Tôi ở trên quả đồi cuối cùng của ngọn núi Canigu đi xuống; lúc ấy tuy mặt trời đã lặn nhưng tôi vẫn còn nhận thấy rõ ở dưới đồng bằng nhà cửa một thành phố nhỏ là thành Ilơ, nơi tôi đang đi tới. Tôi hỏi bác người Catalan đi theo dẫn đường cho tôi từ hôm trước: - Chắc bác biết nhà cụ Đơ Pêrơgôrát ở đâu đấy nhỉ? - Tôi mà còn có biết hay không à! Bác ta kêu lên, tôi biết rõ nhà cụ ấy như nhà tôi vậy; nếu trời không tối mịt thế này thì tôi sẽ chỉ cho ông. Nhà cụ đẹp nhất Ilơ đấy. Cụ Đơ Pêrơhôrát lắm tiền lắm; và cụ lấy vợ cho con là con một nhà giàu hơn nhà cụ nữa kia. Tôi hỏi: - Thế đã sắp cưới chưa? - Nay mai thôi. Có thể là người ta đã đặt thuê dàn nhạc vi-ô-lông cho đám cưới rồi. Có lẽ chiều nay, hoặc ngày mai, ngày kia chưa biết chừng! Lễ cưới sẽ tổ chức ở Puygaric; vì cậu con lấy chính cô Đơ Puygaric. Vâng, sẽ linh đình lắm! Tôi được một bạn là ông Đơ P…giới thiệu với cụ Đơ Pêtơhôrát. Bạn tôi có nói cụ là một nhà khảo cổ, học thức uyên bác, và đối với ai cần cũng tử tế. Cụ sẽ vui lòng dẫn tôi đi xem những phế tích thời xưa ở quanh đó năm mươi dặm. Tôi đinh ninh trông cậy ở cụ để đi thăm những vùng lân cận thành Ilơ mà tôi biết là có rất nhiều công trình thời cổ và thời trung cổ. Đám cưới này mà bây giờ tôi mới được nghe nói, làm nhỡ nhàng tất cả kế hoạch của tôi. Tôi nghĩ thầm: “Thế này thành ra mình là kẻ đến phá cuộc vui”. Nhưng người ta đợi tôi; ông Đơ P… đã báo trước rồi; thế nào tôi cũng phải đến thôi. -Nào tôi xin cuộc với ông, người dẫn đường nói khi chúng tôi đã xuống tới đồng bằng, cuộc với ông một điếu xì-gà là tôi đoán được ông đến nhà cụ Đơ Pêrơhôrát để làm gì rồi? -Nhưng, tôi vừa đáp vừa đưa cho bác ta một điếu xì-gà, điều đó có khó gì mà không đoán được. Vào giờ này, sau khi đã đi sáu dặm đường trên núi Canigu, việc lớn nhất là được ăn tối… -Vâng, nhưng còn ngày mai…Tôi cuộc là ông đến thành Ilơ này để xem tượng thần. Tôi đoán biết được điều này là vì thấy ông vẽ tượng các thánh ở Xêrabôna. -Tượng thần? tượng thần nào? Hai tiếng ấy đã kích thích tính tò mò của tôi. -Thế nào? Ở Perpinhan người ta không kể lại cho ông nghe chuyện cụ Đơ Pêrơhôrát đào được pho tượng thần ở dưới đất à? -Bác định nói tượng bằng đất sét, bằng sành à? -Không phải đâu. Bằng đồng cơ, vâng bằng đồng và có thể lấy đúc những đồng xu lớn. Tượng nặng bằng cái chuông nhà thờ ấy. Chúng tôi đã đào mãi tận sâu dưới đất, dưới một cây ô-liu. -Vậy ra, lúc đào được, bác cũng có mặt à? -Thưa ông vâng. Cách đây mười lăm hôm, cụ Đơ Pêrơhôrát có bảo tôi và anh Gian Côn đào một cây ô-liu bị băng giá chết hồi năm ngoái; năm ngoái thời tiết xấu quá, ông cũng biết đấy. Thế là trong lúc đang làm, anh Gian Côn hăm hở đào giáng một nhát cuốc xuống, tôi liền nghe thấy một tiếng boong y như đã nện vào chuông vậy. Tôi mới hỏi: cái gì thế? Chúng tôi lại hì hục đào, đào mãi, thế là một bàn tay đen xì hiện ra, như tay người chết từ đưới đất nhô lên. Tôi đâm hoảng, chạy đi tìm cụ Đơ Pêtơhôrát và nói:- Cụ chủ ơi, có xác người chết ở dưới cây ô-liu, cụ a! Phải cho mời cha xứ đến mới được. – Cụ mới bảo tôi: Xác người chết nào? Cụ ấy chạy đến vừa thoáng nhìn thấy bàn tay đã reo lên:- A! Đồ cổ! Đồ cổ!tưởng như cụ ấy bắt được kho của. Và thế là cụ, lúc bằng cuốc, lúc bằng tay không, hì hà hì hục đào bới , một mình làm gần bằng cả hai chúng tôi. - Thế cuối cùng tìm được cái gì hở bác? - Một pho tượng đàn bà lớn, đen trũi, nói ông bỏ lỗi cho, trần truồng đến quá nửa người, toàn bằng đồng, ông ạ. Và cụ Đờ Pêrơhôrát bảo chúng tôi đấy là một tượng thần thời còn Tà giáo… thời vua Sarlơmanhơ ấy mà! - Tôi hiểu là cái gì rồi. Lại một pho tượng Đức Mẹ Đồng trinh nào đó bằng đồng đen của một tu viện bị tàn phá chứ gì. -Tượng Đức Mẹ Đồng Trinh à! Úi chà!