Chính là thầy Chương. Thầy vẫn mặc chiếc áo khoác mỏng màu đen, không đội mũ và đeo găng tay. Thầy đứng bên cạnh tấm biển, một tay nắm chặt cột sắt của biển báo. Thầy đứng ở đó rất lâu rồi, bởi vì Liễu Địch nhìn thấy đống tuyết trên người thầy. Hai chân thầy vùi dưới tuyết. Thầy cứ đứng bất động ở đó, dưới ánh đèn mờ mờ. Trông thầy như một bức tượng đá hoa cương.
Liễu Địch ngây người. Đầu óc cô trống rỗng, cô thậm chí không thể hô hấp trong giây lát. Cô cảm thấy trái tim cô thắt lại, đau đến mức lòng bàn tay đổ đầy mồ hôi. Nước mắt lại trào ra khóe mi. Qua làn nước mắt, thầy Chương trở thành hình bóng mơ hồ. Liễu Địch lau nước mắt, rồi ấn tay vào lồng ngực đau đớn. Sau đó, cô nhẹ nhàng đi đến bên bức “tượng điêu khắc”, cất giọng đầy nghẹn ngào: “Thầy Chương!”
“Bức tượng điêu khắc” động nhẹ: “Liễu Địch, là em phải không?” Thanh âm trầm thấp của thầy không che giấu nỗi vui mừng. Nhưng chỉ trong chốc lát, thầy khôi phục sự bình tĩnh thường ngày: “Tôi biết.” Thầy nói, ngữ khí hơi run run: “Tôi biết, nếu em không xảy ra chuyện gì, em nhất định sẽ ra bến xe này tìm tôi.”
“Thầy Chương!” Liễu Địch nấc nghẹn. Cô cảm thấy hai bàn chân, tứ chi, toàn thân đến trái tim và cả linh hồn cô đều run rẩy. Thầy Chương vẽ nhiều dấu chấm hỏi như vậy, thầy đội gió tuyết đi tìm cô. Thầy đứng ở bến xe, đợi cô trong giá lạnh không biết bao nhiêu lâu. Vậy mà thầy còn lo cô xảy ra chuyện.
Trong lúc thầy Chương cô đơn lo lắng cho cô, cô lại cùng người khác đi chơi bời, ca hát, ném thầy ra khỏi đầu. Vào giây phút này, cô cảm thấy bản thân đê tiện, ích kỷ và vô tình. Cô tháo găng tay, từ từ nắm lấy bàn tay đang bám cây cột sắt của thầy Chương. Thầy Chương run rẩy, vội vàng thu tay về. Nhưng do ở ngoài trời quá lâu, bàn tay thầy cứng đờ không thể nhúc nhích. Liễu Địch nhẹ nhàng xoa bóp bàn tay đông cứng đó. Cô có muôn vàn điều muốn nói nhưng cổ họng tắc nghẹn, không thể thốt ra lời. Cuối cùng, vẫn là thầy Chương lên tiếng trước: “Liễu Địch, em bỏ tay ra đi, đừng để lạnh cóng.”
Chỉ một câu nói ngắn gọn, đã khiến tất cả sự hối hận, áy náy, cảm động, tự trách…dội vào lòng Liễu Địch. Nhiều cảm xúc đến cùng một lúc, làm linh hồn nhỏ bé của Liễu Địch không ngừng run rẩy. Cô cuối cùng không thể khống chế bản thân, vùi đầu vào lòng thầy Chương, òa khóc nức nở. Tâm trạng đau đớn, hối hận, áy náy, cảm động cùng giải phóng theo tiếng khóc của cô. Liễu Địch ôm chặt thầy Chương nói: “Thầy Chương, thầy hãy trách mắng em đi, trừng phạt em đi! Em sai rồi, em sai rồi! Em đã quên mất thầy, em không nhớ đến thầy…”
Liễu Địch vừa khóc vừa lẩm bẩm, nhưng bản thân cô cũng không biết cô đang nói gì. Sau đó, cô cảm thấy một cách rõ ràng, bàn tay lạnh giá của thầy Chương nhẹ nhàng vỗ lưng cô. Trong khi giọng nói thầy vang lên bên tai cô. Lần này, ngữ khí của thầy vô cùng ôn hòa, vô cùng dịu dàng:
“Liễu Địch, em đừng khóc. Em không làm sai điều gì. Em đã vì tôi hy sinh quá nhiều thời gian…Đừng khóc nữa, được không em?” Thanh âm đó dịu dàng như cơn gió xuân tháng ba, không một chút hàn ý. Liễu Địch từ từ ngừng khóc trong tiếng thì thầm dịu dàng đó. Cô đột nhiên cảm thấy trái tim cô như búp hoa dính đầy giọt sương ban mai, kỳ ảo, đẹp đẽ và thuần khiết.
