4
Mặt dày nói: “Có mở nắp quan tài cũng chưa chắc đã biết, cậu còn mong người chết trong quan tài mở miệng nói cho cậu biết chắc?”
Điền Mộ Thanh nói: “Các anh đừng động vào chiếc quan tài trong đại điện, tôi sợ là sẽ có chuyện.”
Tôi hiểu ý cô ấy, nhưng không mở quan tài xem cho rõ ràng thì ác mộng trong bức bích họa mộ cổ thời Liêu sẽ mãi vẫn còn ám ảnh tôi, sớm muộn gì cũng bị nó hành hạ cho tới chết. Có điều, tôi không muốn liên lụy đến người khác, trong chính điện ẩm thấp đến nghẹt thở, xem địa thế thì dường như ở dưới đáy hồ, không chừng có thể thông ra các ngọn núi xung quanh. Tôi nói Điếu bát và mọi người đi tìm đường ra, một mình tôi ở lại.
Điếu bát lên tiếng: “Huynh đệ đừng nói những lời này, bình thường anh hay nhát gan, nhưng đó là chưa gặp chuyện, gặp chuyện rồi quyết không lùi bước.”
Mặt dày cũng nói: “Tôi không nói nhiều, cùng lắm là chết chung với cậu.”
Tôi nói: “Có câu này của các anh thì tôi cũng không phải nói nhiều nữa, chúng ta hiểu trong lòng là được.”
Mặt dày nói: “Đúng thế, không cần phải nói gì hết, chúng ta lặn lội tới đây chẳng phải là để đào mộ lấy bảo vật sao? Đồ trong quan tài ở gian chính điện này chắc chắn còn giá trị hơn cả vương miện Lộc thủ bộ dao quan, chúng ta cùng mở quan tài thôi.”
Điền Mộ Thanh đứng bên cạnh nghe chúng tôi nói vậy vội can ngăn, nhưng chẳng ai chịu nghe, mọi người cùng tiến về chỗ chiếc quan tài.
Mặc dù nói rằng người sợ ma ba phần thì ma sợ người bảy phần. Nhưng mộ cổ trong núi Hùng Nhĩ này rất quái dị, không ai dám hành sự lỗ mãng. Ánh đèn đuốc chiếu tới chỗ quan tài này thì không còn rõ ràng nữa, chúng tôi phải bật đèn pin lên hỗ trợ mới nhìn thấy chi tiết cụ thể trên quan tài. Các họa tiết trên quan tài phân thành hai màu đen và đỏ, có mấy vòng xích bằng đồng quấn bên ngoài quan tài. Chiếc quan tài được đặt trên lưng bức tượng đá mặt người mình hổ, có mấy chiếc vòng đồng gắn chặt lấy chuỗi dây xích.
Quan tài có từ rất xa xưa, đầu tiên được làm bằng gỗ. Nhưng vì làm bằng gỗ nên dễ bị mục nát, bởi vậy không ai nhìn thấy quan tài thời Tây Chu được làm như thế nào, quan tài bằng đá thì rất ít, có thể nói nghìn năm mới gặp được một lần. Dân đào trộm mộ thời trước có truyền nhau có người cũng đào được một mộ thời trước Tây Chu, quan tài cổ là gốm sứ nung, hình dạng giống chiếc vại lớn, bên trên có họa tiết hình cá. Tới thời Hán, Đường, quan tài được làm bằng gỗ hoặc ngọc, nhưng cũng rất ít gặp.
Điếu bát chặc lưỡi nói: “Vừa đen lại to thù lù thế này, có phải là gỗ chò không nhỉ?”
Tôi nói: “Tôi thấy giống như gỗ chò chỉ vàng, nhiều lăng tẩm hoàng thất cũng không có quan tài làm bằng loại gỗ này, riêng cỗ quan tài này thôi cũng là bảo vật vô giá rồi!”
Mặt dày cầm cuốc chim đang định mở nắp quan tài, nghe nói vậy thì chen ngang: “Gỗ chò tôi cũng nhìn thấy rồi, đây chẳng qua cũng chỉ là cỗ quan tài làm bằng gỗ thôi mà, chỉ có điều nó quá to so với bình thường, sao có thể là báu vật vô giá được, nó còn có giá hơn chiếc vương miện Lộc thủ bộ dao quan à?”