…Nếu là tượng Đức Mẹ Đồng trinh thì tôi đã nhận ra ngay rồi. Tôi đã bảo là tượng thần kia mà. Cứ trông dáng điệu là biết ngay. Đôi mắt to tướng và trắng dã cứ như trừng trừng nhìn mình…Hễ nhìn pho tượng là người ta phải cúi mặt xuống. - Mắt trắng à? Thôi chắc là mắt nạm vào đồng rồi. Có lẽ đây là một pho tượng La-mã nào cũng nên. - Tượng La-mã! Đúng thế. Cụ Đờ Pêrơhôrát bảo đó là một pho tượng La-mã. Ồ! Tôi thấy rõ ông cũng là một nhà thông thái như cụ ấy. - Tượng còn nguyên, hay có bị sứt mẻ gì không? - Ồ! Thưa ông, tượng còn nguyên vẹn cả. Còn đẹp hơn và kỹ nét hơn pho tượng bán thân của vua Lui Philíp bằng thạch cao ngoài phủ một lớp sơn ở Tòa Thị chính. Tuy vậy trông bộ mặt tôi thấy chẳng ưa chút nào. Trông có vẻ ác lắm, và nó ác thật đấy. -Ác à? Nhưng nó đã ác với bác như thế nào kia? -Không phải chính ngay với tôi; nhưng ông xem đây này: chúng tôi phải lấy hết sức bình sinh mới dựng đứng pho tượng lên được, và cả cụ Đơ Pêrơhorát nữa, tuy sức trói gà không chặt, cụ cũng cầm dây kéo, cụ người đạo mạo thế! Chúng tôi vất vả lắm mới dựng pho tượng đứng thẳng lên được. Tôi nhặt một viên ngói để chèn thì ầm một cái thế là pho tượng đổ kềnh xuống đất. Tôi nói, cẩn thận chân kìa! Nhưng chậm quá mất rồi, vì Gian Côn không kịp rút chân ra. -Thế anh ấy bị thương à? -Thương hại cho cái chân anh ấy bị gãy đôi, cứ y như cái cọc chống nho vậy. Rõ tội nghiệp! Thấy thế, tôi điên tiết định lấy cuốc bổ vỡ pho tượng. Nhưng cụ Đơ Pêrơhôrát vội giữ tôi lại. Cụ cho tiền Gian Côn, anh ta bị đã mười lăm hôm nay, ấy thế mà bây giờ hãy còn nằm liệt giường; và bác sĩ nói cái chân ấy không bao giờ còn đi đứng được như chân bên kia nữa đâu. Thật đáng tiếc, anh ta còn là một tay chạy đua giỏi nhất, và sau cậu con cụ chủ, anh ta là người chơi pôm (môn chơi gần giống như tennis)có nhiều mánh lới nhất của chúng tôi đấy. Cậu Anphônxơ Đơ Pêrơhôrát rất buồn về việc này vì Gian Côn chính là người vẫn đánh đôi với cậu ấy. Xem hai người chuyền bóng cho nhau thật sướng mắt. Pách! Pách! Không lúc nào bóng rơi xuống đất. Vừa đi vừa trò chuyện, chúng tôi vào đến Ilơ, và chẳng bao lâu tôi đã được tiếp kiến cụ Đờ Pêrơhorát. Cụ là một ông già người nhỏ nhắn nhưng hãy còn mạnh mẽ nhanh nhẹn, còn đánh phấn, mũi đỏ, có vẻ vui tính và hay bỡn cợt. Trước khi mở xem thư của ông Đơ P…, cụ mời tôi ngồi vào một bàn ăn thịnh soạn, và giới thiệu với vợ và con trai rằng tôi là một nhà khảo cổ nổi tiếng sẽ làm cho xứ Ruxinông này thoát khỏi tình trạng bị lãng quên do sự thờ ơ của các nhà bác học. Tôi ăn bữa cơm rất ngon miệng, vì không có gì làm cho người ta ăn thấy ngon bằng không khí kích thích của miền núi; tôi vừa ăn vừa quan sát gia đình chủ nhân. Tôi đã nói qua về cụ Đơ Pêrơhôrát; tôi cần nói thêm rằng cụ là hiện thân của sự linh lợi hoạt bát. Cụ nói, cụ ăn, cụ đứng dậy, chạy sang phòng đọc sách, mang sách lại cho tôi, chỉ cho tôi xem những bức ấn họa, rót rượu mời tôi uống; không lúc nào cụ ngồi yên đến hai phút. Cụ bà hơi béo quá, như phần lớn phụ nữ Catalan khi đã ngoài bốn mươi, tôi trông có vẻ đặc là một phụ nữ tỉnh nhỏ, chỉ biết lo lắng công việc nội trợ. Tuy bữa ăn tối ít nhất sáu người mới ăn hết, cụ bà cũng còn chạy xuống bếp, sai làm thịt bồ câu, rán bánh ngô, mở không biết bao nhiêu lọ mứt. Chỉ một lát trên bàn chật ních những chai cùng đĩa, và nếu tôi chỉ gọi là nế