[1'> Trích trong bài Kích cổ (Gióng trống) trong Kinh Thi (ND)
Tòa cung điện này dựng nên vì Đồng Ngư, nhưng cả ngàn năm nay, ông chưa hề cùng Đồng Ngư sánh vai ngắm nhìn trăng sáng, ông đã không còn là ông năm ấy, nàng cũng không còn là nàng khi xưa, sánh vai cùng ngồi còn ý nghĩa gì nữa chứ. Có điều, chẳng rõ tại sao, sau một ngày mệt mỏi, ông luôn thích nằm dài ở đây, ngắm nhìn trăng sáng, dưới ánh trăng mờ ảo ấy, có ông một thời trẻ trung sôi nổi, còn có cả một thiếu nữ có thể làm chứng cho thời niên thiếu sôi nổi của ông. Có điều thời gian đằng đẵng xóa nhòa tất cả, ông đã chẳng còn phân rõ được người con gái mình nhung nhớ là ai, là cô gái yểu điệu run lên trong lòng ông, hay nàng thiếu nữ ngạo nghễ băng qua ánh trăng vằng vặc bước đến trước mặt ông, hay đều không phải?
A Tệ kêu lên một tiếng, nhắc A Hành rằng đã đến Triêu Vân phong.
A Hành lòng như dao cắt, chẳng còn dũng khí nào bước vào Triêu Vân điện, nhưng tin Chúc Dung và Xương Ý cùng chết chẳng bao lâu sẽ truyền khắp đại hoang, nàng không muốn để kẻ khác thông báo tin này cho mẹ. Nếu phải báo, chi bằng để nàng chính miệng báo với bà.
Nàng ôm Xương Phó bước vào Triêu Vân điện đúng lúc Luy Tổ đang dạy Chuyên Húc đọc sách. Nghe tiếng bước chân, bà mỉm cười ngẩng lên, trông thấy bộ dạng A Hành, bà liền biến sắc.
Chuyên Húc chạy nhao đến, “Mẹ, mẹ con làm sao thế? Cha đâu? Sao cha không về?”
Luy Tổ dịu giọng dỗ Chuyên Húc: “Con ra ngoài chơi đi, để người lớn nói chuyện.”
A Hành quỳ xuống trước mặt mẹ, môi run lên bần bật mà không thốt nổi nên lời. Giờ đây, cuối cùng nàng cũng hiểu được càm giác tuyệt vọng và tự trách của Đại ca khi quỳ trước mặt mẹ năm ấy.
Luy Tổ tái mét mặt, ngồi lặng giây lát, đột nhiên bà đứng phắt dậy, ôn tồn nói: “Con đi rửa mặt thay áo trước đi, để ta chăm sóc Xương Phó.”
“Mẹ…”
Luy Tổ xua tay: “Rửa mặt thay áo sạch sẽ rồi từ từ nói.”
A Hành vội vã rửa mặt rồi tới gặp mẹ. Xương Phó đã được thay y phục, đang nằm trên giường thiêm thiếp ngủ. Luy Tổ ngồi bên giường hai tay cầm chiếc áo của Xương Ý, dịu dàng vuốt đi vuốt lại.
A Hành khẽ khàng bước vào, quỳ xuống bên gối bà.
Luy Tổ khẽ hỏi: “Xương Ý anh dũng lắm phải không? Nó không bỏ lại thuộc hạ mà chạy thoát một mình chứ?”
A Hành nghẹn ngào, nói chẳng nên lời, chỉ có thể gật đầu. Luy Tổ mỉm cười, “Giỏi lắm, giống như ông ngoại nó vậy!”
“Mẹ!” A Hành nắm lấy tay bà, “Nếu mẹ đau lòng thì cứ khóc đi!”
Luy Tổ xoa đầu A Hành, dung nhan khô héo, thân tình tiều tụy, chỉ có đôi mắt là sáng rỡ, dường như tất cả sức lực còn lại đều kết tinh trong mắt, “Con ở đây trông chừng Xương Phó, tính nó cương cường, cứng quá thì dễ gãy, để ta đi thăm Chuyên Húc. Ta không muốn nó nghe ngóng tin cha nó từ miệng người khác, cha nó đã hy sinh anh dũng, phải đường đường chính chính nói cho nó biết.”
Luy Tổ cẩn thận gấp manh áo của Xương Ý lại, đặt bên gối Xương Phó rồi loạng choạng bước ra ngoài, ra đến rừng dâu, bà kéo tay Chuyên Húc, “Bà nội có chuyện muốn nói với cháu.”
Một già một trẻ lững thững thả bộ trong rừng dâu. Bước chân Luy Tổ loạng choạng, lưng còng gập xuống, nhưng bà vẫn là chỗ dựa tinh thần của tất cả đám trẻ.
“Xương Ý!”
Xương Phó vừa tỉnh giấc liền kêu thét lên, giơ tay ra chụp, nhưng chỉ chụp vào khoảng không.
A Hành đang đứng bên cửa sổ nhìn về phía Luy Tổ và Chuyên Húc, lập tức ngoảnh lại: “Tẩu tẩu.”
