- Ừ, mình cũng nghĩ Thiều nên giấu kín chuyện vừa rồi.
Tường lại cẩn thận dặn dò:
- Với ba mẹ hay với bất cứ ai, anh cũng nói là em bị té ngã nghe anh Hai.
Tôi không nói gì, chỉ gật đầu rồi lặng lẽ ra khỏi nhà. Tôi giống như một phạm nhân vừa được tòa tuyên bố tha bổng (và thực sự thì tôi đã mong ngóng điều đó biết bao), vậy mà khi đã thoát nạn rồi, tôi ngạc nhiên thấy lòng mình chẳng hề vui sướng.
Cái cách Tường bảo vệ tôi ngay cả lúc nó là nạn nhân xấu số của tôi khiến tôi cảm thấy xấu hổ và day dứt ghê gớm. Tình yêu của em tôi dành cho tôi thật mênh mông trong khi tôi hết lần này đến lần khác đối xử với nó chẳng ra gì.
Tôi vừa đi vừa nghĩ ngợi, nước mắt nhòe cả mặt.
Hôm đó, tôi dẫn ông Xung về nhà, nơm nớp nhìn ông bắt mạch, khám mắt, khám lưỡi và rờ rẫm khắp vùng lưng của Tường, miệng không ngớt đặt ra cho em tôi vô số câu hỏi.
Tôi và con Mận nín thở đứng xem, cảm thấy rõ rệt thời gian đang ngừng trôi và mọi động tác của ông Xung bỗng trở nên lê thê như trong một cuốn phim chiếu chậm.
Hai cái miệng chỉ nhè nhẹ thở ra khi cuối cùng ông Xung cũng kết thúc cuộc thăm bệnh và quay sang tôi, gật gù:
- Hy vọng là em con không bị tổn thương cột sống. Đây là do chấn động…
Ông Xung còn nói gì gì đó nữa, nhưng tai tôi lúc đó đã ù đi. Chỉ nghe ông bảo em tôi không bị tổn thương cột sống, tim tôi như vỡ òa và sau đó thì tôi không còn nghe thấy gì nữa.
64. Những Ngày Sau
Mẹ tôi về nhà, gần như phát điên khi biết chuyện Tường trèo cây bị ngã và bây giờ nằm liệt không ngồi dậy được.
Bà chạy lại chỗ Tường nằm, không la rầy hay trách móc, chỉ ngồi xuống bên cạnh, đưa tay vuốt tóc nó và khóc. Thằng Tường phải liên tục an ủi “Mẹ đừng buồn. Ông Xung đã nói rồi, con chỉ nằm như vậy chừng vài ngày thôi. Uống vài thang thuốc là khỏi”.
Mặc dù Tường nói vậy và trước đó đã nghe tôi thuật lại lời chẩn bệnh của ông Xung, mẹ tôi vẫn cắp nón chạy như bay qua nhà con Xin để được nghe chính miệng ba nó lặp lại thêm lần nữa.
Ba tôi ở thành phố nghe người làng bắn tin, vội vã chạy về.
Trái với mẹ tôi, ba tôi đứng ở đầu giường, quắc mắt nhìn thằng Tường, giận dữ:
- Mày mà không nằm bẹp thế này, tao đã đập thêm cho mày mấy gậy rồi!
Ông quay sang hét lên với tôi:
- Chính mày bày ra trò leo trèo nghịch ngợm này phải không?
- Dạ, đâu có! – Tôi run bắn, chân bước né ra xa.
Ba tôi ném mạnh cái túi xách xuống nền nhà, gầm gừ:
- Hừ, con với cái!
Trong những ngày tăm tối đó, thực lòng tôi không sợ tiếng khóc của mẹ tôi hay tiếng quát thét của ba tôi bằng ánh mắt của con Mận. Ánh mắt nó nhìn tôi lặng lẽ và thăm thẳm, giống như không phải nhìn tôi mà nhìn xuyên qua tôi để xem bụng dạ tôi có gì mà độc ác đến thế. Có lẽ cho đến bây giờ nó vẫn không thể hiểu được tại sao tôi lại thình lình phát rồ trong ngày hôm đó. Tâm trí nó chắc không bao giờ quên được bộ mặt hung dữ của tôi lúc tôi xông vào nhà chộp lấy cây gậy quất túi bụi lên lưng em tôi và điều đó chắc ám ảnh nó ghê gớm.
Từ khi phát hiện ra con Mận hay nhìn trộm tôi, tôi tìm cách tránh mặt nó, giống như một tội phạm tìm cách lảng xa bản án lúc nào cũng lơ lửng trên đầu.
Tôi chỉ thoát khỏi ánh mắt của con Mận vào ngày mẹ nó được thả về và đem nó đi.
Mẹ con Mận bảo với mẹ tôi là bà dẫn con Mận đi kiếm ba nó. Tôi vừa nhẹ người vừa buồn bã về sự ra đi của nó và trong lòng cầu mong cho gia đình nó được trùng phùng.
Ngày chia tay, cả ba đứa tôi cùng khóc. Con Mận vuốt tóc thằng Tường, cử chỉ của nó giống hệt mẹ tôi, và nói qua tiếng nấc:
- Chị đi nghe em. Chúc em mau lành bệnh nha.
Thằng Tường cũng thút thít:
- Em chúc chị lên đường bình an và chóng gặp lại ba chị.
Thật lạ, nhìn cảnh đó trong tôi chẳng gợn lên chút gì ghen tức như trước đây, chỉ thấy lòng bâng khuâng và nặng trĩu.
Tôi và con Mận chia tay ngay trước cổng.
Mặc dù những ngày qua ánh mắt nó nhìn tôi như trách móc nhưng lúc này nó chẳng nhắc gì về điều tồi tệ đó.
Nó thò tay nắm chặt tay tôi, mắt rưng rưng:
- Thiều ở lại mạnh giỏi!
Lần đầu tiên con Mận tự ý cầm tay tôi, như hôm nào dưới gốc bời lời tôi lần đầu cầm tay nó lúc biết nó thường xuyên bị mẹ nó đánh đòn vô cớ. Lòng nao nao, tôi nghĩ tôi sẽ thổ lộ với con Mận biết bao điều, nhưng không hiểu sao tự dưng tôi quên sạch hết vốn từ, miệng khô đi, chỉ nói:
- Ờ. Mận cũng thế.
Lần đầu tiên tôi kêu con Mận bằng tên, nhưng tôi không hề thấy ngượng ngập, như tôi đã xưng hô với nó như vậy từ lâu lắm.
- Mai mốt mình sẽ về thăm Thiều.
Trước khi theo mẹ nó ra xe, con Mận nhìn tôi bằng đôi mắt ướt và nói thêm một câu mà tôi biết chắc chính nó cũng không rõ nó có thực hiện được hay không.
Nó còn nhỏ quá mà.
65. Những Ngày Sau Nữa
Từ ngày con Mận ra đi, cuộc sống đối với tôi trở nên buồn tẻ vô cùng.
Chỉ có một niềm vui duy nhất là chú Đàn đã bắn tin về nhà. Chú bảo chú và chị Vinh ở xa lắm và cả hai đang sống rất hạnh phúc.
Chú bảo chú đã biết tin thầy Nhãn sẵn sàng tha thứ cho chú và chị Vinh nhưng chú sẽ về trước một mình để thăm dò. Nếu thầy thực tâm cho chú và chị Vinh đến với nhau, hai vợ chồng sẽ về làng sinh sống để có điều kiện chăm lo cho ba mẹ hai bên, tức là bà nội tôi với thầy Nhãn.
Trong khi chờ chú Đàn trở về, ngày nào tôi cũng luẩn quẩn bên chiếc giường thằng Tường nằm. Chiếc giường hồi trước kê sát vách phía trong, bây giờ đã được đặt cạnh cửa sổ theo ý Tường. Nó không đi lại được, muốn nằm chỗ đó để ngắm mây và bầu trời, thỉnh thoảng được nhìn những cánh chim bay ngang. Tường bảo thế và tôi thấy không có lý do gì để không chiều theo ý nó.
Gần như suốt ngày tôi ở cạnh nó để trò chuyện cho nó khuây khỏa và giúp nó trong chuyện vệ sinh.
Chuyện đó thực ra đã có mẹ tôi lo. Từ ngày Tường gặp nạn, mẹ tôi đã ngưng buôn củi để ở nhà săn sóc nó. Mẹ tôi biết thừa tôi là đứa làm biếng và luôn tránh né những chuyện dơ bẩn.
Vì vậy, bà ngạc nhiên một cách sung sướng khi thấy tôi chăm thằng Tường hết sức chu đáo, không nề hà bất cứ chuyện gì, đặc biệt hơn nữa là thái độ lúc nào cũng vui vẻ – hình ảnh mà bà không nghĩ có thể nhìn thấy nơi tôi.
Một lần bà khen tôi, giọng cảm động:
- Mẹ không ngờ con thương em đến thế!
Dĩ nhiên là tôi không vui trước lời khen của mẹ tôi. Ngược lại, cảm giác tràn ngập người tôi lúc đó là sự xấu hổ. Nếu mẹ tôi biết chính tôi đã khiến thằng Tường ra nông nỗi này, chắc bà thất vọng về tôi lắm.
Rất may cho tôi, khi mẹ tôi thốt ra lời khen đó tôi và bà đang ở nhà trước nên câu nói không tới được tai thằng Tường.
Trong những ngày đó, người làng thay nhau tới thăm em tôi và an ủi mẹ tôi. Người cho nải chuối, người tặng quả cam, người đem tới hộp sữa đặt trên bàn. Làng nghèo, quà tặng chẳng có gì đáng giá nhưng tình cảm của mọi người cũng khiến mẹ tôi phần nào được khuây khỏa.
Chỉ có thằng Sơn là ngoại lệ. Buổi sáng ba nó vừa đem tặng mẹ tôi một chục trứng gà, buổi chiều tôi đã thấy nó đứng ngoài cửa sổ nhìn vô, cười toe toét.
- Mày đi đâu vậy? – Tôi ngờ vực hỏi khi thấy nó thò nửa người bên cửa sổ.
- Tao đi xem thằng Tường đã chết chưa. – Sơn nhếch môi, mắt nó không ngừng lục lọi chỗ Tường nằm.
- Đồ mất dạy! ̵