bao giờ dám làm quen với đám nữ yêu này nữa. Nghĩ tới đó, bỗng nhiên Thục bật cười: Xuyến chẳng đã cho kẹo anh ta làm gì?
Thấy Thục tự nhiên phá lên cười, Xuyến tò mò:
- Mày cười cái gì vậy?
- Chẳng có gì hết! Tự nhiên tao tức cười vậy thôi!
Xuyến nguýt Thục:
- Tự nhiên mà cười! Đồ con gái vô duyên!
Thục chưa kịp phân trần, Cúc Hương đã chen vào, giọng thủng thỉnh:
- Con Thục muốn cười cứ việc cười, nhưng ngày mai đừng có quên nghĩa vụ của mình!
Thục trố mắt:
- Nghĩa vụ gì?
Cúc Hương thản nhiên:
- Dẫn tao và con Xuyến đi ăn chè đậu đỏ bánh lọt.
Thục nhăn mặt:
- Nghĩa vụ gì kỳ vậy?
- Chẳng có kỳ gì hết! – Cúc Hương nhún vai – Không có tụi tao, làm sao mày tai qua nạn khỏi được! Thằng Phong Khê sẽ bám mày tới già!
Thấy Thục cứ tròn mắt ngẩn ngơ, Xuyến vọt miệng bồi thêm:
Nếu mày không chịu, tụi tao nhắn tên Phong Khê đó viết thư “tỏ tình” tiếp à!
Lời hăm he của Xuyến khiến Thục giật bắn người. Nó vội vã gật đầu:
- Được, được! Tao chịu!
Thái độ hốt hoảng của thục khiến Xuyến và Cúc Hương nhìn nhau cười khúc khích. Nhưng Thục chưa kịp thực hiện “nghĩa vụ” của mình thì biến cố đã xảy ra.
Đầu giờ chiều hôm sau, Xuyến vừa ôm cặp tới cửa lớp đã thấy Thục ngồi sẵn đằng bàn, trước mặt nó là một trái ổi to tướng nom thật “quyến rũ”.
Xuyến vừa bước lại vừa liếc trái ổi, miệng bô bô:
- Trái ổi này trông ngon mắt thật, nhưng chỉ có thể dùng “tráng miệng” thôi, không thay thế đậu đỏ bánh lọt được đâu à nghen!
Thục cắn môi:
- Trái ổi này đâu phải của tao!
Xuyến ngạc nhiên:
- Không phải của mày chứ của ai?
Thục không đáp. Nó chìa tờ giấy đang cầm trong