Chúng tôi thở gấp, tìm đập thình thịch, quay đầu định thần nhìn lại, hóa ra là Mặt dày và Điền Mộ Thanh đã đào được đám đất đá kia ra. Họ nhìn thấy tên eo rắn nằm chết sóng soài, đầu một nơi, thân một nơi, xác chết nữ kia thì mất một bên đầu, chiếc vương miện vàng “Lộc thủ bộ dao quan” đã hỏng, hai người vừa sợ vừa thấy khó hiểu.
Điền Mộ Thanh hỏi rõ tình hình, cầm chiếc vương miện dưới đất lên xem rồi nói: “Nghe các cụ kể lại, con người sau khi chết thì hồn về trời, phách về với đất. Âm linh trong cương thi có thể là phách của người chết.”
Điếu bát hỏi Điền Mộ Thanh: “Phách? Cô cũng tin cái này à?”
Điền Mộ Thanh không nói là có tin hay không, cô chỉ nói: “Những chuyện kỳ lạ trên đời không ít, ếch ngồi đáy giếng thì chỉ nhìn thấy một khoảng trời nhỏ, phải lên tới đỉnh núi mới nhìn xa thấy rộng được.”
Điếu bát nói với tôi và lão Mặt dày: “Các cậu nghe xem, người ta nói có lý không, thế nào được gọi là nhả ngọc phun châu? Đây chính là nhả ngọc phun châu đấy.”
Tôi lại cho rằng Điền Mộ Thanh đang chê bọn tôi là ếch ngồi đáy giếng nên bực bội trong lòng, nói: “Khâm phục thật! Cô giáo Điền Mộ Thanh nói chữ nào cũng quý như ngọc, chúng tôi cũng chỉ biết được vài mặt chữ, làm sao mà so sánh với cô được.”
Điếu bát nói lại: “Huynh đệ, không phải anh nói cậu đâu, bình thường cậu đã không học được cách khiêm tốn, nghe thấy lời đúng lời hay cậu không nói đế thêm vài câu là cậu không chịu được sao. Người ta đây không phải ám chỉ cậu.”
Mặt dày từ trước tới giờ vốn không quan tâm tới những chuyện chữ nghĩa, anh ta nói: “Thôi thôi, mấy người có học nói xong mấy lời có học rồi thì tới lượt người thô lỗ như tôi nói được rồi chứ. Tôi thấy tên eo rắn này chết thì cũng đáng rồi, nhưng chiếc vương miện kia chẳng có tội tình gì, đó là một vật báu vô tiền khoáng hậu. Nó vốn chẳng gây sự với ai, thế mà lại bị thằng cha này bắn cho nát hết cả, nhưng dù sao có vẫn còn hơn không, dù gì thì nó cũng là bằng vàng, lấy về chắc cũng đổi được ít tiền…”, nói rồi anh ta lấy lại chiếc vương miện từ trên tay Điền Mộ Thanh và cả chiếc đai ngọc trên xác chết nữ đều cho hết vào trong chiếc túi da rắn rồi cất vào ba lô của anh ta.
Cả bọn đều biết nơi đây không thể ở lâu, đại điện có cỗ quan tài bằng gỗ mun có thể chỉ là phần tiền điện, khi sàn nhà bị nổ để lộ ra một đường hầm, phía dưới cũng là hầm mộ, các điện thờ được phân chia theo địa thế của hang động và theo quy cách thường gặp, đó là tiền, trung và hậu điện. Trong địa cung này vẫn có không khí lưu thông chứng tỏ nơi đây thông với bên ngoài. Nhưng đoạn đường hầm này không dài lắm, bốn người chúng tôi đi khoảng mười bước thì thấy ba chiếc cửa vòm bằng đất, chiếc chính giữa to, hai bên nhỏ, phía trong là mấy cái hầm dài dựng đứng, sâu hoắm, nhìn lên trên không thấy đỉnh nhìn xuống dưới không thấy đáy.
