nặng hơn tôi nghĩ, nhất là vết thương ở đùi khiến anh gần như không thể trượt tuyết, thỉnh thoảng khe khẽ rên rỉ, hễ dấn bước thì lại đau dữ dội. Sau khoảng mươi phút, chúng tôi đi được chừng trăm mét, ngoảnh lại nhìn, vẫn thấp thoáng thấy căn nhà gỗ. Giản Tự Viễn nói: “Bây giờ biết rồi chứ? Tôi đã làm cô bị khổ lây. Cô cứ đi trước đi.” Tôi chìa cây gậy trượt tuyết cho anh, nói: “Nắm chặt nó, tôi kéo anh đi.” Giản Tự Viễn không đưa tay ra: “Na Lan tội gì phải khổ thế này?” “Để anh ở lại, chúng sẽ phát hiện ra anh ngay đã đành, nhưng gió tuyết cũng đủ khiến anh chết rét.” Tôi vẫn chìa cây gậy ra. “Anh nắm đi, và đạp bằng chân nguyên lành để hỗ trợ tôi. Tốc độ của chúng ta sẽ nhanh hơn nhiều.” Giản Tự Viễn nắm lấy một đầu gậy. Tôi nhún hai chân, bắt đầu một chặng đường gian nan nhất trong đời tôi. Lúc đó tôi không ngờ chặng đường gian nan hơn nữa còn ở phía trước. Tuy nhọc nhằn gian khổ nhưng cách đi này vẫn nhanh hơn lúc trước rất nhiêu. Chẳng mấy chỗ bóng ngôi nhà gỗ đã hoàn toàn biến mất. Chúng tôi len lỏi trong rừng nên ít có khả năng bị ai phát hiện ra. “Bây giờ đi đâu?” Giản Tự Viễn hỏi: “Hình như đường này lạ hoắc?” Tôi nói: “Ta lại đến ngôi nhà nhỏ có hầm ngăn. Nếu đi trên đường núi sẽ rất nguy hiểm, dễ bị chúng đoán biết và phát hiện ra. Ta đi vòng qua rừng sẽ an toàn hơn, sau đó đi lên đường cái.” “Tại sao phải về ngôi nhà ấy? Ở đó không có đồ ăn, không nước uống, và cũng khó phòng vệ.” Cái tính khí ngồ ngộ “thích ra oai khiêu chiến” của Giản Tự Viễn vẫn không thay đổi. Tôi nghĩ ngợi rồi nói: “Cứ đến đó rồi sẽ biết. Tôi nghĩ rằng tôi đã biết nguyên nhân tại sao chúng ta bị truy sát.” “Thử nói nghe xem nào?” Tôi lắc đầu: “Bây giờ chuyên tâm vào mà đi đi, rồi tất cả sẽ sáng tỏ.” Gió tuyết vẫn không có dấu hiệu dịu bớt, bóng tối thì dường như vô tận, khiến chúng tôi đi thật gian nan. Nhưng gió và tuyết có thể xóa đi mọi dấu vết, bóng tối có thể che khuất chúng tôi, thì cũng là điều an ủi. Chỉ lòng tôi thì vẫn không thể nào yên tâm. Cốc Y Dương thế nào rồi? Tôi nhớ “bài học” anh dạy mấy hôm vừa rồi: khi đi trên tuyết không nên dốc toàn lực mà nên bước đi đều đều ổn định, thì sẽ được bền lâu. Lúc này gắng sức kéo Giản Tự Viễn, tôi còn phải chú ý nhịp bước cho đều nữa. Bắp chân tôi từng bị linh miêu cắn, vết thương không sâu nên không đáng ngại, nhưng giờ đây bước chân phải vận sức nên lại thấy đau. Đi chẳng rõ bao lâu, rốt cuộc chúng tôi cũng đến trước ngôi nhà gỗ nhỏ chuyên chứa dụng cụ. Giản Tự Viễn bảo tôi cứ chờ ở ngoài, anh khập khiễng bước lên đẩy cửa, rồi lập tức bật đèn pin, khẩu súng lục áp sát ánh đèn chĩa vào nhà. “Không có ai.” Anh hạ tay xuống, tựa lưng vào cửa thở hổn hển. Tôi đỡ anh bước vào, ngồi xuống sàn. Anh hỏi: “Thế nào, giờ cho tôi biết câu trả lời được chưa?” Tôi nói: “Tôi cũng chịu.” “Cô giỡn tôi à?” “Vì tôi còn phải tìm đã.” Tôi bới trong đám dụng cụ lấy ra cái xẻng. Giản Tự Viễn bám tay tôi, đứng dậy: “Nếu đi thì hai ta cùng đi, tôi ít ra có thể cảnh giới cho cô. Nhưng cô phải giải thích trước đã?” Tôi lần túi áo lấy ra bức ký họa ngôi nhà do Thạch Vi vẽ, và cả chiếc máy ảnh của Giản Tự Viễn nữa. Anh bật đèn pin. Tôi nói: “Tất cả mới chỉ là giả thiết, nếu anh cho là hoang tưởng thì tôi cũng đành. An Hiểu bắt đầu thoát khỏi trạng thái người thực vật, bắt đầu nói được, cô