Xương Phó nhìn quanh, nhận ra bọn họ đang ở trong Triêu Vân điện: “Còn Xương Ý? Xương Ý đâu rồi?”
A Hành chẳng biết đáp sao cho phải. Xương Phó chằm chằm nhìn A Hành, tựa hồ đang cầu khẩn nàng ban cho mình chút hy vọng, ánh mắt ấy như một lưỡi dao nhọn, chốc chốc lại đâm vào tim A Hành khiến nàng đau đến không thở nổi, cũng không cách nào né tránh, bởi càng né tránh lại càng đau.
“Tứ ca, Tứ ca…” A Hành lúng túng, nói không nên lời.
Trông thấy chiếc áo đặt bên gối, ánh sáng trong mắt Xương Phó vụt tắt lịm, nàng nắm lấy vai A Hành lắc như điên dại, gào lên: “ Sao muội lại bỏ chạy một mình? Sao muội không cứu y? Y là Tứ ca của muội, sao muội không cứu y…” A Hành như một phiến lá vàng quay cuồng trong gió lớn, hoàn toàn không thể tự chủ, chỉ cần mạnh thêm chút nữa, có lẽ sẽ bị cuồng phong nghiền nát.
Xương Phó lắc lắc A Hành, thân thể chợt nhũn ra, đột nhiên nàng gục đầu vào vai A Hành, khóc ngất, “Vì sao? Vì sao…” Vì sao? Rõ ràng họ đã thề phu thê một lòng, cùng sống cùng chết, vì sao y không giữ lời thề, bỏ lại nàng một mình?
Nháy mắt trước đây thôi, y còn ôm nàng, hôn nàng, khiến nàng chìm trong hạnh phúc ngọt ngào, vậy mà giờ y đã tan xương nát thịt, tất cả đều thành mây thành khói. Nàng không tin! Xương Ý chưa chết, nhất định chưa chết!
Tiếng khóc của Xương Phó dần biến thành tiếng gào nát gan xé ruột, như một con thú đang rên rĩ khóc than. A Hành cũng không nén nổi nữa, nước mắt tràn ra như vỡ đê, nhưng nàng không dám khóc thành tiếng, đành mím chặt môi, gắng hết sức ưỡn lưng thật thẳng, không cho phép mình gục xuống.
Xương Phó khóc đến tan lòng nát ruột, bi nộ công tâm, ngất lịm đi.
A Hành không dám thả lỏng bản thân mà thương tâm khóc lóc, vội lau khô nước mắt, chăm non cho Xương Phó.
Luy Tổ dắt tay Chuyên Húc bước vào, chỉ một chốc lát ngắn ngủi, vậy mà Chuyên Húc dường như đã đột ngột lớn bổng, gương mặt bé bỏng đanh lại, nước mắt thập thò trên mi nhưng nó vẫn quật cường nín nhịn, nhất quyết không khóc, kìm nén đến nỗi đỏ bừng cả mặt.
Chuyên Húc đứng bên giường chạm tay vào mặt Xương Phó, vẻ mặt rất nghiêm trọng.
Luy Tổ bảo A Hành: “Con kể lại đầu đuôi mọi chuyện đi.”
Thấy A Hành chần chừ nhìn Chuyên Húc, Luy Tổ nói: “Hiện giờ nó là nam đinh duy nhất trong nhà ta, bất kể nó hiểu được đến chừng nào, cũng phải để nó nghe!”
Nhận ra ý tứ của Luy Tổ, A Hành chợt táo mặt: “Đại ca, còn Đại ca nữa mà!”
Luy Tổ bình thản nói: “Các con tưởng ta không biết ư? Thanh Dương là do ta sinh ra, một tay ta nuôi nấng từ nhỏ đến lớn. Hành nhi, con có thể không nhận ra con gái con không? Đó là núm ruột của con, nó cau mày hay nhoẻn miệng con đều rõ như lòng bàn tay. Vậy mà con và Xương Ý lại dám lớn gan giấu trời qua biển, nghĩ ra kế sách này.”
A Hành vội giải thích: “Mẹ, con, con… không phải tại Tứ ca, là tại con.”
“Ta hiểu nỗi khổ của các con, các con sợ ta đau lòng, sợ ta không chịu nổi, có điều các con xem thường mẹ mình quá. Hiên Viên quốc có ngày nay cũng là do ta một tay tạo dựng, tuy hiện giờ ta chẳng thể ra trận nữa, nhưng không có nghĩa là ta đã hồ đồ.”
A Hành quỳ xuống bên gối Luy Tổ, Luy Tổ quay sang bảo Chuyên Húc: “Cháu nghe cho kỹ, chỗ nào không hiểu cũng đừng hỏi, chỉ cần nhớ kỹ là được.”
A Hành bắt đầu thuật lại đầu đuôi câu chuyện, từ khi nàng phát hiện ra sự việc có điểm dị thường, phái Liệt Dương đưa thư về Hiên Viên cầu cứu, mượn binh Cao Tân, bị Thiếu Hạo cự tuyệt, cho đến khi Chúc Dung đem thân làm trận nhãn, dẫn cho núi lửa bùng nổ.
Luy Tổ từ đầu đến cuối k