- Nga bận.
Khải nhíu mày:
- Bận gì mà bận suốt tuần? Cũng có ngày Nga rảnh chứ?
Nga đáp lấp lửng:
- Nga không biết trước được.
Câu trả lời của Nga chẳng có gì chắc chắn. Khải gặng hỏi:
- Thế đến chừng nào Nga mới biết?
- Chừng nào Nga biết thì Nga biết.
Giọng điệu của Nga khiến Khải thở dài. Đó không phải là câu trả lời. Đó là một câu đố. Có tài thánh Khải mới hòng giải ra. Niềm hy vọng của Khải bắt đầu bị lung lay. Từ nãy đến giờ, Khải đã tự ru mình vào một giấc mơ tuyệt diệu. Bây giờ, đột nhiên Nga “đánh thức” Khải dậy. Nga nói “chừng nào Nga biết thì Nga biết”, Khải tỉnh liền. Và lập tức Khải thu mình vào sâu trong ghế, trở lại “thế thủ”.
Để giúp Khải “phòng thủ” kín đáo, đèn trong rạp tắt đồng loạt, báo hiệu giờ giải lao đã hết. Ở bên cạnh, Nga và chị Ngàn tiếp tục xem phim. Còn Khải thì tiếp tục… nghĩ ngợi.
Khải không hiểu thái độ chập chờn vừa rồi của Nga mang ý nghĩa gì. Nếu Nga không thích Khải thì sao lại cùng Khải và chị Ngàn đi xem phim. Hay là Nga chán ngán? Vô lý. Chính Nga vừa khen phim hay đây mà! Hay là Nga… ngại ngùng? Tuần này đã đi xem phim với Khải, tuần sau lại đi nữa, Nga sợ Khải “coi thường” chăng? Có lẽ chính vì vậy mà Nga đã từ chối lời mời của Khải. Nhưng Nga cũng không từ chối hẳn. Nga chỉ nói lấp lửng. Khải chợt nhớ đến một câu nói, không biết của ai “khi người phụ nữ lắc đầu, có nghĩa là “có thể”, còn khi họ nói “có thể” thì nên hiểu là họ gật đầu”. Áp dụng câu nói tuyệt vời trên vào trường hợp của Nga, Khải thấy nó… trúng : Dc. Hẳn Nga chỉ từ chối lấy lệ. Nếu mình kiên trì hơn chút nữa, Nga sẽ đồng ý ngay thôi.
Trong thoáng chốc, Khải thôi buồn. Cũng thôi ray rứt. Những ý tưởng rạng rỡ rủ nhau kéo đến mỗi lúc một nhiều. Chúng bay lượn trong trí Khải như một bầy đom đóm. Chúng chiếu sáng trưng. Sáng gấp mấy lần ánh sáng trên màn ảnh.
Ổn định tư tưởng đâu đó xong xuôi, Khải ngước mắt nhìn lên, cố theo dõi nửa sau của câu chuyện trong phim. Bỏ mất phần đầu, bây giờ Khải chỉ hiểu lõm bõm, nhưng Khải vẫn cố căng mắt ra, thu nhận được chút nào hay chút nấy. Khải sợ lát nữa, khi ra về, chị Ngàn hoặc Nga trao đổi với Khải về nội dung phim, anh sẽ đực mặt ra như một thằng ngố.
Khải không biết rằng Nga cũng chẳng hơn gì anh. Nga ngồi dán mắt vào màn ảnh với vẻ chăm chú nhưng đầu óc Nga lại nghĩ ngợi đâu đâu. Khi nãy, Khải hỏi phim hay không, Nga gật đầu đại.
Trong thâm tâm, Nga chẳng muốn đi chơi với Khải chút nào. Nga không hiểu sao mình ghét Khải “dai” thế. Nhưng hôm nay Nga phải bấm bụng đi xem phim, chẳng qua là Nga muốn Quỳnh biết điều đó. Đằng nào, Ngoạn cũng sẽ kể lại với Quỳnh. Nhất là Ngoạn đang ấm ức vì bị Nga chiếm mất xuất mời quen thuộc của nó.
Từ ngày phát hiện ra tình cảm của Quỳnh, Nga rơi vào một tâm trạng hoang mang và sợ hãi. Mặc dù rất mến Quỳnh, Nga vẫn không thể nào tưởng tượng nổi anh là người yêu của mình. Cứ hình dung đến cảnh phải đi chơi bên cạnh một con người có cái mũi to tướng và hai vành tai cũng to tướng không kém, lại không ngừng ve vẩy, Nga bất giác rùng mình.
Quỳnh là một chàng trai tốt bụng nhưng điều đó không ngăn cản bạn bè sẽ chế giễu Nga. Trước đây, Luận chẳng đã châm chọc Nga và Quỳnh những “cú” nhớ đời đó sao! Mà đó là lúc giữa Nga và Quỳnh chưa có “chuyện” gì. Nếu… có gì, chắc chết! Rồi chị Ngàn nữa. Chị sẽ nghĩ như thế nào khi biết Nga lạnh lùng với Khải để chạy theo con người xấu xí kia. Hẳn chị sẽ cho Nga là một con điên.
