- Vẫy tai phải vẫy cho đều
Hỡi anh lầm lịt mà yêu suốt ngày.
Những lời châm chọc của bọn Luận như những mũi dùi đâm vào tai Quỳnh. Anh chẳng biết làm gì hơn là gồng mình chịu trận. Anh không được dạn dĩ như Nga. Anh chẳng bao giờ có ý định phản công lại đối phương. Từ xưa đến giờ vẫn vậy, mỗi khi bạn bè chọc ghẹo, Quỳnh chỉ nhe răng cười trừ hoặc làm thinh nhịn nhục.
Lúc nãy Nga còn “chia lửa” với anh. Nhưng từ khi Nga phản ứng quyết liệt, tụi thằng Luận tập trung hỏa lực vào anh. Nhưng Quỳnh chẳng sợ. Anh đã quen rồi. Lần đầu, Luận chọc, anh còn run. Tụi nó chọc riết, anh quen dần, chẳng run nữa. Lúc này, Quỳnh chỉ mắc cỡ. Không phải mắc cỡ với tụi thằng Luận, mà mắc cỡ với Nga. Chúng cứ lôi những khuyết tật của anh ra châm biếm thẳng thừng, anh không mắc cỡ sao được. Dù sao, anh cũng là người. Mà người thì như người ta nói, xấu che tốt khoe. Vậy mà tụi thằng Luận cứ đem cái “xấu” của anh ra “khoe” hoài, làm sao anh không ấm ức.
Nga cũng ấm ức giùm cho Quỳnh. Nhưng nó chưa biết làm thế nào để “cứu” anh. Vừa rồi, Nga đã mắng cho tụi thằng Luận về cái tội “ghẹo con gái”. Thì bây giờ tụi nó đã sửa chữa rồi. Chúng không ghẹo Nga nữa, mà ghẹo Quỳnh. Nếu bây giờ Nga lên tiếng bênh vực Quỳnh, hẳn tụi thằng Luận sẽ có cớ để bô bô bao nhiêu lời độc địa nữa.
Từ khi loại Nga ra khỏi vùng chiến, Luận tha hồ múa gậy vườn hoang. Nó tiếp tục ra rả:
- Mũi to như thể trái gì
Hễ thấy con gái tức thì đỏ lên.
Những đứa cùng cánh hùa theo liền:
- Tức thì đỏ lên! Tức thì đỏ lên!
Nga cắn chặt môi. Nó liếc nhìn Quỳnh với vẻ áy náy. Mũi Quỳnh đang đỏ lên thật. Nó vừa đỏ vừa lấm tấm mồ hôi.
Trước tình cảnh khổ sở của Quỳnh, Nga quyết định can thiệp. Nga không thể làm thinh được nữa. Tụi thằng Luận đã tỏ ra quá quắt. Nga phải bảo vệ Quỳnh mặc cho tụi kia muốn nói gì sau đó thì nói.
Nghĩ vậy, Nga quay phắt lại, mặt hầm hầm. Nhưng nó chưa kịp mở miệng, Hạnh đã bước vào.
- Chuyện gì mà ầm ĩ vậy? – Hạnh nhướng mắt hỏi.
Sự xuất hiện kịp thời của Hạnh khiến Nga mừng rỡ. Nhưng sự tức tối nãy giờ làm Nga nghẹn cổ. Nga chẳng thốt được tiếng nào. Nó chỉ biết mím môi chỉ ra cửa sổ.
Nhưng tụi thằng Luận đã biến mất, không còn một mống. Thấy Hạnh xuất hiện, tụi nó nháy nhau chuồn nhanh như chớp. Hạnh không sử dụng bạo lực như Khải nhưng nó chuyên môn báo với cô chủ nhiệm về những hành vi phá phách trong lớp, tụi thằng Luận “rét” lắm.
Hạnh nhìn theo tay chỉ của Nga nhưng chẳng thấy gì. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Nga hổn hển:
- Tụi thằng Luận.
Khi vừa đặt chân vào lớp, Hạnh đã nhìn thấy dáng ngồi ủ rũ của Quỳnh. Bây giờ nghe Nga nhắc đến tên Luận, Hạnh hiểu ngay. Nó hừ giọng:
- Lại những trò khỉ như bữa trước chứ gì?
Rồi Hạnh gật gù, hăm he:
- Được rồi, Nga đừng lo! Hôm nào Hạnh sẽ cho các ông tướng đó một bài học mới được!
Nga chẳng biết bài học mà Hạnh hứa cho tụi thằng Luận sẽ là một bài học như thế nào, nhưng nghe Hạnh nói vậy, Nga cảm thấy lòng mình dịu lại. Nó ngồi xuống và khẽ quay sang Quỳnh.
Quỳnh đã ngẩng mặt lên. Anh ngồi thừ người, mắt nhìn chăm chăm lên bảng.
Nga chẳng hiểu Quỳnh đang nghĩ gì.
Chắc anh buồn lắm. Nga hắng giọng, gọi khẽ:
- Anh Quỳnh.
Quỳnh quay lại, mặt vẫn còn bần thần.
- Anh buồn không ? – Nga rụt rè hỏi.
- Không! Tôi quen rồi!
