Bức tường cạnh cầu thang vốn treo đầy những bức ảnh của nhà họ Diệp: ảnh chụp cả nhà, có Diệp Khiên Trạch thời niên thiếu, có cha mẹ anh, có cả Diệp Quân. Hai năm trước, Hướng Viễn đã bảo dì Dương – người giúp việc lâu năm cho nhà họ Diệp – thu dọn tất cả xuống để dẹp vào căn gác lửng. Dì Dương làu bàu, cằn nhằn suốt mấy ngày nhưng cuối cùng cũng chẳng dám nói nhiều trước mặt Hướng Viễn. Sao cô lại không biết bà đang suy nghĩ gì? Nói cô bạc tình cũng được, nhẫn tâm cũng chẳng sao, người đã đi rồi, giữ lại những bức ảnh này liệu còn có ý nghĩa gì nữa?
Dì Dương đã già, bà cũng giống như những người khác, lúc nào cũng thích nhắc đến nhà họ Diệp như thể đó là một gia tộc vô cùng phồn thịnh. Thực ra những người nhà họ Diệp cũng chẳng có mấy người, người thì chết, kẻ thì ốm đau, người thì bỏ đi, kẻ lại mất tích, cuối cùng chỉ còn lại một người ngoài là cô.
Căn phòng đầu tiên ngay đầu cầu thang của dãy hành lang dài chính là phòng đọc của Diệp Khiên Trạch. Trước khi Hướng Viễn đến đây, lúc nào cô cũng thấy ánh đèn lóe ra từ cửa căn phòng khép hờ ấy, thời gian anh ở trong đó nhiều hơn bên cô rất nhiều. Ngay sát phòng đọc chính là phòng của Diệp Linh, Diệp Linh mất sau khi Hướng Viễn về làm con dâu nhà họ Diệp được ba năm. Từ đó, trong mấy năm khi Khiên Trạch vẫn còn ở đây, căn phòng này trở thành cấm địa, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm, bây giờ đến cả dì Dương nếu không có chuyện gì bất đắc dĩ lắm thì cũng không bao giờ chịu bước vào. Tuy Diệp Linh là do một tay bà nuôi nấng nhưng bà nói, mỗi lần vào căn phòng đó đều cảm thấy âm u đáng sợ. Hướng Viễn thấy nực cười, cô chưa từng tin quỷ thần bao giờ nhưng cô nhớ rõ lúc ấy, máu thấm đẫm người Diệp Linh, chảy đầy ra sàn, vấy đầy tay cô, vẫn còn có hơi ấm và vị tanh tanh, rửa thế nào cũng không sạch. Một ký ức như thế, dù là ai cũng không muốn nhắc đến, đó cũng là lý do cô rất hiếm khi mở cánh cửa phòng ấy.
Cha mẹ Khiên Trạch vốn ở trong phòng ngủ chính nhưng sau khi con trai kết hôn, họ đã chuyển đến căn phòng lớn ở phía nam. Bà Diệp là kế mẫu của Khiên Trạch, đã qua đời vì bệnh ung thư dạ dày. Trong ấn tượng của Hướng Viễn, đó là một phụ nữ trầm lặng, dạy mỹ thuật ở trường đại học. Bà không phải mẹ ruột của Khiên Trạch nhưng giống như những người nhà họ Diệp khác, trên người bà luôn phảng phất sự cảm tính và nét dịu dàng ấm áp.
Những năm này, người gần gũi với Hướng Viễn trong Diệp gia lại là bố chồng cô – Diệp Bỉnh Lâm – nhưng sức khỏe ông không được tốt, đã bị trúng gió mấy năm nay, vào bệnh viện rồi không ra nữa. Hiện tại, Hướng Viễn thường đến bệnh viện mỗi tuần một lần, một là thăm hỏi tình hình sức khỏe của ông, hai là báo cáo mang tính tượng trưng mọi việc ở Giang Nguyên. Người nhà họ Diệp đều hồn hậu lương thiện, không tranh đoạt với người đời lại vui vẻ dễ gần nhưng chẳng ai có kết cục tốt đẹp, điều này càng khiến Hướng Viễn khinh bỉ thần Phật hơn, cho dù họ có tồn tại cũng chỉ là vô ích. Phải rồi, còn có Diệp Quân, cậu ấy cũng có dòng máu nhà họ Diệp. Cậu ấy vốn là đứa con trai nhỏ của Diệp gia nhưng sau khi lên đại học đã chuyển ra ngoài ở. Có lẽ trong lòng cậu ấy nhận thấy mình không phải là một thành viên thật sự trong ngôi nhà này.
Hướng Viễn tắm rửa xong, ngồi trước bàn trang điểm rồi lấy chiếc ví da trong túi xách ra. Cô lấy hết tiền bạc trong đó ra rồi chăm chú đếm qua một lượt, cẩn thận vuốt từng nếp nhăn trên mỗi tờ tiền, sắp xếp cẩn thận rồi kẹp lại vào trong ví, sau đó mới rửa tay đi ngủ.