ta có nói một chữ “họa”. Cốc Y Dương tìm thấy bức ký họa của Thạch Vi trong đó có vẽ ngôi nhà đen, nên anh bắt đầu nghi ngờ cái chết của Thạch Vi và An Hiểu có liên quan đến hai ngôi nhà gỗ. Vấn đề là liên quan như thế nào? Ngôi nhà đen đã bị cải tạo thành ngôi nhà gỗ biệt lập mà chúng ta đã thuê, dù có liên quan đến cái chết của hai cô gái thì các đầu mối cũng đã bị xóa sạch. Tại sao Thạch Vi lại vẽ thêm ngôi nhà trắng? Cho nên trọng tâm mà Cốc Y Dương muốn khám phá là ngôi nhà trắng này. Nhưng anh ấy từng nhiều lần vào đây mà không thu được kết quả gì; đêm qua ngồi trong gian hầm, anh ấy đã kể lại với tôi một lượt, nên tôi đã ngẫm nghĩ.” “Cốc Y Dương nói: Thạch Vi và An Hiểu từ hồi học tiểu học đã thích thông tin các “bí mật nho nhỏ” giữa hai người bằng cách vẽ ký họa. Cho nên tôi đoán rằng, liệu bức ký họa này có chứa câu đố nào đó của Thạch Vi không? Câu đố ấy chỉ An Hiểu mới hiểu được. Tôi lại nhớ đến một trò chơi trí lực hồi còn bé: đố nhau so sánh hai bức xe, phát hiện ra những điểm khác nhau của chúng.” Giản Tự Viễn bỗng hiểu ra: “Thì ra, đó là lý do hôm nọ cô bảo tôi chụp ảnh ngôi nhà gỗ này.” “Cảm ơn anh đã hợp tác.” Tôi nói: “Tấm ảnh này rất quan trọng, khi hai anh đang đặt bẫy quanh ngôi nhà, tôi đã tranh thủ so sánh xem chúng khác nhau ở điểm nào.” Giản Tự Viễn nhìn kỹ, nói: “Hình như chẳng có gì khác nhau.” “Thoạt đầu tôi cũng nghĩ thế, bản thân ngôi nhà chẳng có gì khác nhau, có lẽ Thạch Vi chỉ ngẫu hứng vẽ nó, thể hiện sự đối lập giữa ngôi nhà đen và ngôi nhà trắng. Nhưng rồi lại nghĩ, An Hiểu đã nói ra chữ “họa” thì chắc hẳn cô ấy đã hiểu được một điều gì đó từ bức ký họa. Cùng xem một bức vẽ, tại sao kết quả của mỗi người lại khác nhau? Đây cũng là một vấn đề trong tâm lý học: vài người cùng quan sát một sự vật, kết quả quan sát không giống nhau, từ đó nảy sinh quan điểm cũng khác nhau, tại sao?’’ Giản Tự Viễn có lẽ vì vết thương đau nhức nên giọng nói cũng mệt mỏi phều phào: “Các cô học tâm lý học cứ hay vẽ vời tỏ ra bí hiểm, thực ra nó quá đơn giản: vì mỗi người đứng ở góc độ khác nhau để nhìn vấn đề, thế thôi.” “Chính xác, về sau tôi đã nghĩ ra: các ngôi nhà thì vẫn thế, mà là tại tôi đã nhìn nhầm bức vẽ. So sánh bức vẽ và ảnh chụp cũng thấy nhà cửa vẫn như vậy, và điểm khác biệt nằm ở khung cảnh quanh nó. Cũng tức là do góc nhìn khác nhau. Tôi bèn nhìn thật kỹ, nhận ra một chi tiết thú vị.” Tôi chỉ tay vào tấm ảnh trên màn hình máy ảnh. “Anh xem phía sau ngôi nhà nhỏ có mấy cái cây?” Giản Tự Viễn nói: “Hai cái cây.” “Còn ở bức ký họa này, phía xa đằng sau ngôi nhà trắng, hình vẽ nhỏ nhưng rất chi tiết, có mấy cái cây?” “Ba.” Nét uể oải trong giọng nói của Giản Tự Viễn hình như tạm thời biến mất. “Thế thì, hoặc là Thạch Vi tiện tay vẽ bữa, hoặc là cố ý vẽ thêm vào. Nếu nghĩ theo hướng này thì cái cây thêm vào bức họa có thể là vị trí chứa đựng một bí mật nào đó. “Cái cây” là bí mật.” “Bây giờ ta có thể đi tìm câu trả lời.” Tôi cất bức vẽ, trả lại Giản Tự Viễn cái máy ảnh, rồi đỡ anh ra ngoài ngôi nhà. Giản Tự Viễn dùng ống ngắm máy ảnh quan sát xung quanh. “Tạm thời chưa thấy dấu hiệu của bọn truy binh.” Tôi nói: “Sớm muộn gì chúng cũng tìm đến. Chúng ta phải làm cho nhanh lên.” Phía sau ngôi nhà này có hai cây thông lớn vừa phải, cách nhau hơn chục mét. Giản Tự Viễn nói: