uống. Duyên nợ họ là vậy. Tịnh hỏi sao má không bỏ ba đi luôn phức cho rồi. “Đi rồi bỏ tụi bây cho ai. Mà dẫn tụi bây đi ổng chặt đầu tao. Chết có sợ gì nhưng sợ con mồ côi. Chỉ khi nào chịu hết nổi, chết phức thì thôi.”. Vậy là họ sống với nhau, để lại ám ảnh cho chị em Tịnh. Tịnh không biết từ khi nào mình lại nhìn ba như nhìn một người xa lạ. Ba thấy điều đó. Một lần ba đi xa hai tháng. Cả nhà được hai tháng bình yên… Rồi Ba về út Ti không mừng ba. Tịnh không muốn, cô vẫn nhìn ba như nhìn cái giọt mưa lớn chảy giữa mùng lúc nửa đêm, như nhìn bà chủ vựa gạo đứng chống nạnh hỏi “chừng nào mấy người mới chịu trả hết tiền gạo”. Ba đã mang theo ánh mắt đó đi rồi. Khi ông chưa bước tới cửa năm mươi. Mắt Tịnh khô queo. Tịnh lại úp mặt xuống sông. Mày nói đi, ba mày chết trẻ mà mày vắt không ra nước mắt là sao? Nói đi. Ngày đám ma ba chỉ có má khóc. Người hu hu theo má là Út Ti. Nó là đứa ăn theo vô tư nhất. Mấy đứa em kế Tịnh mỗi đứa một tô cơm, ngồi múc ăn tỉnh queo. Ăn xong tụi nó chơi năm mười giữa đám khách khứa. Lúc đó Tịnh mười lăm. * Từ cái nhìn của Quý, Tịnh đã chạy thẳng tới chỗ đám đậu. Cô ngừng lại nhìn nó. Đám đậu xơ xác. Những cái lá xòe ra cho sâu cắn tả tơi, loang lổ. Lá đang sống thành lá khô ngay trên cây. Mấy con sâu ỉa lại trên đọt non những đống cức màu xanh sậm. Không còn chút gì sức sống. Có phải kiếp trước tụi bây là một đám cà độc dược, ăn tới đâu khùng tới đó. Tịnh không khóc nữa dù trong lòng cô các thứ đang đầy vung, sắp trào, sắp bung ra. -Con ai đây, ngồi đây chi? Một giọng lạnh băng. Ông ta vác một cái bừa, bên cạnh một con bò lớn. Cô lẳng lặng đứng lên, nhấn bàn đạp chiếc xe quen thuộc. Nó è ạch lăn bánh. Đạp được một khúc cô ngừng lại. Người nông dân vác bừa vô đám đậu làm gì? Ông vừa gác ách lên cổ bò. Ông đi vòng sau cây bừa, quất một roi, con bò rảo bước. Dưới hàng lưỡi bừa của ông, mấy cây đậu tả tơi lật ngang, ngã quẹp dưới một lớp đất. Cô la lên: -Chú, sao lại bừa trong đậu. -Còi cọc hết rồi, để chi? -Nó có muốn vậy đâu. Ông quắc mắt nhìn Tịnh. Cô có ba trợn không. Ông đã hỏi Tịnh câu đó bằng mắt. Tịnh biết là mình vô phương cứu được đám đậu. Không biết người nông dân thấy gì trong mắt Tịnh lại dịu giọng. - Sâu bệnh dữ quá, trồng cực mà không có trái chăng gì đâu. Phải phá bỏ trồng ngò rí. Ngò đang có giá. -Đáng ra chú đừng trồng nó. Trồng chi rồi… - Mắc mớ gì cô? - Không mắc gì hết. Ông cày đi. -Cô có sao trong mình không? Mặt Tịnh lạnh tanh. Ví như ông có chửi Tịnh đồ khùng, đồ quỷ cái Tịnh cũng thấy thường. Tịnh quen rồi. Tịnh không giận đâu. Có lúc cô còn chửi mình thậm tệ hơn. Người nông dân không nhìn Tịnh nữa. Ông quất roi vô đít con bò. “Hậy”. Một đường bừa mới nhanh chóng hiện lên. Đất cồn đỏ ao. Nó không nuôi lớn được những cây non mùa nghịch. Tịnh cũng như mấy cây non nầy. Trong khi cô không phải được ươm trong màu đỏ đất cồn. Cô giống như mọc trong một cái chậu đầy đá. Rồi mưa gió sâu bệnh trùm lên. Sẽ còn giông tố. Tịnh có cảm giác do mình. Do má lỡ đẻ ra con nhỏ có tướng ô dề như mình mà má khổ từ khi có chồng tới khi chồng chết? Giờ có sung sướng gì đâu. Một mình làm mẹ làm cha của bầy con nheo nhóc. Nghèo ho ra bụi. Đêm đó mưa dầm cho tới sáng. Mưa xối lên tấm nhựa da rắn che nóc mùng chảy có giọt ngay bên hông Tịnh. Tịnh nằm trong mùng nhìn dòng nước. Giống mình ngủ kế một con thác nhỏ. Tịnh chiêm bao thấy những cây đậu bị lưỡi bừa dập xuống đất. Trận mưa tràn lên, úng lầy từ gốc tới ngọn. Cô biết là cuộc đời cô cũng như vậy đó. Mãi mãi cô cũng không có được nụ cười như một cô gái bình thường. Nói gì cao sang như Nhã. Tâm hồn cô đã bị sâu bọ moi móc hết mấy phần. Ngừời ta chỉ muốn bừa cho nó bật gốc. Quý là người muốn Tịnh bật gốc sớm hơn ai hết. Má không hay cô bỏ học. Bà phải lo cái hủ gạo lúc nào cũng trơ đáy. Chiều ngày thứ Ba, tiếng của bạn lớp trưởng hỏi nhà ngoài đầu đường. Tịnh lẻn cửa sau đi khỏi nhà. Tịnh không muốn nhìn thấy đám đậu nữa. Nhưng cô không biết mình nên đi đâu. Cô muốn đối đầu với nó. Nó đáng bị như vậy vì ông trời đâu có biểu nó đẻ trong mùa này. Nó chết hết cũng tốt. Cô có mất hết tương lai cũng không sao. Cô không muốn mình có tương lai. Đi đâu cô cũng nhớ ánh mắt bất lực của ba lúc sắp lìa đời. Lúc bưng cơm cúng ba, cô không dám nhìn hình ba trên bàn thờ. Những con sâu rồi cũng không còn muốn cắn xé nó. Coi đó, nó còi cọc như vậy mà. Hình như còn 12»
Đánh giá
Đánh giá