Đứng trước giang sơn, trước bá nghiệp, lý tưởng đều biến thành tro bay theo gió, mọi thề nguyền cũng như lá cuối thu, gió thổi liền bay sạch.
Đúng vậy, ai có thể vĩnh viễn không thay đổi chứ? Ngay cả nàng hôm nay, chẳng phải cũng đã khác xưa sao?
Nàng nhẹ quay đầu lại, Gia Cát Nguyệt vẫn đang ngủ. Nam nhân cố chấp này khi ngủ cũng nổi bật như vậy, mày vẫn nhíu, đôi con ngươi sâu thẳm đã bị mí mắt che phủ, thế nhưng lại càng làm nổi bật ngũ quan tinh tế, sống mũi cao thẳng, môi rất mỏng, đường nét rõ ràng.
Nghe nói nam nhân có tướng mạo như vậy trước giờ luôn là người bạc tình, hay suy tính thiệt hơn. Nhưng chỉ có người này là lại chấp nhất như vậy, để tâm đến từng chuyện nhỏ nhặt nhất, cố chấp đến mức khiến người khác đau lòng.
Trước đó Gia Cát Nguyệt có hỏi nàng từ đầu đã có ý định kia hay là phút cuối lương tâm cắn rứt mới đổi ý. Thật ra thì đến bây giờ chính nàng cũng không biết đáp án, lòng người là một mê cung thay đổi khó lường, khi đối mặt với vấn đề, ngươi có thể suy tính đến mấy trăm phương án, lúc này định thế nàynhưng một khắc sau cũng có thể đổi khác.
Nàng cảm thấy được, dường như bản thân cũng đã thay đổi. Nếu là Sở Kiều trước kia thì chắc chắn sẽ ở lại Đường Kinh, cho dù không thật sự trở thành hoàng phi của Lý Sách thì cũng sẽ lấy thân phận khách khanh* ở lại trong cung che chở cho con cái của Lý Sách bình an lớn lên.
*Khách khanh = từ cổ dùng để chỉ những người ở các nước chư hầu làm quan ở bổn quốc
Thế nhưng, trải qua nhiều năm như vậy, nàng đúng là vẫn còn chấp niệm không buông tay được.
Triều đình Biện Đường nhiều sóng gió, nhưng là loại sóng gió không dồn dập dữ dội ngoài mặt như ở Đại Hạ hay Bắc Yến, đó là loại sóng ngầm vô hình, được ẩn giấu dưới tầng tầng mưu kế cùng gió nam ấm áp, có thể giết người bất cứ lúc nào.
Nàng từng được chính miệng một lão thái y trong cung cho biết, phụ thân Lý Sách chết cũng là do mẫu thân hắn.
Đã rất nhiều năm, bà luôn cố gắng hại chết Đường hoàng, dùng đủ mọi loại thủ đoạn tồi tệ nhất: đầu độc, ám sát… Cũng có mấy lần suýt thành công nhưng lão hoàng đế luôn che giấu cho bà, không để lộ ra ngoài. Ông đã từng tức giận dùng Lý Lạc để uy hiếp bà, bắt mẫu tộc của bà làm con tin, trắng trợn sủng ái phi tần khác, cấm túc bà, thậm chí còn ba lần đày bà vào lãnh cung. Nhưng ông vẫn không thắng được trái tim mình, về già ông giải tán toàn bộ cung phi, chỉ chừa lại một mình bà, yêu thương chăm sóc bà có thừa, mà bà cũng hình như dần được cảm hóa, đó là những năm ông thấy mình hạnh phúc nhất.
Nhưng cuối cùng ông vẫn chết trên tay của bà. Ăn phải độc khi mớm thuốc cho bà, phát độc mà chết.
Lúc đó ông mới biết được, thì ra bà đã sớm có ý chết. Nhiều năm qua, mỗi ngày bà luôn nuốt một ít độc khiến thân thể suy yếu. Lúc ngã bệnh, trước khi ông vào phòng, bã đã uống sẵn thuốc giải rồi ngậm đủ loại kỳ độc trong miệng, chờ đợi ông sơ ý để hạ thủ.
Đường hoàng cuối cùng vẫn chết, chết trong tay nữ nhân ông yêu cả đời. Mặc dù ông đề phòng cả đời nhưng cuối cùng vẫn không thắng được sự kiên nhẫn của bà. Song ông vẫn không đành lòng giết bà, chỉ lưu lại di chiếu buộc bà xuất cung đến An Ẩn tự lễ Phật, cả đời không được bước vào cung nửa bước. Người ngoài chỉ nói hoàng đế và hoàng hậu phu thê tình thâm, không hề biết hoàng đế làm vậy chỉ vì muốn bảo vệ đứa con trai duy nhất của mình.
