ột kẻ không thù không oán với mình. Nhưng bất quá đó cũng chỉ là thứ quỉ thứ ma, chẳng phải tiên thánh gì đó. Mình đã lỡ nhận quà biếu và hai nén vàng của ông Hương sư Chiêm rồi, không lẽ trả lại. gày mai mình tới nhà ông hương sư Chiêm, kèo nái ổng đưa thêm sáu lượng nữa. Nếu ổng thuận thì mình cho đào qua phần đất Xã Miễn. Nghĩ vậy cậu an lòng ngủ tiếp. Sáng hôm sau, cậu Hai Luyện sai bạn chèo ghe trương buồm đưa mình về chợ tỉnh. Ông Bang biện Hưỡn tuy nói được nhưng giọng ú ớ, cổ họng như bị trám nghẹt, cho nên khi nói ông phải gồng cổ hét lớn, vậy mà tiếng nói cũng không vang lộng được bao nhiêu. Ông vẫn nằm trong lòng ghế bành có thành dựa kê chiếc gối, mặt ông mệt mỏi, mắt ông trõm lơ. Bà Bang biện Hưỡn vừa thấy mặt cậu trưởng nam, quở: – Con dựa vô chuyện nhà nước, đi hoang đàng chi địa suốt cả tháng nay, giờ mới mò về nhà. Tía con giờ thành phế nhân rồi, việc nhà con không chịu coi sóc thì bỏ cho ai đây? Nhà mình có tiền có ruộng, nếu con chăm chỉ mần ăn thì có thể sống dư dả ngỏa nguê suốt đời. Má chỉ muốn con từ chức để ở nhà hú hí với tía má và trông coi mọi việc trong ngoài. Con lớn rồi, cứ chạy theo mấy con lành thuộc phường hạ lưu hạ tiện thì còn non nước gì? Hôm đó cô Ba Cẩm Tú từ bến Xầu Lộ qua chi. Trời mưa sùi sụt. Khu vườn chung quanh ướt loi ngoi lóp ngóp. Hàng chuối bên hông nhà đâm ra nhiều chồi chuối con. Mấy bụi tre mạnh tông ở cuối vườn, mụt măng trỉ tua tủa. Cô Ba Cẩm Tú nhìn hàng câu đu đủ trồng trên vồng đất cao gần sát hàng rào tre, nói: – Mưa hoài mưa hủy, không khéo mấy cây đu đủ úng thủy thúi gốc à coi. – Cậu Hai Luyện bảo mẹ: – Con về đây trước là thăm bệnh tình tía con, sau nữa là để nhờ thầy Mười Khói tìm thầy ếm trấn mấy vong hồn đất đai trước khi cho đào kinh. Má biết đó, hễ mình đào mương, đào ao, đào kinh là thế nào cũng phạm tới mạch thổ địa, mạch sấu, mạch kỳ đà nằm trong đất. Bởi vậy con phải nhờ thầy pháp ếm trấn trước cho chắc ăn. Bà Bang khen ngợi: – Con cẩn thận như vậy là tốt. Má đợ con về đây cũng là để bàn việc đó. Con nói ra má mới yên bụng. Để má lo việc nầy cho. Bà sai con Lý giết con gà mái dầu làm thịt để dọn cơm, sai con Lài pha trà, pha cà phê và dọn mâm bánh nếp nhưn thịt để ba mẹ con bà điểm tâm. Sau đó, cậu Hai Luyện xin phép mẹ ra chợ mua sắm. Đợi thằng con trai đi ra tới ngõ, bà Bang biện Hữn mới cằn nhằn cô Ba Cẩm Tú: – Tao nghe đồn lúc rày vợ chồng mầy tới thứ bãy nào cũng đắt nhau vô dinh quan Chánh tham biện để nhảy đầm. Cô Ba Cẩm Tú cười mơn: – Con đi với ảnh, chớ có đi mình ên đâu mà má lo! Nếu ảnh không rủ rê thì con đời nào dám vô mấy chỗ đó. Ba Bang biện nguýt: – Tao còn nghe mày ưa lui tới con mèo quan Chánh tham biện là con Ba Thuận và con mèo của quan Cò mi là con Năm Định nữa. Trời ôi, thấy mặt hai con chơi bời đó tao muốn thượng thổ hạ tả rồi chớ huống hố nói năng giao thiệp vời tụi nó! Nghe nói quan Chánh tham biện và quan Cò mi thân nhau, mượn vợ đổi vợ với nhau hà rầm. Chồng mầy mà bày đặt giao thiệp với hạng Phiên tặc Phiên tướng đó, có ngày nhiễm thói hư tật xấu của họ à coi. Cô Ba Cẩm Tú cười hăng hắc: – Má thiệt! Chồng con có sạn trong đầu có sỏi trong óc, đời nào ảnh làm chuyện dại dột như vậy! Má cứ lo bao đồng nên má hao tâm tổn trí, ăn ngủ không ngon là vây đó. Bà ngó chăm bẳm con gái: – Thời buồi nây đờn bà thiệt khó hiểu! Không chịu lấy chồng cùng gióng họ, dám cặp xách với tụi ngoại bang dị chủng. Như quan Chánh tham biện kia râu rìa, mắt ốc bươu, miệng cá chẽm, mũi mỏ két, lưng lớn như tấm