- Anh không buồn thật hả?
- Ừ.
Nga chớp mắt:
- Anh bảo anh không buồn, sao mặt anh có vẻ thẫn thờ quá vậy?
Quỳnh thở dài:
- Tại tôi lo đấy thôi!
Nga trố mắt:
- Lo?
- Ừ.
- Anh lo gì vậy?
Quỳnh đáp, sau một thoáng đắn đo:
- Tôi lo Nga sẽ không nói chuyện với tôi nữa.
- Sao anh lại nghĩ vậy?
- Tôi không nghĩ. Nhưng trước nay vẫn thế. Mỗi khi tụi thằng Luận giở trò, bao giờ sau đó Nga cũng không thèm trò chuyện với tôi.
Giọng Quỳnh buồn buồn.
Nga liếm môi:
- Ngay cả anh cũng vậy thôi. Anh cũng tránh nhìn mặt Nga.
Câu nói của Nga khiến Quỳnh lúng túng. Ừ, đâu phải chỉ riêng Nga, anh cũng nào có hơn gì!
Quỳnh ngập ngừng một hồi rồi hạ giọng nói:
- Nhưng bây giờ tôi sẽ không như vậy nữa.
Nga thừa biết Quỳnh muốn nói gì. Nhưng nó vẫn làm bộ hỏi:
- Không như vậy nữa là sao?
Quỳnh bối rối:
- Là… là tôi sẽ nói chuyện với Nga như thường. Tôi không sợ.
Nga mỉm cười:
- Thì bây giờ Nga cũng như vậy thôi. Nga cũng không sợ.
Quỳnh như không tin vào tai mình. Anh nhìn Nga, ngẩn ngơ:
- Nga nói thật đấy chứ?
Nga gật đầu, dịu dàng:
- Ừ, nói thật.
Khải không hiểu mình xử sự như vậy là đúng hay sai.
Vừa bước đến bên cửa sổ, với những gì mắt thấy tai nghe, Khải biết ngay chuyện gì đang xảy ra.
Trong kia, Nga và Quỳnh đang bị tấn công. Phía ngoài, cánh thằng Luận đang ra sức chọc ghẹo. Lại những trò quỉ quái ! Khải bực tức nhủ bụng và anh quay sang nhìn Luận. Vẻ lấc cấc của Luận khiến Khải cau mày. Anh định tóm cổ nó như lần trước. Nhưng Khải chưa kịp đưa tay lên, chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu như tia chớp. Ừ, có khi cứ để tụi thằng Luận phá đám như vậy lại hay ! Những ngày gần đây, Nga và Quỳnh lại tỏ ra thân mật một cách quá đáng. Cứ nhìn thấy cảnh cả hai ngồi trò chuyện bên nhau không buồn ra chơi, Khải muốn xốn con mắt.
Mặc dù đã xác định “chinh phục” những nhân vật phụ trước, “chinh phục” Nga sau, nhưng mỗi lần thấy Nga và Quỳnh cười nói vui vẻ, Khải cảm thấy khó chịu lạ lùng. Muốn “giải tán” cặp này không có cách nào tốt hơn là để mặc cho tụi thằng Luận ra tay.
Nghĩ vậy, Khải ngần ngừ một thoáng rồi lặng lẽ bỏ đi trước cặp mắt sửng sốt của Luận. Tất nhiên, nếu lúc đó Nga nhìn thấy Khải, hẳn Khải phải buộc lòng can thiệp. Nhưng Nga đang cúi đầu xuống. Vì vậy, Khải quyết định rời xa “chiến trường”. Anh bước vội vã, sợ Nga kịp ngẩng lên.
Khải bỏ đi. Nhưng lòng Khải không thanh thản lắm. Anh cảm thấy mình hành động như một kẻ tiểu nhân. Nhưng rồi Khải cố trấn an. Mình đâu có xúi tụi thằng Luận làm bậy. Tự tụi nó. Điều đó chẳng liên can gì đến mình. Nga thân thiết với thằng quỷ nhỏ thì Nga phải chịu búa rìu của dư luận. Chuyện đời là vậy. Gieo gió thì gặt bão, trách ai bây giờ!
Khải tự thanh minh với mình. Lòng Khải dần dần nhẹ nhõm. Và anh tự kết luận: chiến trường trong lớp là của thằng quỷ nhỏ, chiến trường của mình là ở nhà… Nga, chuyện ai nấy lo, mình không can thiệp vào chiến trường của người ta là đúng, không việc gì phải băn khoăn!
Khải hết băn khoăn thật. Bây giờ anh chỉ tập trung đầu óc vào việc thực hiện kế hoạch chông gai của mình.
Chiến trường ở nhà Nga là chiến trường thầm lặng. Ở đó không có đám “âm binh” như tụi thằng Luận. Khải chẳng sợ ai trêu chọc. Cũng chẳng sợ ai phá đám. Ở đó, chỉ có “phe mình”. Nga, chị Ngàn, thằng Ngoạn. Ông bố Nga, Khải ít gặp, nhưng Khải vẫn xếp vô diện “phe mình” nốt. Chỉ toàn là “phe mình” mà sao Khải thấy “khó ăn”