Nhưng toàn bộ vấn đề không phải nằm ở chỗ đó. Cái chính là Nga. Trước sau, Nga chỉ xem Quỳnh là bạn. Cũng như Khải vậy. Quỳnh là người bạn dễ mến, Khải là người bạn khó ưa. Đối với Nga, đó là điểm khác nhau duy nhất giữa Khải và Quỳnh.
Khi Khải lì lợm “tiến tới” thêm một bước, Nga càng ghét Khải. Với Quỳnh, mọi chuyện không giống như vậy. Tình yêu của Quỳnh là một tình yêu cháy bỏng nhưng lặng lẽ. Nga biết được hoàn toàn do tình cờ. Và Nga chẳng cảm thấy ghét Quỳnh. Nga chỉ sợ. Nếu Quỳnh bộc lộ tình cảm ra như Khải, Nga sẽ dễ tỏ thái độ hơn. Đằng này, Quỳnh chẳng nói gì. Và có lẽ Quỳnh cũng chẳng biết Nga đã rõ mọi chuyện.
Trước một tình huống trớ trêu như vậy, Nga chẳng biết phải ứng xử như thế nào. Nga đành chọn giải pháp… xa lánh Quỳnh. Nhưng Quỳnh lại quá ngờ nghệch. Mới đây, anh lại đem băng nhạc tặng Nga. Chẳng còn cách nào hơn, Nga đành công khai đi xem phim với Khải. Nga hy vọng khi hay tin này, Quỳnh sẽ hiểu ra và anh biết anh nên làm gì.
Dĩ nhiên, cả Khải lẫn chị Ngàn, không ai hiểu được tâm trạng rối rắm của Nga. Thấy Nga chịu đi xem phim chung với mình và Khải, chị Ngàn mừng ra mặt. Chị vui vẻ trò chuyện luôn miệng. Cả Khải cũng vậy, mặt mày lúc nào cũng hí ha hí hửng.
Thái độ hào hứng của Khải khiến Nga có cảm tưởng như anh đã bỏ được trái tim của Nga vào trong túi mình rồi. Ý nghĩ đó khiến Nga cảm thấy bực bội. Vì vậy khi Khải rủ tuần sau đi xem phim, Nga từ chối ngay.
Chị Ngàn không biết cả Nga lẫn Khải đều say sưa theo đuổi những ý nghĩ riêng trong đầu hơn là theo dõi những diễn tiến trên màn ảnh. Cho nên lúc dong xe trên đường về, chị vô cùng ngạc nhiên khi thấy Nga và Khải ấp a ấp úng trước những câu hỏi của chị về nội dung cuốn phim vừa xem.
Và khi nỗi ngạc nhiên qua đi, chị gật gù, ranh mãnh:
- À, hóa ra mọi người ngồi thủ thỉ nói chuyện riêng với nhau suốt cả buổi phải không?
***
Nga đoán như thánh.
Hôm trước Nga đi xem phim với Khải, hôm sau Quỳnh biết liền. Anh buồn thỉu buồn thiu.
Thật ra, Quỳnh buồn chuyện Nga đi chơi với Khải thì ít mà buồn chuyện Nga tỏ ra lạnh nhạt với anh thì nhiều. Đối với Quỳnh, Nga đi chơi với ai, thậm chí Nga yêu ai, đó là chuyện riêng của Nga. Quỳnh sẽ buồn, nhưng Quỳnh chịu đựng được. Anh biết anh chẳng thể đòi hỏi gì hơn ở Nga. Anh biết anh chẳng bao giờ len lỏi vào trái tim Nga được. “Đặc ân” đó dành cho người khác, không phải dành cho anh.
Ngược lại, nếu Quỳnh có “cả gan” yêu Nga thì đó cũng là chuyện riêng của Quỳnh. Trái tim anh có “quyền” hướng tới một hình bóng và mơ tưởng vẩn vơ. Anh chẳng cần Nga đáp lại tình yêu của anh. Tự nó, nó sống được. Anh ấp ủ và nuôi dưỡng nó bằng những vần thơ chép đầy trong tập và bằng những giấc mơ mà anh không bao giờ kể lại với bất cứ ai.
Anh chỉ cần một điều: Nga hãy coi anh là bạn. Nga hãy trò chuyện với anh và đừng phũ phàng từ chối những chăm sóc thầm lặng của anh. Nga không giống những người con gái khác. Nga không xem anh là thằng hề chuyên làm vui cho lớp học. Vậy thì Nga hãy đừng đối xử với anh như những kẻ khác. Quỳnh thì thầm với chính mình. Đôi khi anh tưởng như anh đang bày tỏ nỗi lòng u uẩn của mình với Nga và Nga đang ngồi trước mặt vừa chăm chú nghe anh vừa mỉm cười dịu dàng và thông cảm.
- Trăm sự cũng tại cuốn tập chết tiệt kia mà ra!
Bất giác, Quỳnh buông lời nguyền rủa. Chính cuốn tập đó