Từng bông từng bông tuyết lả tả trút xuống, càng lúc càng to, ngàn vạn gốc đào trên Ngọc sơn cũng theo nhau tàn lụi.
Cùng với điệu múa của Vương Mẫu, dung nhan bà cũng từ từ già đi, đám cung nữ ré lên kinh hãi: “Vương Mẫu, Người, mặt của Người!” Vương Mẫu chỉ dịu dàng cười, mặc cho những nếp nhăn lờ mờ lan ra từ khóe miệng, dần dà phủ đầy cả gương mặt.
Tuyết càng rơi càng lớn, cả Ngọc sơn bị băng tuyết bao phủ, nhuộm một màu trắng xóa.
Núi biếc chưa già, lại vì chàng mà bạc cả mái đầu.
Lúc chính ngọ là thời điểm Triêu Vân điện tràn ngập dương quang, Luy Tổ cũng rất thích ngồi bên song dệt vải dưới ánh nắng vàng rực rỡ.
Đột nhiên Luy Tổ vô tình ngẩng lên, trông thấy một cánh chim đỏ rực bay ngang trời rồi chấp chới khuất sau rừng dâu, sắc mặt bỗng tái nhợt, bà quăng thoi xuống chạy ra khỏi Triêu Vân điện.
Con chim đỏ rực đậu xuống cành dâu, véo von cất giọng hót với bà.
Luy Tổ lắng nghe, chợt mỉm cười!
Hơn ba ngàn năm trước, lúc bà dứt áo ra đi, bọn họ đã ngồi trên sườn núi xanh ngắt cỏ non hát khúc ca này đây.
Hoàng hôn hôm ấy đẹp đẽ vô ngần, khúc nhạc của Thạch Niên trầm bổng du dương nhường ấy, điệu múa của A Mi cũng say đắm lòng người như vậy, chỉ có bà là hát qua quýt cho xong, bởi trong lòng còn mải nghĩ đến gã thiếu niên anh tuấn hào sảng dưới Hiên Viên sơn.
Bà bất ngờ hạ quyết tâm đi tìm gã thiếu niên đó, bởi thế Thạch Niên chưa kịp thổi hết khúc nhạc đó, A Mi cũng chưa múa xong điệu múa đó.
Bà đâu có ngờ, khúc nhạc ấy phải hơn ba ngàn năm sau mới thổi hết.
Nếu năm đó bà biết rằng dù sinh mệnh có dài đằng đẵng, dù trong đời còn vô vàn buổi chiều tà, cũng không thể tìm lại được một chiều hoàng hôn mỹ lệ dịu dàng soi sáng cho ba người bọn họ như thế nữa, có lẽ bà đã chẳng nôn nóng bỏ đi như vậy mà sẽ trân trọng nâng niu từng khoảnh khắc, dẫu rằng chia tay là tất yếu, bà cũng muốn tha thiết hát cho hết khúc ca ấy dưới ánh hoàng hôn.
Chim gỗ hót hết khúc nhạc liền tan thành tro bụi, như thông báo rằng Viêm Đế, người chế tạo ra nó, đã vĩnh viễn khuất bóng trên thế giới này.
“Muội xin lỗi!”
Luy Tổ cố nén nhưng đau thương đã trào ra khóe mắt, hóa thành hai hàng lệ lã chã rơi, khóc cho một niềm ân hận đã ba ngàn năm chưa nguôi ngoai.
Dù xin lỗi cả trăm ngàn lần, cũng có được gì đâu? Trong đời bà sẽ vĩnh viễn chẳng thể tìm lại buổi hoàng hôn mỹ lệ, dịu dàng chiếu sáng cho ba người bọn họ như thế nữa.
Bảy ngày sau, Thần Nông quốc tuyên bố Viêm Đế đời thứ bảy đã qua đời. Tin này lập tức lan truyền khắp thiên hạ, ngũ hồ tứ hải, lục hợp bát hoang, ai nấy đều đau xót. Vương tử Du Võng kế vị, trở thành Viêm Đế đời thứ tám, đồng thời tuyên đọc di chiếu của Viêm Đế đời trước, phong cho Xi Vưu làm Đốc Quốc Đại tướng quân, nắm giữ tất cả binh mã Thần Nông quốc.
Mười ngày sau, hai tộc Cao Tân và Hiên Viên đồng thời tuyên bố đã chọn được một ngày thành hôn, Cao Tân Thiếu Hạo sẽ cưới Hiên Viên Bạt trong một ngày gần đây, hai đại Thần tộc chính thức kết mối liên minh, cả đại hoang đều khấp khởi mong đợi một hôn lễ long trọng chưa từng thấy suốt ngàn năm nay.
Q.1 – Chương 12: Đa Tình Chỉ Chuốc Lấy Hao Mòn[1'>
[1'> Trích trong bài từ theo điệu Ngu mỹ nhân của Nạp Lan Tinh Đức, nhan đề Chiều thu tản bộ. (ND)
Thiếu Hạo miên man nghĩ ngợi rồi bất chợt phá lên cười. Y không cần vợ mà cần ngôi báu, người phụ nữ đứng bên ngôi báu cũng chẳng thể là vợ, bởi ngôi báu quá nhỏ hẹp, không chứa nổi hai người sánh vai đứng cạnh nhau.