Điếu bát nói: “Cậu không biết đấy thôi, vạn lạng vàng cũng không bằng một tấm gỗ mun này đâu. Gỗ mun là chuyên chỉ gỗ chò chỉ vàng, không đơn giản đâu. Thực ra gỗ mun và gỗ chò đều không phải là loại gỗ hiếm, nhưng chò chỉ vàng thì lại khác. Nó còn có tên gọi là Âm Sa, trong ngạn ngữ dân gian có câu: “Âm Sa tòng lai thế gian hy, cảm hòa châu ngọc đẩu kinh kỳ”, phải là những cây mọc trong rừng sâu núi thẳm hàng tỉ năm, thân cao trăm mét, mấy chục người ôm không xuể. Loại chò này đã tuyệt chủng từ lâu, bị chôn vùi dưới đất lâu năm hóa thạch thành loại gỗ màu đen. Những loại gỗ này trông bề ngoài đen đủi xấu xí nhưng bên trong có những hoa văn màu ánh vàng, cứng như thép, không sợ nước cũng không sợ lửa, không loại côn trùng mối mọt nào gặm nhấm được. Có người đã từng thử để một miếng thịt vào trong gỗ chò chỉ vàng này, mấy năm sau lấy ra vẫn còn tươi nguyên như ngày đầu. Quan tài của vua Càn Long chính là được làm từ loại gỗ này, nhưng cũng không to bằng cỗ quan tài này, tiếc là không thể mang nó đi được.”
Mặt dày nói: “Nếu không mang đi được thì cũng đừng tiếc nữa, mở quan tài ra xem bên trong có gì.”
Điền Mộ Thanh nói: “Hóa ra phải mất hàng nghìn năm mới hình thành được loại gỗ mun này, con người sống được có mấy chục năm thì không nên phá hỏng báu vật vô giá này.”
Mặt dày nói: “Ôi giời! Cô giáo Điền thật là giác ngộ cao quá, làm tôi không dám nhìn thẳng vào mắt cô nữa.”
Tôi nói: “Nếu chúng ta đục thủng chiếc quan tài bằng gỗ chò chỉ vàng này thì cũng không tốt, tôi thấy chiếc quan tài này không bị đóng đinh mà chỉ lấy dây xích chằng xung quanh, chặt đứt đám dây xích kia là có thể mở quan tài được rồi.”
Mặt dày nóng ruột muốn xem bên trong có báu vật gì, mới nghe vậy đã cầm cuốc chim chặt đứt vòng xích bằng đồng. Vòng đồng to bằng cổ tay trẻ con, được cố định hai đầu nơi đế kê của bức tượng mặt người mình hổ, cho dù anh ta có sức mạnh tới đâu thì cũng phải mất một lúc lâu sau mới chặt đứt được một cái.
Chúng tôi chỉ có một chiếc cuốc chim, muốn giúp anh ta cũng không được, đành đứng bên cạnh soi sáng cho anh ta. Lúc này, tôi chú ý thấy trên đỉnh nắp quan tài có những họa tiết hoa văn nổi, soi đèn pin lại gần thấy đó là hình một vị thần nhiều đầu nhiều tay rất kỳ lạ. Mỗi cái đầu đều đeo mặt nạ, mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt.
Điếu bát cũng chăm chú nhìn hình khắc đó, còn lấy tay sờ lên đầu lên mặt của bức tượng, đột nhiên hỏi tôi trong địa cung có bao nhiêu bức tượng trấn điện.
Tôi đoán anh ta chắc là nghĩ tới điều gì đó, nhưng tôi cũng chẳng để ý có bao nhiêu bức tượng trấn điện, liền quay lại đếm, đúng hai mươi tư bức. Hình khắc trên nắp quan tài cũng có đúng hai mươi tư đầu, vậy nghĩa là gì?
Điếu bát thì thầm như kiểu sợ người nằm trong quan tài nghe thấy: “Tôi biết người được chôn trong địa cung này là ai rồi.”
5
Tôi và Điền Mộ Thanh đều nhìn sang Điếu bát chờ anh ta nói tiếp xem rốt cuộc người nằm trong cỗ quan tài kia là ai?
Điếu bát nói: “Trước đó sao mình không nghĩ ra nhỉ, người được chôn trong núi Hùng Nhĩ chính là Na Vương.”
Tôi hỏi lại: “Địa cung phân thành ba tầng thượng trung hạ, quan tài làm bằng gỗ chò chỉ vàng, bên trong lại có nhiều tượng trấn điện đầu vàng, tôi cũng đoán là mộ của vương hầu nhưng không biết là còn có Na vương, đó là vương hầu của triều đại nào vậy? Anh được nghe về Na vương từ đâu thế?”
Điếu bát nói: “Mới đầu anh cũng mờ mịt như cậu thôi, tới lúc nhìn thấy hình khắc kỳ dị trên nắp quan tài, mỗi chiếc đầu đều đeo mặt nạ, rồi liên tưởng tới những bức tượng đầu vàng thì anh mới nghĩ tới hai năm trước trong một lần đi Giang Tây mua hàng, anh cũng nhìn thấy mấy chiếc mặt nạ bằng vỏ cây. Hỏi người tron