Mỗi khi nhớ về quê hương, điều gì khiến bạn nhớ nhất. Đó là mùi nồng nồng của hạt lúa tròn mẩy được mùa, là mùi tanh tanh của đất, mùi ngòn ngọt của nắng vàng như mật ong hay mùi mặn mặn của muối được nắng của những ngư dân diêm dân. Dù đi đâu xa cũng chẳng thể quên được những điều đã làm nên tuổi thơ, làm nên đặc trưng của quê hương ấy. Có lẽ với những người con xa quê thì nỗi nhớ ấy càng hoang hoải màu giấc mơ xa.
***
Được nghỉ vài ngày, tôi tự cho phép mình được ăn, được ngủ, được cuộn tròn trong chăn ấm để kéo dài thêm những giấc mơ. Thế nhưng ngày hè vội vã đến, vùng sáng phương đông mỗi lúc thêm trải rộng khiến cho không khí ẩm ướt mang hơi thở lanh lạnh của đêm không còn nữa. Nó nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp của buổi sớm mai tinh khiết và trong trẻo. Nắng xuyên qua những cành cây khẽ lá, băng qua những mái nhà rồi lọt thỏm vào những ô cửa sổ.
Tôi đưa tay hứng từng giọt nắng, háo hức đến nỗi muốn gom cả nắng vào trong phòng. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ đến câu nói của Nhi “Ở quê mình có nắng sướng thật, từ ngày tao đi lấy chồng xa, nơi phố núi đầy sương, chẳng còn cảm nhận được cái nắng dịu dàng, nhẹ nhàng, thanh khiết của một buổi sớm mai trong lành”.
Có lẽ, trong tiềm thức của nhiều người, cái nắng của những ngày hè đỏ lửa chỉ gây ra những cảm giác khó chịu khiến người ta phải bực mình, cáu gắt. Người ta không thích áo mình ướt đẫm mồ hôi vì nắng, không thích làn da sạm đen vì nắng, không muốn bị cảm vì phải say nắng. Riêng Nhi, cái nắng vàng rực rỡ của những ngày hè ở quê hương là cả một vùng trời kỉ niệm.

Gia đình Nhi làm nghề muối, cái nghề mà người đời hay gọi là “diêm dân”, cứ vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 trong năm, diêm dân đi làm từ rất sớm. Ba Nhi thường kể “Muốn làm muối cần phải có ba yếu tố quan trọng đó là phải chọn nơi có nước biển mặn hơn nước biển bình thường, hai là phải có gió và điều đặc biệt nữa là phải có nắng, nắng càng rực rỡ càng tốt”, vì trời càng nắng nóng, những mẻ muối càng kết tinh và khô nhanh hơn. Chính vì thế mà Nhi yêu cái nắng quê mình bởi có nắng gia đình Nhi có thêm tiền để trang trải cho cuộc sống. Có nắng chị em Nhi được mặc quần áo đẹp, được đi học trên một chiếc xe đạp mới.
Người ta thường nói: “Làm muối chỉ gói gọn trong một ngày. Sáng cấy, chiều gặt, chưa bao giờ thấy nghề nào ngon ăn như nghề này”. Chẳng biết có “ngon ăn” hay không, khi cái nghề luôn phụ thuộc vào thời tiết, quanh năm bán mặt cho nước biển, bán lưng cho trời. Để làm ra những hạt muối “ngon lành”, từ công đoạn đầu tiên cho đến khi thu hoạch là cả một quá trình vất vả, khó nhọc bắt đầu từ việc làm đất, đào kênh, be bờ đắp đập, ngăn ô để tạo thành ruộng muối, rồi đến công đoạn dẫn nước biển vào từng ô phơi cho đến khi nước bay hơi, tạo thành tảng băng trên mặt ruộng gọi là muối nền, sau đó tiếp tục bơm nước biển vào và phơi cho đến khi nước bay hơn chỉ còn lại những hạt muối trắng tinh. Lúc bây giờ có thể thu hoạch được bằng cách cào lại thành từng ụ, từng đống rồi gánh về nơi “tập kết”.
Vất vả là thế nhưng giá muối thì “rẻ như bèo”, có năm chỉ có vài trăm đồng một ký. Đó là chưa kể có những hôm đến lúc gần thu hoạch, bỗng dưng trời “chuyển dạ”, thế là bao nhiêu mồ hôi nước mắt đều tan chảy trong màn mưa. Vì làm mãi chẳng đủ ăn nên nhiều người đã rời bỏ quê hương, đi tha phương cầu thực. Nhiều lần ba Nhi cũng có ý định muốn bỏ nghề, nhưng vì đã quen với cái nắng cái gió của quê hương nên ông vẫn duy trì nghề muối truyền thống của gia đình.

Những công đoạn cũng như những khó khăn vất vả của nghề làm muối, tôi đã được Nhi kể cho nghe rất nhiều lần, mà lần nào Nhi cũng nhấn mạnh “Mày không biết đâu, dưới ánh nắng hè gay gắt, trên từng thửa ruộng “trồng” muối, những người làm muối như ba tao luôn phơi mình trong cái nắng om da cháy thịt nhưng họ vẫn nở nụ cười”. Nụ cười ấy Nhi luôn gọi là “Nụ cười tỏa nắng”, nụ cười của tình yêu thương.
Bây giờ, Nhi lấy chồng xa nên ít về thăm quê, có năm chỉ về hơn một lần, mà lần nào cũng vội vội vàng vàng, gặp tôi chưa cạn tách cà phê đã nói lời tạm biệt. Có lúc, tôi giận, không thèm nói chuyện với Nhi nhưng nghĩ lại, cuộc sống vốn là thế, ngày trước, hai chúng tôi có thể ngồi với nhau hàn huyên tâm sự mà không cần chú ý đến thời gian. Giờ thì khác, Nhi đã lập gia đình, không thể sống theo sở thích của bản thân. Dường như, mọi ước mơ, hoài bão của những tháng ngày áo trắng đều xếp lại trong ngăn tủ, lâu lâu kéo ra để hoài niềm, để nhớ nhung, để thèm khát rồi lại tiếp tục với cuộc sống thường nhật. Đôi lúc, tôi cũng thương cho Nhi, thương cho những giấc mơ đã hoang hoải bạc màu.
Nhiều khi, nghe nó gọi điện hỏi thăm: “Dạy dỗ như thế nào rồi cô nương?”, tôi liền kể một mạch. “Năm nay là năm đầu tiên mình được chủ nhiệm, lớp có 43 đứa gồm 17 nam, 26 nữ. Em nào nhìn cũng dễ thương lại ngoan hiền.” Tôi say sưa nói về những tiết học đầu tiên, hân hoan khi kể về những buổi ngoại khóa. Nghe tôi kể mà Nhi không biết chán cứ hỏi mãi, hỏi mãi “Rồi sao nữa, sao nữa?”. Những lúc như vậy, tôi biết rằng, mình đang thực hiện giấc mơ của Nhi. Và mỗi khi kết thúc cuộc gọi lúc nào Nhi cũng hỏi tôi một câu “Hôm nay, quê mình có nắng không?”. Tôi liền trả lời ngay “Hôm nay, có nắng vàng rực rỡ”
© Mai Ly – thichdoctruyen.yn.lt
Chương trình Family Radio do giọng đọc Lan Phương cùng nhóm Blog Radio thực hiện, phát trực tuyến tại chuyên trang thichdoctruyen.yn.lt, đồng phát tại kênh youtube.com/yeublogradio.