Tuyết lặng lẽ ngừng rơi. Vầng trăng chui ra khỏi tầng mây, chiếu ánh sáng nhàn nhạt khắp không gian. Ánh trăng và tuyết trắng phảng phất khiến thế giới được khoác chiếc áo cưới lung linh mộng ảo.
Tất cả trở nên thánh thiện vô cùng…
Chương 8
Sau Tết dương lịch, kỳ nghỉ đông lặng lẽ đến, rồi lặng lẽ đi.
Đối với học sinh lớp 12, kỳ nghỉ đông chỉ là hữu danh vô thực. Ngoài sáu ngày nghỉ Tết theo luật định, bọn họ vẫn đến trường học thêm, vẫn về nhà vào lúc hoàng hôn, vẫn phải làm cả núi bài tập như thường lệ. Tài liệu ôn thi các môn và đề thi thử liên tục được phát, cặp sách của mỗi học sinh đều nặng trĩu, khối lượng bài tập khổng lồ khiến họ không thở ra hơi.
Học kỳ mới lại bắt đầu. Chỉ hơn hai tháng sau, bọn họ sẽ bước một chân ra khỏi cánh cửa trường trung học. Hơn bốn tháng sau, họ sẽ tham gia kỳ thi đại học đáng sợ. Đám học sinh lớp 12 ai nấy gầy rộc, sắc mặt nhợt nhạt và đôi mắt lờ đờ mất ngủ. Thế nhưng, các thầy cô và các bậc phụ huynh không vì bọn họ mệt mỏi căng thẳng mà thả lỏng bọn họ. Bọn họ càng không dám lơ là. Đây là giai đoạn then chốt nhất, chỉ cần lơ là một chút là nỗ lực trước đó sẽ tan thành bọt biển. Cạnh tranh lúc nào cũng tàn khốc như vậy.
Mùa xuân ở phương Bắc đến rất muộn. Sau tiết thanh minh, ngọn cỏ mới bắt đầu đâm chồi lên mặt đất. Nhờ mấy trận mưa phùn, hoa đào phơn phớt hồng, hoa lê trắng muốt, hoa lài mùa đông vàng ươm nở rộ trong chốc lát. Trong và ngoài khuôn viên trường học được nhuộm đủ màu sắc tươi sáng. Tiếp theo, cây bạch dương nhú chồi xanh lục, cây dương liễu đung đưa tà váy dài dịu dàng, cây hợp hoan lắc lư cành lá mềm mại như đuôi chim công. Mùa xuân đều thuộc về mọi sinh mệnh.
Chỉ có những học sinh chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba ngày ngày vùi đầu vào đống bài tập là không thuộc về mùa xuân này. Thời gian trôi qua nhanh như cơn gió thoảng. Đến tháng năm, học sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng vào đại học. Các em học sinh và phụ huynh thận trọng cân nhắc suy nghĩ, đồng thời trưng cầu ý kiến của người khác. Sau đó, họ nộp tờ đăng ký nguyện vọng cho nhà trường, phảng phất giao phó vận mệnh của mình. Nguyện vọng của Liễu Địch vô cùng đơn giản, cô chỉ điền một nguyện vọng duy nhất: khoa trung văn đại học Bắc Kinh.
Không khí ở trường học ngày càng căng thẳng. Đám học sinh ra sức làm bài tập, đọc sách, học thuộc lòng…chỉ hận đến mức không thể đọc mọi loại sách trong hơn một tháng. Tóm lại là trong khoảng thời gian này, bọn họ không rời tay khỏi quyển sách, bất kể là lúc ăn cơm hay đi vệ sinh.
Không biết, ai đó viết trên bảng dòng chữ: “Chúng ta phải cố gắng! Chúng ta ra sức tiến về phía trước! Thế giới tươi đẹp, thế giới quang vinh xán lạn đang chờ đón chúng ta phía trước!” Đám học sinh không ai cười nhạo, cũng không ai xóa khẩu hiệu này. Một thời gian gian sau, nó trở thành động lực học tập của mọi người. Trong không khí khổ học hăng say, không một ai chú ý mùa xuân đầy sắc màu bên ngoài cửa sổ.
Trong những ngày tháng căng thẳng đó, một buổi chiều, Liễu Địch bị cô chủ nhiệm Trần Chi gọi tới một góc khuất trên hành lang.
“Cô đã xem tờ đăng ký nguyện vọng của em.” Cô giáo cất giọng nghiêm nghị: “Tại sao em không điền nguy