Nhưng bí ẩn cung đình này vẫn bị Chiêm Tử Du biết được thông qua Chiêm quý phi. Sau khi ám sát Lý Sách bất thành, Chiêm Tử Du đã tự mình mang thái hậu ra khỏi An Ẩn tự, âm thầm đưa vào cung, mượn tay người phụ nữ không ai có thể đề phòng này giết chết Lý Sách.
Diêu thái hậu biết tin Lý Sách chết liền lập tức tự sát. Sở Kiều không rõ tâm tình của bà khi ấy là như thế nào, là sung sướng vì đã báo được thù hay là cảm giác hối hận bất đắc dĩ sau khi giết chính con mình? Người này cố chấp đến mức cực đoan, vì nợ máu năm đó mà bất chấp tất cả, đích thân giết chết hai nam nhân yêu thương mình nhất đời. Không rõ ở khoảnh khắc cuối cùng, bà có cười thành tiếng vì đã được toại nguyện hay không?
Có lẽ là không, dù sao thì trả được thù cho trượng phu và con trai, bà cũng đồng thời giết chết một trượng phu và đứa con khác. Một đoạn ân oán tình thù này đã chôn vùi cuộc sống của biết bao người.
Sau khi Diêu hoàng hậu chết, bà được mang đến hợp táng cùng Hi Tông hoàng đế. Bọn họ khi còn sống không ngừng tranh đấu, ám toán, mưu sát, căm hận, ân oán dây đưa suốt cả đời, cuối cùng lại làm bạn với nhau trong hoàng lăng vắng lặng, không người nào, không thế lực nào có thể tách hai người ra nữa.
Sở Kiều không rõ năm đó đã xảy ra chuyện gì, cũng không hiểu vì sao Diêu hoàng hậu lại có hận ý đang sợ như vậy. Nhưng đôi lúc nàng vẫn cảm thấy, có lẽ tận đáy lòng Diêu hoàng hậu vẫn có tình mẫu tử đối với Lý Sách. Nàng vẫn còn nhớ rõ hôm đó, sau giờ Ngọ nắng chói chang, người phụ nữ có diện mạo ôn hòa khẽ chau mày nói với nàng: “Hắn nói muốn thờ phật Hoan Hỉ, haiz, ta thật sự… Ngươi có rảnh thì lựa lời khuyên nhủ hắn, hắn dù sao cũng là thái tử, không thể càn quấy như vậy được.”
Chẳng qua, cái chết của Lạc vương cuối cùng đã tiêu hủy chút tình thương này. Lý trí bà rốt cuộc vẫn bị tâm ma của bản thân cắn nuốt, cuối cùng táng thân trong chốn hoàng cung ăn thịt người này.
Sau khi Lý Sách chết, triều chính không yên, trong có quyền thần làm loạn, ngoài có hoàng thân thèm thuồng. Sở Kiều lúc đó, bằng binh lực trong kinh và Tú lệ quân cũng có thể áp chế Trung ương quân và tiêu diệt huynh muội Chiêm Tử Du.
Nhưng như vậy đám người Tĩnh An vương sẽ tuyệt đối không khởi binh. Đối với tiểu hoàng đế, giữ lại đám phiên vương này sớm muộn gì cũng như nuôi hổ trong nhà. Nhưng tân đế vừa lên ngôi, tối kỵ nhất là giết chóc vô tội vạ. Cho nên Sở Kiều mới tương kế tựu kế, trước để Chiêm Tử Du tự ý chiếm quyền rồi nhanh chóng trừ bỏ, mượn công bình loạn cộng thêm kích thích Tôn Đệ ủng hộ nàng được phong phi, khiến đám người Tĩnh An vương rục rịch dấy binh, sau đó mới thông qua sắp đặt của Lý Sách trước khi chết một lần giải quyết nguy cơ nội loạn tiềm ẩn trong hai mươi năm tới của Biệt Đường. Hai mươi năm nữa thì Nghi Nhi đã trưởng thành, sẽ đủ năng lực ứng phó mưa gió rồi.
Có điều khi ấy nàng cũng không hẳn không có ý định ở lại bảo vệ Biện Đường sau khi bình loạn.
Tối hôm đó, Thanh Thanh lấy ra hai quả dưa đất Gia Cát Nguyệt phái người đưa tới đem nướng. Hương vị rất thơm, thơm đến mức khiến tim nàng mềm nhũn.
Thanh Thanh ngồi trên băng ghế ngoài sân lột vỏ dưa, vừa cẩn thận lột vừa lầm bầm: “Thanh Hải nhất định rất lạnh, bằng không vỏ dưa này đâu có dày như vậy.”
Nghe thấy, tim nàng chợt nhói đau, trong đầu lại nhớ đến cảnh ở hồ băng ngày đó, khuôn mặt trắng bệch của Gia Cát Nguyệt, hắn liên tục viết lên tay nàng dòng chữ: Phải sống… phải sống…
Lòng người như mê cung thay đổi khó lường, nhưng dẫu trong đầu