Gia Cát Hoài lần này đặc biệt trở về từ đất thuộc của Gia Cát gia, tuy ban đầu Gia Cát Mục Thanh từng trục xuất Gia Cát Nguyệt khi hắn gặp nạn, nhưng sau khi thấy con trai vinh quang trở về, trên dưới Gia Cát gia đều như vừa mắc bệnh dễ quên, lập tức phủi sạch mọi bất hòa hiềm khích từng có đối với Gia Cát Nguyệt. Vị huynh trưởng từng nhiều lần đối đầu với Gia Cát Nguyệt này cũng bị gia tộc ruồng rẫy vì thất bại trên chiến trường, bị đẩy đến một vùng đất thuộc xa tít tắp cũng đã ba năm rồi, bây giờ mới trở về.
Lần này hắn trở lại, dĩ nhiên là để tham dự hôn lễ của Gia Cát Nguyệt và Sở Kiều.
Một tháng trước, đoàn xe chở hồi môn của Sở Kiều đã hùng dũng qua cửa thành Chân Hoàng, một hàng dài thượt nhìn không thấy điểm cuối. Binh lính giữ cổng thành nhẩm tính sơ sơ thì đếm được khoảng hơn bốn trăm cỗ xe, binh lính hộ tống lên đến hơn năm vạn người. Chúng lễ quan của Biện Đường ăn vận trang trọng, lễ nghi hoàn toàn theo nghi thức hoàng gia.
Tiếng nhạc mừng tưng bừng náo động tận trời, lụa đỏ trải thẳng đến tận cửa phủ Tư mã, hoa tươi ngập trời, tráp vàng tráp bạc đầy ắp xe, ba ngàn cung nhân diễm lệ đi trước dẫn đường, hai vạn Tú lệ quân giáp trụ chỉnh tề cùng hai vạn Sói binh đi theo hộ vệ, khí thế vô cùng hiển hách, đến cả thiên tử lấy vợ, sắc phong hoàng hậu cũng không xa hoa long trọng như vậy.
Dân chúng thành Chân Hoàng nhìn mà choáng váng, ngay cả đám quan Hạ cũng trợn mắt há hốc mồm. Lý Sách mất hết hai năm chuẩn bị hồi môn cho nàng, khỏi nói cũng biết xa xỉ hoành tráng đến mức nào. Người không còn nhưng vẫn an bài mọi chuyện cho nàng, cho nàng vinh hoa vô thượng, không để nàng bị coi thường.
Gia Cát gia cũng nhất thời dựa vào quan hệ thông gia với Biện Đường mà nước lên thuyền lên theo, cả Gia Cát Mục Thanh bệnh tật lâu năm cũng trở về từ đất thuộc, ra sức hàn huyên với chúng lễ quan Biện Đường đến đưa dâu. Cũng chẳng biết Lý Sách đã dùng biện pháp gì mà lần tìm được vài thân thích xa lắc xa lơ của Kinh gia ngày xưa, đều dẫn đến hết. Mặc dù Sở Kiều chưa từng gặp mặt bọn họ, nhưng mấy lão gia phu nhân tóc bạc vừa nhìn thấy mặt nàng liền thất thanh khóc rống, thống thiết biểu lộ lòng thương nhớ dành cho nàng.
Mấy vị lão phu nhân của Kinh gia rồng rắn tiến vào phủ Tư mã, tuy Sở Kiều không có ấn tượng gì tốt với những người này nhưng Gia Cát Nguyệt vẫn dặn dò hạ nhân chiêu đãi khách thật tốt. Liên tiếp mấy ngày sau đó, Sở Kiều không thể đi đâu cả, mỗi ngày đều phải nghiêm chỉnh ngồi trong phòng lắng nghe bọn họ dạy dỗ lễ nghi phong tục sau khi tân hôn, dạy nàng trách nhiệm làm vợ, dạy nàng nên làm gì, không nên làm gì.
Tân hôn sắp đến nhưng nàng càng lúc càng trở nên bồn chồn không yên, dường như mọi ánh mắt trên thế gian đều hướng về phía này, chỉ có nàng là không cách nào bình tâm, cứ cảm thấy bên dưới sự xa hoa luôn ẩn giấu cơn sóng ngầm nào đó, khiến nàng luôn thấp thỏm.
Gia Cát Nguyệt trước khi đi có nói nàng bị chứng u sầu tiền hôn nhân. Nàng cũng chỉ có thể tự an ủi bản thân, chỉ mong thật sự là như vậy chứ không phải giác quan thứ sáu cảm thấy điềm không may gì đó.
Gia Cát Nguyệt đi rồi thì cảm giác bất an kia lại càng rõ rệt hơn. Chiến báo kỳ quái từ Bắc Yến kia, hành vi kích động của phe tham chiến trên triều càng khiến nàng như ngồi trên đống lửa. Nhưng nàng lại chẳng được cho biết gì cả, chỉ có thể cẩn thận phòng bị, lặng lẽ chờ Gia Cát Nguyệt, chờ ngày hôn lễ long trọng của bọn họ.