Mồng năm tháng Năm là tết Tháng Năm của Cao Tân, cũng là ngày đại cát để thành hôn. Hôn lễ của Cao Tân Thiếu Hạo và Hiên Viên Bạt được cử hành vào hôm đó.
Trăm họ Hiên Viên đều thích tài hoa, trọng anh hùng, Cao Tân Thiếu Hạo là nam nhi xuất chúng nhất trong thiên hạ, là tấm chồng hoàn mỹ mà thiếu nữ nào cũng tha thiết ước mong, thấy vương cơ duy nhất của mình được gả cho Thiếu Hạo, bọn họ hết sức vui mừng. Muôn dân Cao Tân lại ưa huyết thống, trọng dòng dõi, Hiên Viên Bạt là con gái Chính phi Luy Tổ của Hoàng Đế, tuy huyết thống của Hiên Viên Hoàng Đế hơi kém nhưng Luy Tổ xuất thân từ nhà Tây Lăng danh gia vọng tộc, mang huyết thống tôn quý, trong tộc từng có một vị Viêm Hậu nên Hiên Viên Bạt gả cho Đại vương tử của họ cũng xứng đôi.
Tuy phong tục mỗi nơi mỗi khác nhưng chẳng nghi ngờ gì nữa, cả hai bên đều rất vừa lòng với cuộc hôn nhân này. Hôn sự của Cao Tân Thiếu Hạo và Hiên Viên Bạt đã trở thành việc mừng của mọi nhà. Từ sau khi rời khỏi Hiên Viên sơn, đoàn đưa dâu của Hiên Viên đi tới đâu cũng được dân chúng nhiệt tình đón mừng và chúc phúc.
Xương Ý gõ gõ vào xe loan, phấn chấn khoe với Hiên Viên Bạt ngồi trong: “Muội thấy chưa? Đi đến đâu cũng được người ta múa hát chúc mừng!”
Hiên Viên Bạt ngồi ngay ngắn trong xe khẽ đáp: “Vâng, muội nghe thấy cả.”
Xương Ý nói: “Trước mặt là sông Tương, đoàn rước dâu của Thiếu Hạo đang chờ ở bờ bên kia, theo nghi thức ta chỉ có thể đưa muội đến bờ sông mà thôi, hay là nghỉ lại đây một lát?”
“Vâng.”
Xương Ý tựa vào thành xe khẽ nói: “Rõ ràng ta nên vui mới phải, nhưng ta lại vừa vui vừa buồn, chỉ mong vĩnh viễn đừng đi tới sông Tương.”
Hiên Viên Bạt cũng tựa đầu vào thành xe, như thể đang dựa vào Tứ ca: “Huynh đừng lo, Thiếu Hạo là bạn thân của Đại ca, nhất định sẽ đối tốt với muội, vả lại muội gả tới Cao Tân, huynh vẫn có thể tới thăm kia mà.”
Xương Ý cười: “Ừ, ta cũng nghĩ thế đấy. Nhược Thủy, đất phong của ta rất gần Cao Tân mà.”
Hiên Viên Bạt lại hỏi: “Khi nào huynh cưới chị dâu tương lai?”
“Sắp rồi, tới chừng đó coi như cũng có cớ để muội về nhà đoàn tụ với cả gia đình.”
“Tứ ca, sau này huynh nhớ săn sóc cho mẹ nhé.”
“Được, ta sẽ chăm lo thật tốt cho Người, muội khỏi lo.”
Vừa nói tới đó đã nghe lễ quan phụ trách giờ giấc nghi thức giục giã: “Điện hạ, nếu còn chùng chình sẽ lỡ giờ lành đó, đoàn rước dâu của Cao Tân đã đến bờ sông rồi kìa.”
Xương Ý khẽ thở dài rồi lệnh cho cả đoàn tiếp tục lên đường.
Chỉ lát sau đã đến bờ sông Tương.
Đoàn rước dâu và đưa dâu đứng hai bên bờ trông sang nhau, tiếng kèn trống réo rắt vô cùng nào nhiệt, lại thêm dân chúng đôi bờ reo hò mừng rỡ khiến cả đất trời tràn ngập niềm vui.
Hiên Viên Bạt được Xương Ý đỡ xuống xe loan, theo lề lối Cao Tân coi màu trắng là tôn quý nhất, nàng mặc một bộ đồ trắng tinh tha thướt, Thiếu Hạo bên kia cũng áo bào mũ ngọc, phong nhã hào hoa. Cả hai đứng ở đôi bờ nhìn nhau, người tóc xanh phơi phới, thanh lệ vô song, kẻ vạt áo tung bay, phong tư trác nguyệt, khiến dân chúng tới xem lễ đông nghẹt hai bên bờ mở cờ trong bụng, thầm ca tụng tân lang tân nương quả là trời sinh một cặp, như ngọc như ngà.
Tiếng kèn trống réo rắt chợt im bặt, lễ quan tiến lên dâng lời chúc phúc, sau đó là thỉnh chuông, gõ khánh.
Trong tiếng chuông khánh ngân vang văng vẳng, một trăm đồng nam