Điếu bát tặc lưỡi nói: “Ghê thật! Cả cái hầm rộng thế này, không lẽ là giếng âm dương? Mọi người không biết đấy thôi, tương truyền thời Tần Thủy Hoàng còn đang tại vị, nghe nói địa thế núi Dự Tây giống như hình con rồng đang phủ phục, ông ta lo ngại trung nguyên sẽ xuất hiện hoàng đế mới nên lệnh cho quân lính đào một cái hang lớn trong núi để tuyệt long khí, không ngờ chiếc hang đó đào quá sâu, cuối cùng thông xuống tận dòng sông ngầm, nên sau đó mọi người gọi nó là giếng âm dương, lúc đó có người thử thả một con vịt xuống dưới giếng, ba ngày sau, con vịt đó đã bơi được ra sông Hoàng Hà.”
CHƯƠNG 15 – QUAN NGỌC TƯỢNG VÀNG
1
Phía cuối đường hầm là một cái hố rất sâu, bốn phía đều là đất nện, đường kính khoảng hơn mười mét, độ rộng trên dưới bằng nhau giống như một hố giếng vậy. Chỗ bậc thang sát bên thành hố để đi xuống bên dưới đã bị hỏng, chỉ còn lại những mô đất nhô ra bên ngoài.
Điếu bát nói: “Có thể Tần Thủy Hoàng đã đào xuyên vào long mạch của giếng âm dương, thả vịt xuống giếng, chỉ vài hôm là nó bơi ra sông Hoàng Hà được.”
Tôi nói: “Đó chỉ là những lời đồn không có căn cứ, làm sao biết được có phải cùng một con vịt hay không? Chúng ta đều cảm nhận được chiếc hố này rất lớn, rất sâu, nhưng vì xung quanh quá tối, tầm nhìn chỉ vài mét, xa hơn nữa thì không nhìn thấy gì, chẳng khác nào “thầy bói xem voi”, nhưng phía tường còn dấu vết của bậc thang, chứng tỏ bên dưới thông tới một nơi nào đó.”
Mặt dày sờ lên chỗ tường đất, nói: “Mẹ nó cứng thật, chẳng cạy được tí đất nào, cứ như đá chứ không phải là đất.”
Tôi nói: “Hình như là đất nện chuyên dùng cho mộ cổ, loại đất này càng để lâu càng cứng, hoàn toàn không lo bị ảnh hưởng thời tiết, dùng xẻng đào cũng không được, chúng cứng như đá, cũng không sợ ngấm nước.”
Điếu bát xem xét một lúc, gật đầu nói: “Không sai, đúng là đất nện hỗn hợp, loại đất mà một bát thịt đổi lấy một bát đất đấy.”
Mặt dày hỏi lại: “Dùng thịt để đổi đất? Thế thì chẳng thà ăn thịt luôn cho xong, một hố đất rộng thế này thì bao nhiêu thịt cho vừa?”
Điếu bát nói: “Ai bảo là dùng thịt để làm đất nện hỗn hợp đâu. Ý anh là một bát đất này có giá trị như một bát thịt, làm loại đất này không dễ dàng như cậu tưởng đâu.”
Mặt dày vẫn còn nghi ngờ: “Đất thì ở đâu chẳng có, muốn đào bao nhiêu chẳng được, có gì khó đâu.”
Điếu bát giải thích: “Cậu thử nghĩ xem, nếu đào đại bát đất nào đó đều có thể đổi một bát thịt ăn thì tại sao người xưa lại phải khởi nghĩa? Tôi nói để cho cậu biết, để làm được đất nện hỗn hợp là rất khó, phải chọn loại đất sét vàng thuần khiết không có tạp chất, trộn với cát mịn, bùn dưới ruộng sâu, đất tường của những ngôi nhà có niên đại lâu năm với một công thức bí truyền, phải trộn đi trộn lại cho thật đều, thật nhuyễn, nếu không đất có thể sẽ rất cứng, nhưng gặp lúc thời tiết nóng ẩm hoặc trời lạnh thì vẫn bị rạn nứt. Vì vậy tuyệt không được ăn bớt nguyên liệu. Giờ cậu còn nói làm đất nện hỗn hợp dễ nữa không? Thế vẫn còn chưa xong đâu, còn phải thêm lòng trắng trứng đã đánh tơi, nước cơm nếp, những người mê tín thậm chí còn dùng máu của trẻ con, nên đất nện hỗn hợp để càng lâu năm càng cứng. Tôi nói dùng một bát thịt đổi một bát đất là còn rẻ đấy.”
Mặt dày nói: “Cũng cầu kỳ đấy nhỉ, nhưng người xưa bày vẽ như vậy không thấy mệt à?”
Điếu bát