đi- quăng, tướng tá ô dề cục nịch, vậy mà có đứa nhà vô lấy cho được! Chắc là nó mê tiền tham dâm chớ gì? Cô Ba Cẩm Tú đỏ mặt ú ớ toan nói điều gì nhưng lại thôi. Bà Bang biện Hữn sai thằng Xiêm, thằng Đực đi đòi nợ. Thằng Xiêm ra Cầu Dài, đến nhà chị Tám Thiệt; còn thằng Đực thì quẹo qua dãy phố Khương Hữu Phụng để tới nhà thím Bảy Định. Bà nói vói: – Bây dặn cái quân trây nợ đó, tháng nầy mà tụi nó không trả lời trả vốn cho tao là tao cào nóc nhà, đạp nàm thờ tụi nó đó! Bà kêu Bửu lại dặn: – Mầy đến nhà thầy Mười Khói, nói với thẩy tối nay tới đây có việc cần. Đi xong rồi về liền để giã cho tao hai cối gạo, đừng có đi một chút lút một ngày mà chết với tao. Bỗng có người phát thơ đến ngoài cổng, gọi ơi ới. Cô Ba Cẩm Tú lật đật chạy ra. Người phát thơ chìa bức thơ ra: – Thưa cô Ba, đây là thơ từ Sài gòn về. Cô Ba Cẩm Tú nói “cám ơn” rồi bắt lỗi liền: – Chú Năm à, sao chú thưa thớt vậy? Giờ tui là vợ ông quan thầy thuốc rồi, chớ có còn son giá gì nữa đâu mà chú kêu tôi bằng cô Ba hoài vậy? Cô nguýt dài rồi ngoe ngoảy vào nhà, bảo mẹ: – Có thơ con Tư gửi về. Bà Bang biện Hưỡn bảo: – Con đọc á nghe đi. Không chừng nó đập bầu rồi viết thơ báo tin chớ gì! Cô Ba Cẩm Tú xé phong bì, moi thơ ra đọc: Sài gòn, ngày… Kính thưa tía má, Trước hết con xin vấn an tía có bớt bịnh hay không? Còn má có được xuôi chèo mát mái trong việc làm ăn sanh lợi hay không? Tới nay con cũng chưa đạp bầu. Không chừng con mắc chứng chửa trâu, nên con có đến nhà lũ bạn xin mỗi đứa một nhúm gạo về nấu cháo ăn au đẻ. Hễ con đập bầu xong thì con sẽ nhờ chồng đánh gây thép về cho tía má mừng. Sở dĩ con biên thơ này cốt là báo cho tía má rõ: thằng chồng khốn nạn của con lóng rày ưa chà lết ở nhà tía má vợ trước của nó. Con cho người dò la biết rằng, em con nhà chú của mụ Tư Thục là con Hai Tố Trinh mấy tháng nay từ Cái Răng lên nhà hai bác nó là ông bà Huyện Tịnh ở trọ để học làm bánh và thêu đan. Nghe đâu con nọ đã có bằng thành chung, lại có bóng sắc. Đằng ông bà Huyện Tịnh muốn câu thằng chồng oan gia của con nên bắt con nọ nhởn nha quần hàng áo lụa, tô son trét phấn để chưng bươm bướm trước mặt thằng chồng trâu tria rắn rít của con. Giờ đây con mang bầu, vóc mình lệch lạc, sắc mặt chao vao, tướng đi ột ệt, chuyện vợ chồng chẳng những không nồng mặn như xưa mà thằng khốn khiếp đó còn sanh sự với con luôn. Thế nào mà bà Huyện Tịnh chẳng nói vô nói ra. Chưa hết đâu! Hễ má chồng con có dịp về Sài gòn là ở miết bên bà Huyện Tịnh, tình nghĩa đôi bên ra vẻ mặn nồng lắm. Bấy lâu nay, cái bà mẹ chồng ó đâm đó đời nào chịu xuống Vĩnh Long thăm tía má? Càng nghĩ chừng nào, con càng buồn tủi, càng run sợ chừng nấy. Biết đâu họ đang toa rập nhau hất con ra? Bấy lâu nay con muốn theo lẽ thường: đờn bà hễ sanh con đầu lòng thì phải về nhà cha mẹ ruột. Song con cứ nơm nớp lo sợ hễ con mà rời nhà rồi thì khó mà bồng con trở về lắm. Vậy má có kế chi giúp con với. Giờ đây con bồi rồi, không biết tính toán lo liệu ra sao! Cuối thơ con chúc tía má, anh Hai, chị Ba, anh Ba được an khương. Kính thư Tư Cẩm Lệ Cô Ba Cẩm Tú sượng trân khi nghe mẹ mình xóc xỉa bon Tây tà. Thiệt ra cô không ngoại tình tư ước với quan Chánh tham biện Jean Delarue. Cô hiện đang dan díu với tên Thierre Lemur, chủ đè bô rượu Tây, nước ngọt, la- de, nước đá trong tỉnh. Qua vài lần gặp gỡ và nhảy nhót với hắn nơi các buổi dạ hội trong dinh quan Chánh tham biện, cô bị tên Pháp kiều nầy dụ dỗ vào con đường quấy. Lúc đầu cô chê hắn là thứ ngoại bang dị chủng, tròng mắ