Đó là thói quen từ nhỏ của cô, bắt buộc phải đếm kỹ một lần toàn bộ tiền mặt có trong người một lượt mới có thể xem như là tổng kết cuối cùng trong ngày. Hiện tại, cô không còn phải chắt bóp từng xu từng hào để sống qua ngày như xưa nhưng cô là một người luôn giữ thói quen, hoặc có lẽ là chuyện này đã trở thành một dạng nghi thức trong lòng, quan trọng ngang với việc mẹ ruột của Khiên Trạch mỗi ngày đều trở dậy từ sớm tinh mơ để thắp hương khấn Phật vậy.
Kỳ thực, tiền cũng là một thứ ấm áp, Hướng Viễn luôn nghĩ vậy, có nó rồi, cô mới thấy trái tim của mình trở nên vững chắc. Nó còn đáng tin cậy hơn nhiều thứ trên thế gian này, một trăm là một trăm, một nghìn là một nghìn, không khó xác định số lượng như những thứ mơ hồ khác; nó lại công bằng hơn rất nhiều thứ nữa, bạn bỏ ra bao nhiêu thì sẽ đổi lại được bấy nhiêu.
Tiền thì có gì không tốt đâu? Ít nhất là có nó rồi mới có tư cách coi tiền tài như rác rưởi. Bao người lừa lọc ranh ma, không cần sĩ diện, chẳng qua cũng vì tiền cả. Hướng Viễn nhớ lúc ở công ty, có một cuộc điện thoại trong văn phòng, thư ký nghe máy, không biết là ai nhưng vì đối phương nhắc đến một số chuyện của Diệp Khiên Trạch nên thư ký không dám giấu cô.
Giọng đàn ông khàn khàn vang lên ở đầu dây bên kia: “Bà Diệp, chúng ta vào đề luôn nhé. Tôi nghĩ chắc bà luôn quan tâm đến tung tích của ông nhà, chi bằng chúng ta thực hiện một cuộc giao dịch đi”.
Hướng Viễn khi ấy đã cười không thành tiếng. Sau khi Khiên Trạch mất tích, không biết cô đã nhận bao nhiêu cuộc điện thoại kiểu này. Có người bóng gió xa gần, có kẻ lại nói toạc móng heo nhưng đều là muốn có tiền cả. Cô không quan tâm chuyện tiền bạc nhưng chẳng có ai cho cô chút hy vọng nào.
“Giao dịch với tôi? Phải xem ông dựa vào cái gì đã chứ”, cô nói.
“Dựa vào cuộc điện thoại cuối cùng ông Diệp gọi cho bà. Ông ấy đã nói gì, chắc bà không đến nỗi quên rồi chứ?”
Nụ cười trên gương mặt Hướng Viễn dần tắt lịm. Sao cô quên được cuộc gọi đó. Trong danh sách cuộc gọi của chiếc di động đặt trên đầu giường cô hơn bốn năm luôn giữ lại số điện thoại đó. Thời gian gọi bốn mươi chín giây, đó là câu cuối cùng anh nói với cô, đến chết cô cũng không quên.
Cô lên tiếng với gã đàn ông kia bằng vẻ bình thản: “Cuộc điện thoại ông nói không đáng giá chút nào. Nếu thật sự có tin tức về anh ấy, chắc ông phải biết làm thế nào mới thuyết phục được tôi tin ông đúng không? Tôi đợi ông liên lạc lại”.
Hướng Viễn nói xong thì gác máy. Cô là người làm ăn, đương nhiên biết rõ người bán bao giờ cũng nóng ruột hơn kẻ mua. Cô không biết thế giới này thật sự có người biết được tung tích của Khiên Trạch hay không nhưng quan tâm nhiều ắt sẽ loạn, cô bắt buộc phải bình tĩnh.
Trước khi chìm vào giấc ngủ, cô nhủ thầm: “Hướng Viễn, đừng nằm mơ”.
Nội dung bài viết đã hiển thịĐêm ấy, Hướng Viễn không được như ý nguyện, chẳng những cô đã chìm vào một giấc mơ dài mà giấc mơ ấy còn quay lại nhiều năm về trước. Mỗi gương mặt, mỗi đoạn một cảnh rời rạc trong mơ đều tươi mới đến bất ngờ. Rất nhiều lần, khi tỉnh táo, cô đã từng cố gắng hồi tưởng nhưng không thể rõ ràng, sắc nét như trong mơ.
Năm ấy vào ngày đầu tiên của tháng Mười, tuần lễ hoàng kim nghỉ dài vừa bắt đầu đã khiến thôn quê nhỏ của Hướng Viễn trở nên náo nhiệt lạ thường. Người trong thành phố nườm nượp kéo đến, có người trong tỉnh, cũng có người từ các tỉnh ngoài, trong số đó còn có cả những du khách ngoại quốc tóc vàng. Tuy đã qua khoảng th