Gia Cát Hoài đến phủ được nàng tiếp đãi rất khách khí, hai người ngồi ở chính sảnh nói vài chuyện nhà cửa. Sở Kiều nghiêm chỉnh lắng nghe hắn nói chuyện sông núi dọc đường, kể lại mấy chuyện lý thú của Gia Cát Nguyệt hồi còn bé với dáng vẻ như một người huynh trưởng hiền từ.
Ngay sau hôm Gia Cát Hoài đến thăm thì chúng thiên kim tiểu thư của Gia Cát gia đồng loạt tới bái phỏng. Tam tiểu thư Gia Cát Tình vốn do đại phu nhân sinh ra, từ trước đến giờ cũng có chút địa vị trong phủ, hiện tại đã là thê tử của Hộ bộ thị lang Lưu Văn Sính. Lưu thị dòng dõi thư hương, cũng có địa vị khá cao trong chúng thế gia. Hôm nay nàng ta mang theo mấy muội muội còn chưa lấy chồng đến phủ Tư mã thăm hỏi, nhân tiện mời Sở Kiều đến tối cùng trở về phủ Gia Cát gặp gỡ các tỷ muội di nương còn lại.
Sở Kiều chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ có ngày lấy thân phận như hôm nay trở lại Gia Cát gia. Kiệu của nàng và mấy người Gia Cát Tình hạ xuống trước đại môn trang nghiêm cao vút của phủ Gia Cát, các vị phu nhân và di nương Gia Cát gia xếp thành hàng, nhìn thấy nàng thì đồng loạt hành lễ.
Dù sao đi nữa, thân phận hiện giờ của nàng không chỉ là thê tử chưa qua cửa của Gia Cát Nguyệt mà còn là Tú Lệ vương của Biện Đường, hưởng đãi ngộ dành cho thân vương, có đất phong riêng, tay nắm binh quyền. Trong mắt người ngoài, nàng gần như là chủ nhân thứ hai của Biện Đường vậy. Từ cổ chí kim, tuy những thế gia đại tộc như Gia Cát gia cũng từng kết thân với công chúa hoàng tộc, nhưng lại chưa người nào có thể cưới về nhà một thân vương của nước khác. Thế nên cũng khó trách vì sao người phủ Gia Cát lại muốn rầm rộ lo liệu chuyện hôn lễ đến như vậy.
Toàn bộ nữ quyến ở đây, ai cũng y phục lụa là, trang sức châu ngọc đầy người, mặt tươi cười nhìn Sở Kiều, tựa như chuyện xảy ra hơn mười năm trước chỉ là một giấc mộng, chưa từng xảy ra vậy.
Hôm nay trời trong nắng đẹp nên Sở Kiều chỉ mặc một chiếc váy màu xanh nhạt thêu hoa văn chìm, tóc búi thấp cài một chiếc trâm ngọc bích, nhìn đơn giản nhưng vẫn không hề mất đi quý khí.
Gặp mặt, hỏi thăm, hàn huyên rồi dùng bữa, như đều theo một trình tự được vạch sẵn, nên nói gì, nên có vẻ mặt như thế nào, tất cả đều được Sở Kiều biểu hiện không có gì để chê trách. Người đông nên không khí trên bàn tiệc hết sức vui vẻ náo nhiệt. Đi theo Sở Kiều cũng có mấy thiếu nữ của Kinh gia, những người này vốn không phải họ Kinh, chỉ là có người nhà kết hôn với họ hàng xa thật xa của người Kinh gia nên cũng được cho là thân thích của Kinh gia. Hiện tại bọn họ đi theo Sở Kiều với tư cách là người thân nhà mẹ đẻ, phần lớn rượu mời nàng đều được mấy ‘thân nhân nhà mẹ đẻ’ này đỡ hộ.
Dùng tiệc xong, tất cả cùng nhau đến nhà kính trồng hoa uống trà. Những tiểu thư thế gia ngày thường hay tìm mấy chuyện như thêu thùa thưởng hoa làm vui, giờ ngồi yên một chỗ thì không khỏi có hơi buồn chán, chỉ một lúc đã có người đề nghị lấy cảnh làm thơ.
Sở Kiều tất nhiên hiểu được mấy tiểu thư Gia Cát gia này đề nghị như vậy là muốn ra oai với mình. Người bên ngoài đều cho rằng nàng xuất thân nô lệ, gia tộc suy tàn từ sớm, nhờ có cơ duyên quen biết được mấy đại nhân vật nên mới được như bây giờ. Bảo một thường dân xuất thân nhà binh như nàng ngâm thơ, còn gì khác ngoài muốn nàng xấu mặt chứ?
Quả nhiên, ngoài một người có phụ thân là huyện lệnh nhỏ có thể miễn cưỡng làm một bài, phần lớn các tiểu thư Kinh gia đều không thông thạo văn thi. Đám tiểu thư của Gia Cát gia che miệng cười, trong mắt đầy vẻ hả hê.